Bên cạnh ý nghĩa nhân văn, mỗi cuốn sách còn đem lại cho bạn một cái nhìn sâu sắc hơn và làm dày vốn hiểu biết của bạn về các nền văn hóa trên thế giới thông qua bối cảnh của mỗi câu chuyện. Dưới đây là 9 cuốn sách về văn hóa thế giới giúp bạn ngồi một chỗ nhưng vẫn cảm được tiếng nói văn hóa đa dạng từ khắp nơi trên hành tinh này.
Người đua diều – Khaled Hosseini
Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện của Hosseini về sự phản bội và chuộc tội, được bao quanh bởi bối cảnh quá khứ đầy bi kịch của Afghanistan. Thông qua lời tự thuật của Amir – con trai một thương nhân Kabul giàu có về những năm tháng thơ ấu cùng lỗi lầm mà anh đã gây ra với Hassan, con trai người quản gia của gia đình, hiện lên là câu chuyện về tình bạn và tình yêu gia đình cùng những ý nghĩa nhân văn cao cả như sức mạnh của việc đọc, cái giá của sự phản bội, sự chuộc tội và sự khám phá về mối quan hệ của người cha với con trai – tình yêu thương, sự hi sinh, sự lừa dối.
Qua cuốn sách, người ta nhìn thấy một Afghanistan hoàn toàn khác, một Afghanistan bên cạnh những khói lửa đạn bom và những thành phố đổ nát hoang tàn, còn là một Afghanistan với những góc nhỏ thanh bình, những truyền thống văn hóa lâu đời, một Afghanistan với những con người cao thượng và kiêu hãnh, một Afghanistan tươi đẹp, đã từng tồn tại và đã bị hủy diệt.
Kẻ trộm sách – Markus Zusak
Lấy bối cảnh tại thời Đức quốc xã, trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, câu chuyện kể về Liesel Meminger – một đứa trẻ được nhận nuôi sống ở ngoại ô Munich. Bố mẹ ruột cô bé bị đưa đến trại tập trung, em trai đã chết trên đường cùng em đến nhà bố mẹ nuôi. Cô bé lớn lên trong sự yêu thương của Bố, sự khắc nghiệt của Mẹ, sự khủng khiếp của bom đạn và sự cuốn hút của những quyển sách. Với Liesel, những cuốn sách có một sự hấp dẫn kì lạ và cô bé không thể kháng cự lại mong muốn được lấy trộm chúng. Cùng với sự giúp đỡ của người cha nuôi, cô bé học cách để đọc và chia sẻ những cuốn sách mà mình đã đọc với những người hàng xóm khi ở dưới hầm trú đạn, cũng như với người đàn ông Do Thái được che chở dưới tầng hầm nhà cô bé để tránh sự thảm sát của Đức quốc xã.
Kẻ trộm sách là câu chuyện không thể nào quên được về khả năng diệu kì của sách trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, câu chuyện về chiến tranh, tình người trong một thời kì không thể nào quên của lịch sử nhân loại.
Ăn, cầu nguyện, yêu – Elizabeth Gilbert
Bước vào tuổi ba mươi, Liz (tên gọi thân mật của Elizabeth) dường như trở thành mẫu phụ nữ hoàn hảo trong con mắt của những người xung quanh: xinh đẹp với nhiều đàn ông vây quanh, có một sự nghiệp thành đạt và một gia đình yên ổn. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Elizabeth cảm thấy mất tự do trong ngôi nhà của chính mình, và cuộc ly dị, sau đó là một người tình trẻ đẹp cũng không giúp cô thoát khỏi vấn đề của bản thân. Từ bỏ tất cả, Liz bắt đầu hành trình tìm kiếm cái tôi, tự do và hạnh phúc đích thực.
Con đường kiếm tìm tự do và hạnh phúc của Liz trải dài qua 3 lãnh thổ văn hóa độc đáo, mà cô đặt tên cho từng chặng: Ăn (Italy), Cầu nguyện (Ấn Độ) và Yêu (đảo Bali, Indonesia). Người đọc sẽ cùng được chủ động chứng nghiệm những nét văn hóa độc đáo đồng thời với sự trưởng thành về tâm lý và tâm hồn của chính bản thân cô từ những biểu hiện văn hóa đó.
Hồi ức của một Geisha – Arthur Golden
Nhân vật chính trong câu chuyện là cô bé Chiyo, mới 9 tuổi đã bị bán vào kỹ viện. Tuổi thơ cực khổ, tủi nhục của cô là một quá trình vươn lên đầy nghị lực để trở thành nàng geisha tài danh nổi tiếng. Một nàng geisha làm say đắm bao quý ông quyền lực, giàu sang song cũng là người cô đơn và đau khổ với tình yêu đơn phương ngoài tầm với, một tình yêu bị ngăn cấm bởi thân phận “geisha”.
Lấy bối cảnh xã hội Nhật Bản trước thế chiến thứ hai, giai đoạn những người phụ nữ mang chức phận geisha được coi là biểu trưng của tài hoa, mực thước, mang lại niềm vui cho những quý ông bằng tiếng đàn, điệu múa, lối ăn nói hoạt bát, duyên dáng… câu chuyện đem lại cho người đọc cái nhìn về thân phận của những “geisha” – được yêu quý, trọng vọng, nhưng theo quy luật của nghề nghiệp, họ phải chôn chặt những khát khao thầm kín, ngay cả tình yêu trong thế giới đầy “chuẩn mực”. Tất cả để tôn vinh nghề “làm đẹp cho đời chứ không phải kinh doanh thân xác”.
Cuộc đời của Pi – Yann Martel
Tác phẩm kể về cậu bé Piscine Molitor Patel (Pi). Pi là con trai của một chủ vườn thú tại vùng Pondicherry của Ấn Độ. Cậu say mê tôn giáo và cùng một lúc theo cả đạo Hindu, đạo Hồi và đạo Thiên Chúa. Để tránh những biến cố chính trị, gia đình cậu chuyển toàn bộ vườn thú tới Canada trên một con tàu của Nhật Bản có tên là Tsimtsum. Con tàu đã gặp một cơn bão lớn và chìm, còn Pi lạc mất gia đình mình, cậu sống sót trên chiếc thuyền cứu hộ cùng một con hổ Bengal có tên Richard Parker, một con linh cẩu, một con đười ươi và một con ngựa vằn. Cuối cùng, chỉ còn lại con hổ và cậu lênh đênh trên biển. Pi đã lang thang trên đại dương suốt 227 ngày, hy vọng rồi tuyệt vọng, trải qua những điều hài hước nhất, kinh khủng nhất, hoang tưởng nhất, đáng sợ nhất…mà một con người có thể gặp trong đời.
Bên cạnh trí tưởng tượng không giới hạn và nghệ thuật kể chuyện bậc thầy, Yann Martel với những hiểu biết dày dặn và trải nghiệm sâu rộng còn đem lại cho người đọc một cái nhìn gần gũi hơn về tôn giáo cũng như những nét đặc trưng của văn hóa Ấn Độ.
Cô gái có hình xăm rồng – Stieg Larsson
Henrik Vanger, người đứng đầu dòng họ Vanger danh giá, đã ở tuổi ngoài 80 nhưng vẫn quyết tìm ra sự thật đằng sau vụ mất tích của cô cháu gái Harriet. Mikael Blomkvist, một hiệp sĩ trong làng báo, bị tổn hại uy tín trong một vụ vu cáo, được thuê để đào xới tận gốc câu chuyện về Harriet. Lisbeth Salander, một cô gái 24 tuổi mình mẩy đầy xăm trổ, một hacker thiên tài sở hữu sự khôn ngoan của một người gấp đôi tuổi mình. Bộ đôi kỳ quặc Blomkvist và Salander đã phát hiện ra mạch tội ác xấu xa tưởng chừng như vĩnh viễn bị che đậy trong dòng họ Vanger, những mánh tham nhũng bẩn thỉu ở đỉnh cao ngành công nghiệp Thụy Điển… tất cả lớp lang đan cài vào nhau như định mệnh.
Qua cuốn tiểu thuyết, những vấn đề sâu sắc nhất về mặt trái của xã hội Thụy Điển đã được phơi bày không khoan nhượng.
Anh em nhà Karamazov – Fyodor Dostoyesky
Câu chuyện được lấy bối cảnh ở nước Nga những năm 70 hết sức phức tạp và đau thương. Sau cuộc cải cách nông thôn năm 1861, quan hệ tư bản phát triển mãnh liệt ở Nga, nông thôn tan rã, nông dân phá sản, bần cùng hoá, kéo ra thành thị để trở thành người làm thuê cho các chủ xưởng máy bóc lột tàn nhẫn. Đồng thời, đây cùng là thời kỳ mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt, ý thức cách mạng của quần chúng lao động phát triển sâu sắc thêm, phong trào phản đối dấy lên trong nông dân, trí thức, nhằm chống bóc lột chống sự chuyên chế của chế độ Sa hoàng và sự lộng quyền của cảnh sát. Nói cách khác là những năm tình thế cách mạng.
Trong hoàn cảnh nóng bỏng ấy, trước sự rạn nứt của mọi nền móng xã hội và bóng dáng của cuộc cách mạng xã hội đã hiện rõ, đau đớn nhìn thấy những đau khổ tột cùng của nhân dân, Dostoievsky đã viết tác phẩm lớn nhất của ông về tình trạng hỗn loạn xã hội khúc xạ qua sự tan rã gia đình, về sự tìm kiếm “ý nghĩa của tồn tại” ở những con người đại diện cho các thế hệ thuộc quá khứ, hiện tại và tương lai của nước Nga, về những đau khổ vô lượng của nhân dân, về những con đường có thể có để đi đến hoà đồng xã hội.
Người Dublin – James Joyce
Với Người Dublin, Joyce đã lấy những mảng đen tối của cuộc sống đương đại, của phong trào đòi độc lập từ Anh đang lên cao tại Ireland và những bí ẩn trong tâm lí con người làm bối cảnh hư cấu hoặc biến nó thành một tiêu điểm để chiếm lĩnh, phân tích.
Một Dublin hiện lên với những đường phố, nhà thờ, quán rượu, sòng bạc…cùng tiếng nói cười ồn ã, xô bồ của những con người sống trong những không gian chật chội, xám xịt, trong những khoảnh khắc ngày đêm bất chợt. Các nhân vật của Người Dublin đang cố gắng giãy giụa, vượt thoát khỏi cuộc sống thường ngày đáng chán. Ai vượt qua, người đó sẽ là anh hùng như Ulysses. Anh hùng, trong đời sống hàng ngày, trong từng thời khắc sống.
Có thể nói, người Dublin chính là một tập truyện ngắn day dứt lòng người với những bí ẩn, những khoảng tối tăm nơi tâm hồn con người trong cái xã hội tê liệt, tù đọng, dối trá, đói khổ đồng thời khắc họa những nét phong cảnh và văn hóa rất riêng của đất nước Ireland.
Thiếu nữ đánh cờ vây – Sơn Táp
Bối cảnh câu chuyện diễn ra vào những năm 30 thế kỷ 20, khi mà tình hình chiến sự Trung – Nhật trở nên căng thẳng. Nội dung câu chuyện là lời tự thuật xen kẽ của hai nhân vật: một là của một sĩ quan Nhật Bản và một là của cô gái trẻ người Trung Quốc. Viên binh sĩ sinh trưởng trong một gia đình danh giá, bản thân chàng trai là một con người yêu nước nhưng kiêu ngạo và có phần sợ sệt trước cảnh lính Nhật tra tấn người Trung Quốc. Còn cô gái là một cô gái trẻ mới lớn sinh sống ở Mãn Châu, quan tâm nhiều về bản thân hơn tình hình chiến sự xung quanh. Mối dây liên kết hai con người này là những ván cờ vây ở quảng trường Thiên Phong.
Và cùng với những trận cờ, cuộc đời phong kín của họ dần dần lộ ra, thay đổi, một mối tình không ai nói, với những thế cờ khiến họ xích lại gần hơn số phận dị thường của họ. Sự điềm nhiên của thiếu nữ và những quân cờ trên quảng trường cuối cùng không thoát khỏi sự xô đẩy của cuộc chiến. Nàng gặp lại kỳ thủ của mình trong một tình huống oái oăm hơn bất cứ thế cờ nào mà họ từng đối mặt, và chỉ có cái chết mới giúp hai người được an lành với tình yêu của mình giữa cuộc chiến thảm khốc ấy.
Bên cạnh đó, bao quanh câu chuyện tình yêu đáng thương là những nét văn hóa Trung Hoa độc đáo như hình ảnh ván cờ vây, cuộn lụa đỏ,… chắc chắn sẽ khiến những người mê đắm đất nước Trung Hoa không khỏi cảm thấy thích thú.
– Trạm Đọc tổng hợp –