Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 30
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 5 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): các chứng nhận học thêm bên ngoài
- Số giờ làm hằng tuần: 40-50 giờ/ tuần
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): 100 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
- Trách nhiệm chính của tôi ở công việc tư vấn tuyển sinh là phải hiểu rõ tất cả chương trình đào tạo của trường, lộ trình học tập của sinh viên cũng như đề án tuyển sinh hàng năm của trường nhằm mục đích tư vấn và định hướng rõ ràng cho các bạn học sinh, phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm; từ đó lôi cuốn các đối tượng này lựa chọn trường để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm mà Ban Giám Hiệu đặt ra.
- Công việc này sẽ giúp trường đảm bảo được các bạn học sinh và gia đình của họ nắm rõ về việc học tập tại trường trước khi nhập học, giúp gia tăng hình ảnh hỗ trợ cộng đồng của trường qua các hoạt động hướng nghiệp, đồng thời giúp nhà trường tăng trưởng số lượng sinh viên hàng năm.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Sau khi tự cho chính mình một thời gian ngắn để nghỉ ngơi kể từ lúc kết thúc công việc trước đó, tôi được một người bạn giới thiệu về công việc này cùng các chế độ chính sách đi kèm. Tôi cảm thấy khá hài lòng về chính sách lương thưởng này, đồng thời cảm thấy công việc ấy hoàn toàn phù hợp với kinh nghiệm và năng lực của tôi nên tôi đã chọn để bắt đầu một công việc mới.
Bạn bè là đối tượng ảnh hưởng tới định hướng của tôi nhiều nhất, khi đưa ra quyết định tôi luôn luôn hỏi ý kiến bạn bè của mình và đến giờ vẫn vậy.
Sau khi tốt nghiệp, tôi làm cho một Viện nghiên cứu Quản trị Kinh doanh với vai trò trợ giảng và dự định sau này sẽ làm giảng viên. Trong quá trình làm trợ giảng, tôi đã cảm thấy hứng thú với công việc tuyển sinh và tổ chức lớp học, vì thế tôi đã xin làm song song 2 công việc. Công việc tại trường hiện tại là công việc tiếp theo sau khi tôi ngừng làm việc ở Viện. Nếu để chọn lại tôi vẫn sẽ chọn công việc này.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
8:00 – 8:30 | Ăn sáng và trao đổi với đồng nghiệp về các vấn đề rắc rối hiện tại |
8:30 – 9:00 | Gọi điện thoại tư vấn cho các em học sinh đã đăng ký thông tin cho trường |
9:00 – 11:30 | Cập nhật các thông tin về thi THPT Quốc Gia và thông tin tuyển sinh các trường Đại Học/Cao Đẳng |
11:30 – 13h30 | Gọi điện thoại tư vấn cho các em học sinh đã đăng ký thông tin cho trường |
13h30 – 15:00 | Cập nhật các thông tin về thi THPT Quốc Gia và thông tin tuyển sinh các trường Đại Học/Cao Đẳng |
15:00 – 16:00 | Gọi điện thoại tư vấn cho các em học sinh đã đăng ký thông tin cho trường |
16:00 – 17:00 | Thống kê các bạn học sinh cần tư vấn tiếp và gửi tài liệu cho các bạn |
17:00 – 19:00 | Nghỉ ngơi, ăn tối |
19:00 – 22:00 | Gọi điện thoại tư vấn cho các em học sinh đã đăng ký thông tin cho trường |
Ghi chú: | Thời gian làm việc của tôi phụ thuộc vào số lượng học sinh đăng ký thông tin cần trường liên hệ lại để tư vấn và hỗ trợ đăng ký tuyển sinh, đồng thời gắn bó chặt chẽ với các sự kiện tổ chức tại các trường THPT |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Chế độ đi du lịch nước ngoài là điều tôi thích nhất, vì điều này giúp tôi cảm thấy những nỗ lực của mình bỏ ra cũng được nhận lại thỏa đáng.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Mối quan hệ giữa các đồng nghiệp, vì không biết họ có thật lòng với mình không, luôn phải ở trong tình trạng đề phòng.
Cách làm việc và ứng xử của lãnh đạo trường, vì họ ít khi lắng nghe nhân viên, quan trọng nhất là rất hay công tư lẫn lộn, không rõ ràng về chính sách lương thưởng của nhân viên.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Để hoàn thành tốt công việc này tôi phải có đầy đủ kiến thức về các ngành nghề, phải có kỹ năng giao tiếp linh hoạt với từng đối tượng là học sinh, phụ huynh, giáo viên hay trường THPT để đảm bảo tư vấn và định hướng một cách công tâm.
Tôi cần phải sắp xếp và quản lý rõ ràng thời gian của chính mình mỗi ngày để hoàn tất toàn bộ số lượng dữ liệu học sinh đã phân công cho tôi xử lý. Việc xử lý không đơn giản chỉ là gọi một cuộc điện thoại, mà là liên hệ được đối tượng, tư vấn cho họ, giữ được sợi dây liên kết để liên hệ lại và xác định họ đủ điều kiện để vào trường hay không.
Công việc hiện tại của tôi là cố gắng trau dồi kỹ năng thuyết phục khách hàng, xử lý thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả để tăng thu nhập cá nhân càng nhiều hơn, còn thăng tiến công việc thì đó là vấn đề không xác định được rõ ràng ở đây.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Rất hay gặp các đối tượng được liên hệ đều tưởng tôi gọi chỉ để giới thiệu, quảng cáo về trường thôi chứ chả giúp ích gì.
Hiểu lầm như vậy cũng rất dễ giải thích vì thực trạng hiện tại các trường ĐH cạnh tranh khá mạnh mẽ nên một bạn học sinh sẽ có rất nhiều trường liên hệ.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Công việc này giúp tôi tự nuôi chính mình và còn giúp được gia đình một phần kinh tế
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Nếu em muốn theo nghề này, chị nghĩ cái em cần xác định là em có phù hợp với khối ngành dịch vụ hay không trước, vì em sẽ gặp vô vàn đối tượng với các thái độ rất khác nhau, em phải có khả năng kiểm soát được thái độ cũng như ứng xử linh hoạt hay một cách khéo léo mới tồn tại được trong nghề. Hai là đảm bảo khả năng giao tiếp, trình bày của em thật tốt để khi nói chuyện đối phương sẽ không cảm thấy em nói dài dòng, nói như một cái máy. Ba là sự kiên trì, vì đối với một công việc có tính lặp lại và số lượng chỉ có tăng không giảm em phải sẵn sàng để không nản hay nhàm chán. Bốn là sự tự học, vì em phải luôn trau dồi kiến thức ngành nghề cho bản thân để theo kịp xu hướng thị trường lao động.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.