Chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) là gì? Tại sao nó giúp bạn sống tốt hơn?
Với tốc độ truyền thông nhanh chóng của thời 4.0, ngày nào chúng ta cũng phải đối mặt với những tin buồn. Từ khủng bố, cháy rừng, ô nhiễm môi trường, tới cướp-giết-hiếp, làm sao để cân bằng nội tâm giữa vô vàn biến động của thế giới?
Thật ra bí quyết sống thanh thản trong cả thời loạn lẫn thời bình đã được khám phá từ hàng ngàn năm trước rồi. Đó là Chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism).
Chủ nghĩa khắc kỷ là gì?
Chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) là một trường phái triết học được khai sinh ở Athens khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Bạn có thể hiểu đơn giản “Chủ nghĩa khắc kỷ là triết học của đời sống hàng ngày, giúp kiểm soát và quản lý bản thân”.
Sứ mệnh của Chủ nghĩa khắc kỷ là rèn luyện tinh thần con người cứng rắn và bình tĩnh hơn khi đối mặt với những nỗi đau và áp lực trong cuộc sống.
Quan điểm của Chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng, sở dĩ ta đau khổ là vì ta đã chọn sai cách trong việc nhận định các vấn đề. “Khắc kỷ” không có nghĩa là nghiêm ngặt hay khổ hạnh. Trái lại, chủ nghĩa này cho rằng để tiến tới hạnh phúc, chúng ta cần sống hòa hợp với bản chất con người và thế giới.
Góc nhìn mạch lạc cho một thế giới rối ren
Chủ nghĩa khắc kỷ khái quát cuộc sống làm 3 phần:
- Những gì ta có thể kiểm soát (hành động và suy nghĩ của bản thân);
- Những điều ta không thể kiểm soát (những yếu tố tự nhiên và hành động của người khác);
- Những gì ta có thể kiểm soát một phần (những công việc có sự tham gia của người khác).
Lời khuyên của Stoicism là hãy tập trung vào nhóm 1, phớt lờ nhóm 2, lên kế hoạch cho nhóm 3.
Một triết lý quan trọng của Chủ nghĩa khắc kỷ là đừng cố kiểm soát những gì xảy đến với bạn, vì đơn giản là bạn không thể. Thay vào đó hãy kiểm soát phản ứng của mình trước những sự việc đó.
Chủ động đối mặt khủng hoảng
Có rất nhiều người nổi tiếng từng áp dụng và ca ngợi lối sống khắc kỷ. Nhưng nếu phải nhắc đến một tấm gương thực hành khắc kỷ tiêu biểu thì tôi muốn kể đến cựu thị trưởng Vancouver – Sam Sullivan.
Sam liệt tứ chi sau một tai nạn trượt tuyết thảm khốc năm 19 tuổi. Vì tai nạn đó, ông đã phải vật lộn với căn bệnh trầm cảm và ý muốn tự sát trong suốt 6 năm. Mãi cho đến khi ông tìm thấy Chủ nghĩa khắc kỷ và áp dụng nó.
Từ đó, ông coi những khó khăn trong đời mình là cơ hội để rèn luyện bản thân.
Ông bắt đầu liên lạc với chuyên gia để rèn luyện lại cơ thể và tập những cử động đơn giản. Và ông thay đổi tâm thái, từ một nạn nhân bị động đến một người chủ động tìm kiếm thành công.
Thay đổi cái nhìn về mất mát
Triết gia khắc kỷ Epictetus bị trộm lấy mất cái đèn kim loại trước nhà. Thay vì chửi mắng tên trộm, ông nhận thấy rằng mất một cái đèn không tổn hại quá nhiều đến ông, nhưng tên trộm thì đã phải đánh đổi phẩm cách con người cho việc trộm đồ. Vậy là hôm sau ông đi mua một cái đèn đất nung rẻ hơn, bỏ qua mọi chuyện.
Ông bà ta có một câu tương tự: “của đi thay người”. Bản thân tôi đã có dịp thực hành lời khuyên này khi bị trộm mất 200 nghìn đồng. Số tiền đó có lẽ không lớn với nhiều người, nhưng đối với một sinh viên chưa thể tự chủ kinh tế thì đó là một khoản tiền lớn.
Phản ứng đau khổ ban đầu là không tránh khỏi, nhưng sau đó tôi nghĩ rằng, việc buồn bã hoàn toàn không có ích gì trong tình huống này. Nếu không thể vãn hồi được số tiền đó thì hãy xem đó là một bài học (mong không bao giờ lặp lại). Cách nghĩ đó đã khiến tâm trạng tôi nhẹ nhõm hơn nhiều.
Những câu chuyện kể trên chỉ là số ít trong hằng hà sa số ứng dụng của chủ nghĩa khắc kỷ trong đời sống hiện đại. Điểm mấu chốt của tư duy khắc kỷ nằm ở cách nghĩ của bạn đối với những điều xảy ra hàng ngày.
Để chuyển đổi lối tư duy thông thường sang tư duy khắc kỷ là cả một chặng đường. Nhưng nếu bạn có đủ nỗ lực thì tôi nghĩ bạn sẽ không cần tự hỏi làm thế nào để hạnh phúc nữa.
Phần tiếp theo, chúng tôi sẽ chia sẻ rõ hơn về cách để bạn có thể áp dụng Chủ nghĩa khắc kỷ vào trong cuộc sống của mình.
Làm sao để trở thành người theo chủ nghĩa khắc kỷ?
Đây là suy nghĩ của riêng tôi. Những nhà khắc kỷ thời kỳ đầu như Seneca, Zeno, Marcus Aurelius, và Epictetus không bao giờ xem bản thân họ là người nổi tiếng cả. Tôi nghĩ tiếng tăm không hề nằm trong danh sách mục tiêu cuộc đời của họ. Họ tập trung vào việc làm thế nào để sống một cuộc đời đức hạnh, ý nghĩa hơn, một cuộc đời hướng vào nội tại hơn là ngoại tại.
Đây là những gì mà tôi thấy hấp dẫn về chủ nghĩa khắc kỷ. Khi chúng ta đã tìm được cách để áp dụng nó vào cuộc sống hằng ngày, chủ nghĩa khắc kỷ có thể làm phong phú thêm suy nghĩ, hành động và hệ niềm tin của chúng ta. Nó cũng có thể giúp ta định hướng dễ dàng hơn nhờ vào tất cả những bất ngờ nho nhỏ hay to lớn ẩn chứa trong cuộc sống. Và hơn hết, chủ nghĩa khắc kỷ giúp ta thấu hiểu nhiều hơn về chính bản thân ta.
Có thể đó là lý do vì sao bạn nghe đến chủ nghĩa khắc kỷ dạo gần đây. Nhiều người không xem nó là một khái niệm triết học, mà là một lối sống. Họ nhận ra những quyển sách của các triết gia theo chủ nghĩa khắc kỷ mang lại nhiều thông tin giá trị, bổ ích, và sự khôn ngoan. Seneca bỗng trở thành người cố vấn của họ, thậm chí là cả Marcus Aurelius nữa. Họ tìm được cách thức để thực hành những gì được học từ các nhà cố vấn này, và áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ như là một lối sống.
Nếu bạn cũng có suy nghĩ như thế, thì chủ nghĩa khắc kỷ sẽ mang đến những giá trị to lớn.
Quay lại trả lời cho câu hỏi đặt ra ở đầu đề, để trở thành người theo chủ nghĩa khắc kỷ, cách thức chính là luyện tập áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ trong đời sống hằng ngày.
Dưới đây là 7 cách thiết thực chúng ta có thể học và làm theo:
1. Học cách sống với sự khó chịu
Trở thành một người theo chủ nghĩa khắc kỷ không có nghĩa là chỉ sống xoay quanh những thứ vật chất hay những người giúp bạn luôn cảm thấy thoải mái, và cho rằng sự thoải mái này sẽ giúp bạn hạnh phúc. Ngược lại, chủ nghĩa khắc kỷ nghĩa là chấp nhận đối mặt với những thử thách trong cuộc sống và học cách chung sống hoà bình với sự khó chịu.
Tại sao điều này lại quan trọng? Vì nếu như hôm nay nắm một thứ gì đó trong tay, bạn có thể cho rằng việc sở hữu chúng là điều đương nhiên, và rằng chúng sẽ ở bên bạn mãi mãi. Nhưng có thật sự “mãi mãi” không?
Nếu như bạn học được cách tự dựa vào bản thân, thì khi những khó khăn ập đến, bạn có thể sẵn sàng đương đầu với chúng. Làm sao để tự dựa vào bản thân? Trước tiên, khi gặp một vấn đề khó khăn, đừng bỏ cuộc hay quay sang nhờ ai đó giúp đỡ ngay. Hãy thử tự giải quyết lấy, dù có thể khi loay hoay tìm giải pháp bạn sẽ phạm sai lầm, nhưng không sao đâu.
2. Giữ tâm trí thanh tịnh
Chúng ta rất hay có hằng hà sa số suy nghĩ quay vòng trong đầu, mà chủ yếu lại toàn những suy nghĩ tối tăm, và chuyện này rất bình thường. Những suy nghĩ đó cũng có thể tiêu cực, tự phê bình, và đầy tính phủ nhận. Chúng có thể toàn tập trung vào những thất bại trong quá khứ, những lần mắc sai lầm đầy xấu hổ, và còn xâm nhập vào những nỗi bất ổn của ta. Nhưng tin tốt là: dù cho bạn có suy nghĩ như thế chăng nữa, bạn không phải những gì bạn nghĩ. Bạn lớn hơn suy nghĩ của bạn nhiều.
Có cách để quản lý những suy nghĩ bộc phát này hiệu quả và không để chúng chế ngự cuộc sống của bạn. Hãy thử thiền một phút ngắn thôi để làm dịu lại tâm trí và kiềm hãm lại các suy nghĩ tiêu cực – thử ứng dụng như the Headspace hoặc Calm trên điện thoại để giúp bạn xây dựng thói quen thiền. Hay bạn cũng có thể thử tập bài tập thở 4-7-8 để giúp giảm căng thẳng và suy nghĩ thông suốt hơn.
3. Tận dụng những thế mạnh của bản thân
Những nhà khắc kỷ không cho rằng phải thay đổi bản thân hoàn toàn mới đạt được một cuộc sống chất lượng cao. Họ tin vào việc tận dụng những thế mạnh và khả năng đặc biệt sẵn có. Bạn có thể trau dồi khoảng này theo hai hướng.
Đầu tiên, hãy thử nhìn nhận bản thân một cách trung thực: bạn đang làm gì và cuộc sống của bạn đang tiến diễn như thế nào? Bạn có đang đánh giá cao năng lực bản thân không? Bạn có khách quan và thực tế khi nhìn nhận khả năng và phương pháp tiếp cận để đạt được mục tiêu không?
Thứ hai, tìm ra cách tận dụng những gì bạn sở hữu: tính cách, sở trường và kĩ năng mà bạn tự hào. Sau đó, hãy tập trung vào những điều này, và vào quá trình phát triển các điểm mạnh của bạn. Đừng lo lắng về những điểm yếu tiềm ẩn hay những thứ mà bạn chưa sở hữu.
4. Học cách “khổ trước, sướng sau”
Những thói quen hằng ngày của chúng ta thường sẽ thế này. Vào một sáng đẹp trời, ta tràn trề năng lượng và hào hứng khởi đầu một ngày mới bằng việc kiểm tra email, mạng xã hội trên điện thoại, rồi nhắn tin với bạn bè. Bạn có nghĩ đây có phải cách tốt nhất để bắt đầu một ngày không?
Buổi sáng là thời gian lý tưởng để giải quyết những việc khó xơi nhất. Hãy thử tối ưu hoá mỗi buổi sáng bằng việc xây dựng thói quen ưu tiên xử lí những công việc có độ khó cao vào sáng sớm. Điều này sẽ giúp giải quyết được tình trạng trì hoãn mỗi khi kì thi đến, hay hoàn thành một dự án trong công việc. Hơn thế: thói quen này sẽ cải thiện khả năng tập trung để não bạn làm việc hiệu quả hơn bất cứ lúc nào trong ngày.
5. Luyện tập tính tự giác – kỷ luật
Đây có thể là thói quen hàng đầu cần đạt được nếu bạn muốn thực hành chủ nghĩa khắc kỷ. Tại sao? Vì bạn sẽ nhận được rất nhiều lợi ích khi giải quyết công việc theo thứ tự khổ trước – sướng sau.
Khi đã có ý thức cao về tính tự kỷ luật, bạn sẽ ưu tiên những việc khó trước rồi tự thưởng cho bản thân sau. Thậm chí còn có tài liệu khoa học chứng minh điều này. Thí nghiệm Marshmallow ở Đại học Stanford cho thấy: khi bạn ưu tiên những công việc không mang lại thoả mãn tinh thần tức thời, khả năng thành công trong nhiều lĩnh vực cuộc sống sẽ tăng lên. Ví dụ, nếu bạn muốn xem một một bộ phim hay gọi điện “tám” chuyện với bạn bè, hãy chờ sau khi hoàn thành xong những công việc đã được lên kế hoạch trước đã.
6. Không lãng phí thời gian vào những việc vô nghĩa
Nhà triết gia La Mã theo chủ nghĩa Khắc kỷ, Seneca, đã dành một phần của quyển sách “On the Shortness of life“ (Tạm dịch: Ngẫm về sự ngắn ngủi của cuộc đời) để nói về điều này. Đây đã là một vấn đề đau đầu cho những người thời đó rồi đấy! Seneca miêu tả về tính phàm ăn, tính hư danh chỉ chăm chăm vào vật chất và cố gắng gây ấn tượng với người khác. So ra thì không khác gì với thế giới của chúng ta, một thế giới xoay quanh mạng xã hội, nơi nhiều người bận rộn tạo dựng hình ảnh hư ảo về lối sống nhìn-có-vẻ xa hoa của họ.
Lời khuyên của Seneca là hãy sử dụng thời gian khôn ngoan hơn. Ví dụ, luôn tập trung vào một mục tiêu cụ thể bạn đang cố gắng hướng tới. Đừng nói chung chung, hãy lên kế hoạch chi tiết để đạt được nó. Đừng khiến cho những tình huống bộc phát, cơ hội, hay hành vì nào ảnh hưởng và chi phối cuộc sống của bạn. Seneca cũng nói rằng, không gì xảy đến với một người khôn ngoan mà trái với dự định của họ cả.
7. Điều chỉnh các trở ngại theo chiều hướng tốt hơn
Khi gặp một trở ngại, ta thường có xu hướng phản ứng lại bằng cách phàn nàn. Thật không công bằng! Không tài nào sửa được! Không phải lỗi của tôi! Nhưng phàn nàn không thay đổi được gì cả. Điều làm nên khác biệt chính là tinh thần chủ động tiên phong.
Đầu tiên, bạn phải học cách liệu trước những chướng ngại. Nếu bạn đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho bản thân, những chướng ngại này sẽ không còn quá to tát hay quan trọng khi chúng xảy đến.
Thứ hai, tận dùng cơ hội này để dừng lại, học hỏi điều mới, suy ngẫm và thử một hướng giải quyết khác có thể mang lại kết quả tốt hơn.
Và thứ ba, tận dụng thời gian này để tinh thông một lĩnh vực và thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Bằng cách loại bỏ trở ngại, bạn sẽ tiến về phía trước nhanh hơn, theo chiều hướng tốt hơn. Khi đó, bạn sẽ càng thành thục áp dụng chủ nghĩa khắc kỷ trong cuộc sống.
5 Hiểu lầm thường gặp về chủ nghĩa khắc kỷ
Chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicism) là một trường phái triết học bị hiểu lầm khá nhiều. Có thể vì cái tên có phần giống như “khắc nghiệt” và “ích kỷ” của nó, cũng có thể vì người đọc chưa tiếp cận đủ sâu để hiểu rõ trường phái này. Sau đây là một vài nỗi oan thường gặp của chủ nghĩa khắc kỷ.
1. Chủ nghĩa khắc kỷ khuyến khích con người thoát ly thế giới thực tại
Chủ nghĩa khắc kỷ khuyên chúng ta tập trung vào những điều nằm trong khả năng. Nhiều người hiểu lầm rằng lời khuyên này khuyến khích chúng ta thờ ơ với thế giới xung quanh.
Ngược lại, việc sống hòa hợp với xã hội lại là điều thiết yếu khi thực hành khắc kỷ. Hai đại diện lừng danh của chủ nghĩa khắc kỷ — hoàng đế La Mã Marcus Aurelius và triết gia Seneca đều là những người dành cả đời để cống hiến cho xã hội. Nhà văn Anh Thomas de Quincey đã từng nhận xét về Marcus Aurelius trong The Caesars là “người thực tế và đầy nhân tính nhất trong số các vị hoàng đế xuất sắc nhất.”
Trong khắc kỷ có một học thuyết mang tên “apatheia”, chỉ một trạng thái tâm lý không bị nhiễu loạn trước những “đam mê”. Học thuyết này thường bị nhầm lẫn với lãnh đạm trong cảm xúc và thoát ly thực tại.
Thật ra, nó chỉ khuyên chúng ta không nên đắm chìm cảm xúc vào nguyên nhân và kết quả. Thay vào đó, hãy chủ động kiểm soát bản thân, hiểu và chấp nhận kết quả mà không sợ hãi hay giận dữ.
2. Chủ nghĩa khắc kỷ khiến con người khắt khe và lạnh lùng
Hiểu lầm này xảy ra vì chủ nghĩa khắc kỷ nhấn mạnh vào việc thực hành và kiểm soát bản thân, né tránh những cảm xúc không cần thiết. Tuy nhiên, thứ mà những người khắc kỷ hướng đến là sự điều độ. Không phải vì họ không tin vào khoái lạc, mà vì điều độ giúp những niềm khoái lạc được tự nhiên và lâu dài hơn.
Seneca cũng từng khuyên trong “On Anger“: “Nếu như ta sống một cách khô khan, lạnh lùng, chán nản thì ta sẽ tránh được hiểm họa từ những cơn giận; nhưng ta sẽ bị cuốn vào những sai lầm mệt mỏi khác — đó là nỗi sợ hãi, chán chường, thất chí và đa nghi. Những người như vậy cần đến niềm vui để được cổ vũ, bao dung và vực dậy tinh thần.”
Những người khắc kỷ cũng chẳng hề lạnh lùng, như trong “Đàm luận” (Discourses), Epictetus cho rằng: “Ta không nên vô cảm như một bức tượng, mà nên quan tâm đến những mối quan hệ của mình bằng cả bản năng lẫn nhận thức, […]”
Khắc kỷ không đối nghịch với cảm xúc, mà đối nghịch với “cảm xúc tiêu cực”, chẳng hạn như giận dữ, căng thẳng, ghen ghét và sợ hãi. Nó khuyên ta hãy chọn một cách nhìn khác, loại bỏ những hành động và cảm xúc không đúng đắn ngay từ đầu, để chúng không đẩy ta đến tình trạng phải khắc khổ kiềm chế về sau.
3. Chủ nghĩa khắc kỷ là ích kỷ
Nhiều người cho rằng người khắc kỷ không muốn dính dáng sự đời, chỉ quan tâm đến bản thân, như vậy là quá ích kỷ và vô tình. Hiểu lầm này tương tự như hiểu lầm đầu tiên.
Có thể ban đầu người ta tìm đến chủ nghĩa này với một động cơ ích kỷ, nhưng nếu vẫn giữ thái độ đó thì họ không thể trở thành một người khắc kỷ. Chủ nghĩa khắc kỷ đề cao việc thực hành đức hạnh (virtues), và không vị kỷ là một yếu tố chủ chốt. Theo lẽ đó, không màng đến nỗi khổ đau hay bất công của người đời không phải là một điều đức hạnh.
Trong “Sự kiên định của người sáng suốt” (On the firmness of the wise man), Seneca cho rằng những người sáng suốt vẫn nhận thức được nỗi đau và mất mát cả về tinh thần lẫn thể xác, dù vậy nguyên tắc của họ vẫn không bị lay chuyển. Có như vậy, họ mới có thể thực hành đức hạnh.
Người khắc kỷ nhìn nhận sự bình yên là khi bạn không để mình bị ngấu nghiến bởi những cảm xúc gây ra bởi sự xấu tính của những người tồi tệ. Bình yên không phải là thứ luyện tập mà thành, nó được sinh ra vì bạn học hỏi và cải tiến bản thân để bao dung và yêu thương nhiều người hơn nữa.
Vì vậy, người thực hành khắc kỷ thực sự quan tâm đến xã hội, đến công bằng, đến nỗi đau của mọi người, chứ không phải chỉ tập trung vào bản thân họ như nhiều người tưởng.
4. Chủ nghĩa khắc kỷ là một tôn giáo
Nếu như “tôn giáo” đối với bạn là những buổi lễ cầu nguyện, thờ cúng, nghi thức, đền miếu, giới luật,… thì chủ nghĩa khắc kỷ không phải là một tôn giáo. Triết gia Edward Caird gọi chủ nghĩa khắc kỷ là một triết học mang tính tôn giáo.
Nói đúng hơn, chủ nghĩa khắc kỷ hoà hợp với những điều răn tốt đẹp trong nhiều tôn giáo, vì nó hướng tới việc rèn luyện về mặt tinh thần. Nếu như bạn là người theo đạo Phật, có thể bạn sẽ nhận ra một số điều tương đồng giữa Chủ nghĩa khắc kỷ và Phật giáo. Nhưng chủ nghĩa khắc kỷ đơn giản hơn, không đòi hỏi bạn phải thay đổi nếp sống, công việc hàng ngày để cống hiến cho nó, cũng không có những giới luật nghi lễ nào yêu cầu bạn phải tuân theo.
Điều duy nhất bạn cần làm là áp dụng và rèn luyện thường xuyên. Nếu bạn cảm thấy chủ nghĩa khắc kỷ phù hợp với mình thì tiếp tục làm theo, còn không, bạn tự do dừng lại bất cứ lúc nào.
5. Chủ nghĩa khắc kỷ là một bản hướng dẫn cuộc đời
Chủ nghĩa khắc kỷ không phải là một bộ bí quyết cho cuộc sống của bạn, không bảo bạn được và không được làm gì. Tất cả những gì chủ nghĩa khắc kỷ có thể đưa cho bạn là một hệ thống tư tưởng, và bạn có thể chọn ra những tư tưởng phù hợp để áp dụng. Bạn cũng cần đánh giá phương pháp và mục tiêu đặt ra khi thực hành khắc kỷ.
Chủ nghĩa này cũng không phải là mánh khóe giúp bạn đạt được bất cứ điều gì (như sự giàu sang, tham vọng cá nhân,…). Ngược lại, thực hành khắc kỷ giúp bạn phân biệt những gì mình có thể và không thể kiểm soát. Tư tưởng đó quyết định thái độ của bạn trước những vấn đề khác nhau, bao gồm những khủng hoảng và mất mát khi không đạt được điều mình muốn.
Kết
Qua bài viết này, bạn đã có một cái nhìn đầy đủ hơn về Chủ nghĩa khắc kỷ, hiểu được những quan điểm, lợi ích và cách để thực hành theo lối sống khắc kỷ này. Chúng tôi tin rằng, nhìn nhận và thực hành đúng với Chủ nghĩa khắc kỷ sẽ rất tốt cho đời sống cá nhân mỗi người.
Nếu các bạn đã quyết áp dụng Chủ nghĩa khắc kỷ vào cuộc sống hàng ngày, thì chúng tôi khuyên bạn hãy tìm đọc ngay những cuốn sách này, đây thực sự là cuốn rất hay không chỉ riêng về Chủ nghĩa khắc kỷ mà còn đem lại rất nhiều giá trị cho bạn về cuộc sống.
Những cuốn này đã được xuất bản tại Việt Nam, bạn có thể đặt sách online trên TIKI:
Seneca: Những Bức Thư Đạo Đức – Chủ nghĩa Khắc kỷ trong đời sống
Chúc các bạn thành công!
Ngoài ra, tại Tuhoc.com.vn bạn có thế đọc thêm các bài viết tương tự trong chủ đề Sống chất lượng, hãy cũng chúng tôi cảm nhận cuộc sống thật chất lượng và sâu sắc!