Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 27
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 4
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại Học/ Tài Chính Doanh Nghiệp
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Không
- Số giờ làm hằng tuần: 40
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty sản xuất, 2000 – 5000 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
- Xây dựng mối quan hệ với các phòng ban để hiểu được định hướng công ty, nhu cầu nhân lực cần được tuyển dụng (số lượng, tính chất công việc, cấp bậc, yêu cầu,…)
- Tìm hiểu, thu thập, phân tích thông tin để cập nhật xu hướng, nhận biết rủi ro/cơ hội về tình hình thay đổi lao động trên thị trường, cũng như kịp thời chủ động đưa ra kế hoạch nhân tài phù hợp cho công ty
- Xây dựng chiến lược tuyển dụng (thuyên chuyển nội bộ, tuyển dụng từ bên ngoài, …) để thu hút nhân tài phù hợp với nhu cầu của công ty, đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng lúc
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Mình học tài chính nhưng từ năm thứ 4 mình thấy những môn học chuyên ngành về tài chính không làm mình cảm thấy yêu thích. Để tìm hướng đi mới cũng như biết mình phù hợp với nghề nghiệp nào khác, mình tham gia một dự án tình nguyện và sau đó là một tổ chức phi chính phủ dành cho các bạn trẻ. Sau khi tham gia rất nhiều các hoạt động từ tổ chức sự kiện, làm việc nhóm, tuyển dụng, …. mình thấy niềm yêu thích và bản thân có rất nhiều động lực khi làm việc với việc các bạn trong cùng nhóm. Từ đó, mình định hướng đi theo con đường nhân sự. Qua tìm hiểu, mình được biết nhân sự có nhiều mảng (tuyển dụng, đào tạo phát triển, lương thưởng phúc lợi, …), mình muốn thử sức với mảng tuyển dụng trước, vì đây là mảng cho mình cơ hội để hiểu và kết nối giữa công ty và nhân tài trên thị trường. Sau đó thì có thể luân chuyển qua các mảng khác trong nhân sự.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
8:00 – 8:30 | Di chuyển từ nhà đến nơi làm việc và ăn sáng |
8:30 – 9:00 | Kiểm tra hộp mail và phân loại các email mới vào đúng thư mục, cập nhật lại danh sách các vị trí tuyển dụng và công việc cần làm |
9:00 – 10:30 | Kiểm tra tiến độ từng vị trí cần tuyển, nói chuyện với ứng viên/ cập nhật với các phòng ban hoặc các bộ phận khác để đẩy nhanh tiến độ của quy trình tuyển dụng |
10:30 – 11:00 | Họp hoặc thảo luận về các chương trình tuyển dụng khác của công ty với đồng nghiệp |
11:00 – 12:00 | Ăn trưa |
12:00 – 13:30 | Họp với các phòng ban để cập nhật nhu cầu và tiến độ tuyển dụng, tình hình thị trường và kế hoạch từ phía công ty |
13:30 – 14:30 | Họp hoặc cập nhật thông tin về hệ thống/quy trình tuyển dụng, chính sách mới, các chương trình/ các kênh thu hút nhân tài của công ty |
14:30 – 16:30 | Tìm, sàng lọc hồ sơ ứng viên, gọi phỏng vấn/ nói chuyện với ứng viên cho các vị trí tuyển dụng |
16:30 – 17:00 | Cập nhật lại tiến độ và danh sách công việc, làm báo cáo tình hình tuyển dụng (nếu cần) |
17:00 – 20:00 | Đây là khung giờ linh hoạt mình dành thời gian phỏng vấn hoặc nói chuyện với các bạn ứng viên không thể sắp xếp thời gian trong giờ hành chính để nói chuyện tùy vào tính chất công việc |
Ghi chú | Những hôm có các chương trình của bộ phận tuyển dụng (Ngày hội phỏng vấn, Ngày hội việc làm, sự kiện,…) hoặc các buổi đào tạo của công ty thì mình sẽ tham gia, tùy địa điểm có thể không ở văn phòng làm việc. |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Có cơ hội để hiểu về công ty (sản phẩm, tầm nhìn, chiến lược nhân sự, …) và từng phòng ban mình phụ trách tuyển dụng (xây dựng được nhiều mối quan hệ với các anh/chị/đồng nghiệp, hiểu được đặc thù/ tính chất công việc/thử thách của nhiều vị trí,…)
- Là cầu nối giữa công ty và nhân tài trên thị trường (giúp công ty tìm được người tài phù hợp, và giúp các anh/chị/bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm có được một công việc/nghề nghiệp/môi trường làm việc có thể phát huy tiềm năng của họ)
- Có cơ hội được quen biết và nói chuyện với các anh/chị/bạn ứng viên trên thị trường trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau, được lắng nghe và học hỏi từ họ.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Công việc này đôi lúc sẽ đòi hỏi sự linh hoạt về thời gian (ngoài giờ làm việc) để có thể nói chuyện/tiếp cận được với nhiều ứng viên giỏi/tiềm năng trong khi họ quá bận và không sắp xếp được thời gian trong giờ hành chính
- Trong những giai đoạn công ty có dự án mới cần nguồn nhân lực từ bên ngoài nhiều và liên tục thì đội ngũ tuyển dụng phải luôn làm việc không ngừng (tùy đặc thù từng công ty). Việc chạy liên tục trong một thời gian để đảm bảo đáp ứng được nguồn nhân lực trong thời hạn đề ra đòi hỏi người làm tuyển dụng phải có sức bền về mặt sức khỏe, tinh thần rất lớn để có thể thích nghi được
- Làm những báo cáo quá chi tiết về tình hình tuyển dụng cho từng vị trí đôi khi mất rất nhiều thời gian
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Kiến thức: thương hiệu nhà tuyển dụng, thị trường lao động. Chuyên sâu hơn là kiến thức các ngành/ lĩnh vực, nghề nghiệp, đặc thù từng công việc
Kỹ năng:
- Kỹ năng phỏng vấn
- Kỹ năng lập kế hoạch
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng tạo lập mối quan hệ
Thái độ:
- Chủ động học hỏi
- Chịu khó, kiên trì, lạc quan
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Công việc tuyển dụng chủ yếu là phỏng vấn và tuyển chọn: Thật ra công việc tuyển dụng có rất nhiều mảng và cũng đòi hỏi sự năng động. Để đi tới được bước phỏng vấn, có rất nhiều việc đã được thực hiện trước đó như xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, hoạch định các kênh tuyển dụng để giữ được kết nối và cập nhật cho ứng viên về cơ hội nghề nghiệp tại công ty, xây dựng nguồn ứng viên, …
- Để làm tuyển dụng thì cần phải rất giỏi về đánh giá và nhìn người: để đạt được trình độ này thì cần trải nghiệm trong một khoảng thời gian rất dài. Quan trọng nhất của nghề này đòi hỏi bạn thích làm việc với con người, thích xây dựng mối quan hệ và có khả năng kết nối. Kỹ năng phỏng vấn và đánh giá là kỹ năng có thể học và phát triển được.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Ngoài việc học trên trường, nên tham gia các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ đội nhóm hay đi làm thêm để khám phá thêm sở thích và tiềm năng của bán thân. Nếu yêu thích lĩnh vực hoặc công việc nào đó, hãy đầu tư thời gian để tìm hiểu hoặc tham gia khóa học liên quan để tự trau dồi vốn kiến thức/ kỹ năng cho mình.
- Chủ động tìm hiểu thông tin về công việc mình yêu thích bằng cách hỏi các anh chị đã và đang làm công việc này thông qua các mối quan hệ bạn đang có. Hiện nay trên internet có rất nhiều bài viết nói về công việc tuyển dụng, hay bất cứ công việc nào khác, tìm hiểu, đọc & chắt lọc thông tin để xác định xem mình có thích công việc có tính chất thế nào.
- Bất cứ công việc nào cũng nhiều khó khăn, thử thách. Trong một nghề, bên cạnh việc mình thích thì sẽ có rất nhiều công việc mình không thích, thái độ chủ động và tư duy tích cực, tập trung vào hành động và giải pháp là những điều cực kỳ quan trọng giúp cho bạn có được nhiều thành quả. Hãy cố gắng hết sức mình, đi qua cả những cái đẹp và thử thách để trước khi chuyển sang một công việc mới thì thật sự không hối tiếc vì có bất cứ điều gì chưa làm.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.