Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 39
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 15
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học, chuyên ngành kế toán – kiểm toán
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Chứng chỉ kế toán hành nghề
- Số giờ làm hằng tuần: 40-44 (tùy theo vụ mùa)
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): công ty trách nhiệm hữu hạn, vốn đầu tư nước ngoài, quy mô từ 50-100 công nhân viên; doanh số khoảng 50 triệu USD/ năm.
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì?
Sắp xếp, theo dõi các hoạt động của mảng kế toán, đảm bảo các thông tin về tài chính của doanh nghiệp được ghi nhận và điều phối tốt. Ví dụ: chi phí được ghi nhận đầy đủ, công nợ được theo dõi thanh toán và thu hồi kịp thời; đủ nguồn tiền cho quá trình vận hành.
Theo dõi các nghiệp vụ liên quan đến thuế đảm bảo được tính tuân thủ theo luật định về mặt chứng từ, báo cáo và nộp thuế, phí cho cơ quan nhà nước đủ và đúng hoàn; đề nghị cơ quan thuế hoàn thuế,…
Lập các báo cáo định kỳ cho tập đoàn hoặc tương tác với các công ty, bộ phận hỗ trợ trong tập đoàn cho những vấn đề liên quan.
Hỗ trợ các hoạt động của bộ phận và các bộ phận khác trong công ty. Đề nghị thay đổi, điều chỉnh quy trình làm việc cho đơn giản hoặc đảm bảo các quy định của nhà nước.
Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Kế toán không mang về cho công ty những con số cụ thể về doanh số nhưng đảm bảo được việc vận hành của công ty. Các giá trị vô hình thì rất đáng kể, thể hiện:
- Đảm bảo và điều phối đủ luồng tiền cho quá trình vận hành. Đây là điểm hết sức quan trọng.
- Thanh toán và thu hồi công nợ đúng hạn. Đảm bảo uy tín cho công ty và nguồn tiền được đảm bảo hoặc không bị khách hàng lợi dụng nguồn vốn của công ty.
- Đảm bảo tính tuân thủ về thuế và các quy định của pháp luật để công ty giữ được các ưu đãi của nhà nước trong quá trình vận hành hoặc không bị các khoản truy thu, phạt thuế, dẫn đến thiệt hại về tài chính cho công ty.
- Là trung gian đảm bảo cho hoạt động của các bộ phận trong công ty được trôi chảy; điểm thể hiện nổi trội là hoạt động thanh toán nhanh, gọn lẹ và chính xác.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
- Hồi cấp 3, mình chọn trường kinh tế vì nghĩ dễ kiếm việc làm và có tiền hơn các ngành khác. Thời điểm đó, trường trung học chưa có hoạt động định hướng nghề nghiệp; ba mẹ là nông dân cũng không có lời khuyên nào cho con trong việc chọn lựa nghề nghiệp; bản thân mình là học sinh cũng không chủ động tìm sự tư vấn từ thầy cô.
- Khi vào đại học, mình chọn chuyên ngành kế toán vì đơn giản môn kế toán được điểm cao nhất so với các môn học khác. Năng lực học cũng ở mức trung bình vì phương pháp giảng dạy của giảng viên khá lý thuyết, thiếu tính thực tiễn và sự thụ động của chính bản thân trong phương pháp học tập, nghiên cứu ở cấp độ đại học. Thời điểm tốt nghiệp và thời gian đi thực tập, những gì mình hiểu về nghề kế toán là rất ít.
- Khi mới ra trường, yếu tố siêng năng, trung thực và cầu tiến giúp sự phát triển về chuyên môn: mình được hướng dẫn và giao cho các nhiệm vụ kế toán phần hành cao cấp hơn. Ví dụ: từ kế toán kho, kế toán bán hàng chuyển sang vị trí kế toán giá thành, kế toán tổng hợp, rồi phân tích hoạt động kinh doanh.
- Các sự thay đổi: 5 năm sau khi tốt nghiệp là thời gian thay đổi về lĩnh vực làm việc và phạm vi công việc.
Lĩnh vực làm việc thay đổi từ các môi trường sản xuất khác nhau sang ngành tài chính tiêu dùng; giáo dục; dịch vụ,…
Phạm vi công việc từ kế toán tài chính mở rộng sang kế toán quản trị, tham gia triển khai các dự án về thẻ tín dụng, phần mềm ERP, các dự án tìm nguồn vốn doanh nghiệp rồi quay trở lại mảng kế toán tài chính ở vị trí trưởng nhóm.
Sự thay đổi này khiến bản thân phải vận động nhiều hơn để học hỏi, đáp ứng nhu cầu công việc. Sự tiến bộ của bản thân trở thành một động lực mang lại sự hứng thú cho ngành nghề của mình.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Xác định các công việc chính cần thực hiện trong ngày hoặc ưu tiên làm (4-5 việc) | |
Xem các dữ liệu về số dư tiền của công ty đầu ngày; trao đổi với các cá nhân liên quan về kế hoạch luồng tiền và sử dụng tiền | |
Làm các báo cáo theo định kỳ theo nhu cầu quản trị nội bộ, tập đoàn; theo quy định của thuế; các thông tin được yêu cầu từ bên ngoài (ngân hàng, kiểm toán; ….) | |
Kiểm tra và duyệt các phiếu thu-chi, lệnh chi tiền qua ngân hàng | |
Trao đổi với các bạn trong bộ phận về công việc liên quan | |
Trao đổi với các bộ phận khác về các công việc liên quan hoặc việc theo kế hoạch làm việc của công ty | |
Ghi chú | Tùy theo từng vị trí trong bộ phận kế toán; đặc điểm ngành, mùa vụ; chu kỳ báo cáo mà một ngày làm việc ở các thời điểm sẽ có những sự ưu tiên khác nhau |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Mỗi lĩnh vực hoạt động của một tổ chức có những kiến thức ngành và quy định về kế toán khác nhau. Khi thay đổi lĩnh vực ngành nghề, người làm phải học hỏi những kiến thức mới về ngành, những quy định của pháp luật tương ứng nên vốn kiến thức được gia tăng.
- Khi làm việc ở những vị trí cao trong nghề, người làm càng có cái nhìn tổng quát về kết quả vận hành của một doanh nghiệp. Mỗi con số mang một ý nghĩa nhất định. Hiểu được những điều đó càng làm tăng sự hứng thú trong công việc.
- Kiến thức tổng hợp. Người làm kế toán tài chính giỏi thì có một kiến thức rất rộng về thuế, ngân hàng, hải quan, cơ sở dữ liệu để đáp ứng được nhu cầu công việc của công ty; có thể tư vấn được cho ban quản trị trong quá trình hoạt động của công ty và hướng dẫn cho đội nhóm.
- Kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo gia tăng một khi cấp độ làm việc được nâng lên. Các kỹ năng này cần trong quá trình tương tác với nhiều đối tượng các lĩnh vực nói trên (đối tác bên ngoài) và hợp tác được với các bộ phận liên quan và trong chính bộ phận của mình (đối tác bên trong tổ chức).
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Hầu hết những bộ phận khác không nắm rõ các quy định về thuế nên với các yêu cầu cung cấp bộ chứng từ đúng, đủ, mọi người có thể than phiền về sự rắc rối, “khó tính” của kế toán.
- Các nghiệp vụ của công việc kế toán phần hành thường có tính chất lặp đi lặp lại nên dễ tạo cảm giác lười suy nghĩ.
- Các yêu cầu về thời hạn hoàn thành báo cáo ở một thời điểm nhất định bắt buộc người làm có những lúc phải tập trung trong một khoảng thời gian nhất định, có thể làm ngoài giờ làm việc tiêu chuẩn.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Các nguồn tài liệu/thông tin hữu ích cần tìm hiểu trước và trong khi làm nghề kế toán:
- Kiến thức về thuế, các chuẩn mực kế toán trong nước, chuẩn mực quốc tế
- Kiến thức về cơ sở dữ liệu
- Ngoại ngữ
- MS Office (Excel)
- Các kiến thức khác: thương mại quốc tế, hải quan, luật doanh nghiệp, kiến thức lĩnh vực tiền tệ ngân hàng
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Kế toán khó tính, khô khan. Do yêu cầu đảm bảo tuân thủ các quy định nội bộ và quy định của pháp luật nên kế toán thường hay “khó tính” về mặt chứng từ. Thực tế, nếu các cá thể trong và ngoài tổ chức có sự hiểu biết đầy đủ về các quy định của tổ chức, của thuế, pháp luật thì định kiến này có thể xóa bỏ được.
- Công việc kế toán rất nhàm chán. Thực tế, mỗi con số có một ý nghĩa và càng làm ở vị trí cao hơn trong ngành, công việc càng thú vị.
- Kế toán lương không cao. Thực tế, người giỏi bao giờ cũng được chào đón với mức thu nhập rất cao.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Chắc chắn là có thể. Mỗi công ty đều trả lương đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người lao động. Tùy theo doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, “chất lượng” của người lao động mà mức thu nhập có thể chênh lệch khá nhiều.
- Các vị trí kế toán phần hành (các vị trí cho các bạn còn ít kinh nghiệm) thường sẽ có mức thu nhập nuôi sống được bản thân.
- Các vị trí kế toán cao cấp hơn và các vị trí quản lý sẽ có mức lương khá tốt. Các bạn có thể tham khảo các trang tuyển dụng (Vietnamworks, CareerBuilder, …) để thấy được mức lương mà nhà người tuyển dụng có thể trả. Mức thu nhập cũng tùy vào khả năng định vị bản thân của ứng viên khi thương lượng trong buổi phỏng vấn.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Ban đầu, mình chọn nghề kế toán mà không hiểu về nghề. Do đó, khi làm kế toán phần hành, khi thiếu kiến thức (một phần do hệ thống giáo dục của mình chưa tốt; một phần mình thiếu sự chủ động học hỏi từ thầy, người giỏi, theo dõi những trang chuyên ngành), mình thấy ngán. Cho đến khi được thử thách ở những vị trí cao hơn, môi trường làm việc thay đổi bắt buộc mình phải thay đổi, học hỏi không ngừng thì khối lượng kiến thức, thu nhập, kinh nghiệm cuộc sống gia tăng tạo sự hứng thú vô cùng.
Để có nền tảng tốt cho nghề kế toán và sống tốt với nghề, mình khuyên các bạn trẻ:
- Thường xuyên cập nhật các quy định về thuế, luật doanh nghiệp; tìm hiểu về hoạt động tiền tệ, ngân hàng. Mở rộng mối quan hệ với những người có chuyên môn liên quan sẽ giúp các bạn rất nhiều về những kiến thức này.
- Tìm đọc một trang về kế toán bằng tiếng Anh (VD: accountingcoach.com) hoặc tài liệu của chứng chỉ quốc tế (ACCA, CIMA) để nâng cao kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ.
- Giỏi Excel và tìm hiểu về cơ sở dữ liệu để hiểu biết về nguyên tắc làm việc của một phần mềm kế toán, ERP.
- Tập luyện sự gọn gàng, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.