Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 29
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 6 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Kỹ sư ngành Kỹ thuật Máy tính – ĐH Bách Khoa TP. HCM
- Số giờ làm hằng tuần: 40 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Tôi làm việc tại một công ty tư nhân có quy mô <2000 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Tôi là một Kỹ sư Lập Trình Nhúng, đang tham gia sửa lỗi và phát triển phần mềm cho thiết bị nhúng. Lập trình nhúng là lập trình cho các thiết bị điện tử và tự động mà chương trình không trực tiếp chạy trên máy tính hay điện thoại. Có thể thấy các thiết bị điện tử tự động ở khắp mọi nơi, như tủ lạnh, tivi, máy giặt, thang máy, nhà thông minh, tưới tiêu tự động… Lập trình nhúng là một bộ phận của ngành công nghệ thông tin.
Các trách nhiệm chính của tôi bao gồm:
- Sửa lỗi phần mềm khi có báo lỗi từ khách hàng.
- Thiết kế module mới theo yêu cầu của khách hàng.
- Cải tiến các công cụ phục vụ cho việc làm hằng ngày, xây dựng hệ thống kiểm tra tự động.
Hiện tại chúng tôi có gần một triệu thiết bị đang vận hành trên toàn cầu, nhằm để giải quyết vấn đề minh bạch thông tin giữa chính quyền và người dân, cũng như bảo vệ mạng sống của người dân. Tôi cảm thấy rất tự hào vì là một thành viên trong một công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng mà đó cũng là giá trị cốt lõi được công ty nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ khi tôi gia nhập. Do đó, tôi cảm thấy công việc của mình mang lại giá trị thiết thực cho công ty và cộng đồng.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Khi tôi chọn trường đại học, tôi lập bảng đánh giá các ngành nghề và một số tiêu chí rồi cho điểm. Cụ thể như sau:
Ngành | Trường đào tạo | Triển vọng nghề nghiệp | Sở thích cá nhân | Năng lực bản thân | Chất lượng đào tạo |
Công nghệ thông tin | Đại học Bách Khoa | ||||
Công nghệ thông tin | Đại học CNTT | ||||
Công nghệ Hóa học | Đại học Bách Khoa | ||||
Công nghệ Hóa học | Đại học Công Nghiệp | ||||
Kinh tế/ Ngân hàng | Đại học Kinh tế | ||||
Kinh tế/ Ngân hàng | Đại học Ngoại Thương |
- Vì bản thân học tốt các môn khối A và B, nên tôi chọn ra 3 ngành mà mình phù hợp: Công nghệ thông tin, Hóa và Kinh Tế.
- Trường đào tạo: Dựa trên tìm hiểu về đào tạo của các trường.
- Triển vọng nghề nghiệp: Đánh giá khả năng có việc làm, môi trường công việc, thu nhập sau 5 năm nữa (lúc tốt nghiệp đại học)
- Sở thích cá nhân: Bản thân cảm thấy thích ngành nào hơn?
- Năng lực bản thân: Bản thân có thể học được và làm được ngành này không? (Không nhất thiết là phải thích nó)
- Chất lượng đào tạo: Trường đào tạo có uy tín hay không? Dựa trên các tìm hiểu từ người thân, người lớn xung quanh và thông tin trên mạng.
Sau khi lập bảng đánh giá, tôi cho điểm các ô theo thang điểm từ 1 đến 5 và nhân hệ số 2 cho điểm số ở phần “Sở thích cá nhân”. Đồng thời, tôi gửi bảng đánh giá này cho người thân và bạn bè (những người đã trưởng thành và đi làm) để nhờ họ đánh giá. Cuối cùng, tôi tập hợp các bảng đánh giá khác nhau lại và lấy điểm tổng kết. Ngành nào của trường nào được cao điểm nhất thì tôi sẽ chọn ngành đó làm mục tiêu chính của thi đại học.
Kết quả là tôi chọn ngành công nghệ thông tin. Từ đó đến nay, tôi chưa từng cảm thấy hối hận vì lựa chọn của mình, vì nó đã được lượng tính kỹ càng và tham khảo qua nhiều kênh thông tin.
Thực tế cho thấy ngành công nghệ thông tin non trẻ vào thời điểm năm 2009 đã trở thành ngành mũi nhọn và “hot” nhất ngày nay. Trong khi ngành hot nhất thời điểm đó (Ngân hàng) lại bị dư thừa nhân lực.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
9:30 – 10:00 | Ăn sáng, uống nước trái cây và tán dóc với đồng nghiệp |
10:00 – 10:30 | Check mail, giải quyết các vấn đề khẩn cấp |
Xuyên suốt ngày làm việc | Phân tích lỗi, thử nghiệm chương trình, lập trình, đo đạc các thông số |
Họp bàn giải quyết các công việc chung | |
Hướng dẫn các bạn ít kinh nghiệm hơn | |
Phỏng vấn người mới |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Trách nhiệm: Công việc của tôi là sửa lỗi và phát triển thêm tính năng theo yêu cầu từ phía khách hàng. Mỗi dòng “code” (câu lệnh) của tôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hàng trăm nghìn thiết bị đang vận hành, nên tôi cảm thấy tầm quan trọng và trách nhiệm của bản thân trong mỗi thay đổi của sản phẩm.
Môi trường làm việc cực kỳ thoải mái: Bạn có thể làm việc ở nhà tùy thích, chính sách và phúc lợi của công ty rất nhiều. Đồ ăn, đồ uống bao no.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Do làm việc chung với các đồng nghiệp siêu giỏi nên đôi khi cảm thấy việc làm chậm trở thành một gánh nặng và căng thẳng..
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Kiến thức:
- Cần nắm vững các kiến thức cơ bản ở đại học, cao đẳng.
- Nên chú trọng học kiến thức nền tảng.
- Nên tìm hiểu thêm về các lĩnh vực chuyên ngành liên quan, cũng như các ngành nghề khác.
Thái độ:
- Ngưng đổ lỗi: Mọi thứ được dạy ở đại học, cao đẳng đều có giá trị của nó, đừng đổ lỗi cho giáo dục, cho thầy cô, cho môi trường.
- Chấp nhận khác biệt: Trong một nhóm luôn có những cá tính khác biệt. Chấp nhận góp ý của mọi người, điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa chung của công ty.
Kỹ năng:
- Tiếng Anh mở ra bầu trời tri thức của nhân loại.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
IT lương rất cao: Đúng nhưng cũng sai. Mặt bằng chung lương IT cao hơn so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, nếu bạn muốn lương cao thì công sức bỏ ra cũng nhiều. Câu nói “Hãy theo đuổi đam mê, tiền tài sẽ theo đuổi bạn” có lẽ nghiệm đúng nhiều đối với ngành này.
Cần cù bù thông minh: Theo tôi thì để học và làm việc về CNTT thì cần có chỉ số IQ nhất định, vì các vấn đề liên quan đến lập trình cần tư duy logic cao. Quay trở lại bản đánh giá khi chọn ngành, nghề tôi nêu ở trên. Nếu bạn cảm thấy mình không có khả năng toán học tương đối thì không nên theo ngành này. Bạn vẫn có những lựa chọn khác dẫn đến sự nghiệp thành công bằng những kỹ năng khác như bán hàng, giao tiếp, tổ chức, định giá hay kỹ năng xã hội khác. Hãy biết bản thân có khả năng gì và đi con đường phù hợp nhất.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Chắc chắn bạn sẽ sống được tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội mà không cần phụ cấp của cha mẹ ngay cả khi mới ra trường.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Ngay từ khi còn học đại học, cao đẳng, các bạn sinh viên nên:
- Chú tâm vào các kiến thức chuyên ngành.
- Đừng cúp tiết hay học qua loa.
- Giành thời gian và công sức cho các bài tập lớn, các dự án, đồ án mà thầy cô giao cho.
- Dành thời gian cải thiện Anh văn
- Thực tập ở các công ty lớn.
Khi lựa chọn công việc đầu tiên, nên:
- Thử lửa ở công ty quy mô nhỏ hay Start-up.
- Đặt nhẹ tiền bạc, lương bổng ở những năm đầu đi làm.
Chúc các em tìm thấy ngành nghề phù hợp với bản thân.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.