Nội dung chủ yếu của Lý thuyết cây nghề nghiệp
Lý thuyết cây nghề nghiệp là lý thuyết cơ bản nhất trong hướng nghiệp.
Khi chọn bất cứ một ngành học nào, mỗi người đều phải dựa vào sở thích nghề nghiệp, khả năng (hay còn gọi là năng lực) thực có, cá tính và giá trị của bản thân mình, tức là dựa vào “rễ” của cây nghề nghiệp.
Nếu một người quyết tâm theo đuổi ngành nghề học phù hợp với “rễ” thì sau khi tốt nghiệp sẽ có nhiều khả năng thu được những “quả ngọt” trong nghề nghiệp. Họ sẽ có nhiều cơ hội tìm việc tốt, dễ dàng được tuyển dụng vào vị trí thích hợp, môi trường làm việc tốt, lương cao, được nhiều người tôn trọng…
Ngoài các yếu tố trên, còn cần phải có những yếu tố khác như nhu cầu sử dụng lao động, các kĩ năng tìm kiếm việc làm, kinh nghiệm ngoài lớp học, tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp… Nhưng quan trọng nhất, mang tính quyết định nhất vẫn là quyết định chọn ngành nghề học dựa vào “rễ” cây nghề nghiệp.
Vai trò của cha mẹ trong hướng nghiệp cho con ở từng độ tuổi
Nuôi dưỡng con giống như chăm một cái cây, tưởng chừng đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được.
Ở Bhutan, gia đình Quốc vương được đánh giá là gia đình hoàng gia kiểu mẫu và nhận được sự kính trọng của nhiều người, đặc biệt là về cách nuôi dạy con rất khác biệt khác biệt so với nhiều gia đình hoàng gia khác.
Đức vua và Hoàng hậu xem việc giáo dục vị hoàng tử nhỏ tuổi giống việc chăm sóc một cái cây. Nếu cây con được chăm sóc cẩn thận và đúng cách, nó có thể phát triển cứng cáp, chịu được giông bão và cho ra hoa thơm trái ngọt.
Sinh ra trong hoàng tộc, nhưng không vì thế mà tiểu hoàng tử Bhutan trở thành một “cái cây” được bao bọc kỹ lưỡng. Tiểu hoàng tử nhiều lần xuất hiện với những hành động đẹp, được nhận xét là một đứa trẻ ngoan ngoãn, biết trên biết dưới, khiêm tốn và thân thiện với mọi người.
Nuôi dưỡng con như chăm sóc một cây xanh, cha mẹ cần biết chăm sóc đúng cách ở từng giai đoạn.
Cha mẹ hãy để ý đến cách con học những điều mới, xem con thích gì, cá tính như thế nào. Những việc đơn giản như cột dây giày, xếp quần áo,… cha mẹ hoàn toàn có thể hướng dẫn con làm. Mỗi đứa trẻ sẽ có khả năng tiếp thu khác nhau, nên cha mẹ nên đợi con làm theo tốc độ của con, thay vì tốc độ cha mẹ mong muốn.
Một cái cây muốn phát triển khoẻ mạnh cần có thời gian, không thể nhanh như dùng thuốc tăng trưởng, nên cha mẹ hãy kiên nhẫn khi đồng hành cùng con nhé!
Khi lần đầu tiếp xúc với những thứ mới mẻ, con sẽ rất thích khám phá. Cha mẹ hãy giúp con trải nghiệm càng nhiều điều mới càng tốt. Đó có thể là gặp gỡ những đứa trẻ khác, đi du lịch cùng bố mẹ hay đơn giản là ngồi sau xe ba/mẹ mỗi cuối tuần đi quanh thành phố.
Một cái mầm non sau khi chui lên khỏi mặt đất không chỉ cần được chăm bón kỹ lưỡng, mà còn phải học cách thích nghi tốt với các điều kiện tự nhiên xung quanh. Việc chăm trẻ ở tuổi này cũng vậy, thay vì chỉ chăm chăm cho con ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, cha mẹ hãy cho con cơ hội khám phá nhiều điều mới trong cuộc sống hơn.
Từ cái mầm xanh bé xíu, qua năm tháng cái cây sẽ lớn dần, và bắt đầu ra những chiếc lá đầu tiên. Việc cái cây ra lá như bước chuyển mình của trẻ, khi các con bước chân vào trường Tiểu học.
Ở độ tuổi này, con sẽ bộc lộ rõ nét hơn các đặc điểm về tính cách, sở thích. Cha mẹ hãy tiếp tục quan sát để thấu hiểu con, cho con tham gia các hoạt động trải nghiệm phù hợp với sở thích của con như thể thao, vẽ, hát,…
Khi tham gia vào các lớp học ấy, con vẫn rất cần sự đồng hành của cha mẹ. Hãy dành thời gian trò chuyện với con sau mỗi hoạt động, để giúp con nhìn lại và hiểu hơn về bản thân. Đây là chìa khóa giúp con hiểu mình và thế giới nghề nghiệp quanh mình.
Giai đoạn cây ra hoa lại đánh dấu một bước chuyển mình mới của con, khi con bước vào độ tuổi vị thành niên.
Ở độ tuổi này, con dần trở nên độc lập hơn, con thích có thời gian riêng với bạn bè, tìm hiểu về thế giới theo cách con muốn, và bắt đầu kiến tạo nhân sinh quan của riêng mình. Cha mẹ hãy luôn tạo điều kiện để con để con trải nghiệm, và đặc biệt là cho con không gian riêng, khuyến khích con có thời gian rảnh bên cạnh việc học. Vì khi con rảnh là lúc con đang dần lớn.
Chăm cho cây trổ hoa không phải là chuyện đơn giản, việc ra hoa bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như thời tiết, phân bón, lượng nước,… Cây có ra hoa được thì mới có thể tiếp tục quy trình cho ra quả ngọt trong tương lai.
Các con cũng vậy! Khi bước vào độ tuổi vị thành niên, con rất dễ bị tác động bởi những thay đổi tâm sinh lý diễn ra bên trong, lẫn những tác động từ bên ngoài như môi trường, bạn bè, xã hội. Vì thế, cha mẹ cần hỗ trợ để con thích ứng tốt với những thay đổi ấy. Khi có thể thích nghi với những thay đổi đó, con sẽ biết cách đưa ra quyết định liên quan đến bản thân mình trong tương lai và biết chịu trách nhiệm cho những chọn lựa ấy.
Cùng con vững vàng trên hành trình đi tìm “kho báu”
Hiểu rõ bản thân là một trong những điều cốt lõi giúp con sớm tìm được giá trị nghề nghiệp của chính mình. Cha mẹ hãy đồng hành và hỗ trợ bằng cách cùng con vẽ nên bản đồ hướng nghiệp ngay từ 10 năm đầu đời.
Bên cạnh việc giúp con khám phá sở thích, năng lực học tập, khả năng và cá tính, cha mẹ hãy dành thời gian rò chuyện cùng con về những hình mẫu mà con ngưỡng mộ, sau đó quan sát con qua các hoạt động thường ngày xem con hành động nào bộc lộ phẩm chất tương đồng với người ấy hay không.
Điều quan trọng là cần lắng nghe nhiều hơn, thay vì đưa ra đánh giá. Chẳng hạn như khi con chia sẻ rằng bản thân rất ngưỡng một một game thủ, youtuber hay rapper, cha mẹ hãy xoáy sâu vào lý do đằng sau và lắng nghe câu chuyện hơn là ngăn cản hoặc cố gây ảnh hưởng.
Cha mẹ cũng nên nghĩ về các giá trị cốt lõi của bản thân mà bạn muốn con kế thừa, bởi con trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi cha mẹ của mình. Thông qua các hoạt động hàng ngày cùng con, hãy khéo lép lồng ghép những giá trị mình muốn con kế thừa vào, hoặc học từ con những giá trị mới mà mình chưa biết đến hay chưa nghĩ đến.
Đi tìm “kho báu” giá trị nghề nghiệp chắc chắn là một hành trình rất dài và không dễ dàng. Nhưng nếu hành trình ấy có sự đồng hành của cha mẹ, con chắc chắn sẽ tự tin và vững vàng hơn rất nhiều.
Khám phá yếu tố “Giá trị nghề nghiệp”
Trên hành trình phát triển nghề nghiệp của mỗi người, luôn có một kho báu mang tên “giá trị nghề nghiệp”. Đây được xem là những điều quý giá và vô cùng quan trọng mà ai cũng mong muốn đạt được. Nói cách khác, giá trị nghề nghiệp là nhu cầu cốt lõi của mỗi người khi tham gia hoạt động nghề nghiệp. Mỗi người đều theo đuổi một giá trị nghề nghiệp riêng, không ai giống ai.
“Bí mật của niềm vui trong công việc nằm ở cụm từ – sự xuất sắc. Thành thạo một công việc chính là tận hưởng nó”.
Giá trị nghề nghiệp là động lực rất lớn để một cá nhân trở nên xuất sắc trong công việc mình chọn. Khi sự nỗ lực được ghi nhận, nhân viên đó sẽ sẵn sàng cống hiến nhiều hơn cho công ty. Nếu không, người lao động sẽ rất dễ nản lòng, không có động lực để cố gắng. Lâu dần, công việc sẽ trở thành gánh nặng đè lên đôi vai của họ.
Đây cũng là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của một cá nhân với công việc họ đang làm. Một nghiên cứu từ Forbes cho thấy 66% nhân viên nói rằng họ sẽ nghỉ việc nếu không nhận được sự công nhận từ công ty. Thậm chí, với những người lao động trẻ tuổi thuộc nhóm Millennials và Gen Z, con số này đạt đến 76%.
Khám phá yếu tố “Khả năng”
Chúng ta dành trung bình 8 tiếng, tức là ⅓ thời gian mỗi ngày để làm việc. Thật chẳng dễ dàng để mỗi ngày phải ép bản thân phải làm một công việc không phù hợp, và nhận về kết quả không như ý muốn vì bản thân không đủ khả năng.
Ngược lại, nếu ai đó tìm được công việc có yêu cầu phù hợp với với khả năng tự nhiên của bản thân, họ sẽ có xu hướng dễ dàng hoàn thành công việc hiểu quả và phát huy tối đa khả năng của mình. Khi đó, công việc không chỉ đơn thuần là hoàn thành nhiệm vụ, mà đó là tận hưởng niềm vui mỗi ngày.
Ít ai biết Bích Phương – nữ ca sĩ nổi tiếng với nhiều bài hát được yêu thích, từng là nhân viên một Ngân hàng tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau nửa năm, cô nhận ra bản thân không phù hợp với công việc tại Ngân hàng. Việc tiếp thu những kỹ năng cần thiết của công việc ngân hàng đối với Bích Phương rất khó khăn. Điều này khiến cô hoang mang, phân vân có nên rời khỏi môi trường này để tìm kiếm một công việc khác phù hợp hơn.
Sau khoảng thời gian đắn đo, cô quyết định Nam tiến vào Sài Gòn để theo đuổi niềm đam mê ca hát. Có lẽ nếu không dũng cảm buông bỏ một công việc không phù hợp với khả năng mình, sẽ chẳng có một nữ ca sĩ Bích Phương của hôm nay.
Gieo trăm hạt “sở thích”, chờ “khả năng” nảy mầm
Nếu chỉ thuần túy là “sở thích” thì rất khó cho một người có thể tìm kiếm công việc với mức lương ổn định, tạo động lực tồn tại và phát triển trong thị trường lao động. Trên hành trình phát triển nghề nghiệp, một cá nhân cần chuyển đổi “sở thích” thành “khả năng”, và từ “khả năng”, cá nhân ấy dần dần xây dựng năng lực hành nghề để thành công trong công việc đó.
Điều quan trọng và cần lưu ý là cần phải sàng lọc “khả năng” từ “sở thích” thay vì ngược lại.
Mỗi người có thể có rất nhiều “hạt giống” sở thích trong tay, nhưng qua quá nuôi dưỡng hạt giống bằng sự trải nghiệm và chiêm nghiệm, chúng ta sẽ quan sát được hạt giống “sở thích” nào sẽ nảy mầm thành “khả năng”. Hướng chọn lọc này sẽ giúp ta tìm được việc mình vừa yêu thích và vừa làm giỏi.
Nếu đi hướng ngược lại, khi một người tìm ra cái họ có khả năng làm nhưng lại không thích, sẽ gây ra sự mệt mỏi khi làm việc thời gian dài. Lâu dần cá nhân đó sẽ dễ mất động lực, mất năng suất, dẫn đến kết quả làm việc không tốt.
Cùng con đi từ “sở thích” đến “khả năng”
Cha mẹ hãy thường xuyên quan sát, trò chuyện để tìm hiểu con ngay từ khi con còn nhỏ nhằm hiểu rõ hơn về sở thích nghề nghiệp, năng lực học tập, khả năng tự nhiên của con và giúp con nhận thức bản thân.
Càng hiểu rõ về sở thích nghề nghiệp và khả năng tự nhiên của bản thân, con càng có cơ sở vững chắc để chọn nghề có cơ sở khoa học, đảm bảo thực hiện được 2 nguyên tắc khi chọn nghề là “1/Chọn nghề mà bản thân yêu thích; 2/ Chọn nghề mà bản thân có khả năng tự nhiên để làm”; tránh tình trạng chọn ngành học, chọn nghề theo trào lưu chung, theo cảm tính.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy hỗ trợ con trải nghiệm những sở thích để tìm hiểu khả năng của con trong từng sở thích khác nhau. Điều quan trọng là cha mẹ cần yêu cầu con cam kết trải nghiệm đủ thời gian, ít nhất là hết thời gian mà cha mẹ đã đóng học phí.
Nếu con chỉ tham gia một thời gian một vài buổi rồi nhanh chóng bỏ cuộc, con sẽ không thể luyện được sự bền chí, đó là yếu tố mà rất nhiều bạn trẻ ngày nay đang thiếu trong quá trình làm việc. Sau khi con hoàn thành khoá học, cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện để tìm hiểu cảm nhận của con về khoá học, liệu con có thấy yêu thích các hoạt động trong lớp không, và qua khoá học con đã học được những điều gì.
Có cha mẹ cạnh bên, hành trình đi từ “sở thích” đến “khả năng” của con sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Sở thích vốn thể hiện tự nhiên từ độ tuổi rất sớm ở trẻ, với sự hỗ trợ của cha mẹ, con sẽ có cơ hội chọn lọc và phát triển đúng khả năng của mình, để thêm vững vàng trên hành trình chinh phục công việc ước mơ.
Khám phá yếu tố “sở thích” của con?
Sở thích là khởi đầu của hành trình nghề nghiệp
Sự nghiệp bóng đá lẫy lừng của siêu sao người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo bắt nguồn từ sở thích đá bóng từ khi lên 8. Walt Disney, nhà sản xuất với chuỗi các phim hoạt hình nổi tiếng thế giới cũng đã bộc lộ niềm đa mê với hội hoạ từ những nét vẽ nguệch ngoạc về động vật và thiên nhiên từ khi còn rất nhỏ.
Có thể thấy, sở thích chính là yếu tố dễ dàng nhất cho một đứa trẻ trên hành trình khám phá nghề nghiệp của cuộc đời mình. Sở thích vốn là những điều được bộc lộ vô cùng tự nhiên từ rất sớm ở trẻ, con có thể thích hát, thích vẽ, thích động vật hay đơn giản là thích trò chuyện và kết nối cùng mọi người xung quanh. Với sự quan sát và trợ giúp phù hợp từ bố mẹ, “sở thích” hoàn toàn có thể từ từ phát triển thành kỹ năng cho các con, thay vì chỉ dừng lại ở mức “sở thích cho vui”.
Nếu xem hành trình nghề nghiệp của mỗi người là một chiếc phễu nhiều tầng, thì sở thích chính là tầng lọc phễu đầu tiên.
Tham khảo mô hình từ sở thích đến thành tựu:
Cha mẹ chính là cầu nối quan trọng đưa con đi từ “sở thích” đến “thành tựu”
Theo mô hình ở trên, nếu được cha mẹ bắt đầu nuôi dưỡng và hỗ trợ phát triển sở thích ở độ tuổi càng sớm, thì thời gian con đi từ đến tầng phễu “thành tựu” càng nhanh. Cha mẹ hoàn toàn có thể bắt đầu tìm hiểu sở thích của con qua những hành động thường ngày.
Làm bạn để chơi cùng con và quan sát những đặc điểm con bộc lộ để xác định sở thích của con. Trên đường đến trường, cha mẹ có thể cùng con đếm xem gặp bao nhiêu cột đèn giao thông, thấy được bao nhiêu quán cà phê. Trước giờ đi ngủ, cha mẹ hãy trò chuyện cùng con về những việc đã xảy ra trong ngày. Khi có nhiều thời gian rảnh hơn, chẳng hạn dịp cuối tuần, cả gia đình có thể cùng nhau đi công viên, du lịch, hoặc thậm chí là chơi game điện tử cùng con để có thêm thời gian quan sát và tìm hiểu con.
Trong lúc trò chuyện cùng con, cha mẹ nên dùng ngôn ngữ trung dung để phản hồi cho con biết về sở thích của con, cho con quyền xác định con rất thích, không còn thích nữa, hay hoàn toàn không thích. Chẳng hạn như “Ba thấy con bỏ rất nhiều thời gian ngồi tô màu. Con thích tô màu phải không?” Hoặc, “Mẹ thấy con hay ôm trái bóng chơi một mình. Con thích đá bóng nhiều không?” Hãy lắng nghe câu trả lời của con và ghi nhận, thay vì bày tỏ quá nhiều về quan điểm cá nhân của cha mẹ.
Mỗi hành trình đều cần sự khởi đầu, hãy sẵn sàng bắt đầu từ sớm
Hành trình nào cũng cần bắt đầu từ những bước đơn giản nhất. Hành trình nghề nghiệp dài một đời của con cũng có thể bắt đầu hình thành từ những sở thích từ lúc nhỏ. 10 năm đầu đời chính là thời gian vàng để bắt đầu hành trình hướng nghiệp mà cha mẹ không nên bỏ qua.
Khám phá yếu tố “Năng lực học tập”
Trong mô hình lý thuyết cây nghề nghiệp, ngoài các yếu tố tác động đến định hướng nghề nghiệp tương lai của con như sở thích, khả năng, cá tính, giá trị, thì tại Việt Nam, năng lực học tập cũng là một yếu tố không thể bỏ qua.
Yếu tố năng lực học tập quan trọng vì các bạn trẻ Việt thường ngộ nhận rằng có những lĩnh vực đòi hỏi sức học vô cùng xuất sắc, nên khi thấy điểm số không được như mong muốn, các bạn thường chùn bước trước ước mơ của mình, nhưng thực tế thì không hẳn là vậy.
Hãy lấy ví dụ ngành Y – ngành học thường được quan niệm chỉ dành cho những ai học tập xuất sắc. Nhưng một điều dưỡng viên trong ngành Y sẽ cần tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ người khác cùng sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và một sức khỏe dẻo dai, mà không đòi hỏi năng lực học tập xuất sắc ở các môn chuyên ngành như Hoá, Sinh.
Hiểu rõ được năng lực học tập của mình tới đâu giúp các bạn trẻ bình tĩnh, không dán nhãn bản thân. Yếu tố này sẽ giúp các bạn chọn được chương trình đào tạo phù hợp với năng lực và phương pháp học tập của mình như trung cấp, cao đẳng nghề, thay cố gắng mọi giá để vào Đại học để rồi bỏ ngang vì đuối sức.
Cha mẹ Việt thường có xu hướng quan tâm đến việc học của con, nhưng quan tâm không có nghĩa là ép con học quá sức hay áp đặt điểm số, mà là giúp con nhận ra sức học và phong cách học của con. Cha mẹ không thể giúp con trở thành học sinh đạt điểm cao nhất lớp, nhưng hoàn toàn có thể giúp con hiểu rõ thế mạnh của bản thân để luôn tự tin với khả năng của mình.
Khi quan sát con học, cha mẹ có thể để ý đến những môn nào con có năng khiếu tự nhiên, con học tự tin và rất nhanh, đạt kết quả tốt dù không mất nhiều thời gian. Ngược lại, những môn học nào thường làm con mệt, dù bỏ nhiều thời gian vẫn không thể học tốt. Điểm số của các môn học cũng là một yếu tố cha mẹ có thể cân nhắc để tìm hiểu về điểm mạnh hay điểm yếu trong việc học của con.
Ngoài các môn học ở trường, con còn có thể có năng khiếu trong những môn khác, chẳng hạn như thể thao, hội hoạ, hát, nhảy,… Cha mẹ có thể cho con tham gia các lớp năng khiếu để giúp con tự tin phát triển thế mạnh của bản thân hơn.
Ngoài xác định năng lực của con ở các môn học, cha mẹ hãy quan sát thêm phương pháp con tiếp cận các môn học đó như thế nào. Chẳng hạn như con thường thích đọc sách, học qua quan sát, học đi đôi với hành hay con luôn thích tìm tòi nghiên cứu một mình.
Năng lực học tập của mỗi người có thể khác nhau, nhưng khi tìm được lộ trình phát triển phù hợp, bất kể ai cũng có thể thành công. Một bạn trẻ cầm trong tay tấm bằng Cử nhân Đại học vẫn có thể thất nghiệp nếu không hiểu rõ mong muốn của bản thân. Ngược lại, một bạn chọn chương trình Cao đẳng phù hợp với sức học của mình và luôn kiên trì cố gắng thì cơ hội chạm đến công việc mình ước mơ luôn rộng mở.
Trên hành trình từ học tập đến nghề nghiệp, cha mẹ hãy đồng hành bằng cách quan sát việc học của con ở trường và ghi nhận năng lực thực tế của con. Đây là yếu tố rất quan trọng để cha mẹ giúp con sáng suốt chọn chương trình đào tạo sau lớp 12 phù hợp năng lực của bản thân con.
Khám phá yếu tố “Cá tính”
Mỗi cá nhân đều có một “bảng màu” mang tên cá tính
Mỗi người khi sinh ra đều mang trong mình một cá tính tự nhiên, và luôn chịu ảnh hưởng của môi trường nuôi dưỡng. Cá tính chính là đặc điểm cá nhân nổi trội khiến mỗi người chúng ta trở nên khác biệt, không ai giống ai. Cùng một cha mẹ sinh ra nhưng mỗi người một tính, kể cả anh chị em sinh đôi.
Hoa hồng không nhất thiết màu đỏ, và cá tính cũng vậy
Cùng là hoa hồng nhưng tuỳ vào giống và điều kiện nuôi trồng chúng lại cho ra một màu sắc khác nhau, như đỏ, trắng, vàng,… Hoa hồng phát triển tự nhiên cùng với màu sắc của mình, mỗi màu mang một ý nghĩa tượng trưng khác nhau, phù hợp với sở thích của mỗi người trong từng sự kiện khác nhau.
Cá tính con người cũng vậy, có người tính tình ôn hòa, nhã nhặn nhưng có người tính nóng nảy, vội vàng. Có người thích các hoạt động giao tiếp bên ngoài với bạn bè, thích tham gia các hoạt động, sự kiện nhưng có người lại thích làm việc một mình, trầm tư suy nghĩ, không thích những công việc đòi hỏi phải xã giao. Có người “uốn lưỡi 7 lần mới nói” nhưng có người chưa kịp nghĩ đã nói “thẳng ruột ngựa”.
Sẽ chẳng ai muốn mua một bông hồng trắng bị ai đó cố gắng sơn thành màu đỏ, và cũng chẳng ai muốn bị ép phát triển ngược lại với xu hướng cá tính tự nhiên của mình. Không được sống đúng với cá tính sẽ khiến chúng ta sẽ luôn căng thẳng và mệt mỏi trong đời sống hàng ngày. Điều này hoàn toàn ngược lại với suy nghĩ của nhiều cha mẹ “con không có khả năng tốt đó thì càng phải ép/rèn luyện để con có chứ.”
Khám phá “bảng màu” cá tính của con
Bên cạnh việc quan sát và khám phá cá tính của con qua các hoạt động hàng ngày, cha mẹ có thể tham gia làm trắc nghiệm Myers-Briggs Type Indicator (viết tắt là MBTI), một phương pháp sử dụng những câu hỏi trắc nghiệm, trong đó người làm chọn câu trả lời nào phù hợp mình nhất, để tìm hiểu cá tính qua 4 phạm trù: Hướng ngoại – Hướng nội, Tri giác – Trực giác, Lý tính – Cảm tính, Nguyên tắc – Linh hoạt.
Trắc nghiệm MBTI nhấn mạnh vào sự khác biệt tự nhiên của từng người và được phát triển dựa vào nền tảng tâm lý học theo học thuyết của nhà tâm lý học Carl Jung, có tính chính xác khá cao. Đây là công cụ được tin tưởng và sử dụng bởi hơn 2 triệu người mỗi năm tại 70 quốc gia trên thế giới, với mục đích giúp cấp quản lý cùng đội ngũ làm việc với nhau hiệu quả hơn nhờ sự thông cảm và thấu hiểu cá tính khác biệt của nhau.
MBTI cũng giúp cho cha mẹ hiểu vì sao con khác hay giống mình, vì sao mình hợp với đứa con này trong khi chồng hay vợ mình lại hợp với đứa con kia. Đây là một cách hiệu quả giúp cha mẹ hiểu rõ về cá tính của con, từ đó có thể biết được công việc nào có thể phù hợp với cá tính của con.
Cùng con dùng màu cá tính để tô nên bức tranh nghề nghiệp
Một bức tranh đẹp không chỉ cần quan tâm đến nét vẽ, mà màu sắc cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cá tính cũng vậy, mặc dù không ảnh hưởng mang tính quyết định như những đặc tính nghề nghiệp thuộc về sở thích khả năng, nhưng nó cũng là yếu tố rất cần phải cân nhắc khi chọn nghề.
Một người có cá tính hướng ngoại, thích gặp gỡ bạn bè và tham gia các hoạt động xã hội bên ngoài mà lại chọn công việc nhân viên kế toán thuế – một nghề đòi hỏi người lao động dành phần lớn thời gian ngồi lì trước máy tính, sổ sách để làm việc chính xác với những con số chi li – thì khó có thể duy trì hứng thú và đam mê dài lâu đối với công việc.
Hoặc một người có cá tính hướng nội mà lại chọn công việc chuyên viên quan hệ khách hàng – một nghề đòi hỏi phải giao tiếp với nhiều người phần lớn thời gian, phải tham gia các hoạt động, sự kiện xã giao gần như mỗi ngày thì thật là khó khăn và áp lực cho họ.
Song song với việc tìm hiểu sở thích, khả năng của con trên hành trình hướng nghiệp, cha mẹ hãy chú ý đến cả đặc điểm cá tính để cùng con tô nên bức tranh nghề nghiệp phù hợp nhất của riêng con.
Nguồn tham khảo: Hướng nghiệp Sông An
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.