Những nhân sự trong lĩnh vực phân tích dữ liệu kinh doanh đang được chào đón hơn bao giờ hết và sức nóng của ngành này chắc chắn sẽ còn tăng cao. Hãy cùng Tuhoc.com.vn tìm hiểu xem ngành học mới “Phân tích dữ liệu kinh doanh” có gì mà “HOT” đến vậy nhé.
Ngành phân tích dữ liệu kinh doanh là gì?
Là một nhánh của Phân tích dữ liệu, Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Data Analytics) là một ngành có tính liên ngành giữa công nghệ thông tin và kinh tế. Công việc tập trung vào việc thu thập, khai thác, quản lý và xử lý bộ dữ liệu – Big Data để từ đó đưa ra các nhận định, dự đoán xu hướng hoạt động của tương lai.
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số với nhu cầu lưu trữ và khai thác các nguồn dữ liệu (Big Data) ngày một lớn. Trở thành một nhà phân tích dữ liệu hoặc đảm nhiệm các vị trí liên quan đến lĩnh vực phân tích dữ liệu là công việc có ý nghĩa quan trọng với bất kì tổ chức, doanh nghiệp nào.
Phân tích dữ liệu kinh doanh có thể bao gồm phân tích dữ liệu thăm dò, phân tích dữ liệu xác nhận, phân tích dữ liệu định lượng và phân tích dữ liệu định tính (tập trung vào các dữ liệu như video, hình ảnh và văn bản),… Đây là công việc có ý nghĩa và có tầm quan trọng lớn đối với bất cứ tổ chức hoặc doanh nghiệp nào, đặc biệt trong các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, đầu tư, bảo hiểm, du lịch, quốc phòng, hàng không vũ trụ và y học,…
Ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh là cầu nối với các kỹ thuật, các phương pháp để phân tích dữ liệu với mục tiêu là nhằm dùng dữ liệu để mọi người có thể thấu hiểu được hoạt động kinh doanh và ra những quyết định xác đáng nhất.
Hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức sẽ sử dụng nguồn dữ liệu lớn phân tích để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi liên quan đến việc giảm chi phí, giảm thời gian, phát triển sản phẩm mới, dịch vụ tối ưu và ra quyết định thông minh.
Khi việc phân tích nguồn dữ liệu lớn được hỗ trợ tối đa, con người có thể hoàn thành tốt một số công việc như xác định nguyên nhân gốc rễ của những thất bại, tạo các chương trình khuyến mại hợp lý dựa trên thói quen của khách hàng đối với công việc kinh doanh, tính toán được những rủi ro gặp phải, phát hiện hành vi gian lận trước khi nó có ảnh hưởng,…
Ngành phân tích dữ liệu kinh doanh học gì?
Ngành học Phân tích dữ liệu kinh doanh đào tạo cho bạn đầy đủ kiến thức cơ bản về khoa học dữ liệu, kinh tế, quản lí; cũng như các kỹ năng chuyên sâu về phân tích dữ liệu kinh doanh để nghiên cứu, thiết kế và thực hiện các dự án phân tích dữ liệu lớn trong doanh nghiệp, kĩ năng phân tích dữ liệu kinh doanh, dự báo và đánh giá các tình huống kinh doanh phức tạp về tài chính, marketing trong hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể tự tin kết hợp rất hữu hiệu hiểu biết về Công nghệ thông tin (CNTT), Internet và thế giới công nghệ cao nói chung với hiểu biết về tổ chức và cơ cấu quản trị hoạt động, kinh doanh của các tổ chức và doanh nghiệp cho công việc tìm kiếm, đọc hiểu, phân tích dữ liệu và biến nó trở thành tài sản vô hình quý giá của tổ chức, doanh nghiệp.
Các môn học nổi bật trong chương trình đào tạo:
- Phân tích kinh doanh hỗ trợ ra quyết định
- Các giải pháp kinh doanh cho doanh nghiệp
- Khai phá dữ liệu và phân tích kinh doanh
- Phân tích dữ liệu lớn
- Học máy
- Các mô hình thống kê cho phân tích dữ liệu
- Trí tuệ nhân tạo
- Các hệ hỗ trợ ra quyết định
- Phân tích và trực quan hóa dữ liệu
Các bạn có thể tham khảo thêm chi tiết khung chương trình đào tạo ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh của trường Quốc tế Đại học quốc gia Hà Nội tại đây.
Các trường đào tạo ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh
Ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh là một ngành khá mới ở Việt Nam. Từ năm 2019 tới nay, chỉ có 2 trường đào tạo về ngành này là trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và trường Quốc tế Đại học Quốc Gia Hà Nội (riêng với trường Quốc tế ĐHQGHN đào tạo ngành này hoàn toàn bằng tiếng Anh).
Mã ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh là: 7349004
Điểm chuẩn và khối thi
Theo số liệu của trang diemthi.vnexpress.net, thì điểm chuẩn ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh của 2 trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và trường Quốc tế Đại học Quốc Gia Hà Nội năm 2022 như sau:
Tên trường | Điểm chuẩn | Tổ hợp môn |
Đại học Công nghiệp Hà Nội | 24,5 | A00, A01, D01 |
Trường Quốc Tế – Đại học Quốc Gia Hà Nội | 23,5 | A00, A01, D01, D03, D06, D07, D23, D24 |
Cơ hội nghề nghiệp với ngành Phân tích dữ liệu kinh doanh
Luôn được săn đón tuyển dụng
“Data Scientist” (nhà khoa học dữ liệu) được tạp chí uy tín Harvard Business Review đánh giá là “công việc hấp dẫn nhất thế kỷ 21”, và phân tích dữ liệu kinh doanh đứng đầu Top 25 nghề tốt nhất hiện nay.
Theo Cục Thống kê lao động Hoa Kỳ, trong vòng 10 năm tới sẽ có khoảng 96.500 việc làm liên quan tới phân tích dữ liệu được tạo ra. Những nghề nghiệp liên quan tới khoa học, phân tích dữ liệu dự đoán sẽ tăng trưởng 12% cho đến năm 2026.
Tại Anh, điều tra của hãng SAP vào năm 2013 với 300 doanh nghiệp cho thấy 75% doanh nghiệp thiếu hụt lao động có kĩ năng phân tích dữ liệu.
IBM cũng dự đoán nhu cầu đối với các nhà khoa học dữ liệu sẽ tăng 28% vào năm 2020, chủ yếu liên quan đến khoa học dữ liệu và phân tích trong các ngành tài chính và bảo hiểm, dịch vụ và CNTT.
Việt Nam, theo dự báo của Vietnamworks, sẽ cần khoảng 1,2 triệu nhân lực CNTT và khoa học phân tích dữ liệu vào năm 2020. Có thể nói, sự thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng trong ngành phân tích dữ liệu kinh doanh đang diễn ra trên toàn cầu.
Mức lương tương lai đáng mơ ước
Mức lương của ngành phân tích dữ liệu kinh doanh cũng rất đáng mơ ước so với nhiều ngành khác. Theo báo cáo của Glassdoor, mức lương trung bình của một nhà khoa học dữ liệu năm 2014 là 118.709$ so với 64.537$ của một lập trình viên. Tương tự, nhà phân tích nhân sự lương cao hơn 44% so với một nhà tuyển dụng thông thường và một nhân viên phân tích tiếp thị có lương cao hơn 75% so với một nhân viên phụ trách nội dung bài viết.
Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể đảm nhận các vị trí làm việc sau:
- Lĩnh vực Ngân hàng tài chính: Chuyên gia phân tích khách hàng, rủi ro tín dụng, rủi ro tài chính; phòng chống gian lận và quản lý hồ sơ năng lực công ty.
- Lĩnh vực tiêu dùng: Chuyên gia phân tích thị trường, phân tích tiêu dùng bán lẻ, và nghiên cứu thị trường.
- Lĩnh vực quản lý cung ứng và logistics: Chuyên gia quản lý doanh thu, quản lý sản phẩm trong chuỗi cung ứng, và tối ưu hóa hệ thống cung ứng.
- Lĩnh vực Viễn thông, công nghệ và Internet: Chuyên gia phân tích, lập trình, cấu trúc dữ liệu và dự báo nhu cầu để xây dựng kế hoạch phát triển.
- Lĩnh vực quản lý tài nguyên và mỏ: Chuyên gia dự báo giá cả; xử lý tức thời các vấn đề liên quan đến dây chuyền sản xuất; khám phá và khôi phục tài nguyên.
- Lĩnh vực tư vấn: Chuyên gia tư vấn, phân tích theo lĩnh vực có ứng dụng kĩ thuật phân tích bậc cao.
- Lĩnh vực an ninh, chính phủ: Chuyên gia phân tích khám phá gian lận, phát hiện tội phạm công chức và phòng chống tội phạm bạo lực.
- Lĩnh vực Dịch vụ công: Chuyên gia cải tiến chất lượng y tế, chính sách công và giảm thiểu số lượng tù nhân.
- Lĩnh vực Phi lợi nhuận: Chuyên gia gây quỹ, chuyên gia hỗ trợ công tác xã hội thực chứng và tối ưu hóa dự án.
- Giao dịch viên quốc tế: Giảng viên, nghiên cứu viên tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu về lĩnh vực kinh doanh.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.