Bài viết này thuộc series ‘Người Trong Ngành – bộc bạch những chuyện chỉ giới chuyên môn mới hiểu‘ từ Vietcetera.
Góp phần tạo nên tuổi thơ của hàng triệu con người, thế nhưng những diễn viên, đạo diễn và tác giả của những kịch bản lồng tiếng lại rất ít khi ra mặt để chia sẻ về ngành nghề đặc biệt này. Vì thế dù đã có mặt trên thị trường phim ảnh Việt Nam từ hàng chục năm trước, nghề lồng tiếng lại được rất ít người biết đến và trân trọng.
Tự giới thiệu bản thân là một người có đôi chút kinh nghiệm và muốn đem lồng tiếng đến gần hơn với công chúng, Lucas Luân Nguyễn đã ngồi lại với Vietcetera và nói về những trải nghiệm của anh trong khoảng thời gian làm nghề.
Cùng với tài sản là kịch bản chuyển ngữ của những bộ phim lớn, anh là người chịu trách nhiệm chuyển âm cho 3 bài hát trọng tâm của Encanto, bộ phim hoạt hình đã xuất sắc đoạt giải Quả Cầu Vàng 2022. Hãy cùng nghe anh nói về những điều có thể bạn chưa biết về công việc sáng tạo rất đặc thù này.
Chuyển ngữ và chuyển âm là một công việc “sáng tạo trong hộp”
Khi được hỏi về điều duy nhất mà anh muốn khán giả biết về ngành chuyển ngữ và chuyển âm, Lucas Luân Nguyễn ngay lập tức trả lời: “Đây là một công việc khó.”
Nếu nhiều người ví sáng tạo là “tư duy ngoài chiếc hộp” (think outside the box), thì đối với Lucas, ngành chuyển ngữ và chuyển âm lại là một công việc đòi hỏi bạn phải sáng tạo ở bên trong chiếc hộp.
Để có thể đạt đến một “ảo giác” rằng chính nhân vật trên màn ảnh đang nói tiếng Việt, có rất nhiều giới hạn mà người chuyển ngữ phải tuân theo. Ngoài những yêu cầu hiển nhiên về mặt ngữ nghĩa, kịch bản chuyển ngữ còn phải đảm bảo từng câu chữ được lồng ghép vào đúng khuôn miệng và cách nói của nhân vật.
Cụ thể hơn, một kịch bản chuyển ngữ tốt là một kịch bản đáp ứng đủ hai yếu tố: khẩu và temps.
Những âm thanh như “ay, i, e, u, ơ,…” đều có những cách phát âm tạo nên những khẩu hình miệng khác nhau. Vì thế để làm ra một kịch bản chuyển ngữ có “khẩu” tốt, người viết phải tìm ra những âm thanh có khẩu hình miệng tương tự với phiên bản gốc.
Yếu tố “temps” là một từ tiếng Pháp, mang nghĩa là nhịp độ. Một kịch bản chuyển ngữ có temps tốt sẽ có cách ngắt nhịp thoại khớp hoàn toàn với kịch bản và truyền tải được trọn vẹn thái độ khi nói chuyện của nhân vật.
Chuyển âm, vì là một việc làm với âm nhạc, lại có thêm những rào cản khác. Trong đó, thanh dấu là một trong những kẻ thù gây nhiều khó khăn nhất. Với từng nốt trong bài hát, mỗi thanh dấu “sắc, ngang, huyền” đều phải khớp với ca khúc gốc.
Trong ca khúc We Don’t Talk About Bruno của Encanto, đoạn rap của Dolores là một trong những đoạn nhạc gây khó khăn nhất cho Lucas. Vì là một đoạn rap toàn những dấu ngang, anh bắt buộc phải tìm ra những từ trong tiếng việt mang dấu ngang để đưa vào ca khúc. Đồng thời đảm bảo về nghĩa và vần sát với đoạn rap nguyên bản.
Để làm chuyển ngữ, cần phải có “cái đầu content”
Là một công việc sáng tạo đặc thù với nhiều luật lệ và rào cản, Lucas cho rằng để dấn thân vào con đường này, một người chỉ có khả năng về ngôn ngữ và dịch thuật thôi là chưa đủ.
Khi nói chuyện, anh liên tục lặp đi lặp lại cụm từ “cái đầu content” khi miêu tả về nghề chuyển ngữ. Anh bảo rằng “sự hài hước của nước ngoài và sự hài hước của Việt Nam” là hoàn toàn khác nhau. Một người chuyển ngữ tốt phải hiểu rõ cả hai khái niệm này và trở thành một cầu nối để đưa những câu đùa của nhân vật về với ngữ cảnh của Việt Nam.
Anh kể một trường hợp nổi tiếng trong ngành chuyển ngữ là câu thoại của Olaf trong Frozen 2. Khi Olaf đang bị lạc đường, cậu người tuyết này la lên: “Elsa? Anna? Samantha? Wait, I don’t even know who is Samantha.”
Nếu câu đùa này được dịch một cách thông thường, chắc chắn khán giả Việt sẽ không thể cười vì cái tên Samantha không phải là một cái tên mang nhiều ý nghĩa văn hóa với họ.
Vì thế, để có thể truyền tải được câu đùa cho khán giả Việt, người chuyển ngữ phải tìm ra một cái tên riêng nào đó có thể gây cười, nhưng vẫn giữ được cái chất hài nhảm của Olaf. Cái tên được chọn để thay thế cho Samantha chính là “Nguyễn Văn Tèo.”
Câu thoại ấy của Olaf từ đó mà trở thành: “Elsa? Anna? Nguyễn Văn Tèo? Mình có quen ai là Nguyễn Văn Tèo đâu trời?” Có thể thấy, nhiệm vụ của người chuyển ngữ đã không còn chỉ là dịch thuật thông thường, họ đang là người viết lại câu thoại cho các nhân vật trong phim.
Học chuyển ngữ là học cách buông bỏ và thỏa hiệp
Quay lại với khái niệm “sáng tạo trong hộp”, Lucas cho rằng những rào cản mà nghề chuyển ngữ đặt ra, tuy thoạt nhìn sẽ khá đáng sợ, chúng chính là những điều kiện rất tốt để anh thúc đẩy sự sáng tạo trong câu chữ của mình.
Tuy nhiên, khi đứng giữa nhiều yếu tố như temps, khẩu, ý nghĩa, bối cảnh,… người chuyển ngữ phải học được cách thỏa hiệp một mặt nào đó của kịch bản. Đối với Lucas, đây chính là một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất khi làm nghề.
Sự thỏa hiệp này có thể là chọn một cách ngắt nhịp khác với cách nói thông thường để giữ được khẩu hình đúng chuẩn. Hoặc chấp nhận dịch một câu thoại chệch đi một chút với ý nghĩa để đảm bảo khán giả hiểu được chúng trong bối cảnh Việt Nam.
Trong quá trình chuyển âm cho Encanto, sự buông bỏ này trở thành một điều tất yếu mà Lucas phải chấp nhận. Xuyên suốt tất cả những câu thoại, bài hát trong bộ phim này, những từ gốc tiếng Tây Ban Nha đều được giữ đúng với nguyên bản nhằm tôn trọng nguồn gốc cũng như vẻ đẹp, ý nghĩa của nền văn hóa này.
Chẳng hạn như câu hát “I’m sorry mi vida, go on” trong ca khúc We Don’t Talk About Bruno, “mi vida” là một từ gốc tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “tình yêu của tôi”. Vì thế, khi chuyển âm cho bài hát này, Lucas phải chấp nhận bỏ đi bản dịch “Tha cho anh em yêu ơi đừng cáu” và chuyển thành “Tha cho anh mi vida đừng cáu” để bảo toàn tính văn hóa của những nhân vật này.
Ngành lồng tiếng chỉ có một hướng là đi lên
Trong một thời điểm mà các hãng phim lớn trên thế giới, tiêu biểu là Netflix và Disney đang mở rộng thị trường ra khỏi Bắc Mỹ và nỗ lực “địa phương hóa” (localization) các sản phẩm của mình, ngành lồng tiếng sẽ dần khẳng định được vị thế trên thị trường Việt Nam.
Vì thế, Lucas khuyên những bạn trẻ muốn đi vào ngành chuyển ngữ và chuyển âm hãy tự tay tìm lấy cơ hội của họ ngay từ bây giờ. Hãy chủ động tìm gặp, trình bày những ý tưởng và bản dịch của mình cho những những công ty lồng tiếng lớn trên thị trường Việt Nam như Đạt Phi Media, Kantana Post Production,… và thuyết phục họ cho bạn một cơ hội để thể hiện khả năng bản thân.
Đối với Lucas, một kịch bản chuyển ngữ tốt không chỉ đóng góp cho trải nghiệm xem phim của những khán giả không thể đọc kịp phụ đề. Chúng còn là một phương tiện kết nối giúp đưa những trải nghiệm đó về gần hơn với văn hóa Việt Nam. Từ đó, tạo nên một sự yêu quý và trân trọng ở thế hệ khán giả trẻ dành cho ngôn ngữ Việt.
Lucas kể rằng đã có một khoảng thời gian mà phim lồng tiếng bị tẩy chay bởi một bộ phận người trẻ Việt Nam. Họ cho rằng việc lồng tiếng cho một bộ phim là một hành động thừa thãi. Thậm chí chúng làm cho những bộ phim được lồng tiếng tệ đi, mất đi tính nguyên bản mà người đạo diễn và biên kịch gốc nhắm đến.
Anh thừa nhận mình hiểu được điều này. Thế nhưng, trong những năm gần đây, ngành lồng tiếng đã có những tiến bộ khá rõ rệt nhờ vào sự quan tâm và đầu tư từ những hãng phim lớn cũng như sự kiên trì và phát triển của những cá nhân tâm huyết với nghề.
“Chúng tôi, những người tâm huyết với ngành lồng tiếng, những người đã luôn cố hết sức đã sản xuất những sản phẩm lồng tiếng, sẽ thuyết phục các bạn theo thời gian.” Lucas nhắn gửi đến khán giả trước khi kết thúc buổi trò chuyện.
Cùng khám phá Thế giới nghề nghiệp – Nơi các bạn trẻ Tự tin lựa chọn, vững vàng tiến bước.