Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 39 tuổi
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 5 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Thạc sĩ Khoa học – Kinh doanh Công Nghệ Thông Tin và Truyền thông (Master of Science – ICT Entrepreneurship)
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Sư phạm cao đẳng/đại học (Tertiary Teaching & Learning)
- Số giờ làm hằng tuần: Linh động
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty cổ phần, >100 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Công việc hiện tại của tôi là Nhà làm phim (Filmmaker), cụ thể ở 2 vị trí Nhà sản xuất (Producer) và Biên kịch (Script Writer). Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia giảng dạy cho ngành Truyền thông và sắp tới là ngành Phim, thuộc khoa Thiết kế & Nghệ thuật, trường Đại học Hoa Sen.
Trong công việc làm phim, Biên kịch là người sáng tạo ra kịch bản, nói nôm na là viết bộ phim ở trên giấy, còn Nhà sản xuất là người đứng đầu dự án và chịu trách nhiệm cả về mặt tổ chức và sáng tạo. Nhà sản xuất là người chính thức khởi xướng dự án, tìm nguồn tài chính, tập hợp nhân sự nòng cốt để sản xuất bộ phim, cũng như tìm đầu ra để bộ phim đến với khán giả.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một Nhà làm phim. Bố mẹ tôi là những người ham học, nhưng điều kiện gia đình không cho phép họ theo đuổi con đường học vấn, nên những kỳ vọng đó được gửi gắm vào con cái chúng tôi. Dù con cái đều tỏ ra có năng khiếu và lưu tâm đến nghệ thuật từ nhỏ, chúng tôi không được tạo điều kiện để theo đuổi.
Tôi tốt nghiệp Đại học với tấm bằng Kỹ sư Phần mềm, và sau đó là Thạc sĩ Khoa học, làm việc trong ngành kỹ thuật vài năm, rồi chuyển hướng sang giáo dục. Môi trường giáo dục giúp tôi hoàn thiện mình với những kỹ năng “mềm” mà nhân sự ngành kỹ thuật thường thiếu sót, đồng thời hướng tôi đến những suy nghĩ mang tính cốt lõi và dài hạn. Chẳng hạn từ một câu hỏi hết sức đơn giản: Mình có đang sống và làm điều khiến mình vui thích hay không?
Bước ngoặt đến với tôi khi tôi nhận được học bổng Thạc sĩ Giáo dục toàn phần của chính phủ New Zealand. Khi tôi trò chuyện với giáo sư phỏng vấn mình, bà ta vẽ ra một viễn cảnh cho tôi rằng với những kinh nghiệm và công việc mà tôi đã làm, bà muốn tôi sau này sẽ đồng hành cùng bà để thực hiện tiếp nghiên cứu tiến sĩ, cùng nhiều điều hay ho khác.
Tôi giật mình và tự hỏi, đây có phải là điều mà mình muốn làm phần đời còn lại?
Tôi không chắc. Điều chắc chắn là tôi cảm thấy mình còn những khả năng khác trong người mà tôi muốn thử nghiệm, những khả năng mà tôi chưa có cơ hội khai phá và ứng dụng trước đây.
Tôi từ chối học bổng, xin nghỉ việc ở môi trường giáo dục nhiều cảm hứng đã giúp tôi trưởng thành. Và tôi làm phim. Đó là một quyết định khó khăn, gần như là một ván cược. Nếu làm lại, không biết mình có đủ can đảm để chọn như mình đã chọn không. Nhưng tôi hạnh phúc vì mình đã làm vậy. Năm năm kể từ khi chính thức bước sang công việc làm phim, tôi có một tác phẩm được giới chuyên môn khen ngợi và chu du qua nhiều liên hoan phim trên thế giới (Thưa Mẹ Con Đi) và một tác phẩm vừa được ghi nhận có doanh thu cao nhất Việt Nam mọi thời (Bố Già).
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Đặc thù của công việc làm phim là tính linh động và tuỳ thuộc cá nhân. Ở mỗi giai đoạn làm phim sẽ có những thời gian biểu khác nhau mà người làm phim có thể thích ứng tùy theo vị trí của mình.
Chẳng hạn đối với một biên kịch, có người sẽ viết tốt hơn vào ban đêm, có người lại thấy mình viết hiệu quả vào ban ngày, hoặc có người thích viết cùng nhóm, có người hợp viết một mình.
Tôi thực sự không có một ngày tiêu biểu. Mỗi ngày của tôi là một biến số phụ thuộc vào từng giai đoạn của mỗi dự án mà mình theo đuổi. Và cũng có thể nói phần nào phụ thuộc vào “tâm trạng nghệ sĩ” của bản thân. Điều tôi có thể nói là với bản thân hay đa số những nhà làm phim mà tôi biết, ngay cả những lúc họ không “ngồi vào bàn làm việc”, thì đầu óc vẫn luôn vận động cho những ý tưởng sáng tạo của mình.
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Sự tự do, và rất ít sự lặp lại. Dù rất yêu mến ngành giáo dục, một trong những điều tôi không thích ở đó là sự xoay vòng của những học kỳ. Rất khó và rất lâu để có được một sự đổi mới. Trong khi đó, dù cùng một quy trình thì mỗi một bộ phim sẽ là một hành trình mới mẻ vì bạn sẽ làm với những ý tưởng mới và những con người mới.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Thiếu sự ổn định và phụ thuộc. Ngoài tính sáng tạo, mỗi một bộ phim đòi hỏi sự đầu tư vật chất lớn. Chính vì vậy mà mỗi quyết định đưa ra phụ thuộc vào nhiều bên liên quan, và đôi khi sự chờ đợi khiến bạn cảm thấy nản lòng.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Tôi cho rằng làm bất cứ công việc nào, thuộc ngành gì, thì để thành công và thăng tiến cũng cần có sự cộng hưởng của kiến thức trau dồi, kỹ năng rèn luyện và thái độ chuyên nghiệp. Làm phim dẫu có sự khác biệt từ đặc thù ngành (kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật), nhưng cũng không tách biệt khỏi quy luật chung đó.
Ngoài ra, do nặng tính “thực tế” (bạn hãy để ý chữ LÀM trong làm-phim), sẽ rất tốt nếu các bạn trẻ yêu thích và có định hướng theo đuổi công việc này tham gia các câu lạc bộ/hội nhóm chuyên ngành, hay tốt hơn là tìm được cho mình một người cố vấn (mentor) phù hợp để có thể được hướng dẫn và cập nhật.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Mỗi một bộ phim khi đến với khán giả qua màn ảnh sẽ kèm theo những hình ảnh tuyên truyền gợi cảm hứng và hấp dẫn. Xin được gọi đó là phần nổi “hào nhoáng” của công việc này mà người-ngoài dễ dàng nhìn thấy. Nhưng để đến được cái đích đó là một đoạn đường chông gai của một tập thể nhiều con người lao động trong nhiều tháng trời. Cho nên công việc làm phim không chỉ là bước lên thảm đỏ sự kiện ra mắt, mà thực sự phải “làm” rất nhiều.
Một hiểu lầm nữa là làm phim là một ngành nghệ thuật, thực tế nó là một ngành “khoa học và nghệ thuật”. Nếu ai có lưu tâm đến phim ảnh đều biết đến giải thưởng Oscar hàng năm của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. Ở đây nêu rất rõ Khoa học và Nghệ thuật. Bản thân tôi cũng bắt đầu công việc này bằng “vốn liếng” khoa học kỹ thuật được đào tạo chính quy, còn phần nghệ thuật tự bản thân trau dồi qua nhiều năm.
Cuối cùng là giàu-có. Việc doanh thu các bộ phim được tính bằng chục tỉ, trăm tỉ, dễ khiến người ta có nhận định rằng đây là một ngành có thu nhập cao. Điều đó không hoàn toàn chính xác.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Đây là một câu hỏi khó, vì nó phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người – dễ “nuôi” hay khó “nuôi”. Lúc mới chấm dứt công việc toàn thời gian ở một trường Đại học danh tiếng, tôi như “dứt sữa mẹ”, phải điều chỉnh hành vi chi tiêu và lối sống của mình. Nhìn lại thấy mình vẫn ổn. Cho nên nếu chỉ là nuôi-mình, tôi nghĩ câu trả lời là “được”.
“Tự nuôi mình” là một nhu cầu chính đáng, nhưng tôi nghĩ nó không nhất thiết phải gắn liền (match) với thời điểm “khi mới ra trường”. Mỗi người đều có những trình tự riêng, bạn có thể đã tự nuôi được mình trước khi ra trường, hoặc cần thêm một khoảng thời gian “quá độ”. Hãy cho bản thân mình thời gian.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Thị trường điện ảnh Việt được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực, và nhu cầu nhân lực cho ngành là có thật. Hiện nay, ngoài trường Đại học Sân khấu Điện ảnh với các chuyên ngành Diễn xuất, Đạo diễn và Quay phim, thì có các trường khác cũng có các ngành liên quan đến làm phim như Đại học RMIT, Đại học Văn Lang. Trường Đại học Hoa Sen sắp tới cũng ra mắt Ngành Phim với một chương trình và tầm nhìn hiện đại, sát với thực tế. Bên cạnh đó, cũng có nhiều không gian sáng tạo chuyên về điện ảnh như Xinê House hay Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng Điện ảnh TPD, nơi có các khóa học ngắn hạn chuyên về làm phim, cũng như kết nối người làm phim với các bạn trẻ đam mê qua các hoạt động hữu ích.
Các bạn quan tâm đến ngành này có thể tìm hiểu sớm các chương trình đào tạo cũng như tham gia các hoạt động cộng đồng chuyên ngành, từ đó có thể hiểu thêm về công việc làm phim và xác định hướng đi cho bản thân.
Xem thêm buổi trò chuyện cùng khách mời tại đây:
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.