Bài viết này thuộc series ‘Người Trong Ngành – bộc bạch những chuyện chỉ giới chuyên môn mới hiểu‘ từ Vietcetera.
“Hạnh phúc của một phóng viên ảnh là được đứng giữa tâm điểm sự kiện – nơi hàng triệu người đang nhìn vào và trông ngóng những bức ảnh và dòng tin tức của bạn.”
Nếu là một người hâm mộ thể thao, hay độc giả của những tin tức nóng được cập nhật thường xuyên, hẳn bạn sẽ không còn lạ gì với những bức ảnh vừa cảm xúc, vừa chỉn chu nhưng cũng đầy giá trị thông tin của Nguyễn Khánh.
Cuộc trò chuyện với Vietcetera cùng Phóng viên ảnh Nguyễn Khánh sau chuyến công tác trở về từ UAE là những chia sẻ về kinh nghiệm, trải nghiệm của anh trong suốt hơn 10 năm làm nghề.
Hãy tập trung và kiên trì vì những khoảnh khắc tốt nhất có thể đến vào bất kỳ lúc nào
Một trong những tố chất cần có đó là sự kiên trì, tập trung và khả năng sáng tạo trong mỗi khung hình. Đây là điều bắt buộc để tạo ra sự khác biệt với những bức ảnh của đồng nghiệp khác.
Mỗi sự kiện thường diễn ra rất nhanh, gấp gáp với bối cảnh hỗn độn nên phải luôn tập trung quan sát. Quan sát ở đây, với Nguyễn Khánh là phải tìm kiếm người quan trọng nhất. Ống kính của anh khi đó sẽ luôn dõi theo những nhân vật đấy.
“Những khoảnh khắc tốt nhất có thể đến vào bất kỳ lúc nào. Vì thế đừng ngơi nghỉ, phải luôn tập trung quan sát và sẵn sàng trong thế bấm máy.” – Anh chia sẻ.
Ngoài ra, người PV ảnh còn phải có sự phán đoán tình huống và luôn nghĩ trong đầu, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Điều này dựa nhiều vào kinh nghiệm tác nghiệp.
Như trận đấu bán kết lượt về AFF cup 2016 Việt Nam gặp Indonesia, cầu thủ Vũ Minh Tuấn sau khi ghi bàn đã quỳ xuống chắp tay lạy cha. Hôm đó trên sân có hàng chục người chụp ảnh cho các báo, nhưng Nguyễn Khánh là một trong số ít những người chụp được khoảnh khắc đắt giá này.
“Khi Tuấn ghi bàn, cậu ấy chạy sát khu vực PV ảnh ăn mừng, khung cảnh lúc đó rất hỗn độn. Ngay lập tức tôi sử dụng một ống kính có tiêu cự phù hợp, cũng như quyết đoán chạy vội vào mép sân, lách qua những người bảo vệ bấm máy liên tiếp” – Nguyễn Khánh kể lại.
Thông tin và cảm xúc là yếu tố quan trọng nhất trong một bức ảnh báo chí
Trước khi chụp một sự kiện hay một nhân vật, phải biết thông tin muốn truyền tải cho độc giả qua bức ảnh đó là gì? Nếu không tự trả lời được câu hỏi này sẽ chụp ra một bức ảnh hời hợt. Nguyễn Khánh cho rằng đấy là câu hỏi quan trọng nhất.
Có thể một bức ảnh không quá xuất sắc về tính thẩm mỹ nghệ thuật, nhưng nội hàm trong nó phải có một giá trị thông tin nhất định. Họ là ai, họ đang làm gì ? Đó là thông tin cơ bản mà một bức ảnh báo chí phải có. Ngoài bức ảnh, bạn phải có một chú thích ảnh rõ ràng và tường minh về mặt thông tin.
“Vào năm 2015, một lãnh đạo Việt Nam bị một hãng thông tấn của Đức đưa tin qua đời ở nước ngoài. Sau dòng tin này việc xác tín thông tin vô cùng quan trọng. Khi nắm bắt được thời gian vị lãnh đạo này về Việt Nam, rất nhiều tờ báo đã săn lùng tại sân bay Nội Bài. Bởi chỉ cần một bức ảnh sẽ chứng minh tất cả.
Cuối cùng, duy nhất một đồng nghiệp cùng toà soạn tôi chụp được ông ấy. Bức ảnh được chụp từ rất xa, khá mờ nhoè, nhưng vẫn đủ để nhận dạng. Bức ảnh đó đã tạo ra một giá trị thông tin cực kỳ mạnh mẽ bởi nó đã xác định được ông ấy còn sống” – Nguyễn Khánh chia sẻ.
Tất nhiên, tình huống đó là hy hữu và không ai cổ xuý cho việc bạn chụp một bức ảnh báo chí mờ nhoè cả. Hãy luôn chỉn chu trong mỗi khung hình.
Ngoài ra, với Nguyễn Khánh khoảnh khắc trong ảnh báo chí cũng rất quan trọng. Khoảnh khắc là hành động – yếu tố tạo hình “đập thẳng’ vào thị giác của độc giả. Một khoảnh khắc tốt thường đi kèm với một cảm xúc đặc biệt. Hai yếu tố này bổ trợ cho nhau và tạo ra xúc cảm cho độc giả.
Thay vì nói hàng ngàn lời, hãy đem đến cho độc giả một khoảnh khắc có xúc cảm đặc biệt. Nó sẽ đi thẳng vào trái tim của người xem. Nếu một bức ảnh độc giả nhìn mãi và không tạo ra một cảm xúc gì, thì đối với anh đó là sản phẩm thất bại. Hãy tự nghiêm khắc và đòi hỏi cao ở chính bản thân mình.
Không nên so sánh ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật cái nào khó, cái nào dễ
Nguyễn Khánh chia sẻ anh rất hay nhận được câu hỏi như vậy, đặc biệt từ những người mới bắt đầu tìm hiểu về nhiếp ảnh. Anh cho rằng, điều quan trọng là dù là thể loại nào, cũng nên dành sự tôn trọng cho những người theo đuổi thể loại đấy.
Để đi tới tận cùng thể loại nào cũng đều khó và càng cảm thấy mình bé nhỏ. Mỗi lĩnh vực là một thế giới riêng rộng lớn, ở đó bạn phải rèn luyện và nỗ lực không ngừng.
Nếu đã xác định theo đuổi một lĩnh vực nào thì phải kiên định với nó. Đừng tham lam nghĩ rằng mình có thể vừa xuất sắc ở ảnh báo chí, lại vừa nổi tiếng ở ảnh nghệ thuật. Điều đó là không thực tế.
Sự khác nhau giữa hai thể loại này, có lẽ là các yếu tố thuộc về nhu cầu. Ảnh báo chí ra đời để đem đến cho độc giả giá trị thông tin rõ ràng, tường minh. Ảnh nghệ thuật lại đánh vào nhu cầu hưởng thụ về mặt thẩm mỹ.
Người chụp không thể cắt ghép chỉnh sửa một bức ảnh báo chí làm sai lệch bố cục và nội dung gốc, ví dụ thêm hay bớt các chi tiết trong ảnh. Còn ảnh nghệ thuật thì không có giới hạn để sáng tạo trong cái địa hạt thẩm mỹ của mình. Bên cạnh đó, ảnh báo chí cũng đòi hỏi chính xác về mặt thông tin đính kèm.
Tuy nhiên, với quan điểm của Nguyễn Khánh, một bức ảnh báo chí xuất sắc phải hội tụ hai yếu tố thông tin và thẩm mỹ. Tính thẩm mỹ là sợi dây cảm xúc dẫn dắt tới giá trị thông tin của bức ảnh.
Chuẩn bị phương án tác nghiệp và đặt an toàn cho bản thân là điều quan trọng nhất
Đối với mỗi PV ảnh, công việc không chỉ đơn thuần là bốc máy lên gọi điện hay ngồi ở nhà để cho ra một bức ảnh. Muốn có một bức ảnh mang tính thời sự, người làm nghề sẽ phải tiếp cận sát với những chủ thể và sự kiện đó. Như vậy sẽ không tránh được những rủi ro có thể gặp phải.
Với Nguyễn Khánh, rủi ro làm nghề lớn nhất là khi bạn phải đối mặt với thiên tai bão lũ hay dịch bệnh.
“Bọn tôi hay nói vui với nhau là khi người ta chui ra thì mình chui vào. Nếu muốn có sản phẩm tốt thì phải tiếp cận sát với hiện trường. Trước đó phải luôn tỉnh táo và chuẩn bị những kỹ năng sinh tồn cơ bản. Ưu tiên số một là bạn phải an toàn, đừng lao vào những sự kiện đầy rẫy những rủi ro như vậy như một con thiêu thân. Hãy chủ động, cẩn thận và bình tĩnh khi tác nghiệp.” – Anh chia sẻ
Bên cạnh đó, rủi ro về mặt thiết bị cũng là trở ngại. Một bộ máy ảnh của PV ảnh rất đắt, trị giá cả vài trăm triệu đồng. Khi tác nghiệp ở những sự kiện đặc biệt là thiên tai, rủi ro là điều nhìn thấy rõ ràng. Đặc biệt là ống kính máy ảnh rất dễ gặp sự cố. Đó là một trong những điều mà Nguyễn Khánh thường xuyên gặp phải.
Để hạn chế được những điều đó, anh cho rằng, phải biết chuẩn bị những phương án khi tác nghiệp, cũng như các dụng cụ hỗ trợ cần thiết.
“Trước khi bắt đầu đến một địa điểm tác nghiệp tôi luôn chuẩn bị cho mình những dụng cụ tác nghiệp phù hợp. Ví dụ đi tác nghiệp bão lũ, sẽ phải có những loại giầy, quần áo phải chuyên biệt. Đi tác nghiệp ở nơi có dịch bệnh phải có trang thiết bị bảo hộ y tế an toàn…Mặt khác, thiết bị máy ảnh cũng phải phù hợp với bối cảnh chụp.” – Anh chia sẻ thêm.
Kể câu chuyện bằng hình ảnh khó hơn khi bạn viết
Chụp ảnh cũng giống khi viết, nó cùng một mục đích là bạn đang truyền tải và kể một câu chuyện đến độc giả. Khác ở chỗ một cái bằng ngôn từ, còn nhiếp ảnh là tạo ra các hình ảnh và chắp nối lại logic. Kể câu chuyện bằng hình ảnh nó khó hơn, vì phải tạo ra tính trực quan cho độc giả.
Người xem có thể dễ dàng tả “anh ấy đang hạnh phúc”. Nhưng để chụp khoảnh khắc “hạnh phúc” đó là không hề dễ dàng.
Khi kể một câu chuyện cho độc giả bằng một phóng sự ảnh, trước hết bạn phải mô phỏng trong đầu bằng ngôn ngữ. Từ ngôn ngữ với các bối cảnh sẽ phóng tác ra những hình ảnh phù hợp.
“Ví dụ trong một phóng sự ảnh, với 10 đến 12 bức ảnh, bạn nên sắp xếp các bức ảnh một cách logic về mặt thời gian, không gian. Sau đó tìm ra bức ảnh phù hợp. Chắc chắn trong đó sẽ phải có một đến hai bức ảnh chân dung đặc tả, khoảng hai đến ba bức ảnh toàn cảnh với không gian lớn. Còn lại là bức trung cảnh. Việc sắp xếp như vậy sẽ tạo ra sự đa dạng trong khuôn hình và tránh tạo ra sự nhàm chán cho người xem.” – Nguyễn Khánh cho biết
Một PV ảnh phải có tư duy báo chí mạch lạc. Nó thể hiện trong việc người đó kể cho độc giả câu chuyện có đầy đủ thông tin và rõ ràng.
Để chụp ở những sự kiện lớn, hãy chủ động rèn luyện ở những sự kiện nhỏ
Ngoài kiến thức nền về nhiếp ảnh là điều bắt buộc, trước khi bắt đầu bước vào một sự kiện, Nguyễn Khánh luôn chuẩn bị tìm hiểu thông tin từ trước.
“Hãy tự đặt ra những câu hỏi và giải đáp nó: Sự kiện này diễn ra ở đâu, ai sẽ tham gia, họ sẽ làm gì, khoảnh khắc quan trọng nhất của sự kiện là gì. Cũng như việc tác nghiệp có trở ngại gì không?”- Anh nói.
Ví dụ ở những sự kiện chính trị quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều hay APEC, thường sẽ có rất ít người được tác nghiệp. Do vậy, trước khi sự kiện diễn ra chúng tôi phải liên hệ với các đơn vị tổ chức để đăng ký và lấy thẻ tác nghiệp. Sau đó là nắm bắt bối cảnh hậu trường để chuẩn bị các thiết bị phù hợp.
Cụ thể như hội nghị APEC tại Đà Nẵng, Nguyễn Khánh cho rằng khi các nguyên thủ đến sân bay Đà Nẵng, người PV ảnh phải hình dung được khoảng cách từ vị trí mình đứng đến chỗ máy bay hạ cánh là bao xa.
Tính toán được điều này đã giúp anh chuẩn bị được các ống kính với tiêu cực phù hợp để bắt được những khoảnh khắc đắt giá.
Một điều quan trọng nữa để có đủ tự tin tham gia vào những sự kiện lớn, theo Nguyễn Khánh là phải biết rèn luyện kĩ năng từ những sự kiện nhỏ. Thông thường, các báo sẽ chỉ có một PV ảnh tác nghiệp tại các địa điểm quan trọng.
Muốn được lựa chọn, bạn phải là người có kinh nghiệm và tạo được niềm tin cho toà soạn. Để làm được điều này, anh luôn chủ động tham gia và tập dượt từ những sự kiện nhỏ.
“Những sự kiện có quy mô vừa và nhỏ là cơ hội quan trọng để một PV ảnh có thể rèn giũa những kỹ năng cần thiết trước khi bước vào một sự kiện lớn hơn. Nó sẽ giúp bạn làm quen với không gian tác nghiệp, biết mình phải đứng ở đâu, chụp ảnh lúc nào và di chuyển ra sao. Có được những kinh nghiệm “thực chiến” này, khi bước vào những sự kiện lớn nó sẽ không khiến bạn bị choáng ngợp.” – Nguyễn Khánh nói thêm.
Hạnh phúc lớn nhất của một PV ảnh là được đứng giữa tâm điểm của sự kiện
Đó là nơi hàng triệu người đang nhìn vào và trông ngóng những bức ảnh hay những dòng tin tức. Nghề báo nói chung hay PV ảnh nói riêng không có chỗ cho những kẻ lười biếng.
Người chụp ảnh chỉ có thể tạo ra một sản phẩm báo chí chất lượng, khi có mặt ở sự kiện đó và được thở chung bầu không khí với những gì đang diễn ra xung quanh.
“Tôi may mắn trong suốt 10 năm qua, được tác nghiệp gần như tất cả những sự kiện chính trị, xã hội, thể thao lớn của Đất nước. Mỗi sự kiện là một thử thách khác nhau. Từ thiên tai bão lũ miền Trung, dịch bệnh COVID-19, hay những cảm xúc vỡ oà của thể thao. Vui có, buồn có, tang tóc cũng có. Mỗi sự kiện là một cột mốc lịch sử của Đất nước. Tôi hạnh phúc khi được đứng đó và ghi chép lại một phần của lịch sử qua những bức ảnh.” – Nguyễn Khánh khẳng định.
Cùng khám phá Thế giới nghề nghiệp – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin lựa chọn, vững vàng tiến bước.