Luận Ngữ – Khổng Tử (551 – 479 TCN)
Ở Việt Nam có nhiều người tin chắc Khổng Tử chủ yếu là nhà tư tưởng Nho giáo đầu tiên – một triết học gia đã bênh vực cho những vai trò xã hội thủ cựu hoặc bào chữa cho cách suy nghĩ gọi là “tam tòng, tứ đức” ở phụ nữ. Dù sao, khi đi sâu vào tác phẩm quan trọng nhất của ông, tức Luận Ngữ, bạn vẫn sẽ khó thấy tư tưởng trọng nam khinh nữ. Và theo tôi, không có lí do gì để xa lánh tuyệt tác này; thậm chí, nên áp dụng cách suy nghĩ của Khổng Tử để đối đầu với những vấn đề hàng ngày. Miễn là mình nhớ nội dung đang đọc vốn thuộc một nền văn hoá khác hẳn của chúng ta và được biên soạn cách đây hơn hai ngàn năm.
Luận Ngữ đúc kết lại một tư tưởng cao quý, nhằm trả lời cho câu hỏi: có trình độ học vấn để làm gì? (Tôi nói, Khổng Tử dứt khoát KHÔNG NGHĨ mục đích của một nền giáo dục tốt là có công việc béo bở với mức lương cao thì chắc chẳng ai thấy ngạc nhiên cả.)
Hoặc cũng có thể nói trọng tâm của sách là sự tương phản giữa hai loại tính cách: “người quân tử” và “kẻ tiểu nhân”. Kẻ thứ nhất là người đề cao sự công bằng trước lợi ích, người biết giữ bình tĩnh khi xung quanh ai cũng bồn chồn, và như đã nói, người hướng tới sự hiểu biết: “biết mình, biết người” mà không bao giờ tỏ ra đắc chí.
Hoặc nói cách khác: trọng tâm của Luận Ngữ là lý tưởng xã hội, là câu trả lời cho câu hỏi “ta phải làm gì để xây dựng một đất nước thịnh vượng, một cộng đồng vững mạnh, nhân đạo, có cơ sở thực tế trong phong tục tập quán mà bản năng của người dân cũng được dung hoà với nhau qua sự dẫn dắt của nhóm người tinh hoa, có tầm nhìn rộng.”
Luận Ngữ của Khổng Tử không phải loại sách triết học dễ đọc. Bạn chọn phiên bản tóm tắt cũng được, nhưng nên nỗ lực đọc tất cả những lời nói, châm ngôn, câu chuyện, đối thoại ngắn, mặc dù giá trị của từng đoạn không ngang bằng nhau về mặt triết học. Như vậy bạn sẽ thấy một số nét ở Khổng Tử, chẳng hạn như tính chất luận chiến nhất định hay một bộ óc hài hước gượng gạo hiếm thấy trong hình ảnh rập khuôn thông thường.
Những bạn đọc muốn có cái nhìn về Khổng Tử một cách vừa toàn diện vừa cô đọng hơn thì có thể tìm đến bản phân tích của nhà triết học Đức Karl Jaspers. Chương ngắn về Khổng Tử trong “The Great Philosophers” là một trong những bản tóm tắt nhân sinh quan của nhà triết học sâu sắc nhất tôi từng đọc.
Symposium – Plato (428 – 348 TCN)
Luận Ngữ của Khổng Tử bao hàm nhiều chủ đề phong phú. Còn Đối Thoại (Symposium) của Plato chỉ có một đề tài thôi: tình yêu. Nó gián tiếp vẽ một bức tranh đầy màu sắc của người Hy Lạp cổ – một trong số hai dân tộc phương Tây, cùng với người Đức hiện tại, được coi là có năng khiếu xuất sắc về môn triết.
Khung cảnh của Đối Thoại là một bữa tiệc tưng bừng có 6, 8 khách mời lần lượt phát biểu về cùng một vấn đề: tình yêu có ý nghĩa gì trong cuộc sống của con người. Khó mà biết được rằng Plato đã tưởng tượng ra phần lớn bài diễn văn hoặc viết lại nội dung dựa trên sự thật. Nhưng việc ông ấy có thể lấy một buổi tiệc kiểu này làm cơ sở của một tác phẩm triết cho thấy những cuộc nói chuyện thoải mái về triết học thời đó là một phần quan trọng trong cuộc sống ở giới trung lưu Athens.
Không phải tất cả các bài phát biểu trong Symposium cũng hay như nhau. Nhưng điều quan trọng ở đây là sự phản ánh “hoàn cảnh con người“, nhằm giúp người đọc thấy rõ những lý thuyết được trình bày, những câu chuyện được kể, mà không tách ra khỏi tính cách và môi trường sống. Đó chính là lí do Symposium được nhiều người coi là tuyệt tác văn chương, chứ không phải chỉ là tác phẩm triết học thú vị.
Ba bài diễn thuyết hay nhất thuộc về phân nửa sau của đối thoại. Bài đầu tiên có sự góp mặt của Aristophanes (là nhân vật lịch sử có thật, thậm chí là một trong số nhà biên soạn hài kịch lớn nhất của thế giới cổ đại phương Tây). Luận điểm của Aristophanes nhắm đến việc mở rộng cách suy nghĩ phổ biến về tình yêu, về nỗ lực tìm (theo đúng quan điểm của Aristophanes là nỗ lực TÌM LẠI) “nửa kia của mình“. Aristophanes đáp lại câu hỏi về tình yêu bằng cách dệt lên một thần thoại vừa vui vừa lạ theo đó loài người vốn có bản chất đôi, chỉ về sau bị “chặt ra” thành hai tồn tại riêng vì dạng sống nguyên thuỷ có sức mạnh đủ để làm sụp đổ vương quyền của các vị thần thánh.
Sau Aristophanes là Socrates – anh hùng trong “truyện”. Ông giãi bày lý thuyết về tình yêu mà cho đến bây giờ được biết dưới tên là “Platonic love“. Luận điểm chính về tình yêu dành cho một đối tượng cụ thể thực ra chỉ là một bậc trên một cầu thang có nhiều tầng bậc cao hơn. Tình yêu “thông thường” theo Plato/Socrates có bản chất lưng chừng, không xuất phát từ trời (như một số diễn giả trong cuộc khẳng định), cũng không chỉ mang tính trần tục.
Vậy mục đích của một người cao quý theo kiểu Plato là làm cho tình yêu vốn con người của mình thanh khiết hơn: là cầu thang từ những bậc dưới (yêu một người đẹp mắt hay đẹp nết) đến những bậc trên: yêu bản thân nhan sắc, bản thân tính nết đẹp, ngay cả yêu những “hình tướng” đẹp mà theo Plato là điều kiện tối cần thiết về mặt trí tuệ cho từng trải nghiệm chỉ có một trên đời.
Lý tưởng đó nghe… cũng đẹp nhưng lại rất trí thức. Nên Socrates phát biểu xong thì đến lượt Alcibiades giải thích ý nghĩa của tình yêu từ một góc nhìn cá nhân hơn nhiều. Với kẻ ăn chơi từng trải này, mối tình có tầm quan trọng lớn nhất đối với anh ấy chính là tình bạn bè thân mật, gần như là tình yêu, dành cho bản thân Socrates, là một nỗ lực hướng tới cái khôn mà Socrates thể hiện ngày qua ngày, bất chấp ông ấy thuyết trình về tình yêu (hay chủ đề nào khác) trừu tượng thế nào chăng nữa.
Để chấm dứt “hài kịch khái niệm“ của Plato, Alcibiades vừa đảo ngược, vừa hoàn thiện luồng suy nghĩ của Socrates: suy cho cùng tình yêu là cảm hứng cá nhân tạo màu không thể thiếu cho ý tưởng, tư tưởng hay cách suy nghĩ.
Châm Ngôn (Maxims) – La Rochefoucauld (1613 – 1680)
Vì danh sách này dành cho những người mới bắt đầu đọc triết học nên nó đề cao những thể loại sách triết ai cũng nên đọc thử được. Và một trong số thể loại đó là bộ sưu tập Châm Ngôn. Bộ sưu tập của La Rouchefoucauld là tác phẩm điển hình, bao gồm mấy trăm đoạn dài từ một câu đến bốn, năm câu ngắn, dí dỏm, thể hiện xu hướng của tác giả để lật ngược ý kiến mà nhiều người mặc nhiên thừa nhận.
Nguồn gốc của bộ Châm Ngôn khá là thú vị; người đọc sẽ phải ngẫm nghĩ nếu muốn hiểu về cách suy nghĩ của tác giả. Ở Paris từ thế kỷ 17, một số phụ nữ thuộc giới trung lưu, thượng lưu bắt đầu tổ chức các “buổi họp mặt văn học” có mục đích là bàn bạc về nhiều chủ đề khác nhau và những nhà văn tham gia có thể đọc tác phẩm mới của mình cho thành viên khác nghe. Người ta đánh giá cao lời nhận xét sắc sảo, đặc biệt là về tâm lý con người và đó cũng là sở trường của La Rochefoucauld.
Bộ Châm ngôn của ông kết hợp lại những lời bình luận văn vẻ, đầy hoài nghi về động cơ con người và đời sống xã hội, về mâu thuẫn tinh tế giữa “bản chất“ và “hiện tượng“ và cách chúng tác động lẫn nhau, hay về cách người ta tự dối mình ngay trong khi họ lừa dối người khác, cách người ta bị mắc kẹt không thoát khỏi sự tự ái ngay khi lên đỉnh tình yêu dành cho người khác.
Từ khoá trong tác phẩm này chắc hẳn là “tình tự ái“ hoặc (dịch sang tiếng Việt chuyên môn hơn một chút) là “tính ái kỷ“ (tiếng Pháp là amour propre, tiếng Anh là self-love). La Rochefoucauld cứ cho rằng những “mưu mô” của tính ái kỷ là vô số, ta cần đến tài năng của một triết học gia kiêm nhà tâm lý học để nhận ra.
Theo câu nổi tiếng nhất từ bộ Maxims: “Một số người chắc sẽ không biết say tình khi chưa một lần nghe nói về nó” (đảo ngược lại ý kiến phổ biến cho rằng tình yêu là trải nghiệm thông thường, ám chỉ nhiều người tưởng họ yêu chỉ vì nghe người khác nói về kinh nghiệm thần bí này mà sinh ra ý họ cũng bắt buộc phải có.)
Xét về “hiện tượng“ và “bản chất“ trong cách giao tiếp giữa người với người, La Rochefoucauld nhận xét cộc lốc rằng: “Ta quen việc nguỵ trang trước người khác, đến độ cuối cùng ta nguỵ trang với chính mình”. (Lật ngược vấn đề, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, tôi đeo mặt nạ ra ngoài xã hội thì chỉ có hậu quả là người khác không nhận sự thật về tôi. Thực ra, có nguy cơ tôi cũng không biết tôi là ai nữa.)
Nhưng không phải ý của tác giả cũng mang tính tiêu cực, vỡ mộng: “Về mặt nhận thức, xã giao là cách suy nghĩ vừa tử tế vừa tinh tế dành cho những người khác” – trong sách của La Rochefoucauld ắt hẳn có nhiều quan điểm bi quan. Nhưng khi ông giãi bày với giọng điệu nhẹ nhàng hơn một chút thì có thể khiến cho người đọc xúc động.
Khai sáng là gì? – Immanuel Kant (1724 – 1804)
Nhiều người ngại bước bước đầu tiên (lên bậc dưới nhất) của “cầu thang triết học” vì không rõ một điều cũng cần phải nhớ: về cơ bản có 3 loại triết khác nhau dành cho những người đọc triết. Vì các lí do khác nhau – thứ nhất có kiểu triết học có thể gọi là nghiên cứu về triết học mà nhiều người ở Việt Nam tưởng là dạng duy nhất, tựa như triết học này là cây duy nhất mà họ nhìn thấy thì che khuất cả rừng còn lại. Đúng là “triết học nghiên cứu” mang tính hàn lâm, có thuật ngữ riêng, nhiều khi có trường phái riêng nữa, mà tất cả điều đó khiến cho nó khó tiếp cận với “người ngoài cuộc”.
Nhưng còn hai loại triết học người ta hay bỏ sót, đầu tiên có một nhóm có thể gọi là “triết học cuộc sống“ mang tính định hướng cho cuộc đời cá nhân. Tiếp theo, có triết học mà tôi sẽ đặt tên là “triết học khái niệm“, tức loại tác phẩm tạo ra những khái niệm chúng ta cần để nói chung về những vấn đề xã hội ta phải đương đầu ngay trong kỷ nguyên hiện tại. Triết học cung cấp cho ta một mô hình khái niệm, vừa đủ trừu tượng vừa đủ chi tiết, để suy nghĩ thấu đáo về xã hội nói chung, lịch sử nói chung, tâm lý, ngôn ngữ, văn hoá, khoa học nói chung, có khi để suy nghĩ về tất cả chủ đề này cùng một lúc.
Ba tác phẩm tôi đã bàn đến và tác phẩm cuối tôi sẽ bàn tới sau này thuộc “triết học – cách sống” là loại triết học dễ tiếp cận nhất với người mới bắt đầu quan tâm đến môn triết. Còn tác phẩm tôi sẽ giới thiệu trong đoạn này là tác phẩm duy nhất thuộc nhóm “triết học – khái niệm chung“. Nó là bài trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì của Immanuel Kant. Bài mở đầu với vài ba câu tôi thấy phải đặt trong số những dòng cao đẹp nhất nhà triết từng viết trong cả thời kỳ hiện đại (đây cũng là thời kỳ mà chính những dòng này đã giúp mở đầu).
“KHAI SÁNG LÀ SỰ THOÁT LY CỦA CON NGƯỜI RA KHỎI TÌNH TRẠNG VỊ THÀNH NIÊN DO CHÍNH CON NGƯỜI GÂY RA. VỊ THÀNH NIÊN là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần sự chỉ đạo của người khác. Tình trạng vị thành niên này là do TỰ MÌNH GÂY RA, một khi nguyên nhân của nó không phải do sự thiếu sót trí tuệ, mà do sự thiếu sót tính cương quyết và lòng can đảm, dám tự mình dùng trí tuệ phục vụ cho mình mà không cần đến sự chỉ đạo của người khác. Sapere aude! Hãy có can đảm tự sử dụng trí tuệ CỦA CHÍNH MÌNH! đó là câu phương châm của Khai Sáng.”
Đôi điều cần lưu ý trước khi đọc. Thứ nhất là phần mở bài truyền cảm ở trên không điển hình cho thân bài mà cũng có một số khúc khô khan, bắt bẻ, sẽ không khiến trái tim của người đọc đập mạnh như đoạn đầu. Thứ hai là “phản tham chiếu”. Với Kant “khai sáng” dứt khoát không có liên quan đến kiểu giác ngộ cá nhân về mặt tinh thần mà nhiều người sẽ nghĩ đến, nhất là khi nghe nói về “Enlightenment” tiếng Anh. Thay vào đó nó là quá trình công khai, mang tính xã hội mà Kant muốn định nghĩa để đẩy mạnh nó.
Khai sáng là gì đối với Kant? Nó là phương pháp để thoát khỏi bóng ma bán khai, thiếu văn minh mà theo Kant gần như xã hội con người nào đến lúc bấy giờ đã mắc phải. Về cơ bản nó là quyền sử dụng công khai và tự do LÝ TRÍ cá nhân để giúp cho cuộc sống cộng đồng có tiến bộ.
Có thể nói đối với Kant có hai điều đặc biệt cản trợ xã hội có tiến bộ theo chiều hướng khai sáng, một là tình trạng dựa dẫm vào những người (hoặc nhóm người) có quyền hành hoặc thế tục (tức thuộc chính quyền) hoặc tinh thần (tức thuộc quyền hành tôn giáo). Thứ hai là sự tin cậy hoàn toàn vào giới chuyên gia là xu hướng Kant thấy trên đà phát triển mạnh đúng vào thời điểm ông ấy sống.
Kant nói đến khía cạnh thứ hai của vấn đề theo tôi là một trong những lí do bài “Khai sáng là gì?” vẫn là bài viết triết học đáng đọc. Tầm quan trọng của kiến thức khoa học, kỹ thuật ngày nay trong gần như mỗi lĩnh vực của cuộc sống con người càng lớn thì rủi ro càng nghiêm trọng. Người ta sẽ đứng bất lực trước những vấn đề lớn nhỏ mà chỉ những nhà khoa học, nhà kỹ thuật – chuyên gia theo đúng nghĩa của Kant – mới có thể giải quyết.
Siddhartha – Hermann Hesse (1877 – 1962)
Ta hãy quay trở lại phương Đông theo đường phương Tây.
Sách cuối cùng trong tuyển tập này là tiểu thuyết thoang thoảng kiểu triết học, kể câu chuyện diễn ra ở Ấn Độ vào thời đại của Phật do một nhà văn Đức viết đầu thế kỷ 20. Đức Phật thậm chí là nhân vật phụ trong cốt truyện có nhân vật chính là Siddhartha. Tên này đồng nghĩa với Si Đặt Đa của tiếng Việt là danh khai sinh của thái tử mà theo truyền thống Phật giáo đã chứng quả Bồ Đề sau khi từ bỏ địa vị.
Từ cách đặt tên, ta có thể hiểu ra một số điều quan trọng trong tiểu thuyết này. Trong nó Hesse hình dung ra cuộc hành trình giác ngộ của một người như Phật mà không phải Phật, mà là quá trình đấu tranh trong một thời gian dài. Rõ ràng Siddhartha (trong truyện của Hesse) và Đức Phật (người mà trong lịch sử đã khai sáng ra ra đạo Phật) khác hẳn nhà triết học đã đề cập ở đầu bài này: Khổng Tử. Trong khi Khổng Tử không tin vào những trải nghiệm tinh thần sau cùng, bác bỏ việc cứu rỗi linh hồn, Siddhartha và Đức Phật đều đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống của mình “bên bờ kia của cuộc sống đời thường.”
Bước đầu tiên, nhân vật chính trong sách của Hesse đi, cũng là khúc đầu của con đường Si Đặt Đa, là trở thành người khổ hành. Siddhartha quay lưng với sự giàu sang gia tộc, chìm đắm vào đau khổ mà anh ấy thấy khó chấp nhận ở đời. Nhưng khác với Phật, Siddhartha không tìm ra phương pháp để thoát khỏi, cũng không “quy y vào cửa Phật” mà anh ấy đã từng tiếp xúc. (Bạn thân nhất Ananda đã chọn con đường ngược lại và trở thành tín đồ.)
Bước thứ hai, trái ngược tiểu sử của Phật, Siddhartha yêu một người say đắm về cả mặt xác thịt lẫn tinh thần, và thay đổi cuộc sống hoàn toàn để xứng đáng với tình cảm đó. Được tình yêu dành cho Kamala truyền cảm hứng, Siddhartha trở thành người lịch thiệp, tìm được hạnh phúc, thú vui và ý nghĩa suốt nhiều năm trong việc sử dụng tài năng của mình để “làm chủ ngoại giới”. Thú vị thay, đó là thử thách mà khả năng tự chủ (xuất phát từ giai đoạn khắc kỷ trong hành trình tinh thần) đã giúp đỡ anh.
Nhưng cuối cùng, cuộc sống thành đạt cũng mất ý nghĩa dần: Siddhartha ra đi một lần nữa, đi bước thứ ba trở thành người lái đò, với sống cực kỳ đơn giản (anh ấy tìm thấy nơi an nghỉ tinh thần thế nào khi về già thì khỏi kể ra ở đây, để các bạn có thêm động lực đọc xong câu chuyện).
Ai muốn hiểu “triết học – cách sống” với trọng tâm là những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống ta đặt ngày qua ngày thì chắc nên đọc Siddhartha của Hesse thật kỹ. Sở trường của Hesse không phải là đặt câu hỏi một cách rạch ròi, mà là CHỈ RÕ câu hỏi triết học gần như nổi bật lên từ những hoàn cảnh cụ thể chúng ta đang sống.
Thứ nhất, đó là câu hỏi về ý nghĩa của nỗi đau khổ trong cuộc sống con người. Thứ đến là ý thức về sự phù du ở cuộc sống và cách dung hoà nó với trải nghiệm cá nhân của ta. Quan trọng không kém là vấn đề Siddhartha phải vật lộn khi sống “một mình với con sông” – nên cắt nghĩa thế nào cảm giác có sự kết nối khôn tả giữa tôi và người khác, giữa tôi và tất cả không phải là tôi (mà cũng không phải là người): giữa tôi và cả vũ trụ nói chung.
Như tất cả các cuốn sách triết học có tầm quan trọng khác, Siddhartha của Hesse nêu lên nhiều vấn đề. Nó đủ đa nghĩa để những người đọc có thể nhận ra những vấn đề khác nhau liên quan đến bản thân. Có khi là vấn đề bạn sẽ thấy nó đề ra cách giải quyết, nhưng có thể là vấn đề bạn đơn giản sẽ thấy hài lòng chỉ vì có nhà triết học nêu một cách hay, gần như làm cho câu hỏi quan trọng có cái gì sống động thất thường.
–Tác giả Cameron Shingleton | Sưu tầm từ Trạm đọc –