Lời nói đầu
“Chọn nghề là chọn cho mình một tương lai”.
Điều này cho chúng ta thấy, tương lai của con em chúng ta có được như mong muốn hay không tùy thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn nghề nghiệp của chính các em. Không những thế, việc lựa chọn nghề nghiệp của mỗi em trong thời điểm hiện tại còn là đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đất nước mai sau bởi không ai khác, chính các em sẽ là những chủ nhân tương lai, là những người trực tiếp tham gia vào các lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.
Hướng nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng chọn nghề cho thế hệ trẻ. Làm tốt công tác hướng nghiệp sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ bản thân mình, hiểu rõ những đòi hỏi, yêu cầu của nghề đối với người lao động cũng như hiểu được những yếu tố tác động tới bản thân từng người trong quá trình chọn nghề. Nhờ đó, các em sẽ chọn được nghề phù hợp với bản thân mình để cống hiến được nhiều nhất cho xã hội.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc chọn nghề của các em chủ yếu dựa vào cảm tính hoặc theo trào lưu của xã hội. Hậu quả là nhiều em thiếu hứng thú, thiếu động lực và khả năng trong quá trình học tập tại các cơ sở đào tạo nghề, kể cả tại trường đại học đã lựa chọn. Nhiều em tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng không xin được việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo. Thậm chí có em phải nghỉ học giữa chừng vì không có đủ khả năng theo học…
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do công tác hướng nghiệp mới chỉ triển khai và thực hiện ở phạm vi trường học nên chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng, các lực lượng xã hội và cha mẹ học sinh – những người hiểu rõ về con em mình hơn ai hết.
Với mong muốn có được sự tham gia tích cực, hiệu quả của các bậc cha mẹ vào công tác giáo dục hướng nghiệp cho các bạn trẻ, Tổ chức Hợp tác phát triển và Hỗ trợ kĩ thuật vùng Flamăng, Vương quốc Bỉ (VVOB Việt Nam) phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức biên soạn tài liệu dành cho cha mẹ “Giúp con hướng nghiệp”.
Và bài viết này đã tham khảo, tóm lược nội dung chính từ bộ tài liệu “Giúp con hướng nghiệp” nhằm chia sẻ và giúp các bậc phụ huynh cùng con hướng nghiệp dễ dàng hơn.
Phần I: Một số vấn đề chung của hướng nghiệp
Khái niệm hướng nghiệp?
Thuật ngữ hướng nghiệp xuất hiện trên thế giới cách đây hàng trăm năm nhưng cho đến nay vẫn còn rất nhiều người hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ.
Có người nghĩ đơn giản hướng nghiệp là hướng dẫn, quyết định việc chọn ngành, nghề cho học sinh chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông;
Có người cho rằng đây là quá trình định hướng cho các em lựa chọn những ngành, nghề có giá trị trong xã hội.
Có người lại cho rằng hướng nghiệp là công việc dành riêng cho nhà trường và chỉ có nhà trường mới làm được hướng nghiệp…
Vậy, nên hiểu về hướng nghiệp như thế nào cho đúng?
“Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài nhà trường để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp và có khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội”.
Khái niệm trên cho thấy:
- Thực chất của hướng nghiệp không phải là sự quyết định nghề mà là giúp các em có được những hiểu biết cần thiết về bản thân, về thế giới nghề nghiệp xung quanh, về những yếu tố ảnh hưởng/tác động tới bản thân trong việc chọn nghề để lựa chọn nghề phù hợp và giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa cá nhân với nghề, giữa cá nhân với xã hội.
- Hướng nghiệp là giáo dục sự lựa chọn nghề một cách có chủ đích nhằm đảm bảo cho các em hạnh phúc trong lao động nghề nghiệp, lao động đạt hiệu suất cao và cống hiến được nhiều nhất cho xã hội.
- Hướng nghiệp không chỉ được thực hiện trong nhà trường bởi các thầy, cô giáo mà còn được tiến hành tại gia đình và cộng đồng với sự tác động, hỗ trợ của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là cha mẹ học sinh.
Mục đích của hướng nghiệp
Mục đích chính của công tác hướng nghiệp là “Phát hiện, bồi dưỡng tiềm năng sáng tạo của cá nhân, giúp họ hiểu mình và hiểu yêu cầu của nghề, chuẩn bị cho thanh niên sự sẵn sàng tâm lý đi vào những nghề mà các thành phần kinh tế trong xã hội đang cần nhân lực, trên cơ sở đó đảm bảo sự phù hợp nghề cho mỗi cá nhân”.
Vì vậy, công tác hướng nghiệp được thực hiện với mong muốn giúp học sinh:
Ở bậc THCS: Các em có thể khám phá bản thân “mình là ai”. Kết quả là học sinh có thể lựa chọn ban học phù hợp ở cấp THPT (tự nhiên, xã hội…) và có kế hoạch nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT. Đối với những học sinh không thể tiếp tục học lên THPT, các em sẽ có tự tin và năng lực để chọn các chương trình đào tạo nghề/trường nghề phù hợp sau khi tốt nghiệp THCS.
Ở bậc THPT: Các em có thể hiểu biết sâu hơn “mình là ai” về năng lực/ kĩ năng/ điểm mạnh của bản thân; hiểu được các cơ sở lao động của địa phương và quốc gia, bao gồm thị trường lao động, nhu cầu của xã hội, các đặc tính của nghề, quy mô và cơ cấu nhân lực tại địa phương…; hiểu rõ các tác động từ xã hội, gia đình tới việc lập kế hoạch nghề nghiệp và ra quyết định nghề nghiệp của bản thân.
Tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp
Công tác hướng nghiệp cho thế hệ trẻ có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ cho tương lai của các em mà còn có tác động đến gia đình và xã hội, thể hiện như sau:
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay có một vấn đề nổi cộm dễ nhận thấy, đó là: hầu hết các gia đình có con đi học đều muốn con thi vào đại học ngay cả khi khả năng học tập của các em còn chưa tốt.
Rất nhiều em chạy theo những ngành nghề “thời thượng” đang được đánh giá cao trong khi hiểu biết về đầu ra của thị trường lao động hầu như không có, khả năng của bản thân lại không phù hợp với ngành nghề đã chọn.
Hậu quả là nhiều em rất khó kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp trường đại học, nhiều em phải xin làm những công việc trái ngành, trái nghề hoặc không cần phải có trình độ đại học…
Từ những phân tích trên cho thấy, vấn đề cấp thiết được đặt ra lúc này là làm thế nào để nâng cao nhận thức của mọi người đối với công tác hướng nghiệp, huy động được nhiều lực lượng xã hội, đặc biệt là cha mẹ học sinh tham gia hướng nghiệp một cách tích cực, đúng hướng và hiệu quả.
Vai trò và quan niệm của cha mẹ trong hướng nghiệp
Vai trò của cha mẹ trong hướng nghiệp
Từ trước tới nay, nhiều người thường nghĩ rằng, nhà trường là tác nhân chính, đóng vai trò quyết định trong công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, chính cha mẹ học sinh mới là tác nhân quan trọng nhất vì cha mẹ là người gần gũi và hiểu con rõ nhất.
Hạnh phúc và sự thành đạt của con là niềm mong ước lớn nhất của những người làm cha mẹ. Hơn nữa, theo truyền thống gia đình ở nước ta, con thường nghe lời cha mẹ vì tin tưởng và muốn làm vui lòng cha mẹ, ngay cả trong việc chọn ngành, nghề cho bản thân.
Thấy rõ vấn đề này, Tầm nhìn hướng nghiệp của các tỉnh tham gia chương trình VVOB Việt Nam đã khẳng định: “Cha mẹ là một trong các tác nhân quan trọng nhất để công tác hướng nghiệp cho học sinh trung học đạt hiệu quả. Khi cha mẹ hiểu rõ những bước cần làm cho việc quyết định tốt về nghề nghiệp, họ sẽ làm mọi cách để hỗ trợ con em mình”.
Một số quan niệm của cha mẹ trong hướng nghiệp
Khi giúp con hướng nghiệp, cha mẹ thường có quan niệm như sau:
- Xem nhẹ việc định hướng nghề, cho rằng chỉ cần định hướng nghề cho những em học sinh “không có kết quả học tập tốt” và không có khả năng học lên cao hơn
- Coi trọng con đường học vấn, xem nhẹ việc học nghề: Trong số 572 cha mẹ học sinh tham gia phỏng vấn về hướng nghiệp, có đến 88,7% người muốn con học cao lên đến đại học. Chỉ có 10,6% người muốn con học nghề và 0,7% muốn con tham gia lao động
- Thường hướng con vào những ngành học đang được coi là “thời thượng”, dễ xin việc hoặc chọn công việc “lương cao, nhàn hạ”, tức là chỉ chú ý đến những điểm hấp dẫn của nghề, chưa chú ý tìm hiểu những khó khăn thử thách, các yêu cầu cụ thể của nghề
- Áp đặt ý kiến của cha mẹ, thiếu tôn trọng ý kiến của con
- Bỏ qua kế hoạch để đạt được mục tiêu nghề nghiệp
- Bất bình đẳng về giới trong khi định hướng nghề nghiệp cho con
Nguyên nhân chủ yếu là do đa số cha mẹ còn thiếu kiến thức cơ bản về hướng nghiệp. Họ thường hướng nghiệp cho con theo cảm tính và kinh nghiệm, bỏ qua bước phân tích, đối chiếu xem nghề đó có phù hợp với bản thân con mình hay không.
Những Lý thuyết cơ bản và quan trọng về hướng nghiệp
Để giúp con hướng nghiệp, điều quan trọng nhất là cha mẹ biết được các bước cần làm và cách thực hiện từng bước đó ra sao. Hình vẽ dưới đây là sơ đồ tổng quát về các bước cần làm trong quy trình hướng nghiệp:
Để có thể thực hiện được các bước trong quy trình hướng nghiệp trên, cha mẹ cần hiểu một số lý thuyết cơ bản nhất như sau:
- lý thuyết cây nghề nghiệp.
- lý thuyết mô hình lập kế hoạch nghề.
- lý thuyết hệ thống.
- lý thuyết ngẫu nhiên có kế hoạch.
- lý thuyết vị trí điều khiển.
Lý thuyết cây nghề nghiệp
Lý thuyết cây nghề nghiệp là lý thuyết cơ bản nhất trong hướng nghiệp.
a. Nội dung chủ yếu
Khi chọn bất cứ một ngành nghề học nào, mỗi người đều phải dựa vào sở thích nghề nghiệp, khả năng (hay còn gọi là năng lực) thực có, cá tính và giá trị của bản thân mình, tức là dựa vào “rễ” của cây nghề nghiệp.
Nếu một người quyết tâm theo đuổi ngành nghề học phù hợp với “rễ” thì sau khi tốt nghiệp sẽ có nhiều khả năng thu được những “quả ngọt” trong nghề nghiệp. Họ sẽ có nhiều cơ hội tìm việc tốt, dễ dàng được tuyển dụng vào vị trí thích hợp, môi trường làm việc tốt, lương cao, được nhiều người tôn trọng…
Ngoài các yếu tố trên, còn cần phải có những yếu tố khác như nhu cầu sử dụng lao động, các kĩ năng tìm kiếm việc làm, kinh nghiệm ngoài lớp học, tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp… Nhưng quan trọng nhất, mang tính quyết định nhất vẫn là quyết định chọn ngành nghề học dựa vào “rễ” cây nghề nghiệp.
b. Ý nghĩa của mô hình lý thuyết cây nghề nghiệp
Trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp, việc tìm hiểu bản thân để biết rõ sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp của chính mình là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Càng hiểu rõ về bản thân, càng có cơ sở khoa học vững chắc để chọn nghề phù hợp với “rễ”, tránh được tình trạng chọn nghề theo “quả”, chọn nghề cảm tính, theo lờikhuyên của người khác hoặc theo trào lưu chung.
Ví dụ dưới đây sẽ làm rõ hơn về nội dung, ý nghĩa của lý thuyết cây nghề nghiệp:
Mặt khác, bà Hạnh nghĩ rằng ngành Ngân hàng là một ngành khá ổn định, phù hợp với phụ nữ và có thu nhập cao. Con gái bà Hạnh đã nghe theo lời khuyên của cha mẹ dù bản thân không yêu thích nghề này. Em cũng biết rằng khả năng làm việc với con số, làm tài chính của bản thân rất hạn chế.
Ngày em tốt nghiệp cũng là lúc cô ruột mất chức, không ai đứng ra xin việc cho em. Với kết quả học tập không cao, bản thân lại không yêu thích, không có khả năng nổi trội trong ngành đã theo học, em đã không kiếm được việc làm trong ngành mà em theo học.
Nếu con gái bà Hạnh học ngành Tài chính – Ngân hàng vì em có sở thích, có khả năng về tài chính và có những kĩ năng cần thiết khác thì khi ra trường, dù người cô ruột có còn tại chức hay không, em vẫn có thể tìm được một vị trí thích hợp trong ngành Tài chính – Ngân hàng
GHI NHỚ
Khi giúp con hướng nghiệp, điều đầu tiên và quan trọng nhất mà cha mẹ cần làm là hỗ trợ con tìm hiểu bản thân để con biết rõ khả năng, sở thích, cá tính, giá trị của chính mình. Làm tốt việc này sẽ tạo nền tảng vững chắc để con bạn chọn ngành học, chọn nghề phù hợp, giúp cho cây nghề nghiệp ra hoa, kết quả như mong muốn của bản thân con và gia đình.
Lý thuyết mô hình lập kế hoạch nghề
a. Nội dung chủ yếu
Lập kế hoạch nghề là công việc rất quan trọng cần phải làm trước khi chọn nghề. Điều này giúp mỗi người biết trước được các công việc, cách tiến hành và thời gian cần thiết để tiến hành từng công việc một cách chủ động, hiệu quả.
Lập kế hoạch nghề được thực hiện qua 7 bước: 3 bước tìm hiểu và 4 bước hành động.
* Ba bước tìm hiểu
Bước 1: Tìm hiểu bản thân
Tìm hiểu bản thân là tìm hiểu về sở thích nghề nghiệp, khả năng, cá tính và giá trị. Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất khi con bạn chọn ngành, nghề học. Có thể thực hiện bước này bằng nhiều cách khác nhau như: tìm hiểu khả năng và kết quả học tập các môn học; tham gia các hoạt động ở nhà trường, gia đình và cộng đồng; làm các phiếu trắc nghiệm về sở thích, khả năng, cá tính, giá trị nghề nghiệp…
Chỉ khi nào các em hiểu được bản thân mình thì khi đó mới có thể quyết định chọn ngành nghề học dựa vào “rễ” cây nghề nghiệp (xem Mô hình lý thuyết cây nghề nghiệp).
Thực tế cho thấy, không phải ai cũng phù hợp với con đường học hành và không phải người thành công là nhất thiết phải có bằng đại học hay cao đẳng.
Do đó, trong quá trình tìm hiểu ngành nghề cho con, các bậc cha mẹ trước hết cần nhìn nhận, đánh giá đúng năng lực thực tế của con mình để xem concó đủ sức thi vào đại học hoặc theo học ngành nghề mong muốn hay không. Nếu không thi vào đại học thì có thể hướng cho con theo học trường cao đẳng, trường trung cấp nghề hoặc trường dạy nghề.
Bước 2: Tìm hiểu thị trường tuyển dụng
Tìm được công việc làm phù hợp và ổn định là mong ước của học sinh khi học xong ngành nghề. Nhưng điều này tùy thuộc rất nhiều vào nhu cầu sử dụng lao động của ngành, nghề mà con bạn theo học. Nói cách khác, là tùy thuộc vào thị trường tuyển dụng lao động của ngành, nghề đó.
Vì vậy, các bậc cha mẹ cần tìm hiểu thị trường tuyển dụng để biết:
- Các công việc đang có nhu cầu sử dụng lao động ở tại địa phương, quốc gia và quốc tế
- Những nghề có tiềm năng phát triển trong tương lai
- Các yêu cầu và đòi hỏi của nghề
Những ngành nghề nào càng cần tuyển dụng nhiều lao động thì những người học xong ngành nghề đó càng dễ có cơ hội xin việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân. .
Bước 3: Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn ngành học, chọn trường học và chọn nghề
Việc lựa chọn và theo đuổi ngành nghề không chỉ phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của bản thân người đó mà còn chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan như hoàn cảnh gia đình, xã hội…
Các em thanh thiếu niên rất dễ bị dao động bởi ý kiến của người xung quanh, bao gồm:
- Bạn bè;
- Thầy cô;
- Cha mẹ, người thân;
- Báo chí, đài phát thanh, truyền hình;
- Mạng xã hội (Facebook)…
Do đó, trong giai đoạn này, nhận biết đầy đủ về những tác động v mức độ của tác động sẽ giúp con bạn sáng suốt, kiên định và bình tĩnh hơn trong quyết định chọn ngành nghề.
* Bốn bước hành động
Sau khi hoàn tất ba bước tìm hiểu về bản thân, thị trường tuyển dụng và các yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn nghề của con, các bậc cha mẹ hãy bắt đầu bốn bước hành động sau:
Bước 1: Xác định mục tiêu nghề nghiệp
Mục tiêu nghề nghiệp là cái đích mà mỗi người đặt ra cho hoạt động nghề nghiệp tương lai, bao gồm mục tiêu gần và mục tiêu xa. Mục tiêu gần là ngành, nghề mà mỗi người chọn học tại một cơ sở đào tạo nghề nào đó. Mục tiêu xa là tìm được công việc mong muốn sau khi ra trường.
Cho dù là mục tiêu gần hay mục tiêu xa cũng cần phải thỏa mãn những điều kiện cơ bản sau:
- Ngành, nghề chọn học phải phù hợp với sở thích nghề nghiệp và khả năng của bản thân.
- Ngành, nghề chọn học phải phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động ở địa phương trong khu vực hoặc trong nước.
- Ngành, nghề và trường chọn học phải phù hợp với hoàn cảnh và khả năng kinh tế của gia đình.
Bước 2: Ra quyết định nghề nghiệp
Đây là bước quyết định sẽ theo học ngành gì, làm nghề gì trên cơ sở các thông tin đã tìm hiểu.
Bước 3: Thực hiện quyết định nghề nghiệp
Ở bước này, cần hướng cho các em chuẩn bị những bước cần thiết như:
- Chuẩn bị làm hồ sơ thi vào trường đã chọn;
- Nỗ lực học tập để thi đầu vào;
- Chuẩn bị vào học tại trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề hay trường nghề đã đăng kí theo học (cũng có thể là chuẩn bị tốt tâm thế, kế hoạch để sẵn sàng đi lao động nếu như không có khả năng đi học tiếp sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT).
Bước 4: Đánh giá
Bước này được thực hiện sau khi các em đã tham gia hoạt động nghề nghiệp một thời gian. Điều này nhằm giúp các em xem xét việc quyết định nghề nghiệp:
- Có thực sự phù hợp với bản thân hay không;
- Có đúng hướng không.
Từ đó, các em có định hướng cho việc thực hiện bước kế tiếp để đảm bảo đạt được mục tiêu và sự phát triển nghề nghiệp của mình.
b, Ý nghĩa của lý thuyết mô hình lập kế hoạch nghề
Cần thiết phải lập kế hoạch nghề nghiệp vì chọn nghề cả một cuộc hành trình lâu dài với nhiều công việc phải làm, từ tìm hiểu bản thân, tìm hiểu thị trường tuyển dụng, tìm hiểu các yếu tố tác động đến việc xác định mục tiêu, ra quyết định, thực hiện quyết định và đánh giá quyết định nghề nghiệp.
Một điểm quan trọng trong bước này là không nên ảo tưởng hay mơ mộng xa vời thực tế, không phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình.
Ví dụ sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về 3 bước tìm hiểu, 4 bước hành động trong mô hình lập kế hoạch nghề và ý nghĩa của lý thuyết này:
2, Tìm hiểu thị trường tuyển dụng: Được thầy/ cô hướng dẫn, Bân đã tìm hiểu và biết được nghề Cơ khí không những phù hợp với sở thích, khả năng của bản thân mà còn là nghề được nhiều công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.
Mặt khác, có chuyên môn và vốn liếng, người học nghề này ra có thể mở được xưởng cơ khí nhỏ tại địa phương để sản xuất, sửa chữa máy móc, cải tiến công cụ lao động.
Từ những thông tin như vậy, Bân tiếp tục tìm hiểu thông tin về các trường nghề, trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề (TCN), trường cao đẳng (CĐ), trường đại học (ĐH) có đào tạo nghề Cơ khí để sau khi tốt nghiệp phổ thông có thể đăng kí theo học.
Bân đã trao đổi những thông tin này với cha mẹ và nói với cha mẹ mơ ước lớn nhất của mình là sau này sẽ được theo học tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng để trở thành kĩ sư cơ khí.
3, Tìm hiểu yếu tố tác động/ảnh hưởng: Cha mẹ nói với Bân rằng: “Cha mẹ rất ủng hộ mong muốn của con nhưng con cũng biết đấy, thu nhập của cả nhà mình chỉ trông chờ vào nương lúa, con trâu và mấy con lợn, con gà.
Ngoài ra, chẳng có nguồn thu nhập nào khác. Khó khăn lắm con ạ”. Bản thân Bân cũng nhận thấy cha mình vài tháng nay không được khỏe, thỉnh thoảng phải đi bệnh viện. Nhà Bân còn một đứa em trai đang học tiểu học. Hoàn cảnh kinh tế của gia đình Bân thực sự là còn khó khăn.
2, Ra quyết định nghề nghiệp: Bân luôn ước mơ sẽ trở thành kĩ sư cơ khí. Nhưng sau khi tìm hiểu và biết rõ hoàn cảnh gia đình của mình, Bân quyết định sau khi tốt nghiệp THCS sẽ đăng kí học nghề Cơ khí tại trường Cao đẳng Nghề kĩ thuật công nghệ Dung Quất, nơi có tiếp nhận đào tạo học sinh trình độ tốt nghiệp THCS.
Bân và cha mẹ của Bân được biết, trường này vừa đào tạo nghề, vừa dạy văn hóa. Những em có hoàn cảnh khó khăn còn được nhà trường hỗ trợ tiền học và sinh hoạt phí. Khi tốt nghiệp, em vừa được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp nghề để đi làm, vừa được nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Ngay sau khi nhận bằng, Bân sẽ xin đi làm ở Khu Công nghiệp Dung Quất hoặc xưởng cơ khí nhỏ gần nhà để phụ giúp gia đình. Sau này, nếu có điều kiện, Bân sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ của mình là thi vào trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Cha mẹ Bân đã khuyến khích, ủng hộ quyết định của Bân.
4, Đánh giá: Bước này sẽ được thực hiện sau khi Bân thực hiện kế hoạch theo học nghề Cơ khí ở Trường Cao đẳng nghề Kĩ thuật công nghệ Dung Quất. Nếu quyết định nghề nghiệp của Bân là đúng đắn thì trong suốt thời gian học nghề, Bân sẽ luôn cảm thấy hứng thú học tập, yêu thích các môn học trong nghề cơ khí và đạt được thành tích tốt.
Còn nếu trong thời gian học, Bân cảm thấy nghề này không phù hợp như mình đã nghĩ, thì em sẽ lập lại quy trình, bắt đầu từ 3 bước tìm hiểu, để có một định hướng phù hợp trong tương lai.
GHI NHỚ: Khi giúp con hướng nghiệp, cha mẹ cần tập trung hỗ trợ con xây dựng, thực hiện kế hoạch nghề nghiệp theo 7 bước, bao gồm:
- 3 bước tìm hiểu: Tìm hiểu bản thân, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động, tìm hiểu các yếu tố tác động đến việc
chọn nghề;- 4 bước hành động: Xác định mục tiêu nghề nghiệp, ra quyết định nghề nghiệp, thực hiện quyết định nghề nghiệp, đánh giá kế hoạch nghề nghiệp.
Có thể thực hiện các bước một lần hoặc nhiều lần. Thực hiện tốt các bước, con bạn sẽ có cơ sở vững chắc để chọnđược trường học, ngành học, nghề nghiệp tương lai phù hợp.
Lý thuyết hệ thống
a. Nội dung chủ yếu
Mỗi người là một cá thể sống trong một hệ thống phức tạp, đa dạng và chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau.
- Ở mức độ cá nhân, những ảnh hưởng ấy đến từ bên trong, gồm: khả năng, sở thích, cá tính, giá trị, tuổi tác, giới tính, sức khỏe…
- Ở mức độ xã hội, những ảnh hưởng ấy là cha mẹ, các thành viên khác trong gia đình, bạn bè, truyền thông, mạng xã hội…
- Ở mức độ môi trường xã hội, những tác động, ảnh hưởng ấy là: vị trí địa lý, hoàn cảnh kinh tế – xã hội, toàn cầu hóa…
Sự tác động của từng yếu tố chủ quan và khách quan đối với quyết định chọn nghề của mỗi người không như nhau vì nó còn tùy thuộc vào từng thời điểm, nhận thức, điều kiện, khả năng và phản ứng của mỗi người trước từng yếu tố.
Ví dụ: Do ảnh hưởng của yếu tố giới, nên vẫn có sự khác nhau trong định hướng chọn nghề cho các em gái và em trai. Nhiều bậc cha mẹ nói rằng họ không thấy có bất kì rào cản của vấn đề giới trong khi hướng nghiệp cho con.
Mặc dù họ không phản đối quyết định của con trai hay con gái mình nhưng trong thực tế, bất bình đẳng giới vẫn ẩn hiện trong quan niệm truyền thống của nhiều bậc cha mẹ như: ưu tiên con trai học ở bậc học cao hơn; mong muốn con trai lựa chọn làm việc trong lĩnh vực kĩ thuật – công nghệ, quân đội, quản trị kinh doanh.
Đối với con gái thì định hướng chọn nghề nghề dạy học, các nghề trong ngành y, ngành dịch vụ (nấu ăn, cắt may, cắt uốn tóc, thẩm mĩ, nhà hàng…), ngành tài chính, ngân hàng… và ít chọn những nghề trong các lĩnh vực kĩ thuật như điện, điện tử, cơ khí, xây dựng hoặc nghề đòi hỏi có trình độ quản lý cao.
“Nếu tôi có con gái, tôi muốn cháu trở thành giáo viên hoặc y tá vì con gái không có sức khỏe tốt bằng con trai. Hơn nữa con gái nên làm những nghề cho phép mình có thời gian chăm sóc gia đình và con cái.” (Ông Phạm Tường Chi, thôn Thành Mỹ, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam).
Tuy nhiên, hiện đã có nhiều em nữ tham gia vào các lĩnh vực nghề nghiệp tưởng như chỉ dành cho nam giới (cảnh sát giao thông, xây dựng, quân đội, lái xe…) và có nhiều em nam tham gia vào lĩnh vực tưởng chừng như chỉ có phụ nữ mới làm (nấu ăn, thiết kế thời trang và cắt may, cắt uốn tóc, thẩm mĩ, giáo viên mầm non và tiểu học, hộ lý…).
b. Ý nghĩa của mô hình lý thuyết hệ thống
Việc chọn nghề không chỉ phụ thuộc vào yếu tố chủ quan mà chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các yếu tố khách quan. Vì vậy, trước khi ra quyết định chọn nghề, cùng với việc tìm hiểu bản thân, cần phải tìm hiểu các yếu tố khách quan có tác động đến bản thân, đặc biệt là hoàn cảnh gia đình, nhu cầu tuyển dụng lao động của xã hội và các yêu cầu, đòi hỏi của nghề.
Ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn mô hình lý thuyết hệ thống trong hướng nghiệp:
Nhưng, ông bà Lanh và con gái rất phân vân vì hiện nay, kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng khó khăn. Ngành Tài chính – Ngân hàng ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến việc sinh viên ngành này ra trường rất khó kiếm việc làm. Truyền thông trong nước cũng đưa tin nhiều về việc dư thừa nhân lực trong ngành Tài chính Ngân hàng.
-
- Thứ nhất, ngành Tài chính ở Việt Nam nhìn chung là thừa nhân lực, nhưng các công ty đa quốc gia và các văn phòng đại diện công ty nước ngoài vẫn rất cần nhân lực giỏi trong lĩnh vực này.
- Thứ hai, con gái của ông bà Lanh thật sự yêu thích và có năng khiếu về ngành Tài chính. Đây là yếu tố cơ bản giúp con gái ông bà Lanh có động lực để học tập đạt kết quả cao trong quá trình học đại học.
- Thứ ba, học ngành Tài chính không có nghĩa là chỉ có thể làm trong lĩnh vực tài chính sau khi tốt nghiệp. Nếu thực sự giỏi, con gái của ông bà Lanh có thể áp dụng kiến thức và kĩ năng học được từ ngành này vào nhiều công việc khác như nghiên cứu thị trường, kinh doanh bất động sản, kế toán, thuế, v.v…
- Cuối cùng, trong thời gian học, con gái của ông bà Lanh có thể rèn luyện thêm những kiến thức, kĩ năng khác để làm tăng thêm khả năng tuyển dụng của bản thân như học thật giỏi tiếng Anh, giỏi vi tính, làm việc bán thời gian để tích lũy kinh nghiệm, thực tập ngắn hạn và tham gia những hoạt động khác.
Trong thời đại toàn cầu hóa nền kinh tế như hiện nay, ở nước ta sẽ không có một ngành nghề nào mãi mãi là “nóng” và cũng không có một ngành nghề nào hoàn toàn không cần phải tuyển lao động. Việc quyết định học một ngành nghề nào đó không nên chỉ dựa vào xu hướng chung vì không ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra do sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu sử dụng lao động của các ngành nghề trong xã hội.
Thay vào đó, một quyết định dựa vào hiểu biết bản thân hay hoàn cảnh gia đình sẽ vững vàng hơn.
Đối với giới trẻ toàn cầu, đặc biệt là học sinh Việt Nam, cha mẹ và thầy cô có ảnh hưởng rất lớn tới quyết định nghề nghiệp của các em. Trong khi đó, chính các bậc cha mẹ và thầy cô lại dễ bị tác động bởi thông tin trên đài, báo, truyền hình…
Vì vậy, khi hướng nghiệp cho con, bạn nên tích cực tìm hiểu để biết rõ những tác động này, nhất là những tác động trực tiếp đến quyết định nghề nghiệp của con cũng như những hệ quả mà những tác động ấy nhằm giúp con bạn ra quyết định nghề nghiệp thích hợp nhất.
GHI NHỚ: Khi giúp con hướng nghiệp, cùng với việc quan tâm hỗ trợ con tìm hiểu bản thân, cha mẹ cần hỗ trợ con tìm hiểu và phân tích các yếu tố khách quan bên ngoài trong quá khứ, hiện tại và tương lai có tác động đến nghề nghiệp. Làm được điều này, cha mẹ sẽ giúp con dần dần trả lời được 2 câu hỏi “Em đang đi về đâu?” và “Em cần làm gì để đi được đến nơi em muốn đến?”. Từ đó, tự con sẽ đưa ra được quyết định chọn nghề phù hợp.
Lý thuyết ngẫu nhiên có kế hoạch
a. Nội dung chủ yếu
Theo lý thuyết này, sự may mắn hay ngẫu nhiên đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng kế hoạch nghề nghiệp của mỗi người. Tuy nhiên, sự may mắn ấy không đến một cách tự nhiên mà là những thành quả do ta gieo mầm từ trước, nay thu hoạch được.
Bạn hãy đọc câu chuyện có thật của cô giáo Đinh Thị Bích Nga, Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để hiểu rõ hơn nội dung chủ yếu của lý thuyết này:
Khi học đến lớp 9, em học sinh đó đã gặp cô Nga và tâm sự với cô là không biết có nên tiếp tục học THPT để thi vào đại học không vì khả năng học các môn văn hóa của em chỉ ở mức trung bình. Hoàn cảnh gia đình em cũng khó khăn.
Hiểu rõ khả năng, sở thích của em học sinh đó, cô Nga đã khuyên em nên đăng kí thi vào trường năng khiếu thể dục thể thao. Về nhà, em học sinh này đã kể lại cuộc trò chuyện của mình với cô giáo và nói với cha mẹ mong muốn đăng kí thi vào trường năng khiếu thể dục thể thao. Cha mẹ đã đồng ý và ủng hộ quyết định của con vì cha mẹ em cũng thấy rất rõ sở thích, khả năng của con mình.
Nếu được gặp vận động viên nổi tiếng trong câu chuyện trên và hỏi em về con đường nghề nghiệp, chắc chắn em đó sẽ trả lời: Điều may mắn nhất là em có được cô giáo chủ nhiệm đã hiểu được khả năng, sở thích và đưa ra lời khuyên quý báu và cha mẹ ủng hộ đối với quyết định hướng đi của mình.
Nhưng trong trường hợp này, có thật sự hoàn toàn là sự may mắn không nếu em học đó không học tốt môn Thể dục, nếu không tham gia các cuộc thi thể dục thể thao và đạt được nhiều thành tích tốt. Ngoài ra, nếu em học đó không có năng khiếu thể dục và không khổ công luyện tập thì em có được thành công như vậy hay không?
b. Ý nghĩa của lý thuyết ngẫu nhiên có kế hoạch
Sự may mắn là yếu tố tác động tích cực đến kế hoạch nghề nghiệp tương lai của mỗi người. Tuy nhiên, sự may mắn không đến một cách tự nhiên mà nó là hệ quả của những việc làm tốt, những nỗ lực trong quá khứ, hiện tại và cả những nhận thức đúng về bản thân để tìm ra hướng đi.
Con bạn học giỏi hay không, đó chưa phải là yếu tố quyết định tất cả. Điều quan trọng nhất đối với con bạn bây giờ là nỗ lực học tập, tham gia các hoạt động phù hợp với khả năng, chủ động, tích cực làm nhiều việc tốt cho mọi người xung quanh, vững vàng vượt qua các khó khăn, rào cản trong cuộc sống cũng như học tập.
GHI NHỚ: Thường xuyên động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho con “gieo hạt may mắn” ngay từ nhỏ bằng cách nỗ lực rèn luyện bản thân trong học tập, trong các hoạt động ngoại khóa (thể thao, văn nghệ, báo tường, làm cán bộ lớp…), các hoạt động cộng đồng (tình nguyện viên Mùa hè xanh, thăm viếng các mái ấm tình thương…), hay các hoạt động khác như giúp đỡ cha mẹ, làm thêm…
Tất cả những hành động con bạn “gieo” ở quá khứ và hiện tại sẽ là những may mắn con bạn “gặt” được trong tương lai.
Lý thuyết vị trí điều khiển
a. Nội dung chủ yếu
Lý thuyết vị trí điều khiển đưa ra 2 quan điểm sống:
- Cuộc đời của mỗi người là do chính bản thân người đó làm chủ và điều khiển. Do đó, họ có toàn quyền làm chủ cuộc sống, làm chủ suy nghĩ, nội tâm của mình.
- Cuộc đời của mỗi người là do vận mệnh đã sắp đặt sẵn và điều khiển. Do đó, họ uôn cho rằng mình có làm gì cũng không thay đổi được số mệnh và thường để người khác hoặc hoàn cảnh làm chủ vận mệnh của họ.
Có thể khái quát 2 quan điểm của lý thuyết vị trí điều khiển trong sơ đồ sau:
b. Ý nghĩa của lý thuyết vị trí điều khiển
Có rất nhiều chuyện xảy đến trong cuộc đời mỗi người mà chúng ta không có khả năng tránh né hay điều khiển được.
Ví dụ: ta sinh ra trong gia đình kinh tế khó khăn hay khá giả; sinh sống ở một quốc gia giàu có hay chậm phát triển; tai nạn đột nhiên xảy đến khi đang đi ngoài đường… Nhưng, ta có toàn quyền quyết định cách ta phản ứng lại khi những chuyện ấy xảy ra. Nếu ta có phản ứng một cách tích cực thì sẽ đem lại kết quả tích cực và ngược lại.
Nói cách khác, chúng ta không điều khiển được ngoại cảnh hay những yếu tố khách quan, nhưng có khả năng 100% điều khiển được nội tâm mình. Vì vậy, ta có khả năng tự làm chủ vận mệnh của mình.
Lý thuyết vị trí điều khiển liên quan chặt chẽ với lý thuyết ngẫu nhiên có kế hoạch đã được giới thiệu ở trên và cho rằng cuộc đời không có sự may mắn đến một cách tình cờ, mà chỉ đến khi chúng ta tạo điều kiện cho nó xảy ra.
Sau đây là một số câu chuyện có thật chứng minh cho lý thuyết ngẫu nhiên có kế hoạchvà lý thuyết vị trí điều khiển.
Được sự giúp đỡ, động viên, khuyến khích của cha mẹ, cô đã tự mày mò học tiếng Anh. Trong 6 năm liền, mỗi ngày cô đã dành ra 6 tiếng để tự học tiếng Anh. Sau đó, cô mở lớp dạy tiếng Anh “lớp học cây táo” tại nhà. Trong vòng 5 năm, cô đã dạy tiếng Anh cho 200 học trò, giờ đã có người tốt nghiệp đại học và giúp cô dịch sách.
Hiện nay, cô là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học đã được xuất bản. Năm 2010, Bích Lan nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm Triệu phú ổ chuột và trở thành hội viên Hội Nhà văn. Bích Lan còn viết và cho xuất bản tự truyện Không thể gục ngã, đồng thời là dịch giả bộ tự truyện Cuộc sống không giới hạn và Đừng bao giờ gục ngã của Nick Vujicic.
Câu chuyện thứ hai: Nick Vujicic sinh ngày 4/12/1982 tại Melbourne, Australia. Anh là một người bị tật nguyền từ nhỏ. Khi sinh ra Nick đã không có cả tay lẫn chân. Bố mẹ anh đã gần như ngất đi sau khi nhìn thấy đứa con bé bỏng đáng thương của mình chào đời nhưng chính họ lại là những người tận tình chăm sóc và giúp anh phát triển như một đứa trẻ bình thường.
Từ khi 18 tháng tuổi, Nick đã được bố dạy bơi. Năm 6 tuổi, Nick làm quen với máy vi tính và giờ đây anh có thể dùng bàn chân bé tẻo teo có hai ngón nhỏ xíu của mình gõ máy tính với tốc độ 43 từ/phút. Anh cũng học đá bóng, bơi lội thậm chí là một tay lướt sóng rất cừ.
Đã có những lúc anh cảm thấy chán chường vì bị bạn bè ở trường chế giễu, bắt nạt, nhưng với sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè, anh đã vượt qua tất cả trở ngại đó. Nick bắt đầu những bài diễn thuyết của mình từ năm anh 17 tuổi tại các nhà thờ.
Cho tới thời điểm hiện tại, ở độ tuổi 31 anh đã đi qua 47 nước để diễn thuyết. Những bài diễn thuyết của anh đã làm lay động trái tim hàng triệu độc giả trên thế giới bởi lòng nhiệt thành và những câu chuyện cảm động. Chúng đã mang tới cho các bạn trẻ niềm hi vọng vào cuộc sống, nghị lực vươn lên nghịch cảnh. Năm 1990, Nick vinh dự nhận giải thưởng “Công dân trẻ nước Úc” cho những nỗ lực của mình.
Cuốn sách Life without limits (Cuộc sống không giới hạn) là cuốn sách đầu tay của Nick kể về những nỗ lực của anh trong suốt những năm qua. Cuốn sách đã được hàng triệu độc giả trên thế giới đón nhận và hiện đã được dịch và phát hành tại Việt Nam.
Trong thời gian từ 23 – 26/ 5/ 2013, Nick Vujicic đã đến Việt Nam và đã diễn thuyết trước hàng chục vạn khán giả ở Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội. Nhìn thấy Nick và nghe câu chuyện của Nick, mỗi người hiểu rõ hơn về Cuộc sống không giới hạn và Đừng bao giờ gục ngã mà Nick Vujicic đã viết trong bộ tự truyện của mình.
Ông đã nỗ lực phấn đấu vươn lên không biết mệt mỏi. Từ một công nhân, ông đã dần dần được thăng chức thành người quản lý nhà máy nhựa. Năm 22 tuổi, có chút vốn liếng, ông đứng ra lập công ty riêng. Đến nay, việc kinh doanh của ông trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ viễn thông, vận tải đến công nghệ sinh học với đội ngũ nhân viên tại 52 quốc gia.
Riêng cháu thứ hai nhất quyết không thi vào đại học mặc dù sức học của cháu vào loại khá. Mẹ cháu cũng mong muốn cháu thi vào đại học. Ngay từ khi học THCS, cháu đã thể hiện rõ năng khiếu đồ họa trên máy vi tính và có đam mê thực sự đối với công việc này. Cháu nói với mẹ rằng, sau khi tốt nghiệp THPT, cháu muốn được học một khóa nghiệp vụ về đồ họa trên máy tính của Trường Đại học FPT, sau đó đi làm luôn.
Hiểu rõ khả năng và niềm đam mê của con, chị vui vẻ đồng ý với quyết định của con, không bắt con thi vào đại học nữa. Cháu đã làm họa sĩ thiết kế đồ họa đầy triển vọng cho VCTV Việt Nam với mức lương trên 10 triệu/tháng.
Các câu chuyện có thật trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn lý thuyết vị trí điều khiển, đồng thời cũng cho thấy, học đại học không phải là con đường duy nhất đem đến vinh quang, sự nghiệp cho mỗi người. Vấn đề quan trọng nhất là mỗi người hãy tự làm chủ bản thân mình, phản ứng tích cực trước những sự cố xảy ra ngoài ý muốn để tìm ra con đường đi đúng đắn nhất cho bản thân.
GHI NHỚ: Phát triển nghề nghiệp là một cuộc hành trình lâu dài với nhiều điều không mong đợi xảy ra cho mỗi người. Cách phản ứng tích cực của cha mẹ đối với con trước những điều tốt đẹp, mong đợi và những rủi ro sẽ là nguồn động lực hỗ trợ con tạo ra những may mắn, những điều tình cờ tốt đẹp cho cuộc hành trình này.
Nếu như con bạn không có khả năng học lên đại học, hãy vui vẻ chấp nhận và hỗ trợ con, động viên con tìm ra con đường khác phù hợp với khả năng, sở thích của con như học nghề hoặc tham gia lao động sản xuất ngay sau khi tốt nghiệp THCS, THPT.
Nếu cha mẹ là người đồng hành với con, nhất định con bạn sẽ thành công trên con đường nghề nghiệp.
Trên đây là một số lý thuyết cơ bản về hướng nghiệp. Hiểu rõ những lý thuyết hướng nghiệp sẽ giúp cha mẹ vững tin hơn trong cuộc hành trình hướng nghiệp cùng con. Hãy luôn nhớ rằng, những thành quả trong nghề nghiệp của mỗi người phụ thuộc chủ yếu vào các khả năng thực có và sự nỗ lực vươn lên của chính người đó, giúp người đó bước từng bước vững chắc trên đôi chân của mình.
Là những người làm cha mẹ, bạn hãy tỏ rõ tình yêu thương và sự quan tâm của bạn đối với con bằng việc hỗ trợ con tìm hiểu sở thích, khả năng, cá tính, giá trị nghề nghiệp của con; tìm hiểu những ngành nghề mà con yêu thích và có khả năng phù hợp; cùng con xây dựng kế hoạch nghề nghiệp tương lai để con bạn có cơ sở vững chắc trong việc chọn nghề và trở thành người thành đạt trong nghề nghiệp, đóng góp được nhiều nhất cho
gia đình, xã hội và cộng đồng.
Phần II: Cha mẹ giúp con hướng nghiệp
Khái niệm hướng nghiệp ở Phần I đã nêu rõ “Thực chất của hướng nghiệp không phải là sự quyết định nghề mà là giúp các em có được những hiểu biết cần thiết về bản thân, về thế giới nghề nghiệp xung quanh để lựa chọn nghề phù hợp…”.
Do vậy, mặc dù cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng nghiệp cho con nhưng không phải là người quyết định trong việc chọn ngành, nghề. Hãy trao quyền quyết định cho con vì đây là tương lai của con. Khi để con tự ra quyết định, con sẽ tự chịu trách nhiệm và cố gắng thực hiện tốt chọn lựa của mình. Cha mẹ nên đóng vai trò như người Huấn luyện viên, có nhiệm vụ định ra “chiến lược” phù hợp để con phát huy được hết khả năng của mình.
Để làm được điều đó đòi hỏi cha mẹ phải hiểu rõ sở thích, khả năng, cá tính, giá trị của con, không ảo tưởng nhưng cũng không đánh giá thấp tiềm năng của con. Cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của con, giúp con hiểu rõ bản thân, và tạo động lực cho con nhưng không quyết định nghề thay cho con, giống như huấn luyện viên không ra sân thay cho cầu thủ.
Hãy luôn chia sẻ, quan sát, cổ vũ, đồng hành cùng con và cho con những lời khuyên hữu ích. Hãy luôn ở bên cạnh hỗ trợ tinh thần cho con một cách vô điều kiện vì đó sẽ là động lực mạnh mẽ nhất giúp con phát triển.
Sau khi đã hiểu rõ vai trò của cha mẹ trong việc hướng nghiệp cho con, bạn hãy vận dụng những hiểu biết về các lý thuyết hướng nghiệp vào công việc sau:
Giúp con nhận thức bản thân và phát triển kỹ năng thiết yếu
Mục đích
Giúp con hiểu rõ hơn về sở thích nghề nghiệp, khả năng và những kĩ năng thiết yếu của bản thân. Nhờ đó, con có cơ sở vững chắc để chọn nghề phù hợp với “rễ” của cây nghề nghiệp.
Cách tiến hành
Khi giúp con tìm hiểu bản thân, bạn hãy thực hiện theo những bước sau:
Bước 1. Hồi tưởng lại quyết định chọn nghề của bạn
Bạn hãy nhớ lại quyết định nghề nghiệp của bản thân bạn khi ở lứa tuổi con bạn bây giờ và trả lời các câu hỏi:
- Trước đây mình đã quyết định chọn ngành, nghề như thế nào? Vì sao mình lại chọn lựa như vậy?
- Hiện tại, mình có muốn thay đổi quyết định đó không? Nếu có thì vì sao? Nếu không thì vì sao?
Nếu cha mẹ hiểu rõ quá trình hướng nghiệp của bản thân thì sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ con. Từ đó, giúp con tránh được những sai lầm mà cha mẹ đã mắc phải khi ở độ tuổi con bây giờ.
Lưu ý: Nếu muốn con chọn nghề mà mình mơ ước ngày còn trẻ nhưng không thực hiện được, cần phải cân nhắc kĩ bởi vì:
- Nghề mà cha mẹ chọn đó nhiều khi lại không phù hợp với sở thích nghề nghiệp và khả năng của con.
- Điều kiện sống ở mỗi thời điểm rất khác nhau. Thời điểm hiện tại khác biệt rất nhiều so với thời điểm khi bạn bằng tuổi con. Do đó, những yếu tố tác động tới việc lựa chọn ngành nghề tại thời điểm đó sẽ có những điểm rất khác so với bây giờ.
Bước 2. Xem xét lại yếu tố chi phối quan điểm giúp con hướng nghiệp của bạn
Theo lý thuyết hệ thống, mỗi người sống trong một hệ thống và đều chịu ảnh hưởng từ những yếu tố khác nhau. Việc hiểu rõ yếu tố nào chi phối mạnh mẽ nhất là rất quan trọng trong việc giúp con hướng nghiệp.
Ví dụ: Có rất nhiều cha mẹ giúp con chọn trường học, ngành học vì nghe theo lời khuyên của bạn bè hoặc đồng nghiệp. Cũng có nhiều người lại chịu tác động của báo chí và truyền hình…
Lưu ý: Những quyết định như trên nếu không được xem xét từ “rễ” cây nghề nghiệp sẽ dẫn đến sai lầm khi giúp con hướng nghiệp.
Bước 3. Nắm vững một số kiến thức cơ bản về hướng nghiệp
Theo quy trình hướng nghiệp và lý thuyết mô hình lập kế hoạch nghề thì bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là tìm hiểu bản thân.
Lý thuyết cây nghề nghiệp cho thấy: Giúp con tìm hiểu bản thân tức là tìm hiểu những yếu tố thuộc về “rễ” cây nghề nghiệp, đó là:
- Sở thích nghề nghiệp
- Khả năng
- Cá tính
- Giá trị
Lưu ý: Nếu con bạn đang học phổ thông thì tìm hiểu yếu tố số 1 và 2 là quan trọng nhất. Yếu tố số 3 và 4 cần thiết hơn vào giai đoạn chuẩn bị tìm việc làm.
Bước 4. Tiến hành các liệu pháp giúp con tìm hiểu bản thân
a. Kể chuyện
Kể chuyện là phương pháp tốt nhất mà bạn có thể dùng để giúp con tìm hiểu sở thích và khả năng nổi trội của các em.
Bạn nên tranh thủ những dịp gia đình quây quần đầy đủ như bữa cơm tối, hay sinh nhật, giỗ chạp để nhắc lại những mẩu chuyện về thời thơ ấu, kỉ niệm về mỗi giai đoạn trưởng thành, từ lúc mới biết nói, chập chững bước đi, đến các mốc phát triển quan trọng như biết đọc, biết viết, cao lên, vỡ tiếng; những thành tích và
thất bại; những nỗ lực; những lời khen ngợi của ông bà, cô chú, của thầy cô hoặc hàng xóm…
Khi kể chuyện, bạn nên quan tâm và lắng nghe, không nên lên mặt khuyên răn, dạy bảo dễ làm con khó chịu, làm phản tác dụng của mục đích kể chuyện. Nếu bạn và con không có điều kiện thường xuyên gặp mặt thì có thể sử dụng nhiều cách khác để liên hệ và kết nối với con, ví dụ như sử dụng điện thoại, thư điện tử (email), mạng
xã hội (facebook).
Công việc mưu sinh bận rộn với những lo toan vất vả làm bạn và con ít có thời gian trò chuyện, chia sẻ với nhau. Do đó, nếu hình thành thói quen kể chuyện thường xuyên, bạn sẽ giúp con có nhiều cơ hội suy ngẫm về bản thân để hiểu rõ hơn về sở thích, khả năng, cá tính của mình.
Bước đầu tiên có thể khó khăn, nhưng khi đã trở thành thói quen, việc kể chuyện sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp, làm cho con luôn cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương từ cha mẹ, giúp cho bạn và con hiểu rõ hơn về bản thân, đồng thời làm cho quan hệ giữa cha mẹ với con trở nên khăng khít hơn.
b. Làm trắc nghiệm về sở thích nghề nghiệp
Biết rõ sở thích nghề nghiệp là cách giúp con nhanh chóng thu hẹp phạm vi tìm hiểu những ngành, nghề phù hợp. Theo lý thuyết hướng nghiệp của nhà tâm lý học J. Holland, sở thích nghề nghiệp được phân ra thành sáu nhóm:
- Kĩ thuật
- Nghiên cứu
- Nghệ thuật
- Quản lý
- Xã hội
- Nghiệp vụ
Những sở thích trong từng nhóm rất gần gũi, dễ hiểu đối với các em học sinh cấp THCS, THPT.
Trước hết, bạn nên đọc về Lý thuyết mật mã Holland rồi sau đó bạn hãy thử làm bài trắc nghiệm về sở thích (link hướng dẫn làm trắc nghiệm nghề nghiệp Holland) xem có đúng với mình không. Sau đó, bạn cho con làm bài trắc nghiệm này.
Để chắc chắn hơn, bạn tiếp tục cho con tìm hiểu một lần nữa sở thích nghề nghiệp, khả năng nghề nghiệp và những nghề phù hợp bằng cách cho con đọc các nội dung trong bảng nhóm tính cách của Holland (tại bài viết này).
Từ đó, đối chiếu kết quả trắc nghiệm đã làm với nội dung trong từng bảng để xác định 3 nhóm sở thích nổi trội theo thứ tự: nhóm sở thích nổi trội nhất; nhóm sở thích nổi trội nhì; nhóm sở thích nổi trội thứ ba.
Làm xong, con bạn sẽ biết được mình thuộc nhóm tính cách nào, có những sở thích nghề nghiệp nào và những công việc nào là phù hợp.
Lưu ý: Điều quan trọng trong giai đoạn này là quá trình suy ngẫm xem kết quả trắc nghiệm có chính xác hay không. Hãy khuyến khích con dùng trắc nghiệm này như một công cụ để tìm hiểu sở thích, nhưng không nên xem đây là câu trả lời hoàn toàn đầy đủ cho bài toán hướng nghiệp.
c. Tìm hiểu khả năng
Để chọn được nghề phù hợp, việc xác định sở thích phải đi đôi với xác định khả năng vì có sở thích nghề nghiệp nhưng khả năng không phù hợp với yêu cầu của nghề thì khó có thể thành công trong nghề nghiệp.
Vì vậy, sau khi con bạn đã xác định ba nhóm sở thích nổi trội, bạn hãy tiếp tục giúp con tìm hiểu xem con có những khả năng nào thích hợp với các công việc trong nhóm đó.
Có thể giúp con tìm hiểu khả năng bằng cách:
- Hỏi han và trò chuyện với con về các môn học ở trường để biết con có khả năng nổi trội ở những môn học nào.
- Tìm hiểu kết quả các hoạt động giáo dục như giáo dục thể chất, giáo dục môi trường, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục nghệ thuật…
- Trao đổi với con về những hoạt động khác như tham gia làm cán bộ lớp, hoạt động ngoại khóa, hoạt động thể thao, văn nghệ, đoàn đội, làm báo tường, sinh hoạt cộng đồng…
- Quan sát cách con tham gia giúp đỡ cha mẹ như làm đồng, cơm nước, quét dọn
nhà cửa, chăm em, làm thêm…
Lưu ý: Mỗi người đều có khả năng nổi trội. Nếu không nổi trội trong học tập thì rất có thể sẽ đạt kết quả tốt trong các lĩnh vực khác như kĩ thuật, thể dục, thủ công, ca hát, hội họa, làm người dẫn chương trình…
Điều quan trọng là phải biết phát hiện và bồi dưỡng những khả năng này ngay từ nhỏ. Thông qua việc quan sát, chuyện trò và chia sẻ với con, cha mẹ có thể sớm phát hiện và khuyến khích con phát triển những phẩm chất, tính cách hoặc khả năng này.
d. Phát triển các kĩ năng thiết yếu
Kĩ năng thiết yếu là những kĩ năng luôn cần thiết trong cuộc sống, học tập và công tác, ví dụ như kĩ năng học và tự học, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng đọc và tìm hiểu thông tin, kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề…
Đây là nền tảng giúp mỗi người học hỏi các kĩ năng khác, hỗ trợ đắc lực cho sự tiến bộ và thành công. Do vậy, trong khi tuyển dụng, cùng với việc kiểm tra, đánh giá về chuyên môn, các nhà tuyển dụng luôn xem xét và đánh giá cao các kĩ năng thiết yếu của mỗi ứng viên.
Có thể giúp con phát triển các kĩ năng thiết yếu bằng cách: Cho con đọc bảng các kĩ năng thiết yếu ( phụ lục 4, phần phụ lục) để con tự đánh giá xem bản thân đã có được kĩ năng nào và còn cần phát triển những kĩ năng thiết yếu nào. Đây là những kĩ năng giúp con bạn tăng thêm cơ hội có việc làm sau khi ra trường, không phân biệt ngành học hay trường học.
Lưu ý: Để giúp con phát triển các kĩ năng thiết yếu, cùng với việc tạo điều kiện cho con học tốt trong các môn văn hóa ở trường học, bạn cần động viên, khuyến khích con tham gia vào nhiều hoạt động bên ngoài lớp học, như:
- Hoạt động tình nguyện: Dạy học cho trẻ em nghèo, tổ chức sinh hoạt hè tại tổ/xóm, giúp các gia đình liệt sĩ, người già neo đơn không ai chăm sóc.
- Tham gia hoạt động giao lưu với bạn bè trong lớp và ngoài lớp, những gương sáng vượt khó, những người lao động giỏi, những người thành đạt trong nghề nghiệp; giao lưu văn hóa, văn nghệ với các trường, các đơn vị bộ đội đóng quân ở địa phương…
- Sinh hoạt văn hóa: Tham gia đội văn nghệ lớp, trường, biểu diễn văn nghệ, làm báo tường…
- Sinh hoạt cộng đồng: Trồng cây xanh, dọn vệ sinh ngõ xóm, tổ chức Ngày Quốc tế
thiếu nhi 1/6, Ngày Tết Trung thu…
Giúp con tìm hiểu thị trường tuyển dụng lao động
Mục đích
Giúp con biết được nhu cầu sử dụng lao động và xu thế phát triển nghề nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội để có định hướng chọn nghề sao cho nghề đó vừa phù hợp với khả năng, sở thích nghề nghiệp của con, vừa phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Đây là một trong những tiền đề quan trọng giúp con bạn tăng thêm khả năng được tuyển dụng hoặc có khả năng tự tạo việc làm cho bản thân sau khi tốt nghiệp cơ sở đào tạo nghề.
Cách tiến hành
Có nhiều cách tìm hiểu thị trường tuyển dụng/ lao động. Sau đây là một số cách mà bạn có thể áp dụng ngay được để giúp con hướng nghiệp:
a. Tìm thông tin qua báo viết, báo mạng
- Đọc báo hằng ngày, gồm báo in (Báo địa phương, báo tỉnh phát hành, báo phát hành toàn quốc như Báo Nhân dân, Lao động, Tuổi trẻ, Thanh niên, Đầu tư…) và báo điện tử. Lựa chọn những bài liên quan đến nghề nghiệp, từ thông tin tuyển sinh đến câu chuyện nghề nghiệp, từ tin tức thị trường và kinh tế đến gương sáng thành công.
- Tìm hiểu thông tin trên các trang thông tin hướng nghiệp
- Chia sẻ những tin tức, những đề tài nóng hổi liên quan đến tuyển sinh, nhu cầu sử dụng lao động, nghề nghiệp, thị trường tuyển dụng trong bữa ăn hoặc vào lúc cả nhà quây quần đông đủ.
Lưu ý: Hãy chia sẻ và lắng nghe các ý kiến từ các thành viên trong gia đình, nhất là ý kiến từ con bạn. Không nên áp đặt ý kiến của riêng mình hay cao giọng răn giảng đạo đức.
Có rất nhiều mẩu chuyện và video clip hay trên mạng. Nếu có thể được, bạn hãy chia sẻ bằng cách gửi vào facebook hay email của con bạn.
b. Tìm hiểu thị trường tuyển dụng, nghề nghiệp qua phương tiện thông tin đại chúng, bạn bè, người quen của cha mẹ
- Nếu bạn cùng con thường xuyên quan tâm theo dõi tình hình kinh tế qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình về những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, kinh tế, việc làm thì dần dần bạn sẽ có được những kiến thức vững chắc về nhu cầu lao động ở địa phương, trong vùng, trong nước và quốc tế.
- Cùng con sàng lọc ra một số ngành nghề học vừa phù hợp với sở thích nghề nghiệp và khả năng của con, vừa phù hợp với nhu cầu của thị trường tuyển dụng.
- Khi con quan tâm và thích thú về một ngành, nghề nào mà bạn có người quen đang làm việc trong lĩnh vực này thì bạn nên giới thiệu con gặp người đó để tìm hiểu thêm thông tin thực tế mà đôi khi sách báo chưa thể nói hết, ví dụ như tìm hiểu thông tin về nghề Y – một nghề mà con thấy rất hay nhưng trong thực tế, đây là công việc tương đối vất vả, đòi hỏi phải có sức khỏe, sự kiên trì, tỉ mỉ, lòng nhân ái…
- Cùng con chia sẻ và phân tích về những thông tin tìm được.
Lưu ý: Cha mẹ khuyên con đến gặp người quen và bạn bè để hỏi han về ngành, nghề con quan tâm, mặt khác chủ động chia sẻ những trải nghiệm nghề nghiệp của mình với con, em của họ. Như vậy là tạo thành một diễn đàn nhỏ giúp các em hiểu rõ hơn, có hình dung thực tế về nghề nghiệp tương lai.
Giúp con tìm hiểu ngành học và nơi đào tạo
Mục đích
Tạo cơ sở để đối chiếu khả năng, sở thích, cá tính, giá trị nghề nghiệp, sức khỏe của bản thân với yêu cầu, đòi hỏi, nội dung của nghề mà con yêu thích và lựa chọn; đối chiếu nguyện vọng của bản thân với hoàn cảnh gia đình. Đây là phần việc quan trọng để giúp con chọn nghề theo “rễ” đã nêu trong lý thuyết cây nghề nghiệp ở phần I.
Cách tiến hành
Bạn có thể giúp con tìm hiểu ngành nghề học và nơi đào tạo theo một số cách sau:
a. Tìm đọc thông tin tuyển sinh
Đọc cuốn tài liệu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ví dụ: Những điều cần biết về tuyển sinh đại học và cao đẳng hoặc Những điều cần biết về tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp được phát hành hằng năm.
Tìm thông tin qua mạng internet về:
- Đào tạo ở các trình độ khác nhau: đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề.
- Đào tạo ở các vùng, miền và tỉnh, thành khác nhau.
- Đào tạo theo từng nhóm ngành nghề, ví dụ như ngành vật lý trị liệu, nghề xử lý dữ liệu…
- Thông tin tương đối chi tiết về mục tiêu, những đòi hỏi về kiến thức, năng lực, kĩ năng, thái độ… trong mỗi nhóm ngành nghề và mỗi ngành nghề.
Lưu ý: Cha mẹ hãy chia sẻ, trao đổi những thông tin này với con để giúp con hiểu rõ hơn về các ngành nghề, nhất là ngành nghề mà con yêu thích.
b. Trò chuyện, phỏng vấn
Sau khi đã có những thông tin trên, bạn hãy cùng con tiếp tục tìm hiểu những trường đang đào tạo các ngành nghề trên. Nên tìm hiểu kĩ càng những trường và ngành học đó bằng nhiều cách khác nhau, như:
- Đọc thông tin về ngành nghề đang được đào tạo tại trường.
- Hỏi chuyện những sinh viên, anh chị em họ, bạn bè đã hoặc đang học ở ngành nghề và cơ sở đào tạo mà con bạn muốn theo học để biết được chất lượng và môi trường học tập của trường.
- Đến cơ sở đào tạo mà con bạn muốn học để trực tiếp gặp gỡ, nói chuyện, phỏng vấn những sinh viên đang học ở đó.
Thông tin thu thập được càng nhiều càng tốt. Từ những thông tin này, bạn hãy cùng con lựa chọn trường học, ngành học phù hợp nhất với sở thích nghề nghiệp và khả năng học tập của con.
Lưu ý: Cha mẹ nên cùng con tìm hiểu ngành nghề học theo cách này vì những thông tin thu được rất sát với thực tế. Nếu biết cách tìm hiểu thông tin, con bạn sẽ thấy được những mặt tích cực, những điều hay và điều dở mà đứng ngoài không thấy được. Từ đó, sẽ có sự cân nhắc nên hay không nên tiếp tục chọn trường học và ngành nghề này.
c. Tham quan
Nếu điều kiện cho phép, bạn và con hãy đến thăm cơ sở đào tạo để tìm hiểu vì đến tận nơi, nhìn tận mắt bao giờ cũng thu được thông tin thực tế hơn.
Lưu ý: Nếu không có điều kiện tham quan, có thể xem trang thông tin điện tử (website) của cơ sở đào tạo, những đoạn phim hay video clip trên mạng.
Giúp con xây dựng kế hoạch nghề nghiệp
Mục đích
Giúp con tập hợp những kết quả tìm hiểu bản thân, tìm hiểu nhu cầu sử dụng lao động, thị trường tuyển dụng và tìm hiểu ngành nghề. Từ đó, xác định những công việc cần làm để hoàn tất quy trình hướng nghiệp và chuẩn bị tốt nhất cho việc đi đến mục tiêu nghề nghiệp của con.
Cách tiến hành
Sau khi đã hoàn tất các việc tìm hiểu trên, bạn hãy xem lại quy trình hướng nghiệp trong hình 1 của phần 1 để tiếp tục hỗ trợ con xây dựng kế hoạch nghề nghiệp theo các bước trong quy trình hướng nghiệp.
Bước 1: Xác định em là ai?
Trong bước này, con bạn sẽ ghi lại sở thích nghề nghiệp, khả năng nổi trội và kĩ năng thiết yếu của bản thân trên cơ sở tìm hiểu bản thân và kết quả làm các bài trắc nghiệm sở thích nghề nghiệp.
Ví dụ: Sau khi đã tìm hiểu bản thân, con bạn ghi vào bước 1 của kế hoạch nghề nghiệp như sau:
- Sở thích nghề nghiệp: 1. Nhóm xã hội; 2. Nhóm quản lý;..
- Khả năng: giúp đỡ người khác; làm việc với người lạ; nói trước đám đông; tổ chức các buổi họp lớp; quản lý nhóm cộng tác viên,..
- Kĩ năng thiết yếu đã có: làm việc nhóm; đọc và tìm hiểu thông tin; làm việc độc lập,..
Bước 2: Xác định em đang đi về đâu?
Bước này sẽ ghi lại 2 công việc mà con bạn thích trong tương lai, 2 ngành nghề và 2 cơ sở đào tạo con bạn có nguyện vọng thi vào. Đây là kết quả của tìm hiểu bản thân, tìm hiểu thị trường tuyển dụng lao động và ngành nghề học, cơ sở đào tạo mà bạn đã hỗ trợ con thực hiện ở trên. Những chọn lựa này phải phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, khả năng của bản thân, trong đó quan trọng nhất là học lực của con bạn.
Ví dụ: Với sở thích nghề nghiệp, khả năng như đã ghi ở bước 1, con có thể xác định và ghi vào bước 2 của kế hoạch nghề nghiệp như sau:
- Công việc: Tư vấn tâm lý và tổ chức sự kiện.
- Ngành nghề học: tâm lý – giáo dục và khách sạn _ nhà hàng.
- Cơ sở đào tạo: Trường Trung cấp Du lịch; Trường Trung cấp Nấu ăn hoặc Học viện Quản lý Giáo dục; Trường Đại học Khoa học Xã hội _ Nhân văn…
Bước 3: Lên kế hoạch hành động để đến được nơi em muốn
Trong bước này, con bạn cần lên kế hoạch hành động để đạt được mong muốn, nguyện vọng ghi ở bước 2. Kế hoạch cần rõ ràng, chi tiết, vừa sức, có thể thực hiện được. Trong kế hoạch, nên liệt kê những công việc cần làm và cách thực hiện theo mốc thời gian cụ thể để con theo đó thực hiện từng bước và cuối cùng là đến được đích đã xác định.
* Nếu con bạn đang học THCS thì cần ghi kế hoạch những nội dung chủ yếu sau:
- Học tiếp lên THPT hay đăng kí học nghề đã chọn ở trường nghề hoặc trường trung cấp nghề.
- Nếu hướng đi là vào THPT thì dự định thi vào trường nào? (Trường chuyên hay trường THPT công lập, hay dân lập). Cần xác định rõ thời gian, cách thức học tập từng môn, nhất là những môn thi vào trường THPT.
- Nếu hướng đi là học trung cấp nghề thì ghi rõ thời gian, địa điểm đăng kí học nghề; kế hoạch tìm hiểu thêm về trường nghề…
- Thời gian, cách thức tham gia các hoạt động khác như hoạt động ngoại khóa, hoạt động cộng đồng…để tăng thêm cơ hội nghề nghiệp và hiểu rõ hơn sở thích nghề nghiệp, khả năng của bản thân.
Ví dụ:
Họ tên: Nguyễn Mai Hương
Lớp 8, Trường THCS Tam Giang
Xã Tam Giang, huyện Tam Anh Nam, tỉnh Quảng Nam
Mục tiêu: Sau khi học xong lớp 9, tôi sẽ học tiếp lên THPT Nguyễn Khuyến tại tỉnh
Hoạt động | Thời gian | Cách thực hiện |
Tìm hiểu các thông tin về nhà trường | Tháng 3/2012 | • Hỏi các anh, chị hiện đang học ở trường. • Xem trang mạng điện tử (website) của trường. |
Tìm hiểu thông tin tuyển sinh | Tháng 5/2012 | • Xem trang mạng điện tử (website) của trường. • Hỏi các thầy cô giáo. |
Học các môn văn hóa | … | |
Tham gia hoạt động ngoại khóa | ||
Tham gia học nghề phổ thông | ||
Ôn luyện các môn thi đầu vào | ||
… |
* Nếu con bạn đang học THPT thì cần ghi vào kế hoạch những nội dung chủ yếu sau:
- Thời gian, cách thức tìm hiểu sở thích, khả năng của bản thân.
- Thời gian, cách thức tìm hiểu ngành nghề có nguyện vọng theo học.
- Thời gian, cách thức tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động của nghề hoặc khả năng tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp cơ sở đào tạo nghề.
- Thời gian, cách thức tìm hiểu cơ sở đào tạo nghề.
- Thời gian, cách thức ôn tập các môn để thi tốt nghiệp THPT; kết quả dự kiến.
- Thời gian, cách thức ôn luyện các môn để thi vào đại học, cao đẳng hoặc trường trung cấp nghề đào tạo học sinh có trình độ THPT; kết quả dự kiến.
- Những kĩ năng thiết yếu cần rèn luyện. Cách thức rèn luyện kĩ năng thiết yếu. Kết quả mong đợi.
- Kế hoạch làm hồ sơ tuyển sinh…
Ví dụ:
Họ tên: Nguyễn Văn Tuấn
Lớp 11 _ Trường THPT Đại An
Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
Mục tiêu: Sau khi học xong lớp 12, tôi sẽ học khoa Nấu ăn, Trường Trung cấp Dạy nghề tại tỉnh
Hoạt động | Thời gian | Cách thực hiện |
Tìm hiểu bản thân để biết rõ sở thích, khả năng và các kĩ năng thiết yếu của bản thân | Tháng 11/2011 | • Trao đổi, chia sẻ với cha mẹ. • Nói chuyện với cô giáo. • Xem lại khả năng, kết quả học các môn và hoạt động giáo dục. • Làm trắc nghiệm. • Nấu ăn và làm cỗ giúp cha mẹ, cô chú. |
Tìm hiểu về nghề nấu ăn | Tháng 4/2012 | • Đọc tạp chí Bếp gia đình. • Xem chương trình “Món ngon” trên truyền hình. • Hỏi chuyện chú Tiến là bếp trưởng của khách sạn Hải Yến gần nhà. |
Tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng nấu ăn và khả năng tự tạo việc làm | Tháng 4/2012 | • Xem mục “Tuyển dụng” và “Việc tìm người” trên báo để xem các yêu cầu khi tuyển đầu bếp và nhu cầu tuyển tại địa phương. • Nói chuyện với bố mẹ, với chú Tiến và cô Thu về việc mở tiệm bán cơm, phở. |
Tìm hiểu các thông tin về khoa, trường | Tháng 5/2012 | • Hỏi chuyện chị Lan hàng xóm. • Xem trang mạng điện tử (website) của trường. • Đến thăm trường. |
Lấy kinh nghiệm thực tế | Từ tháng 4 – 7/2012 | • Thăm khoa Nấu ăn của Trung tâm Dạy nghề. • Thử nấu các món khác nhau. |
Ra quyết định đăng kí học | … | |
Đăng kí học | … |
Trên đây là những công việc giúp con hướng nghiệp mà các bậc cha mẹ đều có thể làm được, dù bạn đang làm nghề nghiệp gì và giữ vị trí nào trong xã hội.
Lưu ý: Cha mẹ hỗ trợ con xây dựng kế hoạch sao cho vừa sức, hợp lý để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa thi cử đạt kết quả cao.
Thực hiện được những công việc trên, bạn đã giúp con trả lời được các câu hỏi “Em là ai?” “Em đang đi về đâu?” và “Em làm thế nào để đi được đến nơi em muốn đến?” trong quy trình hướng nghiệp. Đây là tiền đề quan trọng để con bạn chọn được nghề nghiệp phù hợp và vững bước vào tương lai.
Lời kết
Mỗi người trong chúng ta đều mong muốn có được một cuộc sống an bình, hạnh phúc. Định nghĩa về sự an bình và hạnh phúc của mỗi người khác nhau, nhưng lịch sử luôn chứng minh rằng: Người sở hữu nhiều tài sản vật chất chưa chắc đã là người an bình, hạnh phúc nhất. Những người hạnh phúc là những người được làm công việc họ yêu thích và đóng góp được nhiều cho gia đình, xã hội.
Hướng nghiệp tốt là yếu tố quan trọng để giúp cho mỗi người tìm được công việc yêu thích, phù hợp. Tuy nhiên, hướng nghiệp là một cuộc hành trình lâu dài mà mỗi bước đi hiện tại sẽ quyết định tương lai của khách lữ hành. Cha mẹ là người đồng hành tốt nhất của con trong cuộc hành trình này.
Điều quan trọng nhất là hãy giúp con hiểu rõ bản thân, hiểu rõ nghề nghiệp, hiểu rõ nhu cầu lao động của xã hội và hiểu rõ hướng đi của mình. Khi đã rõ ràng về các lĩnh vực trên, các em sẽ có cái nhìn rất thực tế về bản thân, hoàn cảnh gia đình và tăng thêm sự tự tin. Nhờ đó, các em sẽ phát triển nghề nghiệp vững vàng.
Nếu con bạn có nhiều ước mơ, hãy hướng dẫn con xếp thứ tự ưu tiên các chọn lựa ấy sao cho phù hợp với khả năng của bản thân và hoàn cảnh gia đình. Trước hết, hãy làm việc gì cần thiết nhất, phù hợp nhất; sau này, nếu có điều kiện sẽ dần dần theo đuổi thực hiện ước mơ.
Là những người làm cha mẹ, bạn hãy kiên nhẫn giúp con từng bước hướng nghiệp và mở rộng lòng đón nhận những Thông tin, những chia sẻ của con trên con đường đi tìm nghề nghiệp tương lai.
Chúc các bậc cha mẹ giúp con hướng nghiệp thành công!