Lưu ý khi thực hiện bài trắc nghiệm Sở thích nghề nghiệp Holland
Đây là bài hướng dẫn thực hiện Công cụ Trắc nghiệm sở thích nghề nghiệp Holland được đội ngũ Tuhoc.com.vn xây dựng và cung cấp hoàn toàn miễn phí, giúp các bạn phần nào tìm được sở thích nghề nghiệp của bạn tương ứng với Lý thuyết mật mã Holland. Nếu bạn chưa biết về Lý thuyết mật mã Holland hãy tìm hiểu tại bài viết này trước khi thực hiện trắc nghiệm: Lý thuyết mật mã Holland – Trắc nghiệm phù hợp nhất cho hướng nghiệp.
(Lưu ý quan trọng: Xin hãy nhớ rằng công cụ này (cũng như các công cụ khác) chỉ đóng vai trò trợ giúp người thực hiện khi lựa chọn, chứ không bao giờ làm thay hoặc cho chúng ta một đáp án rõ ràng và chắc chắn.)
TRƯỚC khi thực hiện, người thực hiện cần:
- Tự nguyện làm công cụ này.
- Lắng đọng tinh thần 5 phút để nhẹ nhàng.
- Hiểu đây là công cụ tự đánh giá, do đó sẽ vô dụng nếu người thực hiện cố gắng trả lời vì muốn có một hình ảnh tốt đẹp nào đó.
- Sẵn sàng tâm trí để là chính mình thật nhất có thể khi làm công cụ này – đừng tự đánh giá, đừng tự chê, đừng tự khen, đừng cố gắng giống ai.
- Hoàn thành chỉ tối đa trong 30 phút.
TRONG khi thực hiện, người thực hiện cần:
- Chọn câu trả lời này đến với mình nhanh và tự nhiên nhất. Càng suy nghĩ thì càng không tốt vì lúc ấy người thực hiện đang suy tính và dùng lý trí để trả lời.
- Bài trắc nghiệm sẽ bao gồm 6 phần – tương ứng với 6 nhóm đặc tính nghề, trong mỗi phần sẽ có 14 câu hỏi, mỗi câu sẽ có 3 lựa chọn bao gồm:
Có: Tôi có sở thích ở câu mô tả này
Không: Tôi không có sở thích ở câu mô tả này.
Chưa rõ: Tôi không hiểu câu mô tả này hoặc phân vân giữa hai phương án có và không.
Có 3 phiên bản được thiết kế cho các đối tượng khác nhau, anh/chị và các bạn lựa chọn làm bài trắc nghiệm ứng với nhóm của mình và thực hiện:
>>> Phiên bản dành cho học sinh sinh viên từ 15 đến 22 tuổi
>>> Phiên bản dành cho người đi làm
>>> Phiên bản dành cho cha mẹ học sinh
Sau khi thực hiện xong bài trắc nghiệm, xin mời anh/chị và các bạn quay lại đây để được hướng dẫn đọc kết quả của mình nhé!
Đọc kết quả từ bài trắc nghiệm sở thích nghề nghiệp Holland
Bước 1: Ghi nhận điểm và chọn ra 2-3 nhóm có điểm số cao nhất.
Trong bài trắc nghiệm, từng lĩnh vực bao gồm 14 câu hỏi, mỗi câu trả lời “Có” tương ứng với 1 điểm.
Anh/chị và các bạn vui lòng ghi tổng số điểm của từng lĩnh vực vào cột “Điểm số” tương ứng.
Bước 2: Sau khi đã biết 2-3 nhóm Holland cao nhất, anh/chị và các bạn đọc để hiểu sâu hơn về các nhóm của mình ở bài viết này: Chi tiết về 6 nhóm sở thích nghề nghiệp theo Lý thuyết Holland
Bước 3: Trong khi đọc, anh/chị và các bạn nên tự đánh giá lại thứ tự của các nhóm sở thích Holland của mình. Nếu thứ tự lúc này thay đổi, hoặc nhóm có số điểm trắc nghiệm thấp nhất lại trở thành 1 trong 3 nhóm cao nhất sau khi đọc bài viết, bạn hãy dùng thứ tự này thay vì dùng kết quả trắc nghiệm.
Trong thực tế, tính cách của nhiều người không nằm trọn trong một nhóm tính cách mà thường là sự kết hợp của 2 nhóm tính cách, có khi còn nhiều hơn, ví dụ: Nghiên cứu – Kỹ thuật, Nghệ thuật – Xã hội… Do đó, khi tìm hiểu bản thân có thể phải xem xét nhiều hơn một nhóm tính cách để thực sự xác định được nhóm nào phù hợp với mình hơn cả.
Bước 4: ngồi ghi ra tất cả những ví dụ cho thấy bạn thực sự thuộc về 3 nhóm Holland cao nhất.
Sau khi hoàn tất 4 bước trên, bạn đã rất chắc chắn về sở thích nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, bạn nên mở lòng để hiểu rằng trong tương lai, sau khi có thêm nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, học hành, và việc làm, bạn có thể thay đổi thứ tự của 3 nhóm Holland cao nhất hiện tại, hoặc bạn có thể nhóm Holland khác thêm vào trong danh sách 3 nhóm cao nhất.
Sự thay đổi ấy là điều rất bình thường vì phát triển nghề nghiệp là một hành trình dài cả đời mà có rất nhiều khi ta chỉ hiểu ta có sở thích và năng lực gì khi ta có cơ hội trải nghiệm mà thôi.
Khi đọc, lần nữa, hãy đọc và trân trọng kết quả mình là mình, đừng thêm màu sắc tự đánh giá hay khen chê vào đó.
Sau khi đã biết và hiểu hơn về những đặc điểm tính cách, sở thích nghề nghiệp của bản thân, việc quan trọng tiếp theo mà các bạn cần làm là hướng nghiệp theo nhóm Sở thích nghề nghiệp, và chúng tôi sẽ chia sẻ và giải đáp cho các bạn ở phần tiếp theo nhé.
Hướng nghiệp theo các nhóm Sở thích nghề nghiệp
Một người không thuộc về nhóm nào, hay cả 6 nhóm đều thấp
Đây là những trường hợp làm cha mẹ lo lắng nhiều nhất. Khi được hỏi, các bạn trẻ này luôn trả lời “Con không biết mình thích gì hết. Con chẳng thấy mình giỏi gì cả.” Và khi được hỏi sâu hơn, họ thường im lặng và tỏ ra khó chịu.
Khi làm trắc nghiệm, điểm số cả 6 nhóm của họ đều thấp dưới 50% số điểm trong đó có vài nhóm có khi chỉ có 0 đến 3 điểm. Với những ai không làm trắc nghiệm, nếu như sau khi đọc các bài về 6 nhóm Holland mà các bạn tự thấy mình không phù hợp với bất kỳ nhóm nào trong đó thì cũng được xem là thuộc về trường hợp đặc biệt này.
Có điều này có thể do các lý do ẩn:
Nuôi dưỡng ngược tự nhiên
Trường hợp tôi gặp nhiều nhất trong nhóm đặc biệt này là các bạn trẻ đã bị ép theo hướng ngược lại với sở thích tự nhiên từ ngày còn rất nhỏ. Một ví dụ cụ thể tôi đã gặp là em A thích vẽ và vẽ rất đẹp từ nhỏ. Đến năm 10 tuổi gia đình quyết định cất hết dụng cụ vẽ của em đi với lý do: “Khi em vẽ, em không để ý được gì khác ngoài việc vẽ. Em không tập trung học các môn quan trọng ở trường như Toán, Văn.”
Sau đó là chương trình học thêm dày đặc những môn em yếu và hoàn toàn tách em ra khỏi những sở thích liên quan đến dùng cọ và màu sắc. Trong những buổi tư vấn cá nhân, khi quay về những ngày còn bé để nhớ lại những điều em đã thích và tự tin khi làm, em khóc nức nở không kìm chế được.
Ở đây, tôi hoàn toàn không trách móc những cha mẹ muốn con trau dồi các môn yếu kém để bắt kịp các bạn trong lớp. Nhưng chúng ta phải cẩn thận để không hoàn toàn “giết chết” những sở thích tự nhiên của chúng. Những nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển nghề nghiệp cho thấy khi trẻ không được nuôi dưỡng theo tự nhiên, chúng ngày càng không hiểu được bản thân, mất đi sự thích thú với những lĩnh vực khác, và ngày càng mất tự tin.
Thiếu trải nghiệm
Một lý do khác nữa là các bạn trẻ có thể lờ mờ biết mình thích gì từ những ngày còn nhỏ, nhưng do lịch học khá dày, cha mẹ ít trò chuyện tương tác, dẫn đến việc các bạn ít được có cơ hội trải nghiệm bên ngoài lớp học nên việc hiểu về sở thích nghề của mình bị hạn chế trong môi trường học tập.
Nếu nhìn lại hệ thống giáo dục trường công của chúng ta tại Việt Nam, chúng ta có thể kết luận rằng những bạn trẻ nào có những đặc tính nghề thuộc 3 nhóm Quản lý, Nghệ thuật, và Kỹ thuật sẽ ít có cơ hội để chứng minh thực lực của mình hay hiểu về sở thích và điểm mạnh của mình trong các môn học chính khóa hơn 3 nhóm còn lại là Nghiên cứu, Nghiệp vụ, và Xã hội.
Ở đây tôi không có ý chỉ trích hệ thống giáo dục của nước mình. Tôi chỉ nêu rõ ra vấn đề để chúng ta, đặc biệt là các bậc cha mẹ, hiểu vì sao vai trò gia đình trong việc hướng nghiệp cho con quan trọng đến như vậy.
Nếu theo sát con theo đúng phương pháp khoa học (mà theo tôi là hoàn toàn khả thi và đơn giản), thì trong giai đoạn con từ 3 đến 8 tuổi cha mẹ có thể giúp cho con quan sát được những đặc tính nghề của chúng, cho con được trải nghiệm đơn giản để xác nhận và chuyển đổi những sở thích thành khả năng.
Tôi xin cho ví dụ cụ thể về em B. Năm B học lớp 5, em mua những kẹp tóc đủ màu sắc ở chợ Kim Long, sau đó để vào những bao ni-lông nho nhỏ với một vài phụ kiện đáng yêu khác để bán cho bạn. Trong vòng 1 học kỳ em đã kiếm được hơn 1 triệu tiền lời.
Cha mẹ em biết được điều này, hơi lo lắng em sẽ ham tiền không chịu học hành, nhưng họ bình tĩnh trao đổi với em về giới hạn và quyền lợi. Họ cho phép em học và thử tự kinh doanh vào mùa hè và dịp nghỉ học khác như Tết, còn lại trong năm học em phải tập trung học. Vào năm B học lớp 10, em đã có cửa hàng bán mỹ phẩm của riêng mình trên Facebook và rất thành công.
Biết mà không nghĩ là mình biết
Rất nhiều bạn trẻ sau khi gặp tôi để được tham vấn hướng nghiệp mới ồ ra, “Ôi, con không hề nghĩ việc thích nuôi chó, mèo và trồng cây cảnh có thể dẫn đến một nghề nghiệp tương lai. Từ nhỏ con đã nghĩ đó chỉ là sở thích vớ vẩn, và con ít dám nói cho ai biết về sở thích này.” Thực tế là trong thị trường lao động hiện tại, sở thích và khả năng trong lĩnh vực nuôi thú yêu và trồng cây cảnh hoàn toàn có thể cho một người lao động một vị trí công việc khá tốt đẹp.
Trong thế giới lao động hiện tại khi mà không ai dám vỗ ngực xưng tên để tuyên bố rằng họ biết chắc ngành nghề nào sẽ được tuyển dụng nhiều trong tương lai cũng như những năng lực hành nghề nào sẽ được cần đến, chúng ta lại càng phải quay về với nền tảng của hành trình phát triển nghề nghiệp cho mỗi người, đó là “hiểu mình,” “hiểu thế giới nghề nghiệp,” và “lập kế hoạch phát triển nghề nghiệp.”
Những môn học trong trường hiện nay không cho đủ thông tin để một người biết mình sẽ phù hợp và phát triển tốt trong nghề nghiệp tương lai nào. Càng như vậy thì ta lại càng phải giúp cho thế hệ trẻ được phát triển theo tự nhiên, nuôi dưỡng các điểm mạnh (tài năng) có sẵn, và giúp họ cải thiện những điểm yếu đi kèm, để khi họ tự bước chân đi trên con đường nghề nghiệp của bản thân, họ đủ sức tự tìm ra một hướng đi phù hợp cũng như trau dồi những năng lực hành nghề cần thiết cho tương lai.
Đa sở thích (4 nhóm trở lên)
Tôi hay gọi đùa những trường hợp có điểm trắc nghiệm cao đều cả 4 nhóm Holland trở lên là những người “thích đủ thứ”. Để có thể gọi là cao đều thì điểm 4 nhóm không xê xích nhau nhiều và tất cả đều cao hơn 70% tổng số điểm. Với những ai không làm trắc nghiệm, nếu như sau khi đọc các bài về 6 nhóm Holland mà các bạn tự thấy mình phù hợp với 4 nhóm trở lên thì cũng được xem là thuộc về trường hợp đặc biệt này.
Những điều cần lưu ý
Thích nhiều thứ cùng một lúc không có nghĩa rằng ta sẽ giỏi nhiều thứ cùng một lúc. Do đó, bạn nên tìm cơ hội trải nghiệm từng nhóm một để tìm hiểu xem khả năng của bản thân có đi kèm với sở thích hay không.
Ví dụ: bạn An thấy mình có những sở thích trong cả 4 nhóm Nghệ thuật, Xã hội, Quản lý, và Nghiệp vụ. An chọn học ngành thuộc 2 nhóm Quản lý và Nghiệp vụ. Trong thời gian học, An tham gia các hoạt động thuộc nhóm Xã hội và nhóm Nghệ thuật. Theo thời gian, An nhận ra mình thích nhưng không nổi bật trong 2 nhóm Xã hội và Nghiệp vụ. Càng học và tham gia hoạt động, An càng thấy những kỹ năng vượt trội của mình nằm trong 2 nhóm Quản lý và Nghệ thuật.
Thích nhiều thứ cùng một lúc dễ làm cho bạn cảm thấy chán nản hoặc rơi vào tâm trạng đứng núi này trông núi nọ, cỏ bên kia xanh hơn cỏ bên này. Điều này dẫn đến việc bạn hay bỏ cuộc giữa chừng với hy vọng cái mới sẽ mang lại câu trả lời cho câu hỏi nghề nghiệp của bạn. Do đó, trước khi trải nghiệm một sở thích nghề nghiệp hay một công việc thì nên xác định mình sẽ dấn thân bao lâu, đến lúc nào thì ngừng, khi ngừng thì hiểu rõ vì sao mình ngừng, và phân tích lợi hại trước khi bước qua một lĩnh vực mới.
Ví dụ: tiếp tục dùng câu chuyện của bạn An trên đây. Khi vừa vào học ngành thuộc 2 nhóm Quản lý và Nghiệp vụ, An thấy rất chán dù vẫn học tốt. Nhưng thay vì ngay lập tức nghĩ mình học sai ngành và muốn thay đổi ngành học, An tham gia các hoạt động ngoại khóa trong Tổ chức Sinh viên Liên trường, nơi An có cơ hội sử dụng những đặc điểm của 2 nhóm Xã hội và Nghệ thuật của mình.
Dần dần, An nhận ra vì sao khi học mình thấy chán mà vẫn học tốt. Sau 4 năm học và tham gia hoạt động ngoại khóa, An hiểu mình hơn và biết lúc nào mình sẽ chán, lúc nào mình sẽ có động lực để tự lập những kế hoạch học, làm, tham gia hoạt động phù hợp.
Trung bình thì một người có từ 40 đến 50 năm để làm việc và phát triển nghề nghiệp. Do đó, bạn đừng nghĩ rằng ta không có đủ thời gian để làm tất cả những điều ta thích. Sự thật là mỗi người có rất nhiều thời gian để làm những điều họ thích.
Hãy tâm niệm rằng, “Ta không thể làm tất cả những điều ta thích cùng một lúc vào thời điểm bây giờ. Nhưng ta hoàn toàn có thể trải nghiệm tất cả những điều ta thích trong vòng 40 đến 50 năm tới.” Cách suy nghĩ này giúp cho một người bình tĩnh khi ra quyết định nghề nghiệp, ưu tiên chọn lựa phù hợp với thời điểm hiện tại của họ nhất, và lên chiến lược để thực hiện những điều khác trong tương lai khi cơ hội tới.
Ví dụ: chúng ta lại tiếp tục nhìn hành trình của bạn An nhé. Sau khi ra trường, An chọn một công việc thuộc 2 nhóm Quản lý và Nghệ thuật, là 2 nhóm mà An thấy mình nổi bật trong trải nghiệm 4 năm đại học. Sau 3 năm, An được đề bạt vào một vị trí khá quan trọng trong bộ phận bạn làm. Lúc ấy, An nhận ra 2 nhóm Xã hội và Nghiệp vụ, dù không phải là 2 nhóm mình nổi trội nhất, lại giúp mình rất nhiều trong công việc hàng ngày.
Vài năm sau khi An lập gia đình và có con, bạn quyết định lùi khỏi công việc toàn phần và vị trí quản lý trước đó. An bắt đầu tập trung chính vào vai trò làm mẹ và những dự án ngắn hạn, bán thời gian. Những dự án này sử dụng rất nhiều các đặc điểm và khả năng trong 3 nhóm Xã hội, Nghệ thuật, và Nghiệp vụ.
Cũng thời gian này, An nhận ra nhóm Nghiệp vụ của mình trở nên mạnh hơn so với 3 nhóm còn lại, có lẽ do vai trò làm mẹ và do những dự án ngắn hạn giúp An phát triển nhóm này hơn lúc An còn ở đại học. Khi con lên 3 tuổi, An và chồng bàn bạc với nhau và cùng nhau khởi nghiệp 1 công ty nhỏ trong lĩnh vực giáo dục, nơi mà An sử dụng tất cả 4 nhóm Quản lý, Nghiệp vụ, Xã hội, và Nghệ thuật.
Hướng nghiệp theo các cặp nhóm Sở thích nghề nghiệp
Như đã biết, mỗi cá nhân thường không chỉ sở hữu một nhóm duy nhất, mà có 2-3 nhóm đặc tính Holland nổi trội. Ở phần này, chúng tôi sẽ mô tả và chia sẻ thêm theo từng cặp nhóm Holand để phù hợp hơn cho từng bạn. Chúng tôi chia mỗi cặp ra thành từng bài viết nhỏ để các bạn tiện theo dõi, hãy bấm vào cặp nhóm sở thích nghề nghiệp của mình bên dưới.
Hướng nghiệp cho nhóm Nghiên cứu và Nghiệp vụ
Hướng nghiệp cho nhóm Nghệ thuật và Nghiệp vụ
Hướng nghiệp cho nhóm Kỹ thuật và Xã hội