Theo học thuyết đặc tính nghề và môi trường làm việc của John Holland, việc xác định bản thân thuộc nhóm đặc tính nghề nào sẽ giúp một người tìm ra ngành học hay nghề nghiệp có thể phù hợp với mình nhất. Tuy nhiên, phần lớn mỗi người sẽ có hơn một nhóm nổi trội. Trong trường hợp đặc biệt, có người có thể có hơn bốn nhóm nổi trội.
Hướng nghiệp cho các bạn trẻ là điều vô cùng quan trọng. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu cặp mật mã Holland Nghệ thuật và Nghiệp vụ. Tôi hy vọng rằng những bài viết này phần nào giúp các em và cha mẹ hiểu thêm về sự trộn lẫn giữa hai nhóm đặc tính nghề theo lý thuyết của giáo sư John Holland, từ đó định hướng nghề nghiệp cho các em được tốt hơn.
Những bài viết này tôi viết dựa trên sách của chính tác giả học thuyết, giáo sư John Holland, Bản đồ thế giới nghề nghiệp và các nghiên cứu lâu năm của công ty ACT, là công ty chuyên làm trắc nghiệm ở Mỹ, và từ những quan sát của bản thân tôi trong hơn chín năm làm công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp.
(Nếu bạn chưa biết Lý thuyết mật mã Holland và Bản đồ thế giới nghề nghiệp có thể đọc thêm tại đây: Lý thuyết mật mã Holland; Bản đồ thế giới nghề nghiệp)
Tôi mong các em và quý cha mẹ hãy xem đây là một trong những nguồn tài liệu tham khảo. Nếu phần nào không phù hợp với trường hợp của mình, các em và gia đình hãy nghe theo nhận định của bản thân vì những gì tôi chia sẻ chưa chắc đã đúng cho tất cả mọi người.
Nhóm Nghệ thuật và Nghiệp vụ – Nét đẹp của sự mâu thuẫn
Những đặc điểm của nhóm Nghệ thuật bao gồm nhu cầu được tự do và không bị gò ép theo khuôn khổ, có trí tưởng tượng phong phú và quyết định dựa trên trực giác, yêu thích và dễ bị cảm động bởi cái đẹp (thiên nhiên, con người, đồ vật, v.v.) để kiến tạo các sản phẩm nghệ thuật. Họ, vì vậy, ác cảm với những hoạt động hoạt động rõ ràng, có hệ thống và có trật tự.
Chúng ta hãy nhìn lại những đặc điểm của nhóm Nghiệp vụ. Họ thích những hoạt động rõ ràng, có hệ thống và có trật tự như làm việc với dữ liệu, lưu giữ hồ sơ, điều hành hệ thống hay máy móc để đạt được mục tiêu kinh tế hay mục tiêu của tổ chức. Vì vậy, họ thường ác cảm với các hoạt động mơ hồ, tự do, trải nghiệm hoặc không được hệ thống hóa.
Bây giờ, hãy tưởng tượng hai nhóm Nghệ thuật và Nghiệp vụ với những đặc điểm trên ở trong cùng một con người, chúng ta sẽ hình dung được sự mâu thuẫn mà bạn trẻ ấy phải đối diện trong đời sống hằng ngày. Nếu không được trò chuyện và hướng dẫn để hiểu hơn về những đặc điểm trái ngược này, các bạn trẻ sẽ dễ dàng bị ngộ nhận, bối rối, hay rối loạn về sự hiểu biết bản thân.
Sống cùng mâu thuẫn
Điều đầu tiên mà các bạn trẻ có hai nhóm đặc tính nghề trái ngược nhau cần phải làm là hiểu, chấp nhận, và học cách sống chung với sự mâu thuẫn bên trong mình. Họ cần phải hiểu vì sao có những lúc họ thế này, những lúc khác họ lại trái ngược hoàn toàn với phần kia của mình. Họ cần phải hiểu để chấp nhận rằng cả hai phần khác nhau ấy đều là mình, và sự cố gắng bỏ một trong hai phần ấy đi đều không tốt cho sự phát triển toàn diện của chính bản thân.
Cuối cùng, khi hiểu và chấp nhận được, họ sẽ nở rộ vì sự thật là điểm mạnh của nhóm này bổ túc cho điểm yếu của nhóm kia. Khi các bạn trẻ có hai nhóm đặc tính Nghệ thuật và Nghiệp vụ sống được với chính bản thân, tất cả mọi chuyện sẽ ổn. Điều quan trọng nhất là họ cần hiểu mình đủ để chấp nhận và để giúp người xung quanh hiểu để đồng hành cùng mình.
Khi viết bài này, trong đầu tôi luôn hiện ra hình ảnh của Thi (đã đổi tên vì lý do bảo mật), một người có thể nói là ví dụ đặc trưng của bài viết này. Thi yêu thích ngành mỹ thuật từ nhỏ và theo học ngành mỹ thuật ứng dụng, tốt nghiệp loại giỏi, và làm việc trong ngành ba năm.
Tuy được đánh giá cao bởi sếp và đồng nghiệp, Thi quyết định chuyển qua làm trong lĩnh vực giáo dục trong vai trò chuyên viên dữ liệu. Lý do chính cho quyết định nghề nghiệp trên là vì bạn không chịu được tính chất không thể đoán trước được, lịch làm việc thay đổi liên tục (có khi làm ngày làm đêm, có lúc rảnh rỗi) dù bạn rất yêu công việc cũ.
Bạn tâm sự: “Khi tôi làm công việc cũ, dù rất hạnh phúc, nhưng có nhiều lúc tôi như bị ma ám, chìm đắm và bị cuốn trôi theo dự án mình đảm nhận. Và thú thật là tôi không thích cảm giác ấy chút nào – nó làm tôi mệt nhoài. Tôi thèm cảm giác an toàn của một công việc có trật tự và dự đoán được”.
Trong công việc mới, Thi làm việc mỗi ngày với các con số, dữ liệu, để ra được các bản báo cáo liên quan đến giáo dục. Thi cảm thấy bình an hơn trong công việc này. Sau giờ làm việc, vào buổi tối hay cuối tuần, bạn luôn làm những dự án mỹ thuật của riêng mình để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo. Với bạn, đây là giải pháp hoàn hảo nhất.
Tôi không khuyến khích tất cả những bạn trẻ làm theo Thi. Tôi kể câu chuyện trên với mong ước:
- Các bạn hãy hiểu mình rõ để biết mâu thuẫn đến từ đâu;
- Cha mẹ giúp các bạn chấp nhận và phát triển theo tự nhiên trong cả hai nhóm;
- Các bạn và cha mẹ hãy ra quyết định sao cho các bạn và gia đình đạt được tâm an;
- Không có quyết định nào hoàn toàn đúng hay sai, chỉ có quyết định phù hợp nhất với mỗi cá nhân; và chỉ qua đủ trải nghiệm và sai lầm thì mỗi cá nhân mới tìm được câu trả lời cho riêng mình.
Thế giới nghề nghiệp
Theo Bản đồ thế giới nghề nghiệp của ACT (công ty chuyên tổ chức các kỳ thi và trắc nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và hướng nghiệp của Mỹ), những nhóm ngành sau đây phù hợp với những ai có đặc tính nghề của nhóm Nghệ thuật:
- Nghệ thuật ứng dụng (thị giác): chuyên viên thiết kế đồ họa, chuyên viên thiết kế trang web
- Nghệ thuật sáng tạo & trình diễn: ca sĩ, diễn viên, đạo diễn sân khấu, nhà soạn kịch, chuyên gia soạn thảo chương trình truyền hình hay phát thanh, v.v.
- Nghệ thuật ứng dụng (viết & nói): biên tập viên, chuyên gia quan hệ công chúng, người viết nhật ký trên mạng, người viết quảng cáo, phóng viên/nhà báo, v.v.
Và những nhóm ngành phù hợp với những ai có đặc tính nghề của nhóm Nghiệp vụ:
- Truyền thông & hồ sơ: Chuyên viên chăm sóc khách hàng, chuyên viên thống kê, nhân viên tổng đài, thư ký pháp lý, phóng viên tòa án, trợ lý văn phòng chính phủ, v.v.
- Giao dịch tài chính: Chuyên viên phân tích ngân sách, chuyên viên tín dụng, kế toán / Kiểm toán viên, nhân viên ngân hàng, đại lý du lịch, v.v.
- Phân phối & điều phối: Giám sát kho, nhân viên chuyển phát nhanh, nhân viên xuất nhập khẩu, chuyên viên kiểm soát không lưu, v.v.
Theo mạng thông tin nghề nghiệp O*NET (được phát triển dưới sự tài trợ của Bộ Lao động / Việc làm và Đào tạo Hoa Kỳ (USDOL/ETA) thông qua một khoản trợ cấp cho Bộ Thương mại Bắc Carolina), các công việc sau được xem là phù hợp với cả hai nhóm đặc tính nghề Nghệ thuật và Nghiệp vụ:
Thợ may, nghệ nhân thổi thủy tinh, đầu bếp, nhà tạo mẫu vải và trang phục, nhà sản xuất mô hình (gỗ), quản lý quảng cáo và khuyến mãi, chuyên viên hướng nghiệp cho cấp 2, biên tập viên, giáo viên tiểu học, nhà văn kỹ thuật, chuyên gia đào tạo và phát triển, chuyên viên gây quỹ,…
Với những bạn trẻ có hai nhóm Nghệ thuật và Nghiệp vụ, họ dễ làm cha mẹ và gia đình lo lắng vì mong muốn trải nghiệm trong những ngành hoàn toàn trái ngược nhau, ví dụ như chuyên viên thiết kế đề họa và kế toán viên. Trong trường hợp này, cha mẹ nên kiên nhẫn và cho con được học hỏi, trải nghiệm từ lớp 6 để hiểu thêm về bản thân mình cũng như về thế giới nghề nghiệp.
Khi bạn trẻ đến tuổi quyết định cho ngành học và nghề nghiệp tương lai, họ có thể chọn một ngành trong nhóm này để học và thỏa mãn sở thích của ngành kia trong các hoạt động ngoại khóa, hay nếu họ may mắn, họ sẽ tìm được một ngành thỏa mãn cả hai nhóm. Chọn lựa nào cũng được, miễn là bạn trẻ ấy biết vì sao mình chọn, hệ quả của chọn lựa, và sẵn sàng chịu trách nhiệm với chọn lựa ấy kể cả việc phải thay đổi sau này.
Chỉ có ai ở trong trường hợp có hai nhóm đặc tính nghề trái nhau mới hiểu được cảm giác mâu thuẫn nội tại của các bạn trẻ có đặc tính của cả hai nhóm Nghệ thuật và Nghiệp vụ. Do đó, tôi mong bài viết này giúp cho các bạn trẻ nào thuộc hai nhóm này hiểu hơn về bản thân. Tôi cũng mong bài viết này giúp cho họ và cha mẹ họ đỡ lo lắng, mệt mỏi, và thêm bình an trong quyết định phát triển nghề nghiệp của họ.
Bài viết được tham khảo từ Hướng nghiệp sông An