Theo học thuyết đặc tính nghề và môi trường làm việc của John Holland, việc xác định bản thân thuộc nhóm đặc tính nghề nào sẽ giúp một người tìm ra ngành học hay nghề nghiệp có thể phù hợp với mình nhất. Tuy nhiên, phần lớn mỗi người sẽ có hơn một nhóm nổi trội. Trong trường hợp đặc biệt, có người có thể có hơn bốn nhóm nổi trội.
Hướng nghiệp cho các bạn trẻ là điều vô cùng quan trọng. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu cặp mật mã Holland Nghiên cứu và Nghiệp vụ. Tôi hy vọng rằng những bài viết này phần nào giúp các em và cha mẹ hiểu thêm về sự trộn lẫn giữa hai nhóm đặc tính nghề theo lý thuyết của giáo sư John Holland, từ đó định hướng nghề nghiệp cho các em được tốt hơn.
Những bài viết này tôi viết dựa trên sách của chính tác giả học thuyết, giáo sư John Holland, Bản đồ thế giới nghề nghiệp và các nghiên cứu lâu năm của công ty ACT, là công ty chuyên làm trắc nghiệm ở Mỹ, và từ những quan sát của bản thân tôi trong hơn chín năm làm công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp.
(Nếu bạn chưa biết Lý thuyết mật mã Holland và Bản đồ thế giới nghề nghiệp có thể đọc thêm tại đây: Lý thuyết mật mã Holland; Bản đồ thế giới nghề nghiệp)
Tôi mong các em và quý cha mẹ hãy xem đây là một trong những nguồn tài liệu tham khảo. Nếu phần nào không phù hợp với trường hợp của mình, các em và gia đình hãy nghe theo nhận định của bản thân vì những gì tôi chia sẻ chưa chắc đã đúng cho tất cả mọi người.
Nhóm Nghiên cứu và Nghiệp vụ – Khi hai nhóm ‘học hỏi’ và ‘trách nhiệm’ gặp nhau
Trong những bài viết trước, tôi có chia sẻ rằng những bạn trẻ thuộc nhóm Nghiên cứu thích các hoạt động đòi hỏi việc quan sát, tìm tòi, học hỏi về thế giới xung quanh, từ hiện tượng vật lý, sinh học cho đến văn hóa xã hội.
Các bạn thuộc nhóm này có khả năng học tốt những môn học thuộc khối khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh hay những môn học thuộc khối khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa. Điểm mạnh của nhóm Nghiên cứu là khả năng tìm hiểu thật sâu một lĩnh vực yêu thích. Các bạn thường được người xung quanh nể phục vì kiến thức, sự nổi trội trong học hành, và khả năng phân tích.
Trong khi đó, đặc điểm của nhóm Nghiệp vụ là sự nhạy bén với con số, cách tiêu tiền cẩn thận, khả năng để ý đến chi tiết, và sự tỉ mỉ trong thói quen hàng ngày. Họ tôn trọng luật lệ và cấp bậc, thích sự ngăn nắp, quy củ, có trước có sau trong cuộc sống. Họ giữ tinh thần trách nhiệm cao trong tất cả các việc họ làm, luôn hoàn thành những điều cần làm trước khi cho phép mình nghỉ ngơi.
Tổ hợp của hai nhóm đặc tính nghề nghiệp Nghiên cứu và Nghiệp vụ là một tổ hợp rất thú vị. Một nhóm thì thích và giỏi tự nhiên khi thực hiện các nhiệm vụ công việc liên quan đến ý tưởng trong khi nhóm kia lại thích và giỏi tự nhiên khi thực hiện các nhiệm vụ công việc liên quan đến dữ liệu.
Những người có tổ hợp này đang được xem là ‘hot’ trong thị trường lao động của tương lai, khi các công việc liên quan đến Big Data (dữ liệu lớn) và New Technology (công nghệ mới) được tiên đoán sẽ chiếm lĩnh những vị trí đầu trong danh sách các ngành nghề sẽ được tuyển dụng nhiều trong tương lai.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là những người có tổ hợp nhóm Nghiên cứu và Nghiệp vụ còn phù hợp rất nhiều ngành nghề và công việc khác tuỳ vào nhóm đặc tính nghề thứ 3 của họ, vào cá tính và giá trị của họ, và năng lực học tập và nhiều yếu tố khác nữa.
Cũng xin lưu ý, hai người có cùng tổ hợp này chưa chắc đã hoàn toàn giống nhau vì sự khác biệt ở mức độ và đặc điểm bên trong mỗi nhóm sẽ tạo thành một tổ hợp hoàn toàn khác biệt ở mỗi người. Vì vậy, tôi đề nghị người đọc phân tích và suy nghĩ kỹ để cá nhân hoá những chia sẻ tôi viết sao cho phù hợp với mỗi người nhất có thể. Nếu có chỗ nào không đồng ý thì hãy bỏ qua và xem bài viết này như một nơi để tham khảo.
Những đặc điểm thường thấy ở những ai có cả hai nhóm Nghiên cứu và Nghiệp vụ là:
- Họ thường tìm hiểu rất sâu và có thái độ rất cẩn trọng trước khi đưa ra một quyết định quan trọng. Với họ, dường như chưa bao giờ có đủ thông tin để họ dựa trên đó để làm một quyết định chắc chắn và tốt đẹp. Do đó, thỉnh thoảng họ lại gặp khó khăn trong việc ra quyết định, dẫn đến đôi lúc họ chọn đại khi bị áp lực về thời gian và căng thẳng.
- Họ được đánh giá là người có trách nhiệm cao, hiểu rất sâu những đề tài họ chọn quan tâm. Họ tiếp thu nhanh và làm việc hiệu quả với dữ liệu và con số, đặc biệt trong công việc phân tích dữ liệu hay phân tích tài chính.
- Họ được tin tưởng trong những công việc liên quan đến sự an toàn của con người như công nghệ y khoa hay lĩnh vực an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp vì sự chuyên nghiệp và tính cẩn trọng.
- Người xung quanh cảm thấy an tâm khi làm việc cùng họ vì kiến thức sâu rộng và tinh thần trách nhiệm của họ. Họ là những chuyên gia rất thành công trong lĩnh vực họ chọn.
Như tất cả các tổ hợp đặc điểm nghề nghiệp khác, nhóm này cũng phải đối diện với những thách thức đi kèm với điểm mạnh của họ:
- Như đã nói ở trên, họ khó ra quyết định vì dường như luôn luôn cảm thấy chưa đủ thông tin để ra quyết định hoàn hảo. Do đó, họ dễ bị căng thẳng hay áp lực, đặc biệt khi ở những vị trí phải làm quyết định vì áp lực kinh doanh.
- Họ cần phải tập thói quen ra khỏi nhà để tham dự những buổi gặp gỡ, xã giao với người khác, tham gia các hoạt động vận động cơ thể thường xuyên để tránh những bệnh nghề nghiệp gây ra do làm việc dài giờ trên máy tính, đọc quá nhiều hay xem quá nhiều tài liệu, ru rú trong nhà/văn phòng để học/làm việc.
- Họ cần phải học thêm kỹ năng về giao tiếp, đặc biệt giao tiếp trong môi trường chuyên nghiệp để người khác hiểu họ, hiểu khả năng họ, để tăng thêm khả năng tuyển dụng trong môi trường luôn biến động hiện nay.
Nuôi dưỡng theo tự nhiên
Nhóm bạn trẻ có đặc điểm nghề của hai nhóm Nghiên cứu và Nghiệp vụ khi còn nhỏ cần cha mẹ và thầy cô chú ý đến những điều sau:
- Họ thấy thoải mái với sự ổn định, an toàn, không thay đổi. Họ cũng đòi hỏi sự thử thách về trí tuệ và tri thức từ môi trường học và gia đình.
- Khuyến khích họ ‘thử cái mới’ và ‘làm lỗi’ vì họ thường ưa sự an toàn; khuyến khích họ trải nghiệm những hoạt động lạ và ngoài vùng an toàn để họ tập ‘chơi’ và ‘vui’ vì họ là những người rất nghiêm túc.
- Giúp trả lời những câu hỏi khó bằng cách giới thiệu sách cho họ đọc; khuyến khích họ tự tìm câu trả lời qua việc quan sát, tìm tòi thông tin, chia sẻ với người khác. Đừng ngại những cuộc thảo luận về kiến thức với họ – họ lớn lên và trưởng thành qua những cuộc thảo luận ấy.
- Khuyến khích họ tham gia các hoạt động vận động hay thể thao; cho họ cơ hội tham gia các hoạt động cắm trại mùa hè, đi phượt, để họ gần với thiên nhiên và tìm sự cân bằng trong đời sống.
- Bỏ thời gian trò chuyện với họ để giúp họ có khả năng tương tác với người khác. Đừng ép họ xã giao nhiều và rộng, nhưng hãy kiên nhẫn giúp họ thiết lập các hoạt động bạn bè trong nhóm nhỏ với cùng sở thích để họ quen dần với việc chơi cùng người khác.
- Khi không vừa lòng về hành vi nào của họ, tránh bộc lộ cảm xúc quá độ mà hãy dùng khả năng logic khi trao đổi. Nên viết những lời yêu thương qua tin nhắn, email, hay trên giấy cho các bạn để họ quen với việc tiếp nhận cảm xúc từ người xung quanh.
Ở tuổi dậy thì, những bạn có đặc điểm nghề nghiệp của hai nhóm Nghiên cứu và Nghiệp vụ cần được hỗ trợ để:
- Hiểu được đặc điểm tự nhiên của mình và sống cùng những đặc điểm ấy
- Hiểu được các điểm yếu do những đặc điểm tự nhiên mang lại và học cách bổ túc các điểm yếu ấy
Cơ hội nghề nghiệp cho nhóm Nghiên cứu và Nghiệp vụ
Theo Bản đồ thế giới nghề nghiệp của ACT và mạng nghề nghiệp O*net của Mỹ, một số công việc phù hợp cho những người có hai nhóm Nghiên cứu và Nghiệp vụ bao gồm:
- Nhóm ngành thuộc khối Y tế: Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm nha khoa, Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và xét nghiệm y tế, Dược sĩ, Kỹ sư an toàn và sức khoẻ lao động
- Nhóm ngành thuộc khối Kỹ thuật: Kỹ thuật viên tiện, khoan tạo hình kim loại, nhựa, Kỹ sư nông nghiệp, Kỹ thuật viên chuyên sâu thiết bị ô tô, Kỹ thuật viên điện tử hàng không, Công nhân đá quý và kim cương, Kỹ thuật viên chế tạo robot, Lập trình viên máy tính, Chuyên viên phân tích hệ thống máy tính
- Nhóm ngành thuộc khối Kinh tế: Chuyên gia phân tích kinh doanh, Nhà kinh tế môi trường, Chuyên viên phân tích, định lượng tài chính, Nhà kinh tế học, Kế toán, Kiểm toán
- Nhóm ngành thuộc khối khác: Chuyên gia đánh gia an toàn, Chuyên gia về khoa học thực phẩm, Chuyên viên thống kê, phân tích dữ liệu địa lý, Chuyên viên phân tích chính sách quản lý, Chuyên viên quy hoạch giao thông, Chuyên gia kho dữ liệu, Chuyên viên phát triển trang Web
Trên đây chỉ là một số ít ví dụ nghề nghiệp mà những người thuộc hai nhóm Nghiên cứu và Nghiệp vụ có thể thấy phù hợp với họ. Các bạn trẻ hãy lưu ý rằng còn rất nhiều ngành nghề khác phù hợp không kém. Do đó, khi trải nghiệm, thay vì để ý tên ngành nghề, bạn hãy để ý các đặc tính của ngành nghề ấy sao cho chúng phù hợp với cả hai nhóm Nghiên cứu và Nghiệp vụ là được.
Cũng xin chú ý là nhóm đặc điểm nghề nghiệp thứ ba sẽ ảnh hưởng chọn lựa nghề nghiệp của tổ hợp Nghiên cứu và Nghiệp vụ này. Ví dụ, tổ hợp này kết hợp với nhóm Nghệ thuật sẽ chọn một ngành nghề hoàn toàn khác so với họ có nhóm thứ ba là Kỹ thuật.
Bài viết được tham khảo từ Hướng nghiệp sông An