Lời nói đầu
Xin chào tất cả các bạn học sinh, nếu như các bạn đang chuẩn bị bước tới giai đoạn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, và các bạn còn đang băn khoăn chưa biết thi vào trường nào? học ngành gì? ngành nào tốt? hay ngành nào phù hợp? vv… Thì đây là một bài hướng dẫn rất chi tiết và vô cùng tâm huyết của đội ngũ Tuhoc.com.vn dành tới cho các bạn.
Vì chúng tôi biết rằng, việc lựa chọn được đúng nghành học, đúng công việc, đúng hướng đi trong tương lai theo sở thích và đam mê của mỗi cá nhân là vô cùng quan trọng, điều đó thật sự rất tuyệt vời! Tuy nhiên, để có được điều đó, mỗi cá nhân sẽ cần hiểu rất rõ về bản thân mình, từ những thói quen, tính cách, sở trường, sở đoản,…Và hiểu rõ về thế giới nghề nghiệp rộng lớn ngoài kia.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng, ở lứa tuổi THPT này, thì việc hiểu rõ bản thân cũng như biết đầy đủ về thế giới nghề nghiệp là vô cùng khó. Bởi, thế giới bên trong của mỗi cá nhân cũng rộng lớn không kém thế giới bên ngoài và việc tự khám phá bản thân là hành trình suốt cuộc đời.
Bên cạnh đó, thế giới bên ngoài cũng không ngừng vận động, phát triển, đổi mới và mở rộng. Luôn có những công việc mới ra đời và công việc cũ bị thay thế, chẳng ai có thể nắm bắt được hết tất cả những điều đó.
Vậy nên, chúng tôi tin rằng, với kinh nghiệm, hiểu biết và sự tận tâm, chúng tôi sẽ giúp các bạn trẻ bớt đi phần nào những bỡ ngỡ khi dò dẫm chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa cuộc đời, tự tìm được cho mình hướng đi phù hợp nhất và quan trọng là luôn tự tin với lựa chọn của chính bản thân mình.
Không quan trọng bạn đi chậm như thế nào, miễn là bạn không dừng lại, và đi đúng hướng.
Trong bài hướng dẫn này chúng tôi sử dụng Lý thuyết mật mã Holland của tác giả John Holland và kết hợp với Bản đồ thế giới nghề nghiệp của công ty ACT (American College Testing – công ty hàng đầu trong lĩnh vực đánh giá năng lực đầu vào cho sinh viên tại các trường đại học ở Mỹ).
Đây là những phương pháp đang được sử dụng phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực hướng nghiệp và được thực hiện bởi những nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục.
Lưu ý quan trọng trước khi tự thực hiện các bước tiếp theo:
Bài hướng dẫn rất dài, cần nhiều thời gian để thực hiện, vì vậy các bạn cần chuẩn bị cho mình tối thiểu là 10 giờ làm việc nghiêm túc, có thể chia ra làm trong nhiều ngày. Hãy đọc lướt một lượt để nắm được tổng quan những điều cần chuẩn bị để quá trình thực hiện được tốt nhất. Khi thực hiện, hãy cố gắng dành cho mình một khoảng thời gian và không gian thật sự yên tĩnh nhé, chọn góc nào đó trong nhà mà bạn cảm thấy thoái mái nhất, pha cho mình một ly café, một ly trà, hay một ly nước lọc. Nên tắt điện thoại để tránh xa những thông báo từ mạng xã hội, và đừng quên luôn có bên cạnh một cây bút và một cuốn sổ tay để ghi lại những điều quan trọng.
BƯỚC I: ĐỊNH VỊ – HIỂU BẢN THÂN LÀ CHÌA KHÓA ĐỂ MỞ CÁNH CỬA TƯƠNG LAI
Ở bước này, chúng ta sẽ cùng làm 3 phần nhỏ:
- Khám phá sở thích nghề nghiệp qua Lý thuyết mật mã Holland
- Đánh giá học lực
- Đánh giá các yếu tố về hoàn cảnh gia đình, môi trường sống và xã hội
Có thể sẽ nhiều khó khăn nếu lần đầu tiên bạn làm bước này, nhưng chúng tôi tin rằng, bước này là bước quan trọng nhất, cũng như cần đầu tư nhất (cả về công sức lẫn thời gian); và bước này không chỉ có giá trị trong việc chọn ngành chọn trường mà còn cho sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Vậy nên, để đảm bảo có được kết quả tốt nhất, một lần nữa chúng tôi xin nhắc bạn là hãy thật sự nghiêm túc và tập trung cho bước Định vị này!
A. Nhóm sở thích nghề nghiệp
Trước tiên, các bạn hãy đọc lướt từ Mục 1 -> 6 để nắm những điều cần làm rồi thực hiện nhé!
- Các bạn đọc bài viết giới thiệu Lý thuyết Mật mã Holland tại đường link sau: https://tuhoc.com.vn/ly-thuyet-mat-ma-holland/. Chỉ cần đọc 10 – 20 phút thôi nên chúng tôi tin các bạn sẽ có đủ kiên nhẫn để đọc và hiểu về Lý thuyết đang được sử dụng phổ biến trên thế giới cho hướng nghiệp này nhé.
- Để giúp các bạn hiểu và nhớ hơn, hãy liệt kê 06 nhóm sở thích theo Holland và ghi lại các đặc điểm của 06 nhóm này. các bạn có thể đọc thêm bài viết chi tiết về 06 nhóm Holland tại https://tuhoc.com.vn/6-nhom-so-thich-nghe-nghiep-holland/
- Tại mỗi nhóm, các bạn nhớ lại xem từ nhỏ đến giờ, mình thích/có khả năng/mong muốn làm những điều gì phù hợp với nhóm đó. Cố gắng liệt kê càng nhiều càng tốt! (Chúng tôi đã chuẩn bị một bảng mẫu cho bạn bên dưới nhé)
- Các bạn nhìn lại những điều mình ghi chép và sắp xếp lại theo thứ tự từ nhóm mình phù hợp nhất đến nhóm mình không phù hợp nhất (1 – phù hợp nhất, 6 – không phù hợp nhất).
- Nếu chưa yên tâm, các bạn có thể làm thêm một bài trắc nghiệm trên trang của Tuhoc.com.vn. Đường link: https://tuhoc.com.vn/trac-nghiem-so-thich-nghe-nghiep-holland/
các bạn có thể làm trực tuyến, và sẽ được hướng dẫn đọc kết quả ngay sau khi hoàn tất tại bài hướng dẫn.
Lưu ý: bài trắc nghiệm này chỉ dùng để THAM KHẢO và giúp các bạn XÁC NHẬN LẠI nhóm sở thích đã chọn ở trên. - Cuối cùng, các bạn chọn 2-3 nhóm Holland phù hợp nhất với bản thân để làm nền tảng cho các bước tiếp theo. Nếu kết quả bài trắc nghiệm không giống lắm so với điều các bạn làm ở mục số (4) thì bạn sẽ tự quyết định 2-3 nhóm phù hợp cho mình dựa trên việc tự đánh giá bản thân.
B. Đánh giá học lực
Các bạn học trường “điểm” hay trường “thường”? Học lực loại xuất sắc, giỏi, khá, trung bình, hay yếu? Phải biết rõ mình đang ở mức nào. Đây không phải là lúc xấu hổ. Học yếu chẳng có gì xấu hổ cả. Nhưng học yếu mà cứ giấu đi, không đối diện với bản thân, rồi chọn đại một trường có tên tuổi thi cho oai thì sẽ tốn tiền và thời gian của mình, cha mẹ, và xã hội.
Môi trường giáo dục xung quanh các bạn đang học phần lớn không khuyến khích những môn học có tính sáng tạo như Âm nhạc hay Hội họa; hoặc môn học có tính kỹ thuật như Thể thao hay Sửa chữa. Do đó chúng ta thường không để ý hoặc không đánh giá cao những khả năng này. Việc các bạn học chưa tốt các môn học chính ở trường không có nghĩa là bạn không có năng khiếu gì cả. Hãy thành thật với mình để xem học lực của mình tới đâu vì đây là cơ sở quan trọng trong việc chọn ngành chọn trường.
Thường thì ai cũng mong muốn được học ở các trường Đại học danh giá, nổi tiếng. Mà không phải ai cũng có thể đạt được. Tuy nhiên, không phải cứ trường “xịn” thì các bạn sẽ giỏi, sẽ thành đạt hơn các bạn ở trường “bình thường” bởi quá trình sau THPT này phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực và tự học tập, tự rèn luyện của mỗi cá nhân.
Chính vì vậy, đánh giá thực tế học lực ở thời điểm hiện tại giúp các bạn lựa chọn tốt hơn, có thể là Đại học, Cao Đẳng, Trung cấp hay Trung tâm dạy nghề, quan trọng là chọn được hướng đi phù hợp nhất với bản thân mình.
Các bạn làm đánh giá theo các mô tả từ 1 -> 4 dưới đây nhé.
- Điểm trung bình 2 học kỳ gần nhất của các bạn là bao nhiêu? ______
- Các bạn có bao nhiêu % chắc chắn về việc đậu tốt nghiệp THPT? Điều này sẽ cho các bạn biết nên đặt mục tiêu đại học/cao đẳng/trung cấp/học nghề ở các bước sau.
- Bốn hoặc năm môn học mà các bạn tự tin nhất là gì (bao gồm các môn học chính khóa ở trường phổ thông và cả các môn năng khiếu như lập trình, thể thao, vẽ, thanh nhạc, nhạc cụ, diễn xuất…; các chứng chỉ anh văn IELTS hay TOEFL…). Các môn này có thể tổ hợp thành các khối thi nào?
- Tìm nguồn tham khảo điểm thi từ các anh chị khóa trước trong trường (tốt nhất là 3 năm gần nhất). Hãy đặt câu hỏi cho các anh chị theo gợi ý theo mẫu bên dưới.
Tùy mỗi năm đề thi sẽ dễ hoặc khó, các bạn nên tìm hiểu 2-3 năm, tính trung bình, các bạn sẽ biết được điểm lệch giữa việc học trong trường và việc thi quốc gia của trường các bạn, từ đó dự đoán cho trình độ của các bạn.
C. Các yếu tố gia đình, kinh tế, xã hội
Các bạn nên ngồi xuống với cha mẹ hoặc người giám hộ của mình để nói chuyện với nhau và trả lời được những câu hỏi rất quan trọng sau. Các bạn phải rõ những điều này để đưa ra quyết định phù hợp.
Đôi khi ngành các bạn chọn chỉ là ngành phù hợp với bản thân các bạn thứ 2 hay thứ 3 mà thôi (theo hai tiêu chí thích và giỏi), nhưng vì cha mẹ các bạn muốn các bạn theo, có thể vì hoàn cảnh gia đình hay điều kiện kinh tế, nên khi chọn nó các bạn sẽ dễ chịu hơn (gia đình yên tĩnh, bình an không áp lực mỗi ngày phải đối diện với sự lo lắng của cha mẹ).
Vậy thì các bạn sẽ làm gì với chọn lựa 1 của các bạn? Hoàn toàn bỏ nó chăng? Thật ra, không học được cái mình phù hợp (thích và giỏi) nhất cũng không hẳn là hết hy vọng, vì trong lúc ở trung cấp/cao đẳng/đại học, ngoài giờ học các bạn có thể tham gia các hoạt động ngoài giờ, từ thiện, làm thêm, câu lạc bộ, v.v…. để theo đuổi thứ mình thích. Như vậy các bạn sẽ tăng thêm kỹ năng, kiến thức, và cũng tạo thêm nhiều mối quan hệ cho cơ hội việc làm sau này.
Vì vậy, nếu phải quyết định theo chọn lựa 2, thì các bạn đừng bỏ quên chọn lựa 1 hoàn toàn, mà hãy trải nghiệm và học hỏi thêm về nó trong những hoạt động thiện nguyện, ngoài giờ, các bạn nhé.
Mẫu đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới lựa chọn ngành học
-
Học phí
- Học phí tối đa có thể chi trả trong 1 năm:……………………
- Học phí CHẤP NHẬN ĐƯỢC trong 1 năm:………………….
- Số năm học:………………………………………………………………………
-
Chi phí sinh hoạt (nếu học xa nhà)
- Chi phí sinh hoạt hàng tháng có thể:……………………………
-
Địa điểm trường học
- Bạn có thể học ở: (đánh dấu vào ô KHÔNG phù hợp)
- Trong bán kính ……… km từ nhà
- Trong TP.Hà Nội/TP.HCM (nội thành hoặc ngoại thành)
- Các tỉnh giáp TP.Hà Nội/TP.HCM
- Các tỉnh/thành miền Bắc
- Các tỉnh/thành miền Trung
- Các tỉnh/thành miền Nam
- Bạn có thể học ở: (đánh dấu vào ô KHÔNG phù hợp)
-
Phương tiện di chuyển
- Phương tiện di chuyển hàng ngày:……………………………….
- Phương tiện di chuyển liên tỉnh:……………………………………
-
Mong ước của cha mẹ:
-
Về ngành học, trường học:……………………………………………..
-
Về các yếu tố khác:………………………………………………………….
-
BƯỚC II: ĐỊNH HƯỚNG – TÌM HIỂU THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG (NGHỀ NGHIỆP)
Tiếp theo đây là hướng dẫn để giúp các bạn tìm hiểu thị trường lao động. Phần này bao gồm hai nội dung chính.
- Nội dung đầu đi sâu vào Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể xác định “tên” của ba đến năm nhóm ngành nghề phù hợp nhất với bản thân ở thời điểm hiện tại.
- Nội dung sau hướng dẫn chi tiết cách tìm hiểu “ruột” của một số nghề cụ thể.
Chúng tôi dám đảm bảo rằng khi các bạn nghiêm túc hoàn tất hai nội dung này, các bạn sẽ tự tin hơn nhiều trong hành trình hướng nghiệp không những ở giai đoạn cấp 3 mà còn cho cả hành trình phát triển nghề nghiệp cả đời còn lại.
Hãy kiên nhẫn, đầu tư thời gian và chất xám vào nhiệm vụ này cho những bước chân vững vàng vào đời, các bạn nhé.
A. Bản đồ thế giới nghề nghiệp
Theo nghiên cứu của Lý thuyết Mật mã Holland và của công ty ACT (American Collegue Testing – công ty chuyên làm các bài kiểm tra đầu vào đại học tại Hoa Kỳ) thì có sự tương quan rất chặt chẽ giữa 6 nhóm sở thích Holland với 6 khối ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp. Khi các bạn xác định được hai nhóm sở thích Holland cao nhất của mình, các bạn cũng sẽ xác định được hai khối ngành nghề có thể phù hợp với bản thân.
- Đọc bài viết giới thiệu tổng quan về Bản đồ thế giới nghề nghiệp ở đây https://tuhoc.com.vn/ban-do-the-gioi-nghe-nghiep/, liệt kê 4 đối tượng nghề nghiệp được liệt kê và đánh số 1 đến 4 theo mức độ ưu tiên của bạn (Số 1 là bạn muốn làm việc với đối tượng đó nhất).
- Quay lại kết quả của BƯỚC 1 – ĐỊNH VỊ với 2-3 nhóm sở thích Holland cao nhất của bản thân. Sao chép 2-3 nhóm Holland mạnh nhất của bạn vào ô bên dưới (mỗi nhóm ở 1 ô). Ứng với mỗi nhóm Holland là khối ngành bên Bản đồ thế giới nghề nghiệp, đọc kỹ về hai khối ngành tương ứng với 2-3 nhóm sở thích Holland cao nhất của bản thân.
- Trong mỗi khối ngành đó bạn hãy ghi 3 nhóm ngành nghề bạn ấn tượng/mong muốn làm nhất, hãy sử dụng Bản đồ thế giới nghề nghiệp ở Mục 1 bên trên. (Ghi chữ cái ký hiệu và tên nhóm ngành nghề).
Khi hoàn tất các hướng dẫn trên cũng là lúc các bạn tìm ra “tên” của ba đến năm nhóm ngành nghề phù hợp nhất với bản thân (ví dụ như nhóm ngành Marketing & Bán hàng, nhóm ngành Công nghệ Y học, nhóm ngành Nghệ thuật Ứng dụng – Thị giác). Hoặc may mắn hơn, bạn có thể đã tìm ra hai đến ba tên nghề cụ thể mà mình quan tâm.
Nhóm Holland cao nhất | Các nhóm ngành nghề có thể chọn | Các nghề nghiệp có thể chọn |
………………………………………… | …………………………………………………………….. | ………………………………………………….. |
Trong mục B kế tiếp chúng tôi sẽ hướng dẫn để các bạn tìm hiểu “ruột” của một số nghề cụ thể, nhờ đó các bạn có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm để xác nhận ba đến năm nghề mà ở thời điểm hiện tại các bạn thấy thích hợp với mình nhất (ví dụ như Nhân viên Du lịch & Lữ hành, Kỹ thuật viên X-quang, Nhà thiết kế trình bày, sắp xếp hàng mẫu).
B. Cách tìm hiểu “ruột” nghề
Ghi xuống biểu mẫu ba đến năm nhóm ngành nghề có được sau khi hoàn thành các bước trong mục A. Vì tên nghề chưa phản ánh đầy đủ công việc trong thực tế nên việc tìm hiểu chi tiết hơn về tính chất bên trong của công việc (nói nôm na là “ruột” nghề) sẽ giúp các bạn xác định được liệu nghề đó có phù hợp với bản thân không.
Thông thường việc tìm hiểu cụ thể “ruột” nghề có thể thực hiện bằng ba cách như sau:
- Tìm hiểu qua kênh thông tin
- Tìm hiểu qua mọi người xung quanh
Hướng dẫn thực hiện ba cách tìm hiểu nghề chi tiết
Cách 1: Kênh thông tin: Các bạn bắt tay vào tìm hiểu 3-5 nghề mình quan tâm như gợi ý của bảng bên dưới nhé.
|
|
|
Cổng thực tập: Internship; Internships & Jobs in Vietnam
Cổng tình nguyện viên
Cổng cơ hội tổng hợp cho bạn trẻ: Ybox; TopCV
Facebook: Các bạn cũng có thể gõ từ khóa trên ô Search của Facebook và chọn tab Group thì ra rất nhiều group tuyển dụng hoặc bạn gõ tên công ty mình quan tâm và thêm từ “career” phía sau là có thể đến trực tiếp Fanpage tuyển dụng của công ty.
Các bạn có ý định đi du học/đang du học có thể tìm hiểu kênh tài nguyên ở một số nước khác
- Kênh tài nguyên tại Mỹ:
- https://www.onetonline.org/
- https://www.careeronestop.org/
- https://www.bls.gov/ooh/
- https://www.cacareerzone.org/(thân thiện với bạn trẻ)
- Kênh tài nguyên tại Úc:https://myfuture.edu.au/
- Kênh tài nguyên tại Singapore:https://www.skillsfuture.sg/
- Kênh tài nguyên cho các em gốc Hoa muốn học tại Đài Loan:
- https://www.ocac.gov.tw/OCAC/Eng/Pages/List.aspx?nodeid=1788
- https://www.nups.ntnu.edu.tw/en/about
- Kênh tài nguyên tại New Zealand:https://www.careers.govt.nz/
- Kênh tài nguyên của Canada:
- TỉnhBritish Columbia: https://www.educationplannerbc.ca/
- Phân loại nghề nghiệp quốc gia:https://noc.esdc.gc.ca/
Thông tin giáo dục: https://www.cicic.ca/868/search_the_directory_of_educational_institutions_in_canada.canada
Cách 2: Tìm hiểu qua việc phỏng vấn nhanh mọi người xung quanh(15 – 30 phút)
Bên cạnh việc tìm hiểu nghề nghiệp qua các kênh thông tin trực tuyến, việc gặp gỡ các anh/chị đang công tác trong lĩnh vực mà bạn quan tâm sẽ giúp bạn có thêm những góc nhìn đa chiều về công việc và con đường phát triển sự nghiệp của họ.
Các bước thông thường trong một quá trình phỏng vấn tìm hiểu công việc bao gồm:
- Tìm và chủ động liên hệ một anh/chị đang làm một công việc thuộc một lĩnh vực/công ty mà bạn đang quan tâm.
- Cân nhắc nên gặp trực tiếp hay gọi điện thoại để tránh mất thời gian của người được phỏng vấn vì một buổi phỏng vấn tìm hiểu công việc thường kéo dài 20 phút.
- Đặt mục tiêu cho buổi hẹn và chuẩn bị sẵn các câu hỏi (tham khảo bên dưới).
- Gửi thư cảm ơn trong vòng 24 tiếng.
Gợi ý các câu hỏi gợi ý khi phỏng vấn các anh/chị/cô/chú đang công tác trong lĩnh vực bạn quan tâm
-
- Công việc của anh chị là gì ạ?
- Thường ngày anh/chị hay làm những việc gì?
- Trong những việc đó anh/chị thích nhất phần việc nào?
- Lúc đi học anh/chị có nghĩ là mình sẽ thích công việc này hay không?
- Những kỹ nào cần thiết để hoàn thành tốt công việc này?
- Nếu em muốn làm công việc giống anh/chị em cần phải học ngành gì?
- Nếu em muốn làm công việc giống anh/chị em cần phải có khả năng gì?
- Anh/chị kể cho em quá trình anh/chị bắt đầu vào nghề này được không ạ?
- Công việc này có giúp em tự nuôi được bản thân mình không?
- Anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em theo nghề này?
- …
Chưa hết chưa hết, có 1 kênh mà các bạn cực kỳ nên tham khảo trong thời điểm này, đó là các kênh Youtube, Podcast từ các anh/chị đi trước. Các anh/chị ấy có thể vẫn đang là sinh viên, đã đi làm, và nội dung của các kênh đó không hoàn toàn nói về hướng nghiệp/về trường/về ngành nghề nhưng sẽ có những video/podcast riêng như vậy. Các bạn nên tìm kiếm và xem thêm nhé.
Với các bạn còn nhiều thời gian thì hãy chú ý điều này. Bước tìm hiểu “ruột” nghề là bước cần các bạn kiên trì và nhẫn nại. Vì cần nhiều thời gian và công sức nên các bạn không cần phải gấp gáp trong bước này. Thay vào đó, các bạn hãy chia đều nhiệm vụ ra để thực hiện (ví dụ như mỗi tuần dành ra hai giờ vào chiều Chủ Nhật cho nhiệm vụ này). Hãy xem đây là một dự án cho lợi ích tương lai, và hãy tìm hiểu ngành nghề với sự tò mò nghiêm túc dành cho hành trình phát triển cả đời của mình.
BƯỚC III: TÌM HIỂU THỊ TRƯỜNG ĐÀO TẠO – NGÀNH HỌC
A. Tìm hiểu ngành học
- Trích xuất từ khóa quan trọng
Bước 1: Ở cột “Từ khoá”, các bạn ghi xuống tất cả những từ khóa liên quan đến:
- Hai nhóm Holland cao nhất của bản thân từ bước I (ví dụ với nhóm Kỹ thuật và Nghệ thuật, các từ khóa có thể là: thích sử dụng máy tính, thích màu sắc, có thể vẽ, có thể sửa máy tính, …)
- Tên của ba đến năm nhóm ngành nghề từ bước II – A (ví dụ như với nhóm ngành Nghệ thuật Ứng dụng – Thị giác, các từ khóa có thể là thiết kế, chụp hình, quay phim, …)
- Ruột của một số nghề từ bước II – B (ví dụ như với nghề Nhà thiết kế trình bày, sắp xếp hàng mẫu, các từ khóa có thể là làm việc trong khu bán quần áo, có thẩm mỹ tốt, có khả năng cảm nhận không gian ba chiều, thích mua sắm, …)
Bước 2: Nối từ khóa từ phần Mục 1 (cột bên trái) đến các ngành học liên quan
- Sử dụng Sách Tra Cứu Nghề ILO
Vào bit.ly/tracuungheILO2020 để tải sách tra cứu nghề (bản đầy đủ) này về.
- Vào phần Mục lục của sách với 199 tên nghề, tìm các tên nghề nào có những từ khóa tương tự với các từ khóa ở cột bên trái từ mục A đã liệt kê ở trên (hoặc gõ từ khóa của tên nghề bạn quan tâm vào ô tìm kiếm trong file PDF). Sau đó, các bạn ghi những tên nghề ấy xuống cột bên phải của bảng thứ nhất. Không cần giới hạn số tên nghề, ở đây các bạn thích ghi bao nhiêu thì ghi bấy nhiêu.
- Tuần tự từng tên nghề một, các bạn tìm số trang ở mục lục để xem nội dung của tên nghề. Trong mỗi trang có sáu mục thông tin “Mô tả nghề,” “Năng lực thiết yếu,” “Năng lực bổ sung,” “Học vấn tối thiểu,” “Con đường học tập,” “Lĩnh vực chuyên sâu.”
- Sau khi xem hết các tên nghề, các bạn chọn ra ba nghề nào các bạn tự đánh giá là phù hợp với mình trong giai đoạn hiện tại nhất dựa trên hai tiêu chí, “tôi thích và có khả năng để học 3 đến 4 năm” và “gia đình tôi đồng ý với chọn lựa này của tôi.”
Các bạn nhìn kỹ một lần nữa cột “Con đường học tập” trong sách tra cứu nghề ILO và ghi xuống những chuyên ngành tương ứng với ba nghề đã chọn vào cột bên phải của bảng trong biểu mẫu.
- Sử dụng trang Thông Tin Tuyển Sinh
- Sao chép phần từ khóa ở cột bên trái của bảng đầu tiên xuống bảng tiếp theo.
- Sau đó, các bạn vào đây: https://tuhoc.com.vn/danh-sach-nganh-dao-tao-dai-hoc/
- Kéo chuột xuống để đọc hết các ngành đào tạo trong danh sách. Sau đó, tìm các tên ngành nào có những từ khóa tương tự với các từ khóa từ mục A ở trên. Sau đó, các bạn ghi những tên ngành ấy xuống cột bên phải của bảng thứ hai. Không cần giới hạn số tên ngành, ở đây các bạn thích ghi bao nhiêu thì ghi bấy nhiêu.
- Tuần tự từng tên ngành một, các bạn bấm vào đường dẫn để xem nội dung của ngành.
- Sau khi xem hết các tên ngành, các bạn chọn ra ba ngành nào các bạn tự đánh giá là phù hợp với mình trong giai đoạn hiện tại nhất dựa trên hai tiêu chí, “tôi thích và có khả năng để học 3 đến 4 năm” và “gia đình tôi đồng ý với chọn lựa này của tôi.”
Ba ngành học phù hợp với tôi nhất:
1,…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….. | |
2,…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….. | |
3,…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….. |
Lưu ý:
- Tuy Sách tra cứu nghề ILO chỉ có 199 tên nghề, số lượng nghề ấy vẫn khá đầy đủ cho các bạn trong bước tìm hiểu ngành đào tạo.
- Nếu các bạn biết một tên nghề mới và tên nghề này chưa xuất hiện trên cả sách tra cứu nghề ILO lẫn trang thông tin tuyển sinh thì các bạn có thể đi thẳng tới mục B tiếp theo.
- Theo hướng dẫn tại đây, các bạn sẽ nhìn vào danh sách ngành đào tạo bậc đại học. Tuy vậy, các bạn hoàn toàn có thể tự tìm hiểu danh sách ngành đào tạo bậc cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo cách tương tự.
- Chúng tôi không nhận bất cứ đãi ngộ nào khi cung cấp hai kênh thông tin trên cho các bạn. Chúng tôi chọn hai kênh thông tin này vì chúng tôi đánh giá chất lượng thông tin của họ.
- Trong trường hợp các đường dẫn đến trang web ở trên bị lỗi khi nhấp vào, hãy sao chép đường dẫn và dán vào 1 cửa sổ mới.
B. Tìm hiểu trường (cơ sở hoặc nơi đào tạo)
Sau khi xác định được ba ngành học, các bạn tiến hành tìm hiểu thông tin trường đào tạo như sau:
- Dùng tên ngành các bạn vừa tìm được ở trên và tìm kiếm trên Internet.
Từ khóa tìm kiếm trên Google có thể là: “Trường đại học đào tạo ngành…….” hoặc “Trường cao đẳng đào tạo ngành…..” hoặc “học ngành…….ở trường nào tốt?”… các bạn nên tìm được cho mỗi ngành, ở mỗi bậc học (đại học/cao đẳng/trung cấp) ít nhất 3 trường; tốt nhất nên có trên 5 trường để chọn lựa. - Hoàn thành việc tìm hiểu thông tin của các trường bằng các cách sau:
- Thăm trang web chính thức của trường (tìm bằng Google); phần quan trọng nhất nên đọc là mục “Tuyển sinh”.
- Sử dụng Google hiệu quả (vd: Học phí năm học 2021 của trường….; các bài báo liên quan đến trường; các hoạt động nghiên cứu khoa học, xếp hạng quốc tế – rất quan trọng nếu là trường Đại học liên quan đến khoa học – kỹ thuật).
- “Nằm vùng” trong các trang confession của trường đó (tìm trên facebook: tên trường + confession).
- Hỏi trực tiếp sinh viên của trường (quen biết trực tiếp, được giới thiệu trong nhóm cựu học sinh trường mình, hỏi trong confession…
Nhớ xem thật kỹ thông tin từng trường các bạn nhé; quan trọng là chất lượng giảng dạy ở đấy cho ngành các bạn đang thích. Lưu ý, các bạn đừng nên chọn một nơi chỉ vì đó là “đại học” nhé. Có rất nhiều trường cao đẳng hay trung cấp đào tạo chất lượng rất tốt. Có các trường nghề bên ngoài đào tạo nhân viên ra trường được đánh giá cao (ví dụ như Trung tâm Saigon Tourist hay Trung tâm KOTO).
Tương tự vậy, không phải trường đại học nào cũng tốt hơn trường cao đẳng. Cũng không phải trường tốt thì ngành đào tạo nào cũng chất lượng. Có trường chỉ nổi bật 1 hay 2 ngành thôi. Để biết được chất lượng, các bạn chịu khó vào Google để tìm diễn đàn trường ấy, đọc xem sinh viên đang học nói gì về trường.
Ở những diễn đàn confession thường các sinh viên rất thật thà trong việc nêu ra ý kiến tiêu cực của mình vì nặc danh, nên phải cẩn thận là không tin hết các bạn nhé. Đọc để tham khảo thôi vì mạng xã hội thì không đúng 100% đâu. các bạn đọc các bài báo về trường hay xem phim về trường, nếu được hãy tự đến thăm trường luôn. Cần thật cẩn thận khi tìm hiểu trường, cứ như tìm hiểu bạn bè vậy đó. Bề ngoài hay tên tuổi không nói lên nhiều đâu các bạn; thực lực đôi khi nằm rất sâu bên trong và cần các bạn đi thực tế mới hiểu rõ.
Bảng này chúng tôi làm cho 1 ngành. Nếu các bạn muốn tìm hiểu 1 ngành nữa thì có thể làm thêm 1 bảng giống bên dưới.
Thông tin chi tiết về các trường Đại học – Cao đẳng – Trung cấp:
Mối liên hệ giữa nghề và ngành học
Thị trường lao động, nơi một cá nhân tìm được một nghề nghiệp và vị trí công việc, có sự liên hệ chặt chẽ với thị trường đào tạo, nơi một cá nhân tham gia một chương trình học để trau dồi năng lực hành nghề, chuẩn bị cho khả năng tìm được việc làm ưng ý trong tương lai.
Chúng tôi muốn các bạn nhớ những điều rất quan trọng sau đây:
- Một là không ai có thể đoán trước được trong tương lai ngành nghề nào sẽ được tuyển dụng nhiều (dùng ngôn ngữ bình dân là ngành nào sẽ trở nên “hot”).
- Hai là sau khi học một ngành, các bạn có thể đầu quân vào rất nhiều nghề nghiệp và công việc khác nhau. Không có sự bắt buộc rằng khi em học ngành học Kỹ thuật Điện – Điện tử, bạn chỉ được làm việc liên quan đến Điện – Điện tử. Sự thật là bạn có thể làm ở những lĩnh vực liên quan với Kỹ thuật Điện – Điện tử miễn là bạn chứng minh được bạn có những năng lực hành nghề mà phía tuyển dụng cần.
- Khi chọn ngành, phải chọn ngành KHÔNG SAI, sau đó chọn ngành càng phù hợp với mình ở thời điểm chọn càng tốt. Tiếp đó, khi học thì phải học với một tư duy mở, không đóng khung mình, đồng thời tham gia những hoạt động ngoại khóa để tăng năng lực hành nghề và phát triển mạng lưới chuyên nghiệp của bản thân.
Cuối cùng, đây chỉ là một chặng đường ngắn trong hành trình phát triển nghề nghiệp dài cả đời người sắp tới. Do đó, sau khi đã nghiêm túc tìm hiểu dựa trên phương pháp khoa học và ra quyết định dựa trên tiêu chí rõ ràng, hãy cứ bước tới từng bước một và sẵn sàng linh hoạt, ứng đối với sự thay đổi khi chúng ập đến.
BƯỚC IV: HƯỚNG ĐI SAU THPT VÀ CÁCH THỨC
ĐIỀN NGUYỆN VỌNG TRONG HỒ SƠ THI TỐT NGHIỆP THPT
(Bước 4 này cần được cập nhật theo từng năm. Sau đây là phiên bản dành cho năm 2021)
A. Quyết định hướng đi sau THPT
Sau các bước tìm hiểu ở phía trên, đây là lúc các bạn cân nhắc và quyết định hướng đi phù hợp cho bản thân sau THPT.
Nếu các bạn tự tin mình học tốt ở đại học:
- Chọn ngành và chọn trường đại học các bạn ước mơ vào nhất (bỏ qua học lực: có nghĩa là dù bạn học rất yếu, nhưng ước mơ vào trường có yêu cầu rất cao thì vẫn chọn nhé) => trường (1)
- Chọn ngành và chọn trường đại học các bạn dự đoán mình có khả năng vào (lúc này phải thành thật với bản thân nhé) => trường (2)
- Chọn các ngành và các trường đại học sao cho dưới mức trường (1) và trên trường (2), theo kinh nghiệm của chúng tôi thì 1, 2 trường là đủ.
- Chọn các ngành và các trường đại học sao cho dưới mức trường (2), theo kinh nghiệm của chúng tôi thì các bạn nên chọn 2, 3 trường với yêu cầu đầu vào giảm dần nhưng vẫn trên mức Cao đẳng.
Nếu các bạn chọn ngành sư phạm thì phải chọn tiếp Cao đẳng sư phạm hay Trung cấp sư phạm ở đây luôn.
- Làm tiếp mục Cao đẳng như một phương án dự phòng.
- Lưu ý: chỉ sử dụng trang web chính thức của trường hoặc kênh thông tin chính thức của Bộ Giáo Dục để chuẩn bị các thông tin thi Tốt nghiệp.
Nếu bạn không tự tin về khả năng đậu đại học, hoặc những hướng học sâu như trên đại học thì:
- Chọn ngành và chọn trường đại học các bạn ước mơ vào nhất (bỏ qua học lực) => trường (1)
- Chọn ngành và chọn 2 trường cao đẳng các bạn mong muốn vào. (Lưu ý: chỉ cần đậu tốt nghiệp, các bạn nộp hồ sơ là sẽ chắc chắn được học cao đẳng.)
Nếu các bạn nghĩ rằng mình có khả năng rớt tốt nghiệp:
- Chọn ngành và chọn trường cao đẳng (có hệ 9+*) hoặc trung cấp các bạn mong muốn vào.
*Cao đẳng có hệ 9+ có nghĩa là các bạn chỉ cần có bằng tốt nghiệp THCS (cấp 2) – dù có rớt tốt nghiệp THPT, các bạn vẫn có thể học trường cao đẳng đó. các bạn có thể hỏi thêm thông tin tuyển sinh tại trường cao đẳng nhé.
Sau khi đã ghi ra hết các phương án, nếu cần thiết, các bạn hãy dành thời gian ngồi lại với gia đình, chia sẻ con đường sắp tới của các bạn, xin cha/mẹ xác nhận là có thể hỗ trợ các bạn, đồng thời an tâm với con đường các bạn lựa chọn sắp tới.
Nghe có vẻ nghiêm trọng quá, nhưng chúng tôi đã gặp những trường hợp tâm sự với chúng tôi rằng các bạn đã đậu vào trường đại học mơ ước, nhưng cha mẹ hoàn toàn không đủ khả năng để có thể hỗ trợ các bạn đóng học phí (các bạn cứ TƯỞNG rằng cha mẹ có thể lo được), và các bạn đã phải xuống học cao đẳng trong nước mắt.
Đại học:
Cao đẳng
- Trường: ……………………………………………………………………………………
- Ngành: …………………………………………………………………………………….
- Hệ 9+ (có/không)
Trung cấp
- Trường: ……………………………………………………………………………………
- Ngành: …………………………………………………………………………………….
Con đường khác
…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………../.
B. Tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường (cơ sở hoặc nơi đào tạo)
Từ năm 2019 trở về trước, các trường Đại học có trách nhiệm cập nhật thông tin tuyển sinh chính thức của mình lên trang web của Bộ GDĐT (thituyensinh.vn), đồng thời hướng xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc Gia** là hướng xét tuyển chính (chiếm tỷ trọng 60-90% chỉ tiêu của các trường, đặc biệt là các trường công lập).
**từ năm 2020 được đổi tên thành thi Tốt nghiệp THPT – từ giờ chúng tôi sẽ gọi là thi Tốt nghiệp.
Tuy nhiên, năm 2020 có 1 sự thay đổi rất lớn: các trường Đại học có trách nhiệm tự niêm yết thông tin tuyển sinh của mình lên trang web chính thức của trường, còn trên trang thông tin chính thức của Bộ chỉ có thông tin của các hướng xét tuyển bằng điểm thi Tốt nghiệp.
Chúng tôi có tổng hợp danh sách các trường ở khu vực TP. Hồ Chí Minh ở đây: bit.ly/DsTruongTS (chỉ dùng tham khảo, các bạn nên kiểm chứng lại trên trang web chính thức của các trường).
Vì thế, chúng tôi đề xuất các bạn dành ra 1 khoảng thời gian ít nhất là 15 phút để nghiên cứu thật kỹ thông tin tuyển sinh cho mỗi trường các bạn muốn đăng ký xét tuyển.
- Tìm trang web thông tin tuyển sinh chính thức của trường Đại học – Cao đẳng – Trung cấp các bạn quan tâm. (Từ khóa: “trang web thông tin tuyển sinh chính thức của đại học <tên trường>…,“thông tin tuyển sinh 2021 của trường <…>…, “đề án tuyển sinh 2021 của trường <…>).
Một số trường có trang web tuyển sinh riêng, 1 số trường thì nằm trong mục Tuyển sinh hoặc Đào tạo của trang web chính thức.
Một số trường không lọc thông tin cho các bạn, mà để nguyên “Đề án tuyển sinh”, các bạn chịu khó đọc phần tuyển sinh trong đề án này. - Khi có thông tin tuyển sinh 2021 (1 số trường chưa có thì các bạn có thể dùng thông tin năm 2020 để tham khảo – chúng tôi tin rằng sự khác biệt không quá lớn), các bạn nên liệt kê ra tất cả các Phương thức tuyển sinh (phương thức xét tuyển, phương án tuyển sinh…). Hiện nay có các phương án tuyển sinh chính như sau:
- Xét bằng điểm thi Tốt nghiệp. (các bạn xem phần điền nguyện vọng trong hồ sơ thi tốt nghiệp).
- Xét bằng điểm thi Đánh Giá Năng lực:
- Miền Bắc: kỳ thi của ĐHQG Hà Nội và ĐH Bách Khoa Hà Nội.
- Miền Nam: kỳ thi của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
Hiện chúng tôi biết có khoảng 70 trường xét theo điểm này.
- Xét kết quả học tập/xét quá trình học tập THPT (thường gọi là xét học bạ): thường có 2 nhóm:
- Xét đến hết học kỳ 1 – lớp 12 (thường là xét 5 học kỳ: 2 HK lớp 10, 2 HK lớp 11 và HK1 lớp 12; hoặc 3 học kỳ: 2 HK lớp 11 và HK1 lớp 12). Các bạn có thể photo học bạ + công chứng để chuẩn bị xét từ bây giờ.
- Xét hết năm 12 (thường là xét năm 12, hoặc 4 học kỳ (lớp 11 + 12); hoặc 6 học kỳ (3 năm 10-11-12). Trường hợp này các bạn cần chờ thi học kỳ 2, có điểm tổng kết cả năm học lớp 12 thì mới photo học bạ để xét được.
Các bạn cần theo dõi thông tin: thời hạn nộp hồ sơ, các loại hồ sơ, cách thức nộp hồ sơ, cách thức tính điểm xét tuyển (mỗi trường có cách tính điểm xét tuyển khác nhau)… để có thể tăng cơ hội trúng tuyển của mình.
- Xét bằng các kỳ thi riêng của trường (thi năng khiếu, thi đánh giá riêng…): Các bạn cần lưu ý rất kỹ cách thức và thời hạn nộp đăng ký.
- Các cách xét tuyển khác (tuyển thẳng…).
- Khi đã có các phương thức xét tuyển của các trường các bạn quan tâm, chúng tôi khuyên các bạn nên TẬN DỤNG TỐI ĐA cơ hội trúng tuyển bằng cách:
- Đăng ký thi các kỳ thi đánh giá năng lực (phí khoảng 200.000đ)
- Nộp xét học bạ ở TẤT CẢ CÁC TRƯỜNG phù hợp với tài chính gia đình, có ngành bạn muốn học (dao động từ miễn phí đến khoảng 200.000đ/1 trường/1 lần nộp xét tuyển; hiện chúng tôi chưa thấy có mức phí xét tuyển cao hơn 200.000đ).
- Nên tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường Cao đẳng – Trung cấp (đa số xét học bạ)
C. Điền nguyện vọng trong hồ sơ thi Tốt nghiệp THPT
Hiện giờ chưa có công văn chính thức về kỳ thi THPT Quốc gia 2021. Chúng tôi dựa trên kỳ thi năm 2020 để giúp các bạn chuẩn bị trước, vì chúng tôi đã gặp rất rất nhiều tình trạng đặt nguyện vọng sai 1 ly, đi 1 dặm để rồi có kết quả rớt đại học rất đau đớn.
Một số đề xuất của chúng tôi như sau:
- Nếu các bạn CHẮC CHẮN 120% sẽ không học đại học, thì hãy bỏ trống khu vực điền nguyện vọng. Nếu vẫn có 1 tia do dự, hoặc thậm chí trường đại học các bạn muốn vào không dùng kết quả THPT Quốc gia thì cũng đừng tiếc 30.000đ (mức phí 2020) để đăng ký 1 nguyện vọng (NV) bất kỳ, trường nào cũng được, ngành nào cũng được. Với 1 NV này các bạn sẽ có thêm cơ hội để chỉnh sửa sau khi biết điểm thi. Nếu không có NV này, dù các bạn thi được điểm cao thế nào đi nữa cũng không thể điều chỉnh NV.
- Các bạn mơ ước học ở đâu, ngành nào nhất thì bắt buộc phải để trường – ngành mơ ước đó ở NV số 1.
- Các NV tiếp theo điểm chuẩn nên giảm dần (thường cách nhau khoảng 1-1,5 điểm).
- Nếu gặp trường hợp phân vân giữa 2 trường, không biết để trường nào lên NV trên thì hãy tự hỏi mình: “Nếu tôi đậu cả 2 trường, tôi muốn học ở đâu hơn?”
Câu trả lời sẽ là trường các bạn đặt ở NV trên, trường kia đặt NV dưới.
- Không nên đặt quá 10 NV, tốn tiền mà không có hiệu quả (dù theo nguyên tắc, các bạn có thể đặt bao nhiêu NV cũng được, mỗi NV là 30.000đ – chúng tôi hay nói vui “30K cho 1 ước mơ”).
Lời kết
Tựu chung lại, các bạn đừng chạy theo học các ngành “hot” mà nên học ngành nào phù hợp với sở thích và khả năng của bản thân, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Nhu cầu tuyển dụng có thể thay đổi, nghĩa rằng ngành “hot” có thể thay đổi sau 1, 2 năm, nhưng sở thích và khả năng của ta, nếu ta biết rõ thì sẽ vững vàng.
Lúc ấy, dù nhu cầu của thị trường tuyển dụng có đổi, mình vẫn có thể uyển chuyển để đáp ứng với nhu cầu mới sau này – với điều kiện ta phải giỏi chuyên môn một ngành nào đó, và ta phải có những năng lực hành nghề (bao gồm thái độ, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng con người, và kiến thức).
Khi ta học một ngành vì người khác muốn ta học, vì ngành đó nổi tiếng, hay vì lý do khác, rất khó để ta học giỏi được trong ngành ấy.
Hướng nghiệp đúng mất nhiều thời gian và sự chuẩn bị. Vậy nên các bạn đọc từng bước và làm theo. Sau đó hãy bàn với gia đình, thầy cô chủ nhiệm, thầy cô phụ trách công tác hướng nghiệp trong trường, các anh chị đi trước.
Chúc các bạn vui và bình an.
(Bài hướng dẫn này được biên soạn và tham khảo từ Hướng nghiệp Sông An)