Theo học thuyết đặc tính nghề và môi trường làm việc của John Holland, việc xác định bản thân thuộc nhóm đặc tính nghề nào sẽ giúp một người tìm ra ngành học hay nghề nghiệp có thể phù hợp với mình nhất. Tuy nhiên, phần lớn mỗi người sẽ có hơn một nhóm nổi trội. Trong trường hợp đặc biệt, có người có thể có hơn bốn nhóm nổi trội.
Hướng nghiệp cho các bạn trẻ là điều vô cùng quan trọng. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu cặp mật mã Holland Quản lý và Nghiên cứu. Tôi hy vọng rằng những bài viết này phần nào giúp các em và cha mẹ hiểu thêm về sự trộn lẫn giữa hai nhóm đặc tính nghề theo lý thuyết của giáo sư John Holland, từ đó định hướng nghề nghiệp cho các em được tốt hơn.
Những bài viết này tôi viết dựa trên sách của chính tác giả học thuyết, giáo sư John Holland, Bản đồ thế giới nghề nghiệp và các nghiên cứu lâu năm của công ty ACT, là công ty chuyên làm trắc nghiệm ở Mỹ, và từ những quan sát của bản thân tôi trong hơn chín năm làm công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp.
(Nếu bạn chưa biết Lý thuyết mật mã Holland và Bản đồ thế giới nghề nghiệp có thể đọc thêm tại đây: Lý thuyết mật mã Holland; Bản đồ thế giới nghề nghiệp)
Tôi mong các em và quý cha mẹ hãy xem đây là một trong những nguồn tài liệu tham khảo. Nếu phần nào không phù hợp với trường hợp của mình, các em và gia đình hãy nghe theo nhận định của bản thân vì những gì tôi chia sẻ chưa chắc đã đúng cho tất cả mọi người.
Nhóm Quản lý và Nghiên cứu – Họ là ai?
Sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực hướng nghiệp, tôi gặp khá nhiều bạn trẻ cũng như những người có kinh nghiệm làm việc nhiều năm thuộc về trường hợp trên. Khi gặp họ, một trong những điều đầu tiên tôi làm là cùng thân chủ nhìn lại các mâu thuẫn nội tại bị gây ra bởi hai nhóm tính cách nghề nghiệp đối nhau. Chỉ khi nhận ra sự mâu thuẫn và học cách sống với nó, họ mới tìm ra được hướng đi phù hợp nhất trong hành trình phát triển nghề nghiệp tiếp theo.
Đó là lý do của loạt bài viết này với hy vọng các bạn trẻ thuộc trường hợp trên và gia đình họ hiểu sớm để chuẩn bị hiệu quả cho quyết định nghề nghiệp của các em. Hôm nay tôi viết về trường hợp khi một người có hai nhóm đối lập Quản lý và Nghiên cứu.
Sự mâu thuẫn từ 2 nhóm đối lập
Quý độc giả có thể đọc lại các bài tôi viết trước đây về nhóm Quản lý và nhóm Nghiên cứu để hiểu kỹ hơn. Trong bài này, tôi chỉ tóm tắt những chi tiết cho thấy vì đâu khi hai nhóm này ở trong cùng một con người, mâu thuẫn sẽ xảy ra.
- Những ai thuộc nhóm Quản lý có sự ưu tiên cho các hoạt động đòi hỏi sự thao túng người khác để đạt được các mục tiêu của tổ chức hoặc lợi ích kinh tế. Những ai thuộc nhóm này ác cảm với các hoạt động quan sát, tượng trưng và hệ thống. Những khuynh hướng hành vi này dẫn đến việc thu được các năng lực lãnh đạo, giao tiếp giữa các cá nhân và thuyết phục đồng thời thiếu hụt các năng lực nghiên cứu khoa học (Holland, 1985, p.21).
- Trong khi đó, những ai thuộc nhóm Nghiên cứu có sự ưu tiên cho các hoạt động đòi hỏi sự điều tra các hiện tượng vật lý, sinh học cũng như các hiện tượng văn hóa, tâm lý theo phương pháp quan sát, tượng trưng, có hệ thống và sáng tạo để hiểu và kiểm soát các hiện tượng đó. Những ai thuộc về nhóm này ác cảm với các hoạt động thuyết phục, giao tiếp xã hội và lặp đi lặp lại. Những khuynh hướng hành vi này dẫn đến việc thu được các năng lực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và toán học đồng thời thâm hụt các năng lực thuyết phục (Holland, 1985, p.19).
Hãy thử đặt mình vào vị trí của một bạn trẻ có hai nhóm Quản lý và Nghiên cứu mà chưa hiểu rõ chính mình. Sẽ dễ hiểu thôi nếu bạn trẻ này lo lắng khi thấy có lúc mình rất thích giao tiếp với người khác để thuyết phục họ, thích lập kế hoạch hành động và thực hiện thật nhanh khi một ý tưởng gì đó xuất hiện.
Rồi đột ngột có những lúc không thích trò chuyện hay gặp gỡ bất kỳ ai, cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc với các ý tưởng để tìm tòi, nghiên cứu các hiện tượng khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội quanh mình, và ngần ngừ khi thực hiện ý tưởng ấy vì cảm thấy kiến thức hiện tại của mình chưa đủ. Đây là điều rất thường xảy ra cho những ai có cả hai nhóm đối nhau Quản lý và Nghiên cứu.
Giải pháp là gì?
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là hiểu và chấp nhận chính mình có những tính cách nghề nghiệp thuộc hai nhóm trái ngược nhau, ở đây là Quản lý và Nghiên cứu. Khi ta có cách giải thích cho hành vi và cảm xúc của ta, mọi chuyện sẽ dễ giải quyết hơn rất nhiều.
Điều thứ hai và quan trọng không kém đó là các bạn trẻ có những đặc tính thuộc cả hai nhóm này nên hiểu rằng mỗi khó khăn trong cuộc sống đều đi kèm với một món quà đặc biệt. Món quà mà cuộc sống dành tặng cho các bạn thuộc hai nhóm Quản lý và Nghiên cứu là khả năng bổ túc được điểm yếu cho chính bản thân mình.
Hãy tưởng tượng một nhà nghiên cứu giỏi chuyên môn đồng thời có khả năng lãnh đạo, quản lý, thuyết phục nhân viên, đồng nghiệp cấp trên, và đối tác! Họ sẽ phát triển rất tốt trong nghề nghiệp. Họ sẽ có nhiều cơ hội nắm giữ các vị trí quản lý bên trong ngành nghiên cứu nhờ điểm mạnh của nhóm Quản lý mang lại. Họ cũng có nhiều cơ hội khởi nghiệp để tạo nên một cơ nghiệp kinh doanh cho riêng mình nhờ điểm mạnh của hai nhóm Quản lý và Nghiên cứu.
Đó là bức tranh tuyệt vời nhất của một người có hai nhóm Quản lý và Nghiên cứu đã vượt qua mâu thuẫn nội tại và phát triển toàn diện thế mạnh của mình.
Vậy làm sao để kết hợp điểm mạnh của hai nhóm đối nhau và khắc phục sự mâu thuẫn mà chúng mang lại?
Tôi hay dùng hình ảnh ẩn dụ của một người bước lên một bước rồi bước lùi một bước. Đó là hình ảnh của một người có hai nhóm đối nhau khi chưa giải quyết được mâu thuẫn của mình. Kết quả là họ mãi quay về khởi điểm ban đầu. Sau đó, tôi dùng hình ảnh của cùng người ấy bước lên một bước, sau đó xoay người lại, rồi bước lùi một bước. Lúc này, người ấy đã tiến lên được hai bước chứ không quay về khởi điểm nữa. Chìa khóa là làm sao ta có thể quay người?
Các bạn trẻ sẽ quay người được khi:
- Hiểu về đặc tính nghề nghiệp của bản thân trong cả hai nhóm Quản lý và Nghiên cứu.
- Trải nghiệm các hoạt động nghề nghiệp trong cả hai nhóm Quản lý và Nghiên cứu để hiểu sở thích và khả năng tự nhiên của mình. Có thể trong thời gian trải nghiệm, các bạn sẽ thấy mình trội trong nhóm này hơn nhóm kia. Hiểu biết này sẽ giúp các bạn ra quyết định nghề nghiệp phù hợp với chính mình.
- Chấp nhận sự mâu thuẫn nội tại và học cách lắng nghe nhu cầu của bản thân để tìm sự cân bằng. Ví dụ, khi cần thời gian và năng lượng để tập trung suy nghĩ, tìm tòi về một đề tài mình yêu thích thì cho phép mình không giao tiếp/ thuyết phục/ quản lý người khác.
- Kiên nhẫn và kiên trì. Với thời gian và sự tập luyện, bạn sẽ tìm ra điểm quay mình ấy.
Cơ hội nghề nghiệp đối với nhóm Quản lý – Nghiên cứu
Theo bản đồ thế giới nghề nghiệp và Mạng nghề nghiệp của Mỹ (O*NET) có một số công việc phù hợp cho những người có hai nhóm Quản lý và Nghiên cứu:
- Nhóm ngành thuộc khối Luật pháp: Chuyên viên điều tra hình sự, Trợ lý pháp lý, Chánh án tòa án, Thư ký tòa án, Luật sư, Giáo viên luật (bậc sau trung học)
- Nhóm ngành thuộc khối Kinh tế: Chuyên gia phân tích ngân sách, Chuyên gia quản lý rủi ro, Kỹ sư bán hành, Chuyên viên phân tích tài chính, Chuyên gia nghiên cứu thị trường, Chuyên viên Marketing, Chuyên viên kinh tế học
- Nhóm ngành khác: Quản lý hệ thống thông tin và máy tính, Nhân viên y tế cộng đồng, Quản lý khoa học tự nhiên, Điều phối viên đào tạo, Giáo viên thương mại (bậc sau trung học)
Trên đây chỉ là một số ít ví dụ nghề nghiệp mà những ai thuộc hai nhóm Quản lý và Nghiên cứu cảm thấy phù hợp với họ. Các bạn trẻ hãy lưu ý rằng còn rất nhiều ngành nghề khác phù hợp không kém. Do đó, khi trải nghiệm, thay vì để ý tên ngành nghề, bạn hãy để ý các đặc tính của ngành nghề ấy sao cho chúng phù hợp với cả hai nhóm Quản lý và Nghiên cứu là được.
Tôi hy vọng bài viết này gỡ được phần nào băn khoăn của những bạn trẻ có hai nhóm Quản lý và Nghiên cứu. Chúc các bạn tìm ra phương pháp xoay người để giải quyết mâu thuẫn và sử dụng tốt nhất những điểm mạnh hai nhóm này mang lại. Hãy nhớ, bạn phải bước đi trong cuộc hành trình nghề nghiệp vì chỉ khi bước đi bạn mới từ từ tìm ra đích đến. Đừng suy nghĩ quá nhiều vì điều này sẽ làm bạn đứng yên tại chỗ và hoảng sợ nhiều điều. Cám ơn các bạn đã đọc bài viết này.
Bài viết được tham khảo từ Hướng nghiệp sông An