Theo học thuyết đặc tính nghề và môi trường làm việc của John Holland, việc xác định bản thân thuộc nhóm đặc tính nghề nào sẽ giúp một người tìm ra ngành học hay nghề nghiệp có thể phù hợp với mình nhất. Tuy nhiên, phần lớn mỗi người sẽ có hơn một nhóm nổi trội. Trong trường hợp đặc biệt, có người có thể có hơn bốn nhóm nổi trội.
Hướng nghiệp cho các bạn trẻ là điều vô cùng quan trọng. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu cặp mật mã Holland Xã hội và Nghiệp vụ. Tôi hy vọng rằng những bài viết này phần nào giúp các em và cha mẹ hiểu thêm về sự trộn lẫn giữa hai nhóm đặc tính nghề theo lý thuyết của giáo sư John Holland, từ đó định hướng nghề nghiệp cho các em được tốt hơn.
Những bài viết này tôi viết dựa trên sách của chính tác giả học thuyết, giáo sư John Holland, Bản đồ thế giới nghề nghiệp và các nghiên cứu lâu năm của công ty ACT, là công ty chuyên làm trắc nghiệm ở Mỹ, và từ những quan sát của bản thân tôi trong hơn chín năm làm công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp.
(Nếu bạn chưa biết Lý thuyết mật mã Holland và Bản đồ thế giới nghề nghiệp có thể đọc thêm tại đây: Lý thuyết mật mã Holland; Bản đồ thế giới nghề nghiệp)
Tôi mong các em và quý cha mẹ hãy xem đây là một trong những nguồn tài liệu tham khảo. Nếu phần nào không phù hợp với trường hợp của mình, các em và gia đình hãy nghe theo nhận định của bản thân vì những gì tôi chia sẻ chưa chắc đã đúng cho tất cả mọi người.
Khi hai nhóm ‘Giúp đỡ’ và ‘Trách nhiệm’ gặp nhau – Tổ hợp Xã hội và Nghiệp vụ
Trong những bài viết trước, tôi có chia sẻ rằng đặc điểm của nhóm Xã hội là lòng yêu thích và khả năng làm việc với con người, thích soi sáng, giúp đỡ, truyền đạt thông tin, huấn luyện hoặc chữa trị cho người khác, và thường có khả năng về ngôn ngữ.
Trong khi đó đặc điểm của nhóm Nghiệp vụ là sự nhạy bén với con số, cách tiêu tiền cẩn thận, khả năng để ý đến chi tiết, và sự tỉ mỉ trong thói quen hàng ngày. Họ tôn trọng luật lệ và cấp bậc, thích sự ngăn nắp, quy củ, có trước có sau trong cuộc sống. Họ giữ tinh thần trách nhiệm cao trong tất cả các việc họ làm, luôn hoàn thành những điều cần làm trước khi cho phép mình nghỉ ngơi.
Theo kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục và tư vấn hướng nghiệp, tôi quan sát thấy rất khó tìm những người có đặc điểm nghề nghiệp thuộc nhóm Nghiệp vụ.
Hãy tưởng tượng một đội ngũ chỉ toàn những người bay bổng, sáng tạo, thích lắng nghe và giúp đỡ, thích tìm hiểu sâu về chuyên môn mà hoàn toàn thiếu năng lực tự nhiên trong kỹ năng sắp xếp, để ý chi tiết, nhạy với con số, làm việc theo quy trình. Thiếu họ – tổ chức sự kiện sẽ cực hơn gấp 10 lần. Thiếu họ – quản lý tư vấn sẽ gian nan và đầy lỗ hổng. Thiếu họ – sự phát triển của một đội ngũ sẽ mất cân bằng vì thiếu quy trình vững vàng.
Thông thường, những ai có đặc điểm nghề của nhóm Nghiệp vụ sẽ chọn những ngành nghề trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dữ liệu hay trong ngành cung ứng. Chỉ có những bạn có thêm các đặc điểm nghề nghiệp của nhóm Xã hội mới có thể chọn bước chân vào nhóm ngành giúp đỡ như giáo dục, tư vấn, tham vấn, dịch vụ khách hàng.
Tôi viết bài này trước là để cho các bạn trẻ nào có đặc điểm nghề nghiệp của tổ hợp Xã hội và Nghiệp vụ hiểu hơn về bản thân cũng như về thế giới nghề nghiệp tương ứng, sau là vì lý do rất cá nhân là tôi mong ước ngày càng nhiều hơn những bạn trẻ có tổ hợp này bước chân vào ngành giúp đỡ vì chúng tôi rất cần họ.
Xin lưu ý, hai người có cùng tổ hợp này chưa chắc đã hoàn toàn giống nhau vì sự khác biệt ở mức độ và đặc điểm bên trong mỗi nhóm sẽ tạo thành một tổ hợp hoàn toàn khác biệt ở mỗi người. Vì vậy, tôi đề nghị người đọc phân tích và suy nghĩ kỹ để cá nhân hoá những chia sẻ tôi viết sao cho phù hợp với mỗi người nhất có thể. Nếu có chỗ nào không đồng ý thì cứ bỏ qua và xem bài viết này như một nơi để tham khảo.
Những đặc điểm thường thấy ở những ai có cả hai nhóm Xã hội và Nghiệp vụ là:
- Họ thích giúp đỡ người khác, rất cẩn trọng trước khi hứa, và lúc đã hứa thì chắc chắn sẽ thực hiện được lời đã hứa.
- Họ có tinh thần trách nhiệm rất cao. Đặc điểm này đi kèm với khả năng giao tiếp với người xung quanh tốt khiến cho họ dễ tạo được niềm tin ở người đối diện về khả năng hoàn thành công việc của họ.
- Họ có khả năng về ngôn ngữ và diễn đạt tốt ý tưởng của mình. Đặc điểm này giúp họ giải thích về các quy trình, luật lệ, nguyên tắc một cách minh bạch, dễ hiểu, và với sự kiên nhẫn hiếm có. Do đó, họ dễ được lòng mọi người và dễ thuyết phục người khác làm theo hướng dẫn của họ.
- Người xung quanh cảm thấy an tâm khi làm việc cùng họ vì sự thực tiễn và tinh thần trách nhiệm của họ. Đồng thời, người xung quanh cũng cảm thấy được thông cảm và lắng nghe bởi họ vì họ hiểu cảm xúc của người khác tốt và kiên nhẫn trong giao tiếp.
Người đọc tới đây có thể nghĩ bụng sao tổ hợp này lý tưởng vậy. Nhưng không, vì các đặc điểm trên mà những ai có tổ hợp Xã hội & Nghiệp vụ phải đối diện với những thách thức sau:
- Họ cầu toàn trong công việc cũng như muốn làm người khác hài lòng nên rất dễ bị căng thẳng và áp lực trong các vai trò từ trong gia đình đến ngoài xã hội.
- Họ hay ‘bị’ nhờ vả bởi người khác và khó từ chối vì lòng yêu thương nên dễ rơi vào tình trạng gánh nhiều hơn sức khoẻ (cả thể chất và tinh thần) cho phép.
- Người xung quanh quen nhìn họ như ‘siêu nhân’ có thể làm hết mọi chuyện. Và ít ai chịu khó tìm hiểu đằng sau vỏ ngoài ‘hoàn hảo’ họ có nhiều nhu cầu được nâng đỡ, hỗ trợ, thông cảm như bao người khác.
Nuôi dưỡng theo tự nhiên

Nhóm bạn trẻ có đặc điểm nghề của hai nhóm Xã hội và Nghiệp vụ khi còn nhỏ cần cha mẹ và thầy cô chú ý đến những điều sau:
- Hiểu rằng ngoài những đặc điểm của nhóm Nghiệp vụ là sự nhạy bén với con số, khả năng sắp xếp và để ý chi tiết, tinh thần trách nhiệm và tự chủ cao, họ cũng có những đặc điểm của nhóm Xã hội là sự nhạy cảm, khả năng hiểu cảm xúc và lòng yêu thích trợ giúp người xung quanh. Có rất nhiều bạn có tổ hợp Xã hội & Nghiệp vụ sau nhiều năm đi làm nhận ra mình không hạnh phúc vì hoàn toàn chưa được phát triển những đặc điểm của nhóm Xã hội.
- Để ý đến nhu cầu được chăm sóc và yêu thương của họ. Đừng vì họ luôn là con ngoan, trò giỏi, mà không thèm để ý đến những nhu cầu nho nhỏ hằng ngày của họ. Đây là nhóm thường bị bỏ qua vì họ quá ‘ngoan’ và ‘tự lập’ trong gia đình cũng như ở trường học.
- Khuyến khích họ ‘thử cái mới’ và ‘làm lỗi’ vì họ thường ưa sự an toàn; khuyến khích họ trải nghiệm những hoạt động lạ và ngoài vùng an toàn để họ tập ‘chơi’ và ‘vui’ vì họ là những người rất nghiêm túc.
Ở tuổi dậy thì, những bạn có đặc điểm nghề nghiệp của hai nhóm Xã hội và Nghiệp vụ cần được hỗ trợ để:
- Hiểu được đặc điểm tự nhiên của mình và sống cùng những đặc điểm ấy
- Hiểu được các điểm yếu do những đặc điểm tự nhiên mang lại và học cách bổ túc các điểm yếu ấy
Hướng nghiệp cho nhóm Xã hội và Nghiệp vụ
Theo Bản đồ thế giới nghề nghiệp của ACT và mạng nghề nghiệp O*net của Mỹ, một số công việc phù hợp cho những người có hai nhóm Xã hội và Nghiệp vụ bao gồm:
- Nhóm ngành thuộc khối Y tế: Kỹ thuật viên nhãn khoa, Phụ tá nha sĩ, Kỹ thuật viên dược, Nhà quản trị dịch vụ y tế và sức khoẻ, Trợ lý y tế, Y tá, Chuyên gia phục hồi chức năng nghề nghiệp, Trợ lý chăm sóc cá nhân, …
- Nhóm ngành thuộc khối Giáo dục: Thủ thư, Trợ lý thư viện, Trợ giảng, Nhà quản trị giáo dục trường mầm non, Chuyên viên đào tạo và phát triển tài năng, Giáo viên giáo dục đặc biệt cấp mẫu giáo và tiểu học, Giáo viên tiểu học, Giáo viên hướng nghiệp cấp trung học cơ sở, …
- Nhóm ngành thuộc khối Dịch vụ khách hàng: Nhân viên phục vụ nhà hàng, Đại diện dịch vụ khách hàng, Tiếp viên hàng không, Hướng dẫn viên du lịch,
- Nhóm ngành thuộc khối khác: Cố vấn tín dụng, Nhà quản trị nhân sự, Tư vấn viên cho vay, Chuyên viên nhân sự, Chuyên viên quan hệ lao động, Người tổ chức sự kiện, Quản lý quỹ đầu tư, …
Trên đây chỉ là một số ít ví dụ nghề nghiệp mà những người thuộc hai nhóm Xã hội và Nghiệp vụ có thể thấy phù hợp với họ. Các bạn trẻ hãy lưu ý rằng còn rất nhiều ngành nghề khác phù hợp không kém. Do đó, khi trải nghiệm, thay vì để ý tên ngành nghề, bạn hãy để ý các đặc tính của ngành nghề ấy sao cho chúng phù hợp với cả hai nhóm Xã hội và Nghiệp vụ là được.
Tôi hy vọng bài viết này gửi đến các em và quý cha mẹ một góc nhìn về tổ hợp Xã hội và Nghiệp vụ theo Lý thuyết Holland. Xin lưu ý khi viết tôi đã cố gắng đưa những thông tin căn bản từ các nguồn đã được nghiên cứu chứng thực. Tuy nhiên, sự trải nghiệm cá nhân của mỗi người rất quan trọng.
Mong các em và gia đình sử dụng bài viết này như một nguồn tham khảo và tự tìm hiểu thêm trước khi ra được quyết định nghề nghiệp phù hợp nhất cho bản thân và gia đình. Tôi chúc các em và quý cha mẹ bình an và tìm được nhiều niềm vui trong hành trình hướng nghiệp sắp tới.
Bài viết được tham khảo từ Hướng nghiệp sông An