Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 33
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 6 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cử nhân, khoa Quản lý Công nghiệp – ĐH Bách Khoa TP.HCM
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Chứng chỉ Kinh doanh Xuất bản phẩm (Sở thông tin & truyền thông)
- Số giờ làm hằng tuần: 20 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): công ty cổ phần, 8 thành viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Vị trí: Biên tập viên chính (Managing Editor)
Trách nhiệm:
- Lựa chọn đầu sách (book title) để tiến hành mua bản quyền và dịch
- Làm file định hướng và hướng dẫn dịch sách (cho nhóm biên dịch)
- Xây dựng định hướng cho các yếu tố sáng tạo của sản phẩm (dàn trang, làm bìa)
- Hiệu đính bản dịch và thêm các chú giải
- Làm việc với biên tập viên bên nhà xuất bản (NXB – đơn vị cấp phép xuất bản)
- Gửi yêu cầu về sản xuất cho bên Sản xuất để tìm kiếm nhà in
- Gửi định hướng quảng bá cho bên Marketing & Kinh doanh để lên kế hoạch quảng bá
- Duyệt các nội dung quảng bá để đảm bảo thống nhất với nội dung sách
Giá trị công việc:
- Chịu trách nhiệm định hướng về nội dung và chất lượng sản phẩm
- Đầu mối liên lạc cho các bên đối tác bên ngoài liên hệ về vấn đề nội dung sản phẩm
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Năm 2011, tôi tham gia viết một blog về hướng nghiệp Marketing (Toiyeumarketing.com) – 2014 thì dừng viết blog và muốn xuất bản một quyển sách tuyển tập những bài hay nhất để làm kỷ niệm
Khi đó, tôi tìm hiểu cách xuất bản sách, hầu hết chỉ có cách là tự bỏ tiền ra để xuất bản (vì không phải tác giả danh tiếng nên NXB không mua bản quyền và đầu tư). Rồi tôi lại tìm hiểu xem đâu là tiêu chí để NXB lựa chọn tác giả và bản thảo để đầu tư
May mắn được NXB Trẻ lựa chọn đầu tư (mua bản quyền), tôi không phải bỏ tiền tự in nhưng có nhiều khúc mắc trong quy trình sản xuất và phân phối kinh doanh. Tôi tự hỏi liệu có thể tự xuất bản được không – sách của mình/bạn bè lẫn những tựa sách chuyên ngành (Marketing & Sáng tạo) chưa được dịch ở Việt Nam
Tôi được hướng dẫn bởi một anh phụ trách mảng bản quyền của một công ty sách lớn – anh cũng hỗ trợ mua bản quyền những tựa sách đầu tiên. Sau mỗi lần xuất bản sách (lẫn tái bản), tôi dần được hình thành phương pháp thực hiện hiệu quả hơn
Công việc chuyển ngữ và xuất bản các tựa sách chuyên ngành cần thiết cho thực hành nghề nghiệp ở Việt Nam, với chất lượng tốt nhất có thể và mức giá phải chăng là một cách hỗ trợ hướng nghiệp, lập nghiệp hiệu quả và cần thiết cho một thị trường lao động trẻ như Việt Nam
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
6:00 – 7:30 | Nghe các video và đọc tài liệu/bài báo tiếng Anh về chủ đề/chuyên môn đang biên tập |
8:30 – 10:00 | Biên tập các bài dịch gửi về |
10:00 – 12:00 | Ghi chú cho nhóm Marketing & Kinh doanh về các nội dung quan trọng (trong phần vừa biên tập) và nhóm biên dịch (để phát triển thêm chú thích) |
13:30 – 15:00 | Trao đổi với những người làm việc trong chuyên môn liên quan để kiểm chứng, tìm hiểu thêm thông tin và nhiều góc nhìn khác |
Ghi chú: | Tôi thường làm việc khoảng 3-4 ngày trong tuần, thời gian còn lại để suy tư, phản tư (reflection) và tìm hiểu thêm |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Được tìm hiểu sâu về một chủ đề, tác giả, góc nhìn, cách tiếp cận (mà các nội dung ngắn và nhanh ngoài kia hiếm khi cung cấp được)
- Có một vốn kiến thức đủ sâu để tự tìm hiểu và giao tiếp với những người đang làm chuyên môn/nghề nghiệp đó
- Cảm giác làm ra một sản phẩm hữu hình, có giá trị dài hạn và (dễ) chia sẻ cho nhiều người
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Sự tập trung cao độ và trong thời gian xuyên suốt dự án (quyển sách) – sẽ không làm/không tiếp thu các luồng thông tin khác được
- Không bao giờ hài lòng với sản phẩm hiện tại – luôn muốn cải thiện tốt hơn
- Mua sách (dùng sản phẩm của ngành hàng) nhiều hơn (tốn tiền!) mà thường ít hài lòng hơn (khó tính!)
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Khả năng nghiên cứu và sàng lọc thông tin (đặc biệt là đọc các văn bản chuyên sâu)
- Kỹ năng giao tiếp và biểu đạt (qua hình thức nói và viết), kiên trì, tỉ mỉ và cẩn thận
- Kỹ năng kết nối (networking)
- Tư duy thiết kế (design thinking) và kỹ năng sáng tạo
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Biên tập viên nói chung và ngành xuất bản nói riêng, đang được nhìn là các công việc xoay quanh chữ nghĩa và in ấn – nhưng thật ra đây là một hình thức giáo dục và giao tiếp, nên đòi hỏi người có vốn sống, thú vị, tò mò và có đam mê cụ thể (hiếm ai có thể biên tập và xuất bản chủ đề mà mình không thích)
Lý do mọi người hiểu sai là vì ở Việt Nam chưa có sẵn và tiêu thụ các văn hoá phẩm sáng tạo thường xuyên và ở tiêu chuẩn cao. Các bạn trẻ hiện nay với khả năng tiêu thụ văn hoá phẩm của các ngôn ngữ/nền văn hoá khác (vd: tiếng Anh, tiếng Nhật,… ) thì có thể tiếp thu các tiêu chuẩn văn hoá phẩm cao, nhờ vậy các bạn hiểu rằng sách không chỉ là chữ và giấy, dày bao nhiêu trang
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Mình bước vào công việc này như một side job (nghề tay trái) bên cạnh chuyên môn chính (marketing) nên không bị áp lực về thu nhập ngay lập tức, cũng như các kỹ năng giao tiếp, nghiên cứu… đã được trang bị bởi day job (công việc chính). So sánh với các bạn chọn nghề biên tập ngay từ đầu thì thấy khá khó khăn trong thời gian đầu về thu nhập
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Trừ các bạn rất yêu thích việc xuất bản cũng như có một sở thích rộng, thì nên lựa chọn một ngành nghề chi tiết – cho bạn nền tảng thu nhập, bối cảnh kiến thức, quan hệ trước rồi bước chân vào mảng biên tập và xuất bản thì sẽ hiệu quả và hài hoà hơn.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.