Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 31
- Giới tính: Nữ
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 4 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Thạc sĩ Truyền thông Quốc tế
- Số giờ làm hằng tuần: 40 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): tổ chức phi chính phủ, 45 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Cán bộ truyền thông của tổ chức phi chính phủ sẽ có nhiệm vụ chính là đảm bảo cho mọi hoạt động truyền thông trong tổ chức, giữa tổ chức với các đối tác (chính quyền địa phương, nhà trường…) và các nhà tài trợ bên ngoài được vận hành trôi chảy. Do đặc thù của tổ chức phi chính phủ thường nhỏ, hầu hết tổ chức chỉ có một cán bộ truyền thông để phụ trách tất cả các đầu việc có liên quan đến mảng này.
Công việc của mình gồm có hai mảng chính:
1. Làm việc với văn phòng toàn cầu (vì tổ chức phi chính phủ quốc tế vận hành cũng khá giống với công ty đa quốc gia: có trụ sở chính ở nước ngoài và các văn phòng tại các nước). Trong hoạt động này sẽ gồm có nhiều đầu việc nhỏ như:
- Tổ chức các chuyến thăm cho nhà tài trợ sang Việt Nam thăm các vùng dự án, trò chuyện với học sinh, thầy cô để hiểu rõ hơn tổ chức đang làm gì tại Việt Nam và sử dụng tiền đóng góp của họ như thế nào.
- Chia sẻ thông tin và xây dựng quan hệ với các nhà tài trợ trong và ngoài nước, giúp họ hiểu và tiếp tục đóng góp tài trợ cho tổ chức.
- Cung cấp các câu chuyện, hình ảnh, video về hoạt động tại Việt Nam cho văn phòng toàn cầu để họ dùng làm tư liệu cho các hoạt động gây quỹ trên thế giới.
- Triển khai các chiến dịch vận động gây quỹ và chiến dịch truyền thông chung tại tất cả các quốc gia có văn phòng.
2. Làm việc với văn phòng địa phương:
- Lên chiến lược truyền thông, triển khai các hướng dẫn thương hiệu, thực hiện newsletter (bản tin điện tử) và các chiến dịch truyền thông, đảm bảo tính nhất quán và cập nhật trong các hoạt động của tổ chức trên các kênh truyền thông.
- Làm việc chặt chẽ với các chương trình để tư vấn các điểm nhấn truyền thông mà chương trình cần có khi làm việc với đối tượng thụ hưởng (ví dụ: trẻ em, người cao tuổi…), làm việc với đối tác (chính quyền địa phương, thầy cô giáo).
- Kết nối, xây dựng quan hệ và duy trì quan hệ với báo chí, các tổ chức phi chính phủ khác, tình nguyện viên và các cá nhân có quan tâm đến tổ chức, nhằm tận dụng tốt nhất nguồn lực hỗ trợ này.
- Hỗ trợ bộ phận Nhân sự và Hành chính trong các sự kiện, hoạt động truyền thông nội bộ.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Mình có ý định chọn nghề này sau một thời gian làm báo và tiếp xúc với rất nhiều tổ chức phi chính phủ, cũng như gặp gỡ rất nhiều người nghèo, người dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật…). Mình nhận ra rằng các tổ chức phi chính phủ đang làm những công việc rất ý nghĩa là hỗ trợ tốt nhất và bền vững nhất cho các cộng đồng này để giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, các hoạt động truyền thông của tổ chức phi chính phủ lại chưa thật sự phát triển chuyên nghiệp và thường xuyên thiếu nhân lực tại Việt Nam. Vì thế, mình quyết định sẽ học thạc sĩ tại New Zealand về ngành này và khi về Việt Nam, mình đã làm công việc này cho đến nay.
Mình nghĩ rằng người thân hay bạn bè không có chi phối nhiều đến quyết định của mình, vì gia đình và bạn bè mình không ai làm ngành này. Nếu có một thay đổi nào đó, thì đó là nhờ làm trong ngành này, mình có thêm rất nhiều bạn bè trong lĩnh vực phi chính phủ, phát triển cộng đồng. Từ đó, mình hiểu hơn về lĩnh vực này để làm tốt hơn công việc của mình và hỗ trợ tốt nhất cho tổ chức.
Mình nghĩ nếu chọn lại mình vẫn sẽ làm ngành này vì nó khá hợp với chuyên môn, sở thích của mình và nhu cầu thị trường cũng bắt đầu cần nhiều hơn.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
9:00 – 10:00 | Kiểm tra email và giải quyết các yêu cầu trên email từ phía văn phòng toàn cầu, vì văn phòng toàn cầu tại Mỹ, múi giờ lệch với mình và buổi sáng sẽ luôn có rất nhiều email cần giải quyết. |
10:00 – 11:00 | Họp với các team chương trình để triển khai hoạt động truyền thông có liên quan đến yêu cầu từ văn phòng toàn cầu. |
11:00 – 12:00 | Dành thời gian để thực hiện các sản phẩm truyền thông của tổ chức: đăng tin trên Facebook/ làm newsletter/ liên hệ với các agency (đại lý) để làm video…Hoặc làm các giấy tờ cần thiết cho các hoạt động này (hợp đồng, thanh toán chi phí…). |
12:00 – 13:00 | Nghỉ trưa. |
13:00 – 14:00 | Họp với các bạn cộng tác viên/ tình nguyện viên để thực hiện các hoạt động/ chiến dịch truyền thông trên diện rộng hơn tại Việt Nam. |
14:00 – 15:00 | Họp với team chương trình hoặc email hỗ trợ cho các team trong việc đưa các yếu tố truyền thông vào chương trình sao cho phù hợp. |
15:00 – 16:00 | Họp với các nhà tài trợ hoặc báo chí có quan tâm đến tổ chức và chia sẻ thông tin về tổ chức, cũng như xây dựng cơ hội hợp tác với họ. |
16:00 – 17:00 | Kiểm tra lại các sản phẩm truyền thông đã thực hiện, gửi cho cấp trên xét duyệt và chính thức đăng tải. |
17:00 – 18:00 | Đọc một số tài liệu/ nghiên cứu có liên quan đến lĩnh vực và ghi chú lại các việc cần làm vào ngày mai. |
Ghi chú | Mình làm việc 5 ngày/tuần. Thời gian làm việc sẽ có nhiều thay đổi tùy theo lịch công tác. Do tổ chức phi chính phủ hoạt động chủ yếu ở vùng sâu vùng xa nên mình thường sẽ đi công tác rất nhiều để dẫn nhà tài trợ thăm dự án, đi thu thập câu chuyện/ hình ảnh/ video tại các vùng dự án. Các hoạt động này sẽ có lịch trình riêng, tùy theo mục đích từng chuyến công tác. |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Mình nghĩ điều mình thích nhất trong công việc là tính linh hoạt, yêu cầu giao tiếp rất cao trong cả tiếng Việt và tiếng Anh ở rất nhiều tình huống khác nhau. Làm công việc này, mình có cơ hội được tiếp xúc với đa dạng các nhóm người với các công việc, sự hiểu biết, suy nghĩ rất khác nhau (nhà tài trợ đến từ các công ty lớn thì hẳn là rất khác với một em nhỏ trong một ngôi trường bé nhỏ ở Cà Mau rồi, đúng không nhỉ?). Và điểm đến cuối cùng của tất cả những công việc giao tiếp này là làm thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho các hoạt động cộng đồng mà tổ chức đang làm, góp phần giúp cho đời sống người dân trở nên tốt đẹp hơn. Ví dụ: nhà tài trợ sẽ đóng góp cho dự án để hỗ trợ cho nhiều trẻ em, thầy cô sẽ hiểu dự án hơn và tích cực hợp tác thực hiện, cha mẹ sẽ hiểu được tầm quan trọng của giáo dục và ủng hộ việc đi học của con cái…
Nghĩa là, đây là một công việc mà bạn có thể nối kết những sợi tơ tưởng chừng mong manh nhưng thật ra khi được kết nối với nhau rồi, nó có thể sẽ là những tấm lụa tuyệt đẹp của lòng tốt và sự hỗ trợ lẫn nhau giữa con người với nhau trong cuộc sống này. Và bản thân mình cũng học được việc phải cởi mở hơn, tích cực hơn trong cuộc sống, tránh đi những mặc định, thiên kiến khi làm việc với bất kỳ ai.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Điều mình không thích nhất có lẽ là mình sẽ không thể làm quá kỹ lưỡng tất cả các đầu việc, do mình phải phụ trách nhiều công việc khác nhau. Đôi khi, mình cũng muốn đầu tư hơn, trau chuốt hơn và có nhiều thời gian tĩnh lặng để làm tốt hơn các nhiệm vụ được giao và sáng tạo ra nhiều hoạt động mới hơn. Tuy nhiên, áp lực về thời gian và các nhiệm vụ cần làm sẽ không cho mình có nhiều thời gian và năng lượng cho việc này. Nói chung, làm việc truyền thông ở các tổ chức phi chính phủ thì sẽ khó đi sâu vào từng mảng chuyên môn của truyền thông như là làm việc tại các agency truyền thông, hay bộ phận truyền thông tại các công ty lớn, và đó là điều mình phải làm quen với nó.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Kiến thức:
- Kiến thức về mảng truyền thông – báo chí, đặc biệt là thực hiện các sản phẩm truyền thông (bài viết, hình ảnh, video): bạn có thể học về các kiến thức này tại các khoa Báo chí và truyền thông, Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện tại các trường đại học.
- Kiến thức về mảng phát triển – công tác xã hội: “sản phẩm’’ cần truyền thông của mảng này chính là các hoạt động công tác xã hội, phát triển cộng đồng, vì thế, bạn cần có hiểu biết về lĩnh vực này để làm được tốt hơn. Để có kiến thức về mảng này, bạn có thể học ngành Công tác xã hội, hoặc tham gia tích cực vào các tổ chức cộng đồng, tổ chức phi chính phủ với vai trò tình nguyện viên khi bạn còn là sinh viên… Ngoài ra, bạn có thể chọn đi sâu vào một mảng nào đó bạn thích và nghiên cứu kỹ hơn, ví dụ mảng giáo dục, mảng người khuyết tật, mảng hỗ trợ cho cộng đồng LGBT…
- Kiến thức về mảng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR – Corporate Social Responsibility) hoặc vận động gây quỹ (fundraising) vì chúng ta sẽ làm việc rất nhiều với nhà tài trợ. Hiểu được họ vận hành thế nào, họ sẽ đóng góp cho xã hội ra sao cũng là một cách để ta làm việc tốt hơn cùng họ. Bạn có thể có kiến thức trong mảng này thông qua việc cập nhật sách báo, tìm kiếm tên các công ty và kèm theo cụm từ CSR hoặc tham gia các hoạt động networking (mạng lưới mối quan hệ) trong giới kinh doanh với chủ đề CSR/ CSV (creating shared value) để xem họ đang làm gì trong lĩnh vực này.
- Kỹ năng:
- Kỹ năng giao tiếp, chia sẻ thông tin và đạt được các mục tiêu cần thiết thông qua việc giao tiếp.
- Kỹ năng phiên dịch và dịch thuật (vì sẽ làm việc với cả người Việt Nam và người nước ngoài).
- Kỹ năng viết lách và khả năng thẩm định về hình ảnh, video.
- Kỹ năng làm việc với áp lực cao và có thể điều phối các mối quan hệ trong và ngoài tổ chức nhịp nhàng.
- Thái độ:
- Trân trọng và hiểu rõ các hoạt động của tổ chức phi chính phủ, cũng như đối tượng thụ hưởng (đây là điều quan trọng nhất, nếu mình chưa có kỹ năng, dần dần mình sẽ phát triển được, không sao cả, nhưng nếu bạn không có thái độ tốt thì sẽ rất khó đi lâu với nghề).
- Mong muốn đóng góp công sức của mình trong việc hỗ trợ cộng đồng, giúp đỡ cho mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Công việc này sẽ không có thưởng theo dự án hay là tăng lương một cách ngoạn mục, nên nếu niềm vui của bạn nằm ở phần lương cao việc nhẹ thì có lẽ sẽ không phù hợp với công việc này.
- Hiểu rằng công việc của mình là hỗ trợ cho hoạt động chung của tổ chức, góp phần kết nối mọi người với nhau cho thành quả tốt nhất, chứ mình không phải là ngôi sao rực sáng và mọi người đều phải chú ý và chăm sóc mình.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Công việc này không có lương: tổ chức phi chính phủ/ phi lợi nhuận chuyên nghiệp sẽ luôn trả lương cho nhân viên để đảm bảo chất lượng công việc. Vì thế, bạn yên tâm là công việc này không phải chỉ là một hoạt động tình nguyện.
- Công việc này cái gì cũng phải làm được, như biết chụp hình, quay phim, viết lách, biết dẫn khách đi thăm quan…: thật ra không nhất thiết bạn phải biết làm hết tất cả các đầu việc này. Bạn chỉ cần biết đến các đầu việc và sau đó, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của các bên chuyên nghiệp để hỗ trợ cho bạn. Quan trọng là kỹ năng điều phối và thẩm định của bạn với các sản phẩm và hoạt động đó.
- Công việc này chỉ dành cho những người khéo ăn khéo nói: điều quan trọng nhất là thái độ và tấm lòng sẵn sàng hỗ trợ, kết nối mọi người với nhau vì mục tiêu chung. Bạn không cần phải quá giỏi nói năng (tất nhiên cũng nên biết giao tiếp tương đối), tấm lòng/ sự chân thành của bạn sẽ nói được nhiều hơn là kỹ năng luôn đó!
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Mình nghĩ công việc này sẽ giúp bạn tự nuôi được bản thân khi ra trường nếu nhu cầu sống của bạn ở mức trung bình vì lương khởi điểm sẽ có thể từ 5-10 triệu tùy theo tổ chức, sau đó sẽ có tăng dần tùy theo năng lực của bạn và tình hình tổ chức. Bạn có thể vào những tổ chức trả lương cao hơn nếu khi còn là sinh viên, bạn đã có nhiều kinh nghiệm thực tập, tình nguyện, có nhiều hiểu biết về mảng này và có ngoại ngữ tốt.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Mình nghĩ đây là một công việc rất hay khi bạn có thể được đứng giữa biên giới của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và kết nối mọi người lại với nhau để đạt được kết quả cao trong việc giúp đỡ mọi người có cuộc sống tốt đẹp nhất. Nếu bạn yêu thích nói chuyện, viết lách và rộng hơn là truyền thông – mang mọi người đến với nhau, và bạn mong muốn mang đến nhiều giá trị tích cực cho cuộc sống, đây là một công việc rất phù hợp. Áp lực, vất vả là điều không thể không có nhưng đến cuối cùng, bạn sẽ luôn thấy thanh thản và nhẹ nhàng vì biết công việc của mình đang là truyền thông từ tâm thật sự.
Hiện nay, tại Việt Nam, ngành này chưa được đào tạo chính thức. Vì thế, trước khi đến với công việc này, bạn có thể thử từng việc riêng trong mảng này nếu phù hợp với ngành học của bạn, chẳng hạn, bạn có thể làm phóng viên, làm nhân viên ở công ty truyền thông, làm nhân viên công tác xã hội, làm ở phòng nhân sự/ truyền thông của công ty và chuyên mảng CSR… Không sao cả, vì tất cả đều sẽ là những kinh nghiệm quý giá cho bạn khi bước vào công việc có tính tổng hợp rất cao này. Hoặc ngược lại, bạn có thể bắt đầu từ công việc này để làm quen với tất cả các mảng công việc trong lĩnh vực truyền thông và phát triển, sau đó bạn có thể lựa chọn và đi sâu vào mảng mà bạn thích nhất.
Để hiểu rõ hơn về lĩnh vực này, bạn có thể đọc thử tài liệu này (nhóm mình đã dịch sang tiếng Việt) tại đây.
Ngoài ra, bạn có thể thử tìm kiếm thêm thông tin với các cụm từ: Truyền thông phát triển, Truyền thông thay đổi xã hội, Development Communication, Communication for Development and Social change.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.