Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 28
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 6.5
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Thạc sỹ Nông nghiệp
- Số giờ làm hằng tuần: 44
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty TNHH, 20 người
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
- Trách nhiệm chính ở công việc hiện tại:
- Chịu trách nhiệm trong quá trình chế biến nông sản
- Hướng dẫn công nhân làm đúng theo quy trình
- Hỗ trợ các bộ phận khác
- Kiểm tra chất lượng nông sản, nhắc nhở công nhân, xem xét thiết lập, cải tiến quy trình
- Giám sát, đánh giá, ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình chế biến
- Công việc này mang lại giá trị:
- Cung cấp đủ số lượng theo yêu cầu
- Nâng cao năng suất làm việc của công nhân
- Đảm bảo chất lượng nông sản đúng theo yêu cầu
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
- Khi chuẩn bị thi Đại học, anh thật sự không biết phải học ngành gì, và cũng không biết sau này nên làm gì. Khi đó anh chỉ biết bản thân không thích máy móc, không thích kinh tế, chỉ thích làm cái gì đó liên quan tới thiên nhiên: thực vật, động vật.
Lúc đó anh nghĩ sức mình học cũng dở nữa nên cuối cùng ngành nông nghiệp là ngành được chọn (nói ra hơi quê chứ nông nghiệp ngày xưa lấy điểm thấp, nên mới đậu Đại học được). Cũng may mắn sao nó lại là quyết định đúng đắn của mình cho tới thời điểm này.
→ Tóm lại, anh biết được hòm hòm cái mình thích (học và làm cái gì đó liên quan tới thiên nhiên) và tự nhận biết được lực học của mình tới đâu để chọn được ngôi trường phù hợp trong hoàn cảnh lúc đó.
- Hồi đó ba mẹ cũng tư vấn, chứ cũng không ép buộc anh phải thi trường này trường kia như một số bạn khác. Giờ nghĩ lại thấy mình thật may mắn vì có ba mẹ tâm lý. Đây cũng là một điều quan trọng muốn nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ, hãy là người hướng dẫn, đừng là người định đoạt cho con mình.
- Vào học đại học, cứ liên quan tới cây cỏ là anh thích. Anh tự tìm hiểu, hỏi thầy, hỏi cô có chỗ nào để thực tập, phụ giúp thầy cô được không. Mục đích để có thêm kiến thức và trải nghiệm thực tế, ngoài sách vở. Cơ hội cũng tới, năm 2 đại học, có thầy cần sinh viên thực tập về cây ca cao, thế là anh “bay” vào làm luôn, từ năm 2 tới hết năm 3. Tới năm 4, thì lo làm đề tài tốt nghiệp, nên không thực tập tại vườn ca cao của trường nữa.
- Xong đề tài nghiên cứu tốt nghiệp vào năm 2013, anh quyết định đăng ký đi thực tập nông nghiệp tại Israel 1 năm. Hồi đó có biết Israel là gì đâu, cứ nghe đi nước ngoài là thích rồi. Sau đó anh cũng tìm hiểu, nắm thêm thông tin về nước mình đang định đến, mà nghe nói bên ấy đánh nhau, chiến tranh, cũng lo lo, nhưng vẫn hạ quyết tâm đi. Cuối cùng hóa ra đó lại là quyết định đúng đắn thứ 2 kể từ hồi thi đại học.
- Nhờ có thời gian thực tập ở Israel mà anh được chọn để trao học bổng học tiếp cao học bên Israel thêm 1,5 năm. Vừa học, vừa làm, vừa nghiên cứu về các loại rau củ quả trồng trong nhà lưới, nhà kính theo công nghệ Israel từ 2015-2017.
- Cho đến năm 2017 thì học xong, về Việt Nam làm cho công ty nước ngoài, xây dựng Big Data về lúa gạo được 1 năm, sau đó chuyển qua công ty hiện tại cũng được 1 năm rồi.
- Nếu để chọn lại thì anh vẫn chọn như vậy. Vì anh biết được mình cần phải làm gì trong hoàn cảnh đó. Có chăng nếu được quay lại thì anh sẽ sử dụng quãng thời gian khi còn là sinh viên được hiệu quả hơn. Ngày ấy, khi bước vào ngưỡng cửa đại học, cũng còn ngơ ngác quá, cũng không biết cách học như thế nào cho hiệu quả, không biết cách mở rộng các mối quan hệ trong xã hội ra sao. Nếu ngày đó có người hướng dẫn, không phải tự mày mò thử sai, thì có lẽ quãng đời sinh viên của anh sẽ càng ý nghĩa và hiệu quả hơn nữa.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
7:00 -9:00 | Kiểm tra chất lượng nông sản ngoài đồng, nhắc nhở công nhân khắc phục công việc ngày hôm trước. |
9:00 -11:00 | Kiểm tra chất lượng nông sản trong nhà đóng gói, nhắc nhở công nhân khắc phục công việc ngày hôm trước. |
11:00-12:00 | Kiểm tra số liệu, nhắc nhở công nhân nếu có sai sót |
12:00-13:00 | Nghỉ trưa |
13:00-15:00 | Phân tích dữ liệu, báo cáo, họp |
15:00-16:00 | Kiểm tra công việc cuối ngày, lên kế hoạch cho ngày mai |
Ghi chú | Mỗi ngày sẽ có sự thay đổi tương ứng theo thực tế, nhưng khung sườn sẽ là như vậy |
Ghi chú | Anh chị làm mấy ngày trong tuần? Thời gian làm việc có thể thay đổi theo các yếu tố nào? |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Những điều yêu thích của công việc
- Được làm việc với cây cối, thiên nhiên, tâm hồn mình sẽ rộng mở, độ lượng hơn.
- Được vận động, không chỉ ngồi 1 chỗ trong văn phòng
- Không khí trong lành, yên tĩnh
- Được tiếp xúc với nhiều người thân thiện, thoải mái, giản dị
- Công việc thân thiện, không có sự giết hại
- Nhiều thử thách mỗi ngày, để suy nghĩ tìm ra giải pháp
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Văn hóa tiếp khách, làm quen trên bàn nhậu vẫn còn rất sâu, muốn làm việc được hiệu quả trong ngành này thì kỹ năng ăn nhậu tốt sẽ là một lợi thế lớn, nhiều khi còn hơn cả kiến thức chuyên môn.
Đặc biệt là các bạn kỹ sư nông nghiệp làm trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Vì những đối tượng mà mình làm việc cùng là những người nông dân, tính cách của người nông dân là thích sự đơn giản, vui vẻ, thoải mái, thích thì làm, không thích thì nghỉ, bữa khác làm,… chính vì vậy mà người kỹ sư nông nghiệp phải điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh. Ai không thể nhậu để trở nên “thân tình” với người nông dân, khách hàng của mình, thì nên chọn những khía cạnh khác của nông nghiệp như nghiên cứu, làm kỹ thuật trang trại như anh. Tuy nhiên công việc như vậy thì ít hơn nhiều so với công việc kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp (như phân bón, hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật,…)
- Sự thiếu tự giác và kỷ luật của người lao động trong công việc.
Một lần nữa, điều này thuộc về văn hóa của người Việt mình từ xưa đến nay. Người dân mình thích thoải mái, xuề xòa, không thích gò bó, quy củ. Tuy nhiên, giới trẻ đang dần thay đổi – kỷ luật hơn, chuyên nghiệp hơn. Hi vọng trong tương lai, sự thiếu tự giác và kỷ luật của người lao động trong nông nghiệp sẽ giảm cho đến lúc không còn nữa. Để tạo ra được sự thay đổi đó, người trẻ như chúng ta cần là những người thực hiện trước nhất.
- Thu nhập thấp hơn các ngành khác (bác sĩ, lập trình viên,…).
Để vượt qua điều này cần phải học hỏi nhiều hơn sau khi tốt nghiệp. Không phải tốt nghiệp đại học là… xong. Cần tự nhận thức được rằng kiến thức đại học chỉ là cơ bản, thực tế khác xa lý thuyết và cần phải có sự trải nghiệm mới có thể ứng dụng được lý thuyết vào thực tế. Ngoài kiến thức chuyên môn, các bạn cần học thêm các kiến thức khác.
Như anh hiện nay, ngoài nông nghiệp còn học thêm về quản lý, kinh tế, lập trình, tiếng anh, dinh dưỡng học,… để không chỉ cập nhật về chuyên môn mà về thể chất và tinh thần của mình không bị tụt hậu, được rộng mở hơn. Điều này càng bổ trợ cho chuyên môn của mình.
Quan trọng nhất là các bạn trẻ phải NHẬN THỨC được cần cố gắng tiếp tục học sau thời gian trường lớp, học đa dạng chủ đề và đa dạng phương thức.
Và học thì nhớ thực hành nhé!
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Điều kiện cần
- Thái độ là quan trọng nhất
- Sức khỏe, kiên trì
- Kiến thức cơ bản về nông nghiệp
- Điều kiện thăng tiến
- Thái độ Tiếng Anh
- Máy tính
- Kỹ năng quản lý, giải quyết vấn đề
- Và còn rất nhiều điều nữa…
Links tham khảo
- Trau dồi tâm lý đạo đức: cá nhân anh hay xem bài giảng bên Phật giáo để trau dồi đạo đức của mình www.youtube.com/c/SenHongPhapQuang
- Trau dồi cách suy nghĩ, kỹ năng: anh hay xem trang Web5NgayKinhDoanh https://w5n.co/kd
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Điều hay bị hiểu lầm:
- Nông nghiệp sẽ phải lao động chân tay nhiều, cực khổ
- Công việc “kém sang”, “quê mùa”
- Công việc đơn giản, không cần học nhiều
- Nguyên nhân: Việt Nam là một nước nông nghiệp từ xa xưa, nên có vẻ như hình ảnh “chưa phát triển” của ngành nông nghiệp quá quen thuộc với mọi người, dẫn đến ngộ nhận về hình ảnh hiện tại.
- Thực tế: Công việc nông nghiệp không đơn giản như vậy! Khi là một kỹ sư nông nghiệp chuyên về kỹ thuật trang trại, em sẽ phải lao động đầu óc nhiều hơn là chân tay.
Em phải lên kế hoạch công việc cho công nhân, xem xét, dự trù các nguyên vật liệu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, … rồi kiểm tra các hoạt động của công nhân có đúng theo quy trình, cách giao tiếp như thế nào để người khác nghe và làm theo ý em.
Em phải học cách quản lý, phân công sao cho công việc được hiệu quả. Ngành nông nghiệp cần nhiều người tham gia hơn các ngành khác, mà làm việc quản lý con người thì không đơn giản.
Chưa kể các yếu tố không kiểm soát được như khí hậu, thời tiết sẽ ảnh hưởng đến cây trồng của em như mưa to gió lớn hay khô hạn sẽ làm cây cối của em te tua. Những điều kiện ảnh hưởng này lại không thể kiểm soát được.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
- Mức lương khởi điểm ngành khoảng 5 triệu – 9 triệu đồng, tùy vào:
- loại công việc (làm kỹ thuật viên hay làm nhân viên kinh doanh, ..)
- kinh nghiệm, chức vụ, năng lực (ngoại ngữ, kỹ năng vi tính, tiếp khách hàng,…)
- Sự khác biệt phụ thuộc:
- Thái độ
- Ngoại ngữ
- Sức khỏe
- Kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, lên kế hoạch
- Và còn nhiều điều nữa…
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Nếu muốn theo nghề này:
- Cần hiểu bản thân mình muốn gì (thích thiên nhiên, cây cỏ hay thích máy móc,…)
- Trau dồi đạo đức, sức khỏe, thái độ, kỹ năng sống, ngoại ngữ
- Cần làm việc tay chân nhiều để có sự trải nghiệm (làm việc nhà, làm thêm, tham gia các hoạt động của câu lạc bộ…)
- Kiến thức chuyên môn thì có thể học sau
- Có thể thử 2 links anh đã chia sẻ ở trên
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.