Tôi đọc khá nhiều sách. Và tôi cũng được khá nhiều sinh viên hỏi về bí quyết đọc nhiều hơn, nhanh hơn và sử dụng được nhiều kiến thức đã đọc hơn.
Về lý thuyết tôi là một blogger, nhà văn và chuyên gia marketing qua internet. Nhưng tôi có thể gói gọn tất cả những nghề nghiệp đó trong cụm từ “tổng hợp và chia sẻ thông tin theo những cách độc đáo và hiệu quả”. Vì vậy, một phần lớn của công việc đó là đọc nhiều nội dung thú vị và chia sẻ chúng một cách dễ dàng.
Hầu hết chúng ta không nhận ra rằng, phương pháp đọc chúng ta được dạy khi còn nhỏ khiến chúng ta đọc rất kém khi trưởng thành. Có những chiến thuật khác thực tế và hợp lý hơn mà ta có thể áp dụng để đọc các tư liệu phi viễn tưởng (non-fiction) một cách hiệu quả.
Hồi 19 tuổi, tôi từng hoàn thành thử thách đọc 50 cuốn sách như vậy trong 50 ngày. Đây có lẽ là một trong những trải nghiệm hữu ích nhất đời tôi. Nó giúp tôi học các môn ở trường dễ như ăn kẹo, viết tốt hơn và nhanh nhạy hơn khi tiêu thụ thông tin. Tôi cũng gom góp cho mình một rổ kiến thức mới về cuộc sống và thế giới quanh tôi.
Ai nghe vậy cũng nghĩ tôi phải có ý chí cao lắm, nhưng kỳ thực điều đó chỉ đúng trong khoảng một tuần đầu tiên. Còn sau đó tôi áp dụng một vài chiến lược để biến thử thách thành trải nghiệm hiệu quả và thú vị hơn. Một khi bạn đã làm chủ kỹ năng này, bạn chỉ mất vài giờ để đọc một cuốn sách khoa học cơ bản (trừ khi cuốn sách đó siêu tệ).
Những chiến lược này ai cũng có thể sử dụng, và bạn cũng chỉ mất khoảng 1-2 tuần để rèn luyện. Bạn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong thời gian đầu, nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng. Đây đều là những chiến lược thực tế và logic, chứ không phải khoa học gì cao xa. Nhưng trước khi đi sâu vào vấn đề, bạn hãy tự vấn mình: Chúng ta đọc để làm gì?
Câu trả lời là để truyền tải thông tin. Ngôn ngữ viết có khả năng lấy ý tưởng từ một bộ não và truyền nó vào một bộ não khác, bất kể cách biệt về không gian, thời gian hay mối quan hệ giữa hai người sở hữu chúng.
Thế nhưng khi còn nhỏ, chúng ta đọc để học từ vựng và ngữ pháp. Do đó, phương pháp đọc ta được dạy hồi đó hướng đến mục tiêu này, chứ không hẳn là để truyền tải thông tin. Giờ đây, chúng ta cần định hướng lại cách đọc để tiêu thụ thông tin và ý tưởng sao cho hiệu quả. Từ vựng và ngữ pháp là tiền đề cho việc này, nhưng không phải mục tiêu cuối cùng.
(Lưu ý là bạn chỉ nên áp dụng các chiến lược này cho dạng tài liệu phi viễn tưởng. Còn với tiểu thuyết hay thơ tình, cứ từ từ mà đọc và tận hưởng).
Bước 1: “Ngắt mạch” dòng thoại nội tâm của bạn
Khi còn nhỏ, chúng ta hay được dạy đọc nhẩm từng âm và từng từ. Điều này khiến ta dần hình thành thói quen đọc bằng cách “độc thoại nội tâm”. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, tốc độ khoanh vùng từ và câu của mắt nhanh hơn nhiều so với tốc độ tạo ra âm thanh của não và miệng.
Vì vậy, bước đầu tiên để đọc nhanh và hiệu quả hơn là hãy ngừng đọc nhẩm lại. Để làm được việc này, bạn sẽ cần đạt tới một mức độ chánh niệm nhất định. Tôi tin rằng thiền có thể giúp bạn phần nào. Một khi đã nắm vững kỹ năng này, tốc độ đọc của bạn sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong vòng vài ngày.
Nhưng nếu gặp một tác phẩm bạn thấy thực sự tuyệt vời, bạn có thể “bật” lại chế độ đọc nhẩm để thưởng thức nó. Bởi khi đọc những tác phẩm như vậy, bạn không chỉ thu thập thông tin mà còn đang tận hưởng phong cách viết của tác giả.
Bước 2: Chỉ “quét” các từ quan trọng
Một kỹ năng khác ta được dạy ở trường là đọc từng từ trong câu theo thứ tự. Và tương tự như độc thoại nội tâm, kỹ năng này chỉ có ích khi bạn còn nhỏ. Khi trưởng thành, nó sẽ làm chậm tốc độ đọc của bạn.
Trí não chúng ta có một khả năng tuyệt vời khi lấp đầy khoảng trống bằng các thông tin thích hợp. Vì vậy, bạn có thể tận dụng lợi thế này bằng cách đọc các từ khóa thay vì tất cả các từ. Điều này giúp bạn phân chia các nhóm từ lại thành các tổ hợp lớn hơn về mặt ngữ nghĩa. Khi đó, một số từ nhất định trong câu sẽ thu hút sự chú ý của bạn. Những từ còn lại được coi là “từ nhồi” (filler words) mà bạn sẽ không cần tốn thời gian và năng lượng vào nội dung của chúng.
Ví dụ ta có câu “Thực tế, mối lo ngại lớn nhất của mèo không phải là thiếu thức ăn, mà là thiếu sự chăm sóc từ người chủ”. Chỉ cần đọc những từ in đậm, bạn sẽ nắm được cơ bản ý chính của câu mà không cần phải chú ý vào những từ nối hay từ nhồi khác.
Cần lưu ý sau khi “quét” xong một đoạn văn mà bạn chưa hiểu hết, bạn có thể đọc lại chậm hơn cho đến khi thực sự hiểu. Bạn sẽ cần thực hành một thời gian để có kỹ năng “quét” thông tin. Nhưng một khi đã thành thạo, bạn sẽ đọc nhanh gấp đôi.
Bước 3: Chỉ đọc câu đầu và câu cuối mỗi đoạn
Bước này rất quan trọng nếu bạn đọc tài liệu với mục đích duy nhất là thu thập thông tin (chứ không phải tận hưởng nội dung). Điều này có nghĩa khi gặp một khái niệm bạn đã hiểu, bạn không cần đọc thêm các câu từ miêu tả phía sau nó nữa.
Sở dĩ tôi phải nói điều này vì không ít tài liệu phi viễn tưởng mắc lỗi trình bày dài dòng. Họ lặp đi lặp lại phần giải thích bằng nhiều cách khác nhau, rồi đưa ra hết ví dụ này đến ví dụ khác để diễn tả một khái niệm đơn giản. Nếu là một người đọc thông minh và có chọn lọc, bạn không có lý do gì phải tốn thời gian cho những yếu tố này.
Vì vậy nên nhiều khi đọc một bài báo hay một chương sách, tôi thường chỉ đọc câu đầu tiên của từng đoạn văn. Tôi thường làm cách này khi cảm thấy đã hiểu rõ ý chính, và không có ý định tìm kiếm thêm thông tin mới. Bởi theo cấu trúc viết, chúng ta tách đoạn văn mỗi khi muốn trình bày một ý tưởng mới. Và câu mở đầu thường sẽ tóm gọn ý chính của cả đoạn đó.
Chỉ khi phát hiện thông tin gì hấp dẫn, tôi mới quay lại đọc kỹ hơn. Hoặc trong trường hợp bị “mất dấu” nội dung, tôi mới quay lại đọc kỹ vài đoạn trước đó đến khi bắt kịp, rồi tiếp tục đọc lướt qua câu đầu của các đoạn tiếp theo. Một cách khác bạn cũng có thể áp dụng là đọc câu đầu và câu cuối mỗi đoạn. Bạn sẽ thu thập được không ít thông tin từ phương pháp này mà không cần phải đọc nguyên bài.
Bước 4: Bỏ qua cả phần, cả chương hoặc thậm chí cả cuốn sách
Tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người vẫn tiếp tục đọc những cuốn sách tồi tệ mà họ không học được gì từ chúng.
Nếu bạn đọc quyển sách mà thấy các thông tin bạn đã biết hoặc nội dung “nhai lại” (hiện tượng này gặp khá nhiều ở sách self-help), thì nên bỏ qua những phần đó. Cứ yên tâm là bạn vẫn sẽ hoàn thành cuốn sách mà không bỏ lỡ điều gì cả.
Tôi thường áp dụng “quy tắc 10%” cho bất kỳ cuốn sách nào tôi đọc. Ví dụ với một quyển sách dày 500 trang, tôi sẽ đọc 50 trang đầu tiên. Nếu 50 trang này không có nội dung gì đủ hấp dẫn để giữ chân tôi, hoặc tôi bất đồng quan điểm với tác giả, tôi sẽ lướt qua phần mục lục xem có chương nào nghe hay không. Nếu đọc xong chương đó mà vẫn không thỏa mãn, thì tôi bỏ qua luôn cả quyển sách.
Thực tế tôi đã tìm ra một quyển sách rất hay, có giá trị kiến thức tương đương với 3-4 quyển sách “nhảm” khác mà tôi từng đọc. Thế nên không có lý do gì tôi phải tốn thời gian vào những cuốn sách không truyền tải nội dung mà tôi cần.
Bước 5: Liên hệ các thông tin mấu chốt đến điều bạn đã biết
Khi đọc rất nhiều sách, sẽ có lúc bạn nhận ra bạn không lưu trữ được toàn bộ thông tin đã đọc. Bạn tự vấn bản thân những kiến thức vừa đọc, nhưng không nhớ lại được ngay. Thành ra bạn có cảm giác đọc hàng trăm trang sách mà không thu thập được gì.
Việc nhớ thông tin đã đọc là điều chúng ta được kỳ vọng khi còn ngồi ghế nhà trường. Nhưng tôi hỏi thật, giờ bạn còn nhớ được bao nhiêu phần trăm lượng kiến thức bạn học hồi ấy?
Kỳ thực là não bộ được thiết kế để lưu trữ đống thông tin đó trong ý thức chúng ta, và bạn chỉ có thể “truy cập” chúng trong bối cảnh phù hợp. Nếu đã từng trò chuyện với người khác và được khơi dậy một kỷ niệm bạn đã quên sau nhiều năm, bạn sẽ hiểu vấn đề này. Thông tin không chạy đi đâu cả, mà nằm trong khoang ký ức dài hạn của não. Chỉ cần có bối cảnh phù hợp, bạn sẽ tự khắc nhớ ra.
Vì vậy, mỗi khi gặp một ý tưởng mới hoặc hữu ích, hãy liên kết nó với điều gì bạn đã biết hoặc đã trải nghiệm. Ký ức của bạn sẽ tự động củng cố sự liên kết giữa cái cũ và cái mới, giúp bạn ghi nhớ và áp dụng chúng hiệu quả.
Bước 6: Đánh dấu, ghi chú và tạo nên một cơ sở dữ liệu
Một điều bạn cần lưu ý là, kể cả khi liên hệ với kiến thức đã có, bạn vẫn sẽ không thể nhớ hết mọi chi tiết (hoặc không nhớ chính xác). Vì vậy, điều quan trọng là lập ra một cơ sở dữ liệu cho các sách đã đọc để tham khảo khi cần.
Hồi đi học, chúng ta vẫn hay gạch chân hoặc tô đậm (highlight) các phần kiến thức quan trọng trong sách. Bản thân tôi cũng hay đánh dấu những phần thông tin mà tôi cảm giác sau này sẽ có lúc cần đến. Nếu thấy cả một trang có những kiến thức quan trọng, tôi sẽ đánh dấu bằng kẹp sách (hoặc chức năng bookmark ở Kindle).
Nhưng bản chất việc đánh dấu không giúp học thuộc bài dễ hơn như chúng ta vẫn nghĩ. Tác dụng thực sự của nó là xây dựng một cơ sở dữ liệu để bạn tham khảo khi cần.
Ví dụ khi đọc xong một cuốn sách, tôi quay lại ghi chú các phần đã đánh dấu. Rồi tôi viết một đoạn văn khoảng 100-200 từ tóm tắt nội dung và những gì tôi học được, sau đó lưu trên Google Drive. Bạn cũng có thể dùng bản đồ tư duy (mindmap) để làm điều tương tự. Quá trình này sẽ mất từ 5 đến 30 phút, nhưng nó rất đáng giá.
Tôi chỉ làm điều này với những cuốn sách tôi thấy hay nhất hoặc có thông tin quan trọng nhất. Vì vậy, nếu tính ước chừng thì chỉ khoảng ⅓ số sách tôi đọc được lọt vào “kho dữ liệu” này. Nhưng nó cực kỳ hữu ích với tôi, đặc biệt trong công việc. Và điều tuyệt nhất là, kho dữ liệu này tồn tại mãi mãi và bạn có thể truy cập nó mọi lúc, mọi nơi.