Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 54
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 27
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học Y Dược TP. HCM
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Không
- Số giờ làm hằng tuần: 15 tiếng/ngày * 7 ngày = 105 tiếng/tuần
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): nhà thuốc tư nhân (2 nhân viên)
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
- Bán thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc
- Giải thích bệnh thông thường, như là: cảm cúm, huyết áp, sốt siêu vi, tiêu chảy, ho,…
- Đối chiếu sổ sách xuất nhập thuốc: kiểm kê thời hạn sử dụng thuốc, thống kê số lượng thuốc
- Cập nhật thông tin về y tế: thuốc mới, phương pháp điều trị mới
- Sắp xếp, trưng bày thuốc, vệ sinh quầy kệ
Ý nghĩa của công việc này là chăm sóc sức khỏe, thể chất cho khách hàng bằng cách tư vấn cách sử dụng thuốc, cung cấp (bán) thuốc cho người dân.
Bên cạnh đó, ngoài việc xây dựng kinh tế gia đình, việc mở nhà thuốc tư nhân còn mang lại một số lợi ích, chẳng hạn sự tự chủ, tự do trong công việc, linh hoạt thời gian làm việc (có thể đưa đón con cái đi học, hoặc có thể nghỉ ngơi đi du lịch).
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Năm 1985, ban đầu khi lựa chọn nghề, tôi muốn thi thể thao khối B (Toán-Sinh-Môn năng khiếu), nhưng ông bác trong nhà (cũng là Dược sĩ) nói thể thao đến 30 tuổi là không còn việc làm nữa. Vào thời điểm đó, khối B chỉ có 2 lựa chọn là học ĐH Nông Lâm hoặc ĐH Y Dược, nên tôi quyết định chọn ngành Dược chứ lúc đó cũng không biết quá nhiều về ngành này.
Sau khi tốt nghiệp, tôi góp vốn với một người bạn để mở nhà thuốc, nhưng sau đó người bạn rút vốn thì có một người quen trong nhà cũng là Dược sĩ hỗ trợ vốn cho tôi. Sau 6 tháng mở nhà thuốc này, tôi lập gia đình, vợ tôi cũng là Dược sĩ.
Nếu chọn lại tôi vẫn chọn nghề Dược sĩ vì thu nhập cao, tính chất công việc không quá vất vả và được nhiều người nể trọng.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
06:00 – 07:00 | Mở cửa nhà thuốc, vệ sinh dụng cụ bán thuốc |
07:00 – 12:00 | Bán thuốc, tư vấn sử dụng thuốc |
12:00 – 12:30 | Ăn cơm trưa |
13:00 – 21:30 | Tiếp tục bán thuốc, tư vấn sử dụng thuốcKiểm kê thời hạn sử dụng thuốc, thống kê số lượng thuốc (hàng tuần) |
21:30 – 22:00 | Thống kê |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Tôi thích nhất việc có thể giúp người bệnh hết bệnh và họ có thể vui vẻ quay trở lại cuộc sống thường ngày.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Tôi không thích khi bị “mắng vốn” khi người bệnh uống thuốc mà không hết bệnh.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Kiến thức:
- Tốt nghiệp ngành Dược. Đặc biệt khi làm việc ở nhà thuốc, kiến thức về Dược Lâm Sàng và Dược Lý rất quan trọng để có thể cảnh báo bệnh nhân về những tác dụng phụ có thể gặp phải trong thời gian sử dụng thuốc, hay các tương tác giữa thuốc này với thuốc kia, hoặc giữa thuốc với các sản phẩm khác (đồ ăn, thức uống, …)
- Cập nhật thông tin về y tế: loại thuốc mới, phương pháp và hướng dẫn điều trị mới từ bộ Y tế hay các nguồn thông tin chính thống khác.
- Để làm tốt hơn nữa, cần có tiếng Anh lưu loát để có thể hiểu được các hướng dẫn mới nhất về Y Dược trên thế giới.
Kỹ năng:
- Giao tiếp:
- Lắng nghe
- Cung cấp thông tin, tư vấn sử dụng thuốc một cách rõ ràng, dễ hiểu tuỳ vào trình độ học thức của người mua
- Kỹ năng đặt câu hỏi: Phỏng vấn người mua để tìm hiểu nguyên nhân bệnh
- Kỹ năng tư vấn, giúp bệnh nhân hiểu rõ nguyên nhân bệnh sẽ giúp họ yên tâm hơn, ổn định tâm lý bệnh nhân là giúp họ bớt đi phần nào bệnh, cũng như động viên, khích lệ bệnh nhân tin tưởng phương án điều trị cho dù bệnh tình vẫn chưa cải thiện.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Đây là nghề có thu nhập rất cao: tại vì mua thuốc không được trả giá, người mua cũng không thể nắm được giá cả của thuốc
- Nhầm lẫn Dược sĩ là Bác sĩ hoặc nhân viên bán thuốc, vì người dân quen với khái niệm Bác sĩ hơn
- Không tin tưởng Dược sĩ trong khi Dược sĩ hiểu biết về thuốc hơn
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Được chứ.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Nếu thực sự thích thì hãy theo đuổi.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.