Sự nghiệp của Edgar Morin vô cùng to lớn, không thể trình bày trong một bài viết ngắn gọn. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ đi vào một số khía cạnh đặc biệt nổi bật trong chân dung trí tuệ của Edgar Morin và từ đó làm rõ quan niệm của ông về triết học giáo dục.
Về chân dung trí tuệ của Edgar Morin
Nhà tư tưởng hàng đầu của nước Pháp đương đại
Nhà triết học, xã hội học và nhân học Edgar Morin (sinh ngày 8/7/1921 tại Paris) được xem là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của nước Pháp đương đại.
Năm 20 tuổi, ông tham gia kháng chiến chống Đức quốc xã khi chúng vừa xâm chiếm nước Pháp. Tháng 8 năm 1944, ông có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Paris. Cũng năm 20 tuổi — năm 1941 ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp (CPF) giữa lúc CPF bị Gestapo đàn áp. Mười năm sau, năm 1951, ông bị đưa ra khỏi CPF sau khi đăng một bài được coi là “không chính thống” trên tờ Le Nouvel Observateur.
Hoạt động trí tuệ của Edgar Morin sôi nổi và bền bỉ hiếm có, nhất là giờ đây ông đã 101 tuổi.
Ông là Nghiên cứu viên (từ năm 1950), Giám đốc nghiên cứu (từ năm 1970 đến 1993) và Giám đốc nghiên cứu danh dự (từ năm 1993 đến nay) tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS). Năm 1957 ông cùng với J. P. Sartre sáng lập tạp chí Arguments và là Tổng biên tập tạp chí này (1957-1963).
Ông là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xuyên ngành (Centre d’etudes transdisciplinaires – CETSA) (xã hội học, nhân học, chính trị học) thuộc Trường Cao học Khoa học xã hội (EHESS) và Chủ tịch Hiệp hội Tư duy phức hợp (APC).
Ông có uy tín quốc tế rất cao, được tôn vinh là tiến sĩ danh dự tại 20 trường đại học trên thế giới. Tác phẩm của ông được dịch ra 27 thứ tiếng ở 42 quốc gia, có ảnh hưởng mạnh đến tư duy của thời đại chúng ta, nhất là ở Địa Trung Hải, Mỹ Latin, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (http://www.iiac.cnrs.fr/cetsah/spip.php? article 197).
Có được ảnh hưởng sâu xa đó chính là nhờ những phẩm chất trí tuệ và tài năng sáng tạo tuyệt vời của Edgar Morin — “Người cha đẻ của tư duy phức hợp, nhà cải cách lý trí con người và người công dân xuất sắc của Trái đất-Tổ quốc chung” như lời ông Tổng giám đốc UNESCO Koichiro Matsuura trong buổi lễ tôn vinh Edgar Morin nhân dịp ông 80 tuổi.
“Người cha đẻ của tư duy phức hợp” (Le père de la pensée complexe)
Tư duy phức hợp gắn liền với tên tuổi Edgar Morin và Hiệp hội mà ông đứng đầu (APC). Ông còn được mệnh danh là “nhà tư tưởng về phức hợp” (Penseur de la complexité). Ông đã dày công nghiên cứu tư duy phức hợp trong nhiều tác phẩm, đặc biệt trong bộ Phương pháp (La Méthode, gồm 6 tập lần lượt được xuất bản trong thời gian gần 30 năm (1977-2004), đến tháng 3/2008 tập hợp lại thành 2 tập, mỗi tập 1216 trang) và trong cuốn Nhập môn tư duy phức hợp (Introduction à la pensée complexe – 1990, 2005).
Cùng với việc vạch rõ tình trạng bất cập trong các nguyên tắc của khoa học cổ điển và phương pháp tư duy cổ điển, ông đã nêu lên những nguyên tắc của tư duy phức hợp và chuẩn thức mới, chuẩn thức phức hợp (paradigme de complexité) chi phối sự phát triển của khoa học và tư duy hiện đại.
Tính phức hợp hay cái phức hợp (la complexité, le complexus) được hiểu như là “những gì liên kết lại với nhau, đan dệt cùng nhau” (ce qui est lié ensemble, ce qui est tissé ensemble). Khác với cái đơn giản có thể tách biệt hay tháo rời các bộ phận hợp thành của nó, cái phức hợp bao gồm vô vàn những tương tác, những mối liên hệ hữu cơ giữa các bộ phận hợp thành, tạo nên “tấm dệt chung” (tissu commun) không thể phân cách và quy giản được.
Đặc điểm quan trọng nhất của hệ thống phức hợp là hiện tượng emergence (trỗi lên, đột sinh), tức là xuất hiện những hình thức, những trật tự mới, từ hiệu ứng tập thể của các tương tác giữa các bộ phận hợp thành hệ thống. Điều đó chứng tỏ rằng không thể quan niệm giản đơn sự ra đời của cái mới là kết quả đấu tranh giữa các mặt đối lập và sự phát triển của sự vật là theo tuyến tính, tương lai chỉ là sự kéo dài của hiện tại.
Phức hợp chính là mối dây ràng buộc giữa cái có tính thống nhất với cái có tính đa dạng, giữa trật tự với hỗn độn, tất yếu với ngẫu nhiên. Do vậy cái phức hợp cũng nhất thiết mang tính bất định (incertitude). “Sự cáo chung của những tất định” (La fin des certitudes) là tên đề cuốn sách, cũng là luận điểm quan trọng của nhà bác học được tặng giải Nobel là Ilya Prigogine. Ông khẳng định: “Tính phức hợp dẫn ta đến một hình thức duy lý mối. Đây là một tính duy lý vượt xa tính duy lý cổ điển của tất định luận và của tương lai đã định sẵn.”
Như vậy, sự nắm vững được tính phức hợp dẫn dắt khoa học hiện đại tới chỗ thừa nhận bản thân mình chưa hoàn thiện và cũng qua đó tự mở rộng con đường tiến vào những nơi mà khoa học cổ điển coi như cao xa, hoặc loại ra khỏi lĩnh vực lý trí: bất định, thăng giáng, hỗn độn, phi tuyến… Tư duy phức hợp không phải chỉ là một suy tư lý thuyết. Nó đề xuất một yêu cầu, một đạo lý, một chương trình hành động thực tiễn.
“Nhà, cải cách lý trí con người” (“Un réformateur de ĩentendement humain”)
Sự hình thành và phát triển tư duy phức hợp không thể tách rời việc cải cách tư duy, cải cách lý trí con người.
Sở dĩ phải cải cách tư duy, tiến hành “một cuộc cách mạng trong việc tổ chức tri thức”, bởi vì hàng trăm năm nay, tri thức của chúng ta ngày càng phát triển theo hướng chuyên biệt hóa, trừu tượng hóa, tách biệt khỏi thực tế luôn luôn biến động.
Theo Edgar Morin, cải cách tư duy là cuộc cải cách về chuẩn thức (paradigme – khái niệm của Thomas Kuhn được dịch ra nhiều chữ khác nhau như hệ chuẩn, khuôn mẫu, hệ hình, phạm thức…) chứ không phải là cuộc cải cách chương trình. Cuộc cải cách sâu sắc này có liên quan đến khả năng của chúng ta trong việc tổ chức tri thức (Xem: Bảy tri thức thiết yếu cho nền giáo dục tương lai, tr. 44).
Phát triển quan niệm của Thomas Kuhn về chuẩn thức, Edgar Morin cho rằng thuật ngữ này không chỉ nói về hiểu biết khoa học và cách mạng khoa học mà còn nói về cả toàn bộ tri thức, toàn bộ tư duy, toàn bộ hệ thống trí quyển (noosphère).
Chuẩn thức nằm sâu ở “hạt nhân” các lý thuyết, các hệ tư tưởng, quy định việc lựa chọn các khái niệm và những thao tác logic, kiểm soát việc sử dụng chúng. Như thế là các cá nhân đều nhận thức, tư duy, hành động tùy thuộc theo những chuẩn thức đã được ghi sâu về mặt văn hóa.
“Các chuẩn thức lớn của phương Tây” do Descartes (1596-1650) xác lập đã chi phối sự phát triển của tư tưởng và khoa học cổ điển suốt mấy trăm năm qua. Chuẩn thức Descartes tách rời triết học với khoa học, tinh thần với vật chất, chủ thể với khách thể, linh hồn và thể xác, tình cảm với lý trí… Chuẩn thức của khoa học cổ điển đã nuôi dưỡng và kiện toàn một thế giới quan trật tự, thống nhất, đơn giản, cơ giới và tất định.
Nghiên cứu sâu về chuẩn thức học (paradigmatologie) Edgar Morin khẳng định rằng đã đến lúc cần có một cuộc cách mạng về chuẩn thức, nhằm phát triển tư duy phức hợp. Với nội dung đó, cải cách tư duy chính là cuộc cách mạng tinh thần, tâm trí, mà theo Edgar Morin nó có tầm quan trọng và quy mô “to lớn hơn rất nhiều so với cuộc cách mạng Copernic”.
“Một công dân xuất sắc của Trái đất – Tổ quốc chung” (“Un illustre citoyen de la Terre-Patrid’)
Trong những công trình nghiên cứu về Trái đất và nhân loại, Edgar Morin thể hiện một nhân quan rộng lớn, bao trùm khắp hành tinh. Theo ông mỗi người chúng ta phải học cách tồn tại, sinh sống, chia sẻ, giao lưu và hiệp thông với nhau với tư cách những con người trên hành tinh Trái đất.
Chúng ta phải thăng hoa các bản sắc văn hóa địa phương, chứ không được ruồng bỏ nó, đồng thời phải sớm thức tỉnh về sự tồn tại của chúng ta với tư cách công dân của Trái đất. Không thể đem đối lập Tổ quốc chung của mọi người với các vùng đất tổ khác nhau là các gia đình, các khu vực, các quốc gia. Phải gắn các Tổ quốc đó lại trong những vòng đồng tâm và hòa nhập chúng vào cái vũ trụ cụ thể là Tổ quốc-Trái đất.
Việc quán triệt tư cách công dân của toàn Trái đất không những không mâu thuẫn gì với bản sắc dân tộc của mỗi người mà còn cho phép khẳng định các bản sắc đó trong sự cởi mở và hào hiệp.
Là con người của viễn kiến và hành động, Edgar Morin tích cực dấn thân trong những cuộc chiến vì công bằng và dân chủ. Thời trẻ ông đã cầm vũ khí chống bọn Quốc xã. Tiếp đó bằng các phương pháp ôn hòa, ông đã đấu tranh không khoan nhượng chống lại mọi diện mạo của nạn tha hóa, dù là chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, hay nạn trấn áp bức hại, ruồng bỏ con người. Ông là một tấm gương cao đẹp về tinh thần nhân đạo toàn hành tinh ở thế kỷ XXI.
Quan niệm của Edgar Morin về triết học giáo dục
Trước thềm thế kỷ XXI, Edgar Morin cho xuất bản liên tiếp ba cuốn sách về giáo dục (đều xuất bản năm 1999) được gọi là sách “cải cách”:
La tête bien faite — Penser la reforme, reformer la pensée (Bộ óc được rèn luyện tốt — Tư duy về cải cách, cải cách tư duy);
Relier les connaissances. Le défi du XXI siècle (Liên kết tri thức. Thách đố” của thế’ kỷ XXI — đã dịch);
Les sept savoirs nécessaires à l’éducation du futur (Bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai — đã dịch).
Ba cuốn sách trên đây thể hiện rõ quan niệm của Edgar Morin về triết học giáo dục, sự suy tư của ông về những vấn đề cốt yếu của nền giáo dục ở thế kỷ XXI.
Một định nghĩa về triết học giáo dục đáng được quan tâm
Ngày nay trên toàn thế giới triết học giáo dục đã trở thành một môn học đầy sức sống, có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn. Môn học này được xác lập vào giữa thế kỷ XX cùng với quá trình thiết chế hóa xã hội của nó, tiêu biểu là việc thành lập Hội triết học giáo dục Hoa Kỳ (PES) tại Đại học Columbia tháng Hai năm 1941, xuất bản tạp chí Educational Theory của Hội năm 1951, thành lập Hội triết học giáo dục Anh quốc (PESGB) năm 1964, xuất bản tờ Journal of Philosophy of Education năm 1965…
Từ nửa sau thế kỷ XX môn triết học giáo dục được đưa vào giảng dạy ở hầu hết các trường đại học phương Tây, đào tạo nhiều chuyên gia giáo dục và đẩy mạnh việc nghiên cứu phức hợp, liên ngành về giáo dục (cùng với tâm lý học giáo dục, xã hội học giáo dục, kinh tế học giáo dục, lịch sử giáo dục… )
Có rất nhiều quan niệm khác nhau, định nghĩa khác nhau về triết học giáo dục. Nhưng không một định nghĩa nào lại có thể không nói đến mục tiêu và cứu cánh (finalité) của giáo dục, con người mà nền giáo dục tạo ra phải như thế nào để đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống? Chính ở đây cần có sự suy tư triết học.
Bởi vì “mọi sự suy tư về giáo dục, được nuôi dưỡng và làm phong phú bởi những kết quả của khoa học sẽ trở thành mù quáng nếu thiếu sự phân tích sâu sắc những cứu cánh và những giá trị của giáo dục”. Sự khẳng định này là của hai nhà khoa học Pháp: Ông Eric Plaisance, nhà xã hội học, giáo sư trường Đại học Descartes-Paris V và Gérard Vergnaud, nhà tâm lý học, Giám đốc nghiên cứu tại CNRS trong cuốn Les sciences de l’éducation (Các khoa học giáo dục), Nxb. Découverte, Paris, 1999.
Dựa vào những cứ liệu khoa học, hai tác giả định nghĩa triết học giáo dục là “sự suy tư về những cứu cánh của giáo dục và trước hết là nghiên cứu những nguyên tắc nền tảng của giáo dục… trong số những nguyên tắc đó phải khẳng định trước hết nguyên tắc tự do của chủ thể và do đó người thầy phải tôn trọng nguyên tắc tự do này. Nếu không có quan điểm cơ bản ấy thì mọi hoạt động giáo dục sẽ chỉ còn là con số” không”.
Đặc điểm nổi bật trong quan niệm của Edgar Morin về triết học giáo dục
Hình như trong tác phẩm của mình, Edgar Morin chưa một lần dùng thuật ngữ “Triết học giáo dục”. Ông giải thích: “Bởi lẽ triết học không phải là một bộ môn theo nghĩa chuyên môn hóa và đóng kín của thuật ngữ này, mà chính là thể hiện sự suy tư (reflexion) về mọi vấn đề của kinh nghiệm thực tiễn và tri thức con người… Các nhà triết học vừa phải mở đường tiến vào các thành quả của khoa học vừa giúp cho các nhà khoa học có thể sáng tạo được phương thức suy tư cần thiết” (xem: Liên kết tri thức, tr.37).
Sự tách rời và đối lập giữa triết học với khoa học từ thời Descartes cần phải được chấm dứt. Triết học và khoa học có thể hiện ra như hai bộ mặt khác nhau và bổ sung cho nhau của cùng một thứ là tư duy. Bởi vậy có thể và phải định nghĩa triết học và khoa học theo hai cực của tư duy: suy nghĩ và tư biện đối với triết học, quan sát và thực nghiệm đối với khoa học. Cần thực hiện sự “giao lưu vòng tròn” giữa khoa học với triết học.
Không có ranh giới “tự nhiên” giữa triết học và khoa học. Dù hiện nay tách khỏi nhau, triết học và khoa học cùng bắt nguồn từ truyền thống phê phán giống nhau. Những phẩm chất không thể thay thế của hoạt động triết học là kết hợp suy nghĩ và tư biện. Những phẩm chất không thể thay thế của khoa học là hoạt động thăm dò theo chiều sâu đối tượng nghiên cứu, có kiểm chứng và bác bỏ. Kết hợp chặt chẽ giữa triết học và khoa học, giữa suy nghĩ chủ quan với tri thức khách quan là đặc điểm nổi bật trong cách suy tư của Edgar Morin về giáo dục.
Lý do tồn tại của một nền giáo dục là ở chỗ nó đáp ứng như thế nào những yêu cầu và thách thức của cuộc sống.
Nền giáo dục ở thế kỷ XXI đứng trước những thách thức gì của thời đại?
Hai thách thức lớn:
– Thách thức có tính toàn cầu tức là tình trạng không tương thích ngày càng thêm sâu rộng giữa một bên là tri thức tách biệt thành các bộ phận rời rạc và khu biệt riêng rẽ trong các bộ môn, với bên kia là các thực tại đa chiều, tổng thể, siêu quốc gia, toàn hành tinh và các vấn đề ngày càng thêm dàn rộng, đa ngành, xuyên ngành.
– Tình trạng không tương thích của phương cách giảng dạy, cách giảng dạy này dạy phân cách chứ không dạy ta liên kết những điều trên thực tế đã “đan dệt cùng nhau”. Điều đó sẽ phá vỡ khối phức hợp của thế giới thành từng mảng rời rạc.
Chỉ có thể giải quyết vấn đề nền tảng đó của giáo dục bằng liên kết tri thức, tổ chức tri thức, tạo ra những tri thức xác thực, tri thức phức hợp (connaissance complexe).
Mục tiêu và cứu cánh của giáo dục
Suy tư về giáo dục cần phải tập trung chủ yếu vào mục tiêu, vào cứu cánh của nó.
Trong cuốn Bộ óc được rèn luyện tốt và cuốn Liên kết tri thức các tác giả quan niệm về cứu cánh của giáo dục như sau:
1. Hình thành “bộ óc được rèn luyện tốt” (La tête bien faite), đào tạo những con người có năng lực sáng tạo, năng lực tổ chức các tri thức, chứ không phải tích lũy các hiểu biết theo kiểu chất đầy vào kho;
2. Giáo dục về hoàn cảnh con người, làm cho mỗi người có ý thức sâu sắc thế nào là một con người;
3. Học cách sống, chuẩn bị cho thế hệ trẻ biết đối mặt với những khó khăn, bất trắc và những vấn đề của tồn tại con người;
4. Thực tập tư cách công dân, hình thành và phát huy ở mỗi người tư cách công dân của đất nước và của Trái đất.
Nền giáo dục hiện đại phải dạy cho con người biết học cách học, học cách làm, học cách tổ chức tri thức nhằm nâng cao hiệu quả hành động của mình.
Cải cách giáo dục và cải cách tư duy
Nền giáo dục của chúng ta phải được cải cách bởi vì nó xây dựng trên sự chia tách: chia tách các tri thức, các bộ môn, các khoa học và là sản phẩm của sự bất lực không có khả năng liên kết tri thức, không nhận thức được những vấn đề toàn cầu và nền tảng, cũng như không có khả năng đáp ứng những thách thức của tính phức hợp.
Một hệ thống giáo dục mới phải được xây dựng trên nền tảng của sự liên kết. Hệ thống mới này cho phép nâng cao năng lực tinh thần để nhận biết và suy nghĩ về những vấn đề toàn cầu của con người và xã hội trong tính phức hợp của chúng.
Cải cách giáo dục và cải cách tư duy phải thúc đẩy lẫn nhau.
Để cải cách tư duy phải thay đổi chuẩn thức, làm hình thành chuẩn thức phức hợp, phát triển tư duy phức hợp.
Nền giáo dục hiện đại là nơi hiện thực hóa tư duy phức hợp.
Đó chính là điều kiện để làm nảy sinh một nền giáo dục phục vụ được các vấn đề của thế kỉ XXI.
Chúng ta không thể xây dựng nền giáo dục ở thế kỷ XXI này bằng phương thức tư duy cổ điển của thế kỷ XIX. Để khắc phục sự tụt hậu ngày càng tăng, nhất thiết phải cải cách giáo dục, thay đổi triệt để tư duy và triết học giáo dục.
Giới thiệu thêm về những cuốn sách của Edgar Morin
Mấy năm gần đây thì tên tuổi của Edgar Morin đã trở nên gần gũi hơn với bạn đọc Việt Nam. Tám cuốn sách quý của ông đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt, gồm:
- Trái đất – Tổ quốc chung (2002) được coi là “một kiệt tác”
- Bộ sách “Phương pháp” — tác phẩm chủ yếu của Edgar Morin, gồm sáu tập, đã dịch và xuất bản được bốn tập: Phương pháp 3 – Tri thức về tri thức (2006), Phương pháp 4 – Tư tưởng (2008), Phương pháp 5: Nhân loại về nhân loại – BẢN SẮC NHÂN LOẠI (2015), Phương Pháp 6: Đạo Đức Học (2017)
- Sách Bộ ba về giáo dục có tên chung là “Cải cách” đã dịch và xuất bản được hai cuốn: Liên kết tri thức – Thách đố của thế kỷ XXI (2005) và cuốn Bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai (2008).
- Nhập môn tư duy phức hợp (2009)
Các cuốn sách trên chỉ là một phần nhỏ trong số các tác phẩm của Edgar Morin, mà theo thống kê của Nxb. Seuil có đến 51 cuốn được xuất bản trong 60 năm từ 1946 đến 2005.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu thêm đôi chút về từng cuốn sách đã được xuất bản tại Việt Nam.
Trái đất, tổ quốc chung – tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới
Morin nhiều lần chỉ ra rằng trong một thế giới đang gia tăng hơn bao giờ hết việc tạo dựng và truyền dẫn các dữ liệu mới, thông tin mới, sự kiện mới, thì một trong những vấn đề chủ yếu đối diện với nhân loại hiện nay là phương cách tổ chức tri thức của chúng ta.
Trong cuốn sách này Morin đề cập tới vấn đề ấy qua việc vận dụng cái mà ông gọi là “tư duy phức hợp”. Tác giả dành hẳn một chương (chương VII) cho vấn đề cải cách tư duy, hình thành tư duy phức hợp.
Ông đặt Trái đất – Tổ quốc chung vào bối cảnh thời gian và không gian, bối cảnh rộng lớn mà nhân loại đang sinh sống, làm rõ cả lịch sử của bối cảnh đó, lịch sử của Vũ trụ và văn hóa.
Nhưng ông cũng luôn luôn gắn kết cái toàn thể với cái riêng biệt, vĩ mô với vi mô, bộ phận với toàn cục ông cho rằng không thể đem đối lập tổ quốc chung của mọi người với các vùng đất tổ khác nhau các gia đình, các khu vực, các quốc gia. phải gắn các tổ quốc đó lại trong những vòng đồng tâm và hòa nhập chung vào cái vũ trụ cụ thể là tổ quốc – trái đất.
Như vậy Trái đất hoàn toàn không phải là sự cộng gộp hành tinh vật lý, sinh quyển và nhân loại lại với nhau. Trái đất chính là một hệ thống tự tổ chức:
“một khối tổng thể sinh học 1 nhân học phức hợp, trong đó sự sống nảy sinh từ lịch sử của trái đất và nhân loại nảy sinh từ sự sống của trái đất. Mối quan hệ giữa nhân loại với tự nhiên không thể bị hình dung theo cách quy giản hay tháo rời. Nhân loại là mộtthực thể mang tính chất hành tinh và sinh quyển. Con người vừa là tự nhiên, vừa là siêu nhiên, bởi lẽ mặc dầu bắt rễ trong tự nhiên vật lý và sống động, nhưng lại trỗi lên khỏi cái tự nhiên ấy và tự phân biệt với tự nhiên ấy bằng văn hóa, tư tưởng, và lương tâm, ý thức”.
Cuốn sách “Trái đất- Tổ quốc chung”của Morin là một tác phẩm độc đáo. Nó viết về tư duy phức hợp, đồng thời bằng tư duy phức hợp mà thấu hiểu về trái đất – ngôi nhà chung của nhân loại, nơi mà toàn nhân loại cùng chia xẻ vận mệnh chung, sống và chết. Nó kêu gọi mọi người chúng ta hãy sống và cư xử với nhau như anh em, chị em, thực hiện việc văn minh hóa trái đất.
Trái đất- Tổ quốc chung được dư luận thế giới đánh giá cao như là “một kiệt tác” (masterpiece), mà bất kỳ người nào “đã quan tâm nghiêm túc đến tư duy hệ thống đều nên đọc. Morin đã dẫn chúng ta thực hiện một cuộc lữ hành để nhìn nhận bao quát toàn cảnh qua không gian và thời gian bằng cách vạch rõ động thái của tiến trình phức hợp đưa tới nền văn hóa toàn hành tinh. Đây là một thành tựu tuyệt vời trong tư duy xã hội”.(Ronald E. Purser Đại học Quốc gia San Francisco , Hoa Kỳ).
Sách của Morin “cần cho tất cả những ai muốn nắm bắt kịp những chuyển biến đổi thay chóng mặt trên thế giới của chúng ta” (Ervin Laszlo, nhà triết học về thuyết hệ thống, thành viên Câu lạc bộ Rome).
Báo Le Monde Diplomatique khẳng định rằng đây là “một cuốn sách lớn phục vụ cho mục tiêu lớn”. Còn theo báo Le Figaro, “Sách này không nhằm viết cho những người ưa thích các giải pháp đã hoàn tất trọn vẹn, mà chỉ muốn soi sáng cho những ai đang tìm kiếm một phương pháp, hay đúng hơn tìm kiếm nghệ thuật tránh khỏi các định kiến. Đây là cuốn sách viết cho thiên niên kỷ mới”. Đúng như phụ đề của cuốn sách, đây chính là một Tuyên ngôn cho thiên niênkỷ mới.
Bộ sách “Phương pháp”
Cuốn sách “Phương Pháp 3. Tri Thức Về Tri Thức – Nhân Học Về Tri Thức”
Với cách tiếp cận mới mẻ và độc đáo của Edgar Morin về tri thức đều được thể hiện nổi bật trong cuốn này. Ông dùng một điệp ngữ “Tri Thức Về Tri Thức” để đặt tên cho cuốn sách. Đó không phải là cách chơi chữ cầu kỳ, mà là sự nỗ lực để xây dựng một quan niệm mới mẻ về tri thức và nghiên cứu tri thức cho phù hợp với yêu cầu của thời đại.
Ông tránh dùng các thuật ngữ quen thuộc, vì các thuật ngữ đó thể hiện quan niệm cắt xén và sai lệch về nhận thức, nhìn nhận đơn giản, một chiều mối quan hệ giữa triết học với khoa học. Ông chủ trương “tổ chức lại tri thức luận”, xây dựng lại tri thức luận phức hợp…
Cuốn sách “Phương pháp 4 – Tư tưởng”
Cuốn này nghiên cứu tư tưởng trên quan điểm văn hoá và xã hội (sinh thái học về tư tưởng), quan điểm về cuộc sống của tư tưởng, về tính tự chủ/ phụ thuộc của thế giới tư tưởng (trí quyển) và quan điểm tổ chức của tư tưởng (trí học).
Tư tưởng phải chăng hoàn toàn phục tùng các tất định luận văn hoá, xã hội và lịch sử? Liệu tư tưởng có thể tự giải phóng được không? Tâm trí con người có hoàn toàn phục tùng các tư tưởng đã được xác lập? Tư tưởng mới có thể nảy sinh và truyền bá bằng cách nào? Phải chăng tư tưởng có cuộc sống riêng? Cuộc sống ấy thế nào? Bằng cách nào tư tưởng có thể nuôi dưỡng, tự sinh sản và phối hợp với nhau?
Chúng ta không được để cho các tư tưởng nô dịch mình, song chúng ta chỉ có thể chống lại tư tưởng bằng tư tưởng mà thôi. Chúng ta đang còn ở giai đoạn tiền sử của trí tuệ con người, kỷ nguyên hoang sơ của tư tưởng và sẽ phải thiết lập các quan hệ văn minh với chúng. Đó là xuất xứ của ý tưởng về tính phức hợp và tư duy phức hợp.
Cuốn sách “Phương pháp 5: Nhân loại về nhân loại – BẢN SẮC NHÂN LOẠI”
Đây là cuốn có vị trí đặc biệt trong bộ “Phương pháp”, cũng như trong các trước tác của Edgar Morin. Đây là “Công trình tổng hợp cả một đời người, tất cả mọi vấn đề trong các công trình trước đây của tác giả đều được tập trung trong một khuôn khổ và hòa âm mới mẻ”.
Điều đặc sắc nhất của công trình này là ở chỗ nó tập trung nghiên cứu con người như một thực thể siêu phức hợp: “Trong mọi loại sinh vật trên Trái Đất, chúng ta là loại duy nhất có bộ máy não – thần kinh cực siêu phức hợp, duy nhất có ngôn ngữ cấu âm kép để giao tiếp giữa cá nhân này với cá nhân khác, duy nhất có ý thức…”
Nghiên cứu con người như vậy chính là “Nhân học phức hợp” (Anthropologie complexe).
Cuốn sách “Phương Pháp 6: Đạo Đức Học”
Trong bộ “Phương pháp” thì đây là tập kết thúc công trình đồ sộ của Edgar Morin. Từ đây có thể nhìn lại toàn bộ công trình. Công trình 6 tập này lần lượt được xuất bản trong 27 năm, từ năm 1977 đến năm 2004. Năm 2008 bộ sách 6 tập này được xuất bản trọn bộ gồm 2 quyển, mỗi quyển 1.216 trang.
Theo lời tác giả, “công trình này thực chất là chuỗi tư duy lại đưa dẫn ta xem xét lại điều tốt lành, điều có thể, điều tất yếu, tức là cả bản thân đạo đức nữa. Đạo đức quyết không thể thoát li những vấn đề về tính phức hợp. Điều đó thúc đẩy chúng tôi phải tìm hiểu mối quan hệ giữa tri thức với đạo đức, giữa khoa học với đạo đức, chính trị với đạo đức, kinh tế với đạo đức“.
“Chúng ta sống trong thời đại rất cần gia tăng tri thức xuyên ngành, tư duy phức hợp và đạo đức liên kết. Cứu cánh của đạo đức là chống lại cái ác độc, man rợ và hoàn thiện cuộc sống con người. Để hoàn thiện cuộc sống, nhất thiết phải vứt bỏ cái ác độc chủ quan, muốn gây khổ đau cho đồng loại. Nhưng đối với cái ác khách quan, không dễ gì đuổi nó ra khỏi đời sống con người. Vì vậy người ta phải chống lại cái ác bằng cách chấp nhận nó một phần. Chính vì vậy “Đạo đức không có bàn tay bẩn, nhưng nó cũng chẳng có bàn tay tinh khiết!“.
“Đây là kết luận cuối cùng của bộ Phương pháp mà Edgar Morin gửi đến bạn đọc chúng ta.” (Trích Lời giới thiệu của Phạm Khiêm Ích, Phương pháp 6: Đạo đức học, Edgar Morin, Chu Tiến Ánh dịch, NXB Tri thức, 2012)
Sách Bộ ba về giáo dục
Cuốn sách “Thách đố của thế kỷ 21 liên kết tri thức”
Cuốn này thể hiện sự phong phú cả trong việc tìm tòi lý luận, cũng như thể nghiệm thực tiễn. Nhiều tác giả đã nêu lên những việc cụ thể cần làm trong nghiên cứu và giảng dạy. Liên kết tri thức là câu trả lời cho những thách đố về tri thức, là cải cách tư duy, thay đổi căn bản tư duy giáo dục.
Nội dung sách gồm 8 phần:
- Ngày thứ nhất: Thế giới.
- Ngày thứ hai: Trái Đất.
- Ngày thứ ba: Sự sống.
- Ngày thứ tư: Loài người.
- Ngày thứ năm: Ngôn ngữ, văn minh, văn học, nghệ thuật, điện ảnh.
- Ngày thứ sáu: Lịch sử.
- Ngày thứ bảy: Văn hóa thanh, thiếu niên.
- Ngày thứ tám: Liên kết tri thức.
Thách Đố Của Thế Kỷ XXI Liên Kết Tri Thức được viết trên cơ sở những cuộc Hội thảo chuyên đề “Nên giảng dạy những tri thức gì ở các trường trung học?” do Bộ trưởng Bộ giáo dục nước Cộng hòa Pháp bảo trợ. Liên kết tri thức là câu trả lời cho những thách đố về tri thức, là cải cách tư duy, thay đổi căn bản tư duy giáo dục.
Cuốn sách “7 tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai”
Là tập cuối trong “Bộ ba sư phạm”, cuốn sách này triển khai những đề tài đã được trình bày trong Bộ óc được tổ chức tốt (La Tête bien faite) và Liên kết tri thức (Relier les connaisances). Những chủ đề này tự bản thân chúng đã cho phép kết nạp tất cả các bộ môn hiện có và thúc đẩy sự triển khai một tri thức với khả năng đáp ứng những thách thức của cuộc sống cá nhân, văn hóa và xã hội chúng ta.
Cuốn sách này cũng không bàn về toàn bộ những môn đang được dạy hoặc lẽ ra phải được dạy: nó chủ yếu trình bày bảy vấn đề cơ bản, những vấn đề này càng cần phải được giảng dạy hơn vì chúng hoàn toàn không được biết đến hoặc bị lãng quên.
- Sự đui mù của nhận thức: Điều đáng chú ý là giáo dục, nhằm truyền đạt tri thức, lại đui mù trước nhận thức của con người, những cơ cấu, những khuyết tật, những khó khăn, những xu hướng dẫn đến sai lầm và ảo tưởng của nó, và chẳng hề quan tâm gì đến việc làm cho người ta biết được cái nhận thức nghĩa là gì…
- Những nguyên tắc để có một nhận thức thích đáng: Sự thắng thế của một nhận thức phân mảnh theo từng ngành, cái thường làm cho con người không thể chắp nối lại được các liên hệ giữa những bộ phận và các toàn thể, phải nhường chỗ cho một thứ nhận thức có khả năng nắm bắt những đối tượng trong bối cảnh, trong tổ hợp, trong tổng thể của chúng.
- Giảng dạy về hoàn cảnh con người: Con người đồng thời mang các tính chất vật chất, sinh vật, tinh thần, văn hóa, xã hội, lịch sử. Chính cái nhất thể phức hợp của bản chất con người này lại là cái hoàn toàn bị phân rã ra thành nhiều ngành trong giáo dục, và ngày nay không thể biết được con người là thế nào, trong khi mỗi cá nhân, ở bất kỳ đâu, đúng ra phải hiểu và ý thức được đặc điểm phức hợp của cả căn cước riêng tư lẫn căn cước mình có chung với những con người khác.
- Giảng dạy căn cước địa cầu: Nên giảng dạy lịch sử thời đại toàn cầu, bắt đầu bằng sự thông thương tất cả các lục địa với nhau từ thế kỷ XVI, chỉ ra bằng cách nào mà tất cả các thành phần của thế giới giờ đã trở nên hỗ tương-liên đới, nhưng không vì vậy mà che giấu những áp bức, thống trị đã hoành hành và đang còn tàn phá nhân loại.
- Đương đầu với những bất xác định: Chưa bao giờ câu nói của nhà thơ Hy Lạp Euripide, cách đây hai mươi lăm thế kỷ lại cập nhật như thế: ”Điều chờ đợi đã không xảy ra và một vị thần đã mở đường đến điều không chờ đợi”. Từ bỏ những quan niệm có tính quyết định luận về lịch sử con người cho rằng có thể tiên đoán tương lai nhân loại, kiểm lại những sự kiện và biến cố lớn của thế kỷ này, tất cả đều bất ngờ, tính chất kể từ nay là ẩn số của cuộc phiêu lưu nhân loại, tất cả những điều đó phải thúc đẩy chúng ta sửa soạn tinh thần để đón nhận và đương đầu với cái bất xác định.
- Giảng dạy sự thông cảm: Sự thông cảm cùng một lúc là phương tiện và mục đích của sự trao đổi giữa con người với nhau. Thế mà giáo dục nhằm mục đích làm cho con người cảm thông nhau lại hoàn toàn vắng bóng trong các nền giáo dục của chúng ta. Hành tinh này cần những thông cảm lẫn nhau từ mọi phía. Bởi tầm quan trọng của nó, cần có một đổi mới về tâm thức ở mọi cấp giáo dục và ở mọi giới tuổi nhằm phát triển sự thông cảm.
- Đạo lý của nhân loại: Đạo lý phải tự hình thành trong các đầu óc từ việc ý thức được rằng con người cùng một lúc là cá nhân, là thành phần của một xã hội, và là thành phần của một loài. Chúng ta mang trong mỗi con người chúng ta cái thực tế bộ ba này. Vì thế, tất cả những phát triển thực sự của con người phải bao gồm sự phát triển cùng một lúc những độc lập cá nhân, những tham gia cộng đồng và cái ý thức mình thuộc về nhân loại..
Cuốn sách “Nhập môn tư duy phức hợp”
Lời giới thiệu từ học giả Phạm Khiêm Ích: Tính tất yếu của tư duy phức hợp
Tư duy phức hợp (pensée complexe), hay là tư duy về tính phức hợp (penser la complexité) gắn liền với tên tuổi của Edgar Morin và Hiệp hội do ông sáng lập (Hiệp hội Tư duy Phức hợp – APC, Paris).
Ông đã dày công nghiên cứu tư duy phức hợp trong nhiều tác phẩm, đặc biệt là trong cuốn sách được giới thiệu ở đây và trong bộ Phương pháp (La Méthode, gồm 6 tập) – tác phẩm chủ yếu của Edgar Morin. “Phương pháp” mà ông nói tới chính là phương pháp tiếp cận tính phức hợp, phương pháp giúp chúng ta có khả năng tư duy về tính phức hợp.
Tư duy phức hợp là tất yếu trong thời đại ngày nay. Một mặt, tư duy đơn giản hóa ngày càng bộc lộ những bất cập, những hạn chế và sai lầm của nó, khiến cho con người bất lực không nhận ra được tính phức hợp của thực tại, do đó dẫn tới “trí tuệ mù lòa”.
Mặt khác, vào cuối thế kỉ XX, có khả năng và trên thực tế một phương thức tư duy khác đủ mạnh để vượt qua sự thách thức của thực tại, đối thoại và thương thuyết với nó, đã hình thành. Edgar Morin viết: “Bệnh lý hiện đại của tâm trí nằm ở việc siêu đơn giản hóa đang che kín tính phức hợp của thực tại… Chỉ duy có tư duy phức hợp mới khai hóa được tri thức của chúng ta mà thôi.”
Là “cha đẻ của tư duy phức hợp”, Edgar Morin đã kể lại quá trình hình thành tư duy phức hợp từ cuối những năm 1960, dưới sự tác động của lý thuyết thông tin, điều khiển học, lý thuyết hệ thống và lý thuyết tự-tổ chức như thế nào. Để xác lập cơ sở vững chắc cho tư duy phức hợp, ông đã tập trung mọi nỗ lực vào việc “triển khai một lý thuyết, một logic, một tri thức luận về tính phức hợp để có thể nhận biết con người”. Mục tiêu trung tâm của tư duy phức hợp là nhận biết con người – một siêu phức hợp của tiến hóa vũ trụ.
Trong sách, tác giả làm nổi bật ba vấn đề cốt yếu:
1. Quan niệm về tính phức hợp
Tính phức hợp, hay cái phức hợp (la complexité, le complexus) được hiểu như là những gì liên kết lại với nhau, đan dệt cùng nhau. Tính phức hợp liên quan đến khối lượng khổng lồ những tương tác giữa các bộ phận cấu thành dị biệt, gắn bó hữu cơ với nhau, tạo nên “tấm dệt chung” (tissu commun) không thể phân cách và quy giản được.
Bộ não người là một siêu phức hợp, gồm hơn 10 tỷ tế bào. Mọi hệ thống tự-tổ chức, kể cả những tổ chức đơn giản nhất cũng đều được kết hợp bởi một số lượng rất lớn các đơn vị và tương tác của chúng, lớn đến mức thách đố khả năng tính toán của chúng ta.
Hãy nhìn tấm tranh thảm. Nó được dệt bởi những sợi lanh, tơ, bông, len, màu sắc đủ loại. Muốn hiểu được tấm thảm này rất cần hiểu biết các định luật và nguyên tắc liên quan đến mỗi loại sợi. Nhưng tổng cộng mọi tri thức về từng loại sợi vẫn không đủ để nhận thức được chất lượng và đặc tính của tấm dệt.
Ở đây, các sợi không phải được bố trí ngẫu nhiên mà được tổ chức theo một phác thảo, một tổng thể thống nhất mà từng bộ phận phải hướng vào cái tổng thể. Giữa bức tranh và người sản xuất, doanh nghiệp, có quan hệ hữu cơ. Khi sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp đồng thời tự sản xuất bản thân mình. Đấy là thực chất của tính phức hợp.
Có hai cách hiểu không đúng về tính phức hợp:
Một là, cho rằng tính phức hợp dẫn tới việc loại bỏ tính đơn giản hóa. Thật ra, làm như vậy chỉ dẫn tới sự đơn giản hóa khác mà thôi. Hơn nữa, tư duy đơn giản hóa đã từng nuôi dưỡng những bước tiến lớn lao của khoa học phương Tây từ thế kỉ XVII đến cuối thế kỉ XIX. Bởi vậy, việc đơn giản hóa là cần thiết, cố nhiên phải tương đối hóa nó. Tư duy phức hợp tìm cách tích hợp các phương thức tư duy đơn giản hóa, nhưng luôn khước từ những hệ quả mang tính cắt xén, quy giản, phiến diện, che khuất tính phức hợp của thực tại.
Hai là, đồng nhất tính phức hợp với tính toàn vẹn (complétude). Thật ra tri thức toàn vẹn là không thể có được. Cần chấp nhận nguyên lý bất toàn và bất định của tri thức. Chấp nhận tính phức hợp cũng là chấp nhận mâu thuẫn. Tư duy phức hợp mong muốn đạt đến một tri thức đa chiều, chú trọng liên kết tri thức, kết nối cái một với cái nhiều, thống nhất trong đa dạng (unitas multiplex).
2. Tri thức luận về tính phức hợp
Sự hình thành và phát triển tư duy phức hợp đòi hỏi phải phát triển tri thức luận phức hợp (épistémologie complexe), hay tri thức luận về tính phức hợp (épistémologie de la complexité). Tri thức luận thường được định nghĩa như là sự khảo sát triết học về tri thức con người nói chung và tri thức khoa học nói riêng. Vì vậy, tri thức luận là “lĩnh vực giáp ranh” giữa triết học với khoa học.
Trong cuộc tọa đàm giữa Edgar Morin với bảy vị giáo sư Bồ Đào Nha thuộc các bộ môn khác nhau (triết học, vật lý học, sinh học, sử học, tâm lý học xã hội, văn học) người ta hỏi: ông là ai mà lại không có tên trong danh sách các nhà triết học, cũng không đích thực là nhà khoa học?
Edgar Morin trả lời: bản thân tôi cần đảm đương vị trí trung gian giữa khoa học và triết học, không đứng hẳn một bên nào, nhưng đi từ bên này sang bên kia, nỗ lực thiết lập một hoạt động giao lưu cho tôi, ở tôi và do tôi. Tôi hoàn toàn đứng ngoài cửa những phòng nghiên cứu khoa học chuyên ngành, nhưng rất quan tâm đến những ý tưởng bao hàm, hay tiềm ẩn trong các lý thuyết khoa học.
Đứng ở vị trí đặc biệt đó, Edgar Morin có điều kiện phân tích sự biến đổi về tri thức luận, dưới sự tác động của khoa học thế kỷ XX.
Khởi đầu là hai đột phá khẩu trong khuôn khổ tri thức luận của khoa học cổ điển. Đột phá khẩu vật lý học vi mô khai thông mối liên hệ phức hợp giữa người quan sát và cái được quan sát. Đột phá khẩu vật lý học vĩ mô làm cho quan sát phụ thuộc vào vị trí và tốc độ của người quan sát, phức hợp hóa các mối quan hệ giữa không gian và thời gian.
Cùng với vật lý học, sự phát triển của lý thuyết hệ thống, điều khiển học, lý thuyết thông tin, đặc biệt là lý thuyết tự-tổ chức đã đưa lại những biến đổi cách mạng về tri thức luận, hình thành tri thức luận phức hợp.
Tác giả hình dung sự phát triển này như một tên lửa ba tầng: Quan điểm hệ thống và điều khiển học giống như tầng đầu tiên, cho phép khởi động một tầng tiếp theo là lý thuyết tự-tổ chức, rồi lý thuyết này đến lượt mình lại châm ngòi cho một tầng thứ ba, mang tính tri thức luận – tầng của những mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng. Mối quan hệ này không có tính nhị nguyên, được thể hiện bằng sự chia tách, chối bỏ, loại trừ lẫn nhau, như trong tri thức luận cổ điển.
Nhấn mạnh quan điểm tri thức luận phức hợp, tác giả viết: “Như vậy, quan điểm của chúng ta vừa hàm định thế giới vừa công nhận chủ thể. Hơn nữa, nó đặt cái này và cái kia trong thế tương hỗ, gắn liền với nhau: thế giới chỉ có thể hiện hữu như nó hằng hiện hữu”. Tức là chân trời rộng mở của một hệ sinh thái về hệ sinh thái, chân trời của tự tính sự vật (physis), khi có một chủ thể tư duy (sujet pensant), nấc thang phát triển sau cùng của tính phức hợp tự-tổ chức.
Nhưng một chủ thể như vậy đã chỉ có thể xuất hiện trong một quá trình vật lý – với hàng nghìn công đoạn bị chi phối bởi một hệ sinh thái ngày càng phong phú và tỏa rộng – bao hàm trong đó sự phát triển của hiện tượng tự-tổ chức. Do đó, chủ thể và đối tượng biểu lộ như hai sự xuất hiện cực hạn không thể tách rời nhau của mối quan hệ giữa hệ tự-tổ chức / hệ sinh thái.
Đặc điểm quan trọng của tri thức luận phức hợp là tính nhất quán và tính hướng mở của nó. Tư duy phức hợp đòi hỏi phải có tri thức luận mở và ngược lại. Trong thời đại mà tri thức luận mang tính sen đầm (épistémologie gendarme) như hiện nay, phải nhấn mạnh rằng tri thức luận không phải là cứ điểm chiến lược cần chiếm lĩnh nhằm đặt mọi tri thức dưới quyền kiểm soát tối cao, loại bỏ mọi lý thuyết đối nghịch, và nắm độc quyền về kiểm chứng và do đó cả về chân lý.
Tri thức luận không phải là giáo chủ mà cũng không phải là tòa án, nó cùng lúc là nơi trú ngụ của cái bất định và của đối hợp logic. Thực vậy, tất cả những bất định được chúng ta đề cập đều phải mang ra đối chứng với nhau, chỉnh lý lẫn nhau, từng cái một đối thoại với nhau, mặc dù chớ bao giờ hi vọng dùng thứ băng keo tư tưởng để bịt kín hết lỗ hổng cuối cùng.
3. Chuẩn thức của tính phức hợp
Chuẩn thức có vai trò đặc biệt trong nhận thức và tư duy của con người. Mỗi cá nhân đều nhận thức, tư duy, hành động tùy theo những chuẩn thức đã ăn sâu trong họ. Nếu tư duy đơn giản hóa chịu sự chi phối của chuẩn thức về tính giản đơn (paradigme de simplicité) thì tư duy phức hợp hình thành và phát triển trong khuôn khổ của chuẩn thức về tính phức hợp (paradigme de complexité).
Chuẩn thức là thuật ngữ của nhà bác học Thomas S. Kuhn (paradigm, cũng dịch là mẫu hình, khuôn mẫu, hệ chuẩn…) trong công trình nổi tiếng “The Structure of Scientific Revolutions” (Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học. Chu Lan Đình dịch, Nxb Tri thức, 2008). Theo Thomas S. Kuhn, chuẩn thức thể hiện “toàn bộ tập hợp những niềm tin, những giá trị, những kĩ thuật v.v… mà các thành viên của một cộng đồng nhất định cùng chia sẻ” (tr.339).
Chuẩn thức xuất hiện rồi bị thay thế bởi một chuẩn thức mới. Cách mạng khoa học chính là sự thay đổi chuẩn thức đó, cũng là sự thay đổi cái nhìn về thế giới.
Sử dụng thuật ngữ “chuẩn thức”, Edgar Morin cho rằng thuật ngữ này “chứa đựng những khái niệm cơ bản, hay những phạm trù chủ đạo của lý tính, cùng với loại hình những quan hệ logic về hút/đẩy (phép hội, phép tuyển, phép kéo theo, hay các phép tính khác) giữa những khái niệm hay phạm trù ấy” (Phương pháp 4. Tư tưởng. Chu Tiến Ánh dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008, tr.441).
Có thể lấy “chuẩn thức lớn của phương Tây” làm ví dụ tiêu biểu. Chuẩn thức này do Descartes (1596-1650) xác lập và đã bị áp đặt bởi những chặng đường phát triển của lịch sử châu Âu từ thế kỷ XVII. Chuẩn thức Descartes tách rời chủ thể với khách thể, mỗi bên có một lĩnh vực riêng, một bên là triết học và nghiên cứu phản tư, bên kia là khoa học và nghiên cứu khách quan.
Kiểu tách rời theo lối nhị nguyên này cứ nối dài thêm mãi, xuyên suốt mọi bộ phận khắp vũ trụ: chủ thể – khách thể, linh hồn – thể xác, tinh thần – vật chất, chất lượng – số lượng, mục đích – nguyên nhân, tình cảm – lý trí, tự do – tất yếu, tồn tại – bản chất.
Chuẩn thức trên đây của Descartes là chuẩn thức đơn giản hóa. Nó quy định các khái niệm chủ đạo theo tinh thần đối lập và xác lập quan hệ logic chia tách theo phép tuyển (disjonction), tức là dứt khoát chọn một trong hai, loại trừ mọi khả năng thứ ba. Chuẩn thức đơn giản hóa là chuẩn thức thiết lập một kỷ cương, một trật tự khắp vũ trụ. Chuẩn thức này củng cố tư duy cơ giới, phá vỡ những khối tổng thể hữu cơ và tỏ ra mù lòa trước tính phức hợp của thực tại.
Đã đến lúc cần có cuộc cách mạng về chuẩn thức: “Chúng ta đang bước vào thời kỳ đích thực của cuộc cách mạng chuẩn thức sâu xa, có thể nói còn cấp tiến hơn cả cuộc cách mạng thế kỷ XVI – XVII”. Cuộc cách mạng này xác lập chuẩn thức về tính phức hợp.
Một trong những nội dung cơ bản của chuẩn thức này là phải có một phương thức vận dụng logic học một cách phức hợp, nhằm khắc phục những đối chọn cổ điển theo kiểu “hoặc là… hoặc là…”. Nếu tư duy đơn giản hóa dựa trên quyền ngự trị của hai loại phép tính logic là phép tuyển (disjonction) và phép quy giản (réduction) mà cả hai vốn là tàn bạo và máy móc, thì các nguyên tắc của tư duy phức hợp nhất thiết sẽ là nguyên tắc phân biệt, phép hội và phép kéo theo (principe de distinction, de conjonction et d’implication).
Cùng với việc vận dụng các phép tính logic học cổ điển, Edgar Morin nêu lên ba nguyên tắc mới của tư duy phức hợp: nguyên tắc đối hợp logic, nguyên tắc hồi quy và nguyên tắc toàn hình (principe dialogique, principe récursif, principe hologrammatique).
Tư duy phức hợp do Edgar Morin khởi xướng. Nhưng xét đến cùng thì đây là sản phẩm của cả một chặng đường phát triển lịch sử, văn hóa, văn mình nhân loại. Nó thể hiện một tổng thể các quan niệm mới, tầm nhìn mới, khám phá mới, suy tư mới và mong ước của tác giả “tìm kiếm sự thống nhất giữa khoa học và lý thuyết về tính phức hợp nhân bản ở trình độ rất cao”.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm Tuhoc.com.vn, hy vọng bạn đã học được thêm điều gì đó bổ ích. Bạn có thể đọc thêm những kiến thức quý báu của nhân loại được chúng tôi tổng hợp trong chuyên mục Kho tri thức.
Cùng Tuhoc.com.vn tốt hơn mỗi ngày bạn nhé!