Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 41
- Giới tính: Nam
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 10 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học, ngành Quản trị Kinh doanh Lữ hành
- Số giờ làm hằng tuần: 48 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty Trách nhiệm Hữu hạn và Cổ phần, với 7 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Khai Tâm hiện có 2 mảng kinh doanh: Thương mại (mua-bán sách và văn hóa phẩm) và Xuất bản (in sách) tương ứng với 2 công ty. Tôi giữ vai trò CEO (Giám đốc điều hành) chung cho cả hai. Vì vậy, trách nhiệm chính của tôi là xác định tầm nhìn phát triển trong 3-5 năm tới, cụ thể hóa qua các mục tiêu và hoạch định chiến lược để thực thi/ chinh phục các mục tiêu đó cùng với đội ngũ của mình. Đôn đốc, động viên họ và kiểm soát quá trình thực hiện nhằm hướng đến kết quả/hiệu quả. Ngoài ra, một công việc quan trọng mà tôi luôn để tâm, là xây dựng một hệ thống vận hành tự chủ mà không cần sự có mặt/hiện diện của tôi quá nhiều tại công ty, thông qua các quy trình vận hành cụ thể. Chính điều này cho phép tôi có thể ngồi làm việc ở bất cứ đâu, dù ở Saigon hay ở tỉnh. Tôi quan niệm: ngày nào còn dính quá chặt vào vận hành (có mặt mỗi ngày ở công ty) thì tôi còn “làm thuê” cho chính mình, mà chưa phải là làm chủ thật sự. Và đó cũng là điều mang lại giá trị dài hạn cho công ty.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Khi tốt nghiệp Cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh Lữ hành của trường Đại học Kinh tế TP.HCM, tôi vào làm tại Prudential với vai trò là Đại lý Bảo hiểm. Tôi làm ở đây được 4,5 năm thì chuyển qua làm tại ngân hàng ACB với vai trò là Nhân viên Tín dụng Cá nhân, rồi tới Khách hàng Doanh nghiệp (cũng mảng Tín dụng). Sau đó, tôi chuyển qua làm tại ngân hàng Shinhan (Hàn Quốc) cũng ở vai trò Tín dụng Doanh nghiệp (Relationship Manager), và sau cùng là Techcombank – nơi tôi làm quản lý tại một chi nhánh nhỏ trực thuộc chi nhánh Tân Bình của ngân hàng này.
Trong thời gian làm tại Shinhan, ý muốn ra làm riêng đã nảy sinh trong tôi – lý do rất đơn giản: tôi không muốn đi “làm thuê” cả đời. Và cũng là một cái duyên khi tôi gặp một doanh nhân ở Tu viện Bát Nhã nhân dịp thầy Nhất Hạnh về Việt Nam vào năm 2008. Tôi giữ liên lạc với anh, sau đó trong cuộc trò chuyện tôi nói rằng: “Em muốn ra kinh doanh riêng và em chọn lĩnh vực sách. Nhưng chắc phải tích lũy trong 3-5 năm thì mới gom đủ vốn để bắt đầu…”. Anh nói: “Em lên kế hoạch đi, nếu được thì anh sẽ hỗ trợ mà không cần đợi lâu”. Như được tiếp sức, tôi liền lên kế hoạch và gặp anh để trình bày. Anh nói: “Kế hoạch khá tốt… và hẹn sẽ trao đổi thêm sau… Anh cũng hứa cho tôi mượn 50 triệu để bắt đầu…”. Nhưng sau đó có một nghịch duyên khá dài dòng mà tôi không tiện kể ra đây.
Tôi đành xếp lại ý muốn đó. Mãi đến khi tôi về làm tại Techcombank, và sau một thời gian ngắn với kết quả kinh doanh không như ý muốn, tôi buộc phải nghỉ việc. Đến lúc này thì tôi quyết định: ra làm riêng với kế hoạch đã chuẩn bị sẵn.
Tháng 11/2011, tôi chính thức nghỉ làm tại Techcombank, chuẩn bị nhiều thứ trong một tháng, và đến tháng 01/2012 tôi bắt đầu khai trương bán sách trên website: sachkhaitam.com (bây giờ là khaitam.com) vào đúng ngày 01/01/2012.
Số vốn ban đầu là khoản tiền tôi mượn từ anh trai mình, 50 triệu đồng (qua một email mà tôi viết cho anh), cộng với khoản tiền lương cuối cùng của tôi – 16,2 triệu tại Techcombank. Sau đó là những khoản hỗ trợ nho nhỏ từ người này người kia (mẹ, bạn bè…)
Tôi tham gia vào ngành bán sách mà không hề có kinh nghiệm nào trước đó. Thứ duy nhất mà tôi có là một ý muốn mạnh mẽ – ra làm riêng, và một lòng yêu thích sách – cái vật đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều về phương diện tâm hồn, trí não…
Đã qua 10 năm, tôi thấy mình thật phù hợp với con đường này và sẽ gắn bó suốt đời.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
8:00 – 17:00 | Khai Tâm có 2 mảng: Thương mại và Xuất bản (sản xuất). Tôi phụ trách chính mảng Xuất bản và hỗ trợ cho mảng Thương mại. Vì vậy, công việc chính mỗi ngày của tôi là:
|
Thời gian làm việc của tôi là gần như toàn tuần, hễ không gặp bạn bè vào các buổi tối thì tôi đều ngồi trước laptop, vì luôn có việc để làm, như khai thác bản thảo mới, đọc duyệt bản thảo mới, xem lại sách cũ để tái bản… |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Câu hỏi này tuy dễ mà khó, vì khi đã chọn một lĩnh vực mà mình gắn bó suốt đời thì có rất nhiều cái thích. Vậy nên khó chọn được điều thích nhất. Nhưng tựu trung có thể nói: lĩnh vực này hợp với tâm hồn tôi, giúp tôi có nhiều dịp tiếp cận được các thiện trí thức mà từ họ tôi học được rất nhiều.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Gần như không có.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Tôi thấy rằng để thành công trong bất cứ lĩnh vực nào thì cũng cần có những nền tảng khá giống nhau như câu hỏi nêu ra (thái độ, kiến thức, kỹ năng). Tuy nhiên, cũng có một số đặc thù trong từng ngành. Theo trải nghiệm của mình, tôi thấy THÁI ĐỘ là trọng yếu hơn cả. Có thái độ đúng đắn thì việc học kiến thức, kỹ năng không còn là vấn đề lớn, dù trước đó ta có thể chưa có kiến thức, kinh nghiệm gì. Như đã nói, tôi tham gia vào ngành sách mà đâu có kiến thức, kỹ năng nào trước đó. Tôi chỉ có một thái độ mạnh mẽ: muốn ra làm riêng. Từ đó, tôi học các thứ cần thiết còn lại và đã học rất nhanh, nhiệt thành…
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Mảng mua-bán sách thì không có hiểu lầm gì. Nó rất đơn giản: sách có giá bìa, giảm bao nhiêu %, và bạn đọc tự chọn.
Riêng mảng xuất bản thì có. Tôi thấy hiểu lầm lớn nhất là nhiều người cho rằng % nhuận bút trả cho tác giả/dịch giả ở Việt Nam là thấp, và như vậy thì bất công, không xứng đáng với công sức bỏ ra. Cái đó không đúng. So với mức nhuận bút (bản quyền) ở nước ngoài là 6-7%, thì nhuận bút ở Việt Nam cao hơn hẳn – khoảng 10-15%. Hơn nữa, tiền nhuận bút ở nước ngoài họ tính theo số lượng sách bán ra (copies sold), trong khi đó ở Việt Nam tính theo số lượng in thực tế (dù chưa bán, hay đã bán được bao nhiêu cuốn sau đó). Đây là một điểm thuận lợi nữa cho các tác giả/dịch giả ở VN. Thế nhưng, vẫn có người ‘phàn nàn’ rằng nhuận bút như vậy thì không đủ sống. Thực tế, nguyên nhân nằm ở sức đọc của từng thị trường khác nhau. Ở Mỹ, một cuốn sách được in lần đầu có thể lên tới hàng chục ngàn bản, nhưng ở Việt Nam thường chỉ ở mức 1.000-3.000 bản. Sau đó là hy vọng được tái bản tiếp…
Và điều quan trọng nhất là, khi nói đến nhuận bút (bản quyền) thì phải nói chuyện đường dài, tức là trong 3-5 năm, hay 5-10 năm. Một cuốn sách ra đời mà đáp ứng trúng nhu cầu của bạn đọc (thị trường) thì mặc nhiên nó được in đi in lại rất nhiều lần. Ở Khai Tâm, có những cuốn đã in 6-7 lần chỉ trong 1-2 năm, và chắc chắn còn in được tiếp nữa trong những năm về sau. Hay như ở Nhà xuất bản Trẻ, cuốn TÔI TỰ HỌC (dành cho thanh niên), mặc dù đây là cuốn được tái bản sau năm 1975 nhưng nó đã được in trên 20 lần tính cho đến nay từ năm 2011. Người nhà của tác giả (đã mất) mỗi năm vẫn nhận được hàng trăm triệu tiền bản quyền mà không cần làm gì cả. Tôi nhấn mạnh là “không cần làm gì cả”, vì mọi việc đã có nhà xuất bản lo liệu. Họ chỉ cần ký cái hợp đồng bản quyền với nhà xuất bản là xong.
Vậy câu hỏi đặt ra: Khi một cuốn sách đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhuận bút sẽ được trả thành nhiều lần, thì có xứng đáng với công sức của tác giả/dịch giả bỏ ra chăng? Đó là lý do vì sao tôi nói “chuyện nhuận bút là câu chuyện đường dài” mới thấy có xứng đáng hay không. Không những với tác giả/dịch giả lúc còn sống mà còn cho cả con cháu họ thụ hưởng nữa.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Bất cứ công việc nào khi đã dốc hết niềm tin, ý chí, trái tim ra mà làm thì đều tự nuôi mình được.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Tôi cũng là người từng lận đận 10 năm trời trong việc tìm ra con đường của mình, và tôi hy vọng các bạn trẻ không phải mất quá nhiều thời gian như tôi. Muốn vậy thì trước hết phải tự biết mình, biết mình thích cái gì, muốn cái gì.
Một cách đơn giản để “nhận ra mình” là tự đặt câu hỏi và liệt kê các nghề mà mình có thể “muốn”. Tôi từng liệt kê ra mười mấy cái nghề, rồi tự trả lời “Liệu mình có thật sự thích và phù hợp với cái nghề này chẳng?!”
Vài câu hỏi gợi ý:
- Ta thật sự muốn gì? Nếu không biết mình “thật sự muốn gì” thì đó là một vấn nạn. Nhưng không sao, tuổi trẻ vẫn hay như thế. Ngoại trừ những người với năng khiếu bẩm sinh bộc phát từ thuở nhỏ, rồi lớn lên theo cái khiếu đó luôn, thì phần lớn người trẻ chưa biết mình thật sự muốn gì. Rất mông lung…
- Có lĩnh vực nào mà ta có thể “đốt cháy” mình trong đó? Tức là ta làm một cách hăng say, không cần ai phải nhắc hay thúc giục thì ta mới làm.
- Nếu không lo nghĩ chuyện kiếm tiền/mưu sinh để tự nuôi chính mình hay chu cấp cho gia đình thì ta chọn làm gì?
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.