Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 29 tuổi
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 6 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cà phê
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): AST trainer của SCA, Giảng viên cà phê quốc tế SCA, Giám khảo cà phê Cup Of Excellence, Q grader
- Số giờ làm hằng tuần: 60 giờ/tuần
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty cổ phần, 4 nhân viên.
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Hai vai trò chính của tôi là điều hành công ty và giảng viên.
- Là người điều hành công ty – một đại lý ủy quyền đào tạo của Hiệp hội cà phê quốc tế SCA (Specialty Coffee Association), trách nhiệm của tôi là:
- Thiết lập phòng Lab theo chuẩn quốc tế và vận hành nó.
- Sắp xếp công việc và huấn luyện các bạn trong nhóm để vận hành phòng Lab phù hợp với chuẩn quốc tế.
- Bố trí công việc cho các bạn để hỗ trợ mình trong việc giảng dạy, như: chuẩn bị giáo án, tài liệu; chuẩn bị trang thiết bị phòng Lab; liên lạc với học viên và các bên liên quan.
- Bên cạnh đó, vai trò chính của mình là giảng viên:
- Khi một người muốn tham gia vào ngành cà phê một cách chính thống, tôi sẽ truyền đạt, chia sẻ kiến thức cho họ.
- Đồng thời, tôi là đại lý ủy quyền của Hiệp hội cà phê quốc tế, sẽ cấp chứng nhận cho người học tham gia hành nghề trong lĩnh vực cà phê, chứng nhận có giá trị toàn cầu.
Đối với công ty, công việc của tôi mang lại cảm hứng làm việc, tạo ra các hoạt động kinh doanh và thu lợi nhuận cho công ty, đảm bảo chất lượng dịch vụ, sự uy tín, tử tế với các đối tác.
Đối với bà con nông dân, khi được họ chào đón và làm việc chung, tôi cảm thấy mình được ghi nhận và có giá trị sống. Việc hướng dẫn quy trình và giúp người nông dân thực hiện góp phần tăng thêm thu nhập cho họ và thu nhập cũng bền vững hơn.
Đối với xã hội, công việc này giúp lan tỏa sự tử tế với cộng đồng.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Tôi bắt đầu từ những công việc nhỏ như phục vụ, giữ xe, rửa ly tại một tiệm cà phê. Từ đó, tôi cảm thấy đó là con đường phù hợp với mình, gần gũi với lối sống mà mình mong muốn, đặc biệt cà phê như một bầu trời kiến thức rất rộng lớn. Ngoài ra, tôi còn làm việc với bà con nông dân trồng cà phê. Tôi càng nhận thức rõ hơn rằng con đường cà phê có thể đem lại giá giá trị rất lớn cho bà con nông dân và có thể gắn bó lâu dài. Việt Nam có hạt Robusta đứng số 1 thế giới, sản lượng đứng thứ 2 thế giới, nên đây là công việc rất tiềm năng, đáng để làm và dấn thân.
Sau 2 năm, tôi nhận ra kiến thức của mình về ngành này không đúng, không chính thống và không đi được chiều sâu về đường dài. Khi đó, tôi bắt đầu tò mò, tìm hiểu đến Hiệp hội cà phê quốc tế SCA và cũng tìm mọi cách để trang bị thêm kiến thức cho mình. Tôi vừa tìm cơ hội học trong nước và ngoài nước, thậm chí còn phải vay tiền để đủ chi trả kinh phí học tập.
Sau khi đi theo con đường của SCA và thấy rằng đó là chính thống, tôi rất muốn đưa chương trình này về Việt Nam giảng dạy. Trước khi học, mục tiêu của tôi là học hỏi kiến thức cho bản thân. Sau khi học, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm và khao khát chia sẻ những thứ được học với những người trong ngành này. Cái này xuất phát từ điều hay nhất mà tôi được học, đó là: “truyền tải kiến thức cà phê theo chuẩn quốc tế đến với người học”.
Khi đưa chương trình đã học về Việt Nam áp dụng, tôi nhận thấy hạt Robusta là thế mạnh của Việt Nam nhưng chưa phù hợp với chương trình này. Tôi đã liên hệ Hiệp hội để giải thích và thuyết phục họ cho phép mình dùng khung chương trình đó nhưng chỉnh sửa lại cho phù hợp với loại nguyên liệu thế mạnh của Việt Nam. Sau khi được đồng ý, tôi vừa giảng dạy chương trình chính của SCA và đồng thời bổ sung thêm một số học phần liên quan đến nguyên liệu ở Việt Nam. Hiện tôi được SCA công nhận và cấp bằng 3 năm làm huấn luyện viên ngành cà phê toàn cầu.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Ban ngày | Đi bộ, pha cà phê, lau dọn phòng lab, nhà vệ sinh, nghe nhạc, uống cà phê, đọc sách, dạy học, … |
Buổi tối | Nghỉ ngơi, gọi điện tám chuyện |
Ghi chú: | Làm việc cả tuần, thời gian thay đổi theo |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Thích nhất là được nếm cà phê, khi nếm thì được đóng góp ghi nhận từ nông dân, khách hàng với vai trò là trọng tài.
- Công việc này còn góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam và mang lại giá trị cho bà con nông dân.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Thái độ trước, kỹ năng sau:
- Đi theo cà phê là một cuộc đua đường trường, để có thể đồng hành được, các bạn cần chuẩn bị một nền tảng kiến thức vững chắc, thái độ kiên trì, sự chuyên nghiệp, tinh thần vững vàng, sự tử tế …
- Tôi luôn chia sẻ với các bạn rằng công việc này sẽ kiếm được thu nhập nuôi sống bản thân, mang lại hạnh phúc, tạo dựng nhiều giá trị và quan trọng là góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nước ta. Đây là điều tôi muốn các bạn nhìn nhận và tin tưởng vào con đường có thể gắn bó lâu dài với nghề này.
- Một số kỹ năng cần có: quản trị bản thân, cách làm việc nhóm, lối sống, tư duy định hướng rõ ràng…
- Tập nhìn bao quát, tinh thần chịu trách nhiệm, kỹ năng mềm, giao tiếp, quản lý, tiếng anh, kiến thức chuyên môn
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Lúc đầu vào nghề này, tôi bị hiểu nhầm là bán cà phê, vì người ta nghĩ cà phê đơn giản chỉ là bán quán thôi. Khi đó, tôi cũng không giải thích quá nhiều vì chưa chắc người ngoài có thể hiểu. Chỉ có mình cảm nhận được mình đang làm gì, con đường này đi về đâu thì mình cứ thế tiếp tục làm, miễn sao mình có thu nhập và cảm thấy hạnh phúc, có tương lai đi đường dài với nghề là được. Từ đó, mọi người sẽ tự thấy được đây là một công việc đàng hoàng tử tế, có tương lai và được xã hội công nhận.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Có thể nuôi sống bản thân và gắn bó lâu dài nếu bạn có đủ đam mê, nhiệt huyết với nó.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Tuổi trẻ thì cứ bào hết sức đi, khi mình được bào hết sức, làm hết trách nhiệm công việc hay thậm chí là tham thêm việc cũng là lúc mình tích lũy được rất nhiều thứ và chắc chắn sẽ có chỗ để vận dụng hết. Như công việc hiện nay của tôi, tuy nói là làm về kỹ thuật nhưng thực chất là vận dụng rất nhiều kiến thức, kỹ năng từ nhiều ngành nghề:
- Kế toán, tài chính: trước đây tôi học Đại học với chuyên ngành kế toán, nhưng tôi không hối hận vì kiến thức tài chính vẫn giúp ích trong ngành cà phê khi tính toán chi phí sản xuất, chi phí vận hành, phân tích giá cả…
- Quản lý nhân sự: cách làm việc với bà con nông dân, kỹ năng giao tiếp phù hợp
- Bán hàng: hiểu biết gu vị của khách hàng, giá cả sao cho phù hợp với khách hàng và thị trường
Trong quá trình được “bào” ấy, mình sẽ gặp được may mắn, may mắn sẽ đến từ quá trình phấn đấu, nỗ lực của mình. May mắn chính là những cơ hội, những kiến thức, những tình yêu đến với mình từ xã hội. Không phải mọi thứ đều quy đổi ra tiền, mà phạm vi ấy còn mở rộng hơn, chính là đời sống của chính mình.
Các bạn hãy cứ cố gắng, cứ gieo mầm đi, một ngày nào đó mưa xuống thì hạt mầm sẽ đâm chồi nảy lộc.
Cùng xem video buổi trò chuyện với khách mời tại đây:
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.