Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 35 tuổi
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 13 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Thiết kế trang web, Lập trình framework PHP
- Số giờ làm hằng tuần: 40 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty dịch vụ giải trí – trên 1000 nhân viên, Công ty dịch vụ phần mềm – 40 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì?
Công việc chính của tôi là quản lý dự án và hỗ trợ khách hàng:
Quản lý dự án:
- Quản lý các yêu cầu của khách hàng
- Quản lý đội ngũ nhân viên xử lý yêu cầu của khách hàng: Làm đúng yêu cầu, đúng tiến độ, đề xuất giải pháp
- Quản lý quy trình xử lý lỗi: Phân loại lỗi từ phản hồi của khách hàng, phân công người phụ trách xử lý lỗi, kiểm tra lỗi đã được khắc phục
- Kiểm tra và quản lý chất lượng phần mềm theo yêu cầu khách hàng
Hỗ trợ khách hàng:
- Trao đổi xử lý lỗi với khách hàng đối với lỗi có thể giải quyết ngay, hoặc hẹn ngày giờ lỗi được xử lý xong
- Quản lý thẻ lỗi: Tạo thẻ lỗi cần xử lý -> Cung cấp thông tin chi tiết về lỗi -> Phân công người xử lý lỗi
Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Công việc này liệt kê ra thì thấy nhẹ nhàng nhưng thực chất nó khá nặng. Bạn vừa phải làm vừa lòng khách hàng, vừa làm sao cho nhân viên dưới quyền bạn hiểu cách làm nhanh và chính xác.
Giá trị đem lại cho công ty là chữ tín, sản phẩm công ty làm ra được đảm bảo chất lượng.
Khi sản phẩm chất lượng và dịch vụ bảo hành, vận hành tốt thì uy tín với khách hàng được đảm bảo, khi đó doanh số bán hàng sẽ được đẩy nhanh.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Cha mẹ xuất phát điểm là nông dân và công nhân nên không ai định hướng cho tôi khi bắt đầu chọn ngành nghề cho tương lai. Vào đầu những năm 2000, công nghệ thông tin (CNTT) chưa phát triển như bây giờ. Internet lúc đó đã bắt đầu xuất hiện nhưng rất hạn chế ở hộ gia đình nên thông tin tìm hiểu về CNTT rất ít. Qua bạn bè và các anh chị đi trước, tôi cũng có chút kiến thức về công nghệ thời ban đầu như là lắp ráp máy tính, cài phần mềm, game và tranh luận với bạn bè về cấu hình máy. Lúc đó tôi chỉ biết sơ thôi chứ không hiểu rõ hay không thể nói là thích. Đến khi bắt đầu phải chọn ngành thi đại học, tôi không biết nên học gì. Suy nghĩ tới vốn kiến thức CNTT nên tôi đăng kí thi và đậu. Khi đi học về CNTT tôi mới biết trong đó có vô vàn nhánh ngành nghề khác nhau. Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc cho một công ty dịch vụ phần mềm của Singapore, và công việc ở đây đã định hướng cho con đường của tôi sau này.
Trong sự vô biên và trải rộng của ngành CNTT, tôi mày mò tìm hiểu, làm thử và cảm thấy thích mảng thiết kế. Khi học chuyên sâu mảng thiết kế, tôi lại được học thêm một chút về website. Lúc này mới ồ….thì ra website được làm ra từ đây. Tôi chọn cho mình hướng đi lập trình giao diện vì vừa được tiếp xúc với công việc thiết kế vừa được viết code. Lúc này đam mê mới tràn về nhiều hơn và tôi bắt đầu lao vào tìm hiểu. Cho đến bây giờ, mỗi lần làm được một website đẹp hoặc hoàn thiện một công việc được giao, tôi đều cảm thấy rất hạnh phúc. Hạnh phúc khi làm được một sản phẩm tốt, hạnh phúc vì mỗi một yêu cầu của khách hàng được đáp ứng, hạnh phúc vì vượt qua được khó khăn, tìm tòi và phát triển kỹ năng bản thân để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Khi đi làm khoảng 10 năm, tôi bắt đầu phát triển theo hướng nghiên cứu và phát triển phần mềm. Do CNTT đổi mới hàng ngày, các bạn trẻ sau này được học kiến thức mới sẽ viết code nhanh hơn, còn tôi thì có thể dùng 10 năm kinh nghiệm để đưa ra giải pháp cho các bạn trẻ, nên tôi chuyển sang nghiên cứu.
Tôi yêu nghề lập trình viên này. Nó mang lại cho tôi bên cạnh thu nhập là vô vàn kiến thức mới mà không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận trong thời đại công nghệ thông tin như bây giờ.
Tuy nhiên, nếu được chọn lại, có lẽ tôi sẽ chọn ngành sư phạm, vì tới giờ tôi vẫn muốn theo đuổi sở thích mà mình chưa được thực hiện.
Lúc đi học, tôi đã rất thích môn Hóa học. Những thí nghiệm, những công thức hóa học, những cấu tạo phân tử làm tôi mê mệt, và ước mong một ngày nào đó sẽ trở thành giáo viên Hóa. Ngoài ra, việc đứng trước đám đông thuyết trình cũng là một điều tôi rất thích. Đặc biệt là sử dụng kỹ năng sư phạm đứng trước các bạn học sinh trình bày có một điều gì đó rất cuốn hút. Nhưng trên hết là tôi yêu cái tuổi học trò, yêu việc được truyền đạt kiến thức, truyền cái đam mê cho các bạn với chuyên môn của mình. Ngành sư phạm các bạn đừng tưởng dễ nhé, chuyên môn tốt nhưng phải có kỹ năng sư phạm tốt nữa mới là thầy giỏi được. Phải tìm hiểu tâm lý học sinh theo mỗi độ tuổi đề truyền đạt sao cho các em nhanh hiểu nữa. Do quá yêu sư phạm nên sau này tôi có bỏ thời gian theo học các lớp về kỹ năng sư phạm. Tôi cũng từng nghĩ tới việc kết hợp sở thích sư phạm và hiểu biết về CNTT qua các ứng dụng giảng dạy. Có lẽ đó sẽ là một hướng mở ở thì tương lai cho câu câu chuyện nghề của tôi chăng?
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
8h00 – 10h00 | Kiểm tra các yêu cầu của khách hàng – Phân công công việc hoặc đi họp với nhóm.Báo cáo các công việc ngày hôm trước của nhóm |
10h00 – 12h00 | Kiểm tra các lỗi đã sửa và hỗ trợ khách hàng |
13h00 – 14h00 | Xem lại tất cả công việc của nhóm ngày trước và lập kế hoạch công việc ngày hôm sau |
14h00 – 15h30 | Kiểm tra tiến độ của công việc và tìm giải pháp. Kiểm duyệt công việc nào đã được hoàn thành. |
15h30 – 16h30 | Đọc tất cả báo cáo cập nhật của nhân viên cho mọi công việc |
16h30 – 17h00 | Tổng quan lại tất cả công việc đã liệt kê (hoàn thành/chưa hoàn thành, thứ tự ưu tiên) và lập kế hoạch cho ngày mai |
Ghi chú | Giờ làm việc có thể kéo dài đến 19h00 |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Tiếp xúc nhiều kiến thức mới
- Tiếp xúc được nhiều khách hàng
- Khả năng giao tiếp tốt lên (đừng nghĩ IT quá khô khan)
- Bạn có thể làm nhiều thứ từ cái máy tính của bạn
- Khả năng nghiên cứu của bạn chắc chắn hơn hẳn các ngành khác nếu bạn biết tận dụng kiến thức của mình
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Sử dụng máy tính nhiều quá nên khá hại mắt và sức khỏe
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Nếu bạn muốn hoàn thiện công việc thì bạn cần cái tâm, thái độ quan trọng hơn kiến thức. Nếu bạn có thái độ làm qua loa cho xong thì suốt đời này bạn cũng sẽ làm cho xong việc mà không phát triển được nghề nghiệp. Hãy làm với tâm thái là ngoài hoàn thành, giải quyết được vấn đề còn phải tối ưu hóa công việc đó một cách nhanh nhất và tốt nhất.
Nếu muốn làm được như vậy thì bạn không còn cách nào khác là phải làm mới kiến thức của bạn và nâng cao khả năng nghiên cứu. Ngoài ra bạn cũng cần biết nhận ra cái sai của mình và sửa chữa. Nếu biết lắng nghe và chọn lọc từ góp ý của các đàn anh trong nghề thì bạn sẽ tiến rất nhanh.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Hiểu lầm tai hại nhất của nhiều người là nghĩ rằng một người có chức danh IT có thể làm được tất cả mọi việc trong ngành công nghệ. Ví dụ như lập trình viên IT không thể sửa máy in. Công việc này ko phải ai cũng biết vì nó là nghiệp vụ riêng của nhân viên IT- Helpdesk (IT hỗ trợ). Hoặc nhiều người nghĩ IT sẽ giỏi về Microsoft Office (Word, Excel, PowerPoint, PDF). Thực tế IT rất dở mấy kỹ năng này.
Nguyên nhân là mọi người không hiểu IT chỉ là ngành trung gian của tất cả các nghề nghiệp. Từ công nghệ thông tin bạn có thể làm được hệ thống dữ liệu cho các ngân hàng, nhà máy,… Từ công nghệ thông tin bạn có thể vẽ được 1 poster tuyệt vời cũng như làm ra các hiệu ứng điện ảnh, âm nhạc.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Mức lương khởi điểm của ngành này vào thời điểm tôi đi làm:
- Thực tập sinh khoảng 4 triệu đồng.
- Nhân viên mới, chính thức khoảng 8 triệu – 10 triệu đồng tùy vào khả năng và kinh nghiệm từng ứng viên.
- Điểm khác biệt giữa các mức lương là cái bạn làm được, khả năng giao tiếp, và mô hình công ty mà bạn đầu quân
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Nếu muốn theo ngành này thì bạn nên năng động hóa bản thân, đừng ngại khó hay khổ.
- Hãy tự tăng cường khả năng nghiên cứu và tối ưu hóa khả năng đó bằng cách tốt nhất.
- Mỗi bạn một thế mạnh, hãy tìm ra thế mạnh của bản thân trong ngành này.
- Tốt nhất là bạn hãy học tiếng Anh vì nghiên cứu bằng tiếng Anh sẽ giúp bạn tìm những tài liệu cập nhật và chất lượng. Sách, hay tài liệu bằng tiếng Việt sẽ có thể dùng không chính xác các từ chuyên ngành, hoặc không được cập nhật thường xuyên.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.