Kinh tế thể thao (KTTT) là một khái niệm mới mẻ tại Việt Nam khi chưa nhiều trường đại học có mở ngành và đào tạo. Tuy nhiên, với các quốc gia có nền thể thao phát triển đây là ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ.
Ở một số quốc gia được coi là cường quốc thể thao như Mỹ, lĩnh vực Kinh tế thể thao chiếm tỷ trọng hơn 2,4% GDP (năm 2018); ở Trung Quốc, nước sản xuất hàng hóa thể thao lớn nhất thế giới, từ năm 2011, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp (DN) thể thao của quốc gia này vượt mức 300 tỷ NDT, chiếm 1,2% GDP.
Vì vậy ngành kinh tế thể thao đã ra đời ở Việt Nam, hãy cùng Tuhoc.com.vn tìm hiểu về ngành học mới này nhé!
Ngành Kinh tế thể thao là gì?
Kinh tế thể thao là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân, là một lĩnh vực kinh doanh giống như mọi ngành kinh doanh trên thị trường; cung cấp hàng hóa, dịch vụ thể dục thể thao (TDTT) cho nhu cầu xã hội để thu hoặc không thu lợi nhuận. Trong nền kinh tế thị trường, Kinh tế thể thao hiện hữu với tư cách là một ngành công nghiệp được gọi là công nghiệp thể thao (Sport industry).
Kinh tế thể thao theo nghĩa rộng bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động TDTT (tập luyện, thi đấu,…) cũng như gián tiếp phục vụ cho các hoạt động TDTT như: Sản xuất, cung cấp các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến TDTT (trang thiết bị, truyền thông, marketing, cá cược, chứng khoán…). Theo nghĩa hẹp, Kinh tế thể thao chỉ bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động TDTT.
Ngành học Kinh tế thể thao là ngành trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng quản lý kinh doanh dịch vụ thể thao; Quản lý, vận hành kinh doanh câu lạc bộ thể thao; Chuyên viên tư vấn tài chính và khai thác thị trường thể thao; Quản lý truyền thông, tổ chức sự kiện thể thao…
Triển vọng của ngành Kinh tế thể thao
Hiện nay nguồn nhân lực thể dục thể thao trên toàn quốc vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Một số cán bộ, huấn luyện viên được trưởng thành từ vận động viên, từ thực tế huấn luyện nên thiếu kiến thức về kinh tế, cần được đào tạo bồi dưỡng một cách quy mô và cơ bản về kinh tế mới đáp ứng nhu cầu công việc.
Chúng ta đang rất thiếu đội ngũ chuyên gia kinh tế thể thao. Giống như với nghệ thuật, đa phần các “bầu sô” không được đào tạo qua trường lớp thì với TDTT cũng phần nào như vậy. Cho dù các trường đại học của ngành TDTT đều có Khoa Quản lý TDTT nhưng về cơ bản mới chỉ cung cấp được các kiến thức về quản lý chuyên ngành chứ chưa thực sự là về kinh tế mang tính đặc thù của TDTT.
Cũng cần nói thêm là giống như các bầu sô nghệ thuật, chuyên gia kinh tế thể thao phải là người tính được các bài toán về bán vé và vận động tài trợ. Đó là điều không dễ và nếu nói ở tầm vĩ mô thì lãnh đạo ngành TDTT cũng phải có tư duy về kinh tế cho các bài toán này, nhất là với những sự kiện TDTT quốc tế do Việt Nam đăng cai.
Kinh tế thể thao ở Việt Nam còn có dư địa phát triển nhưng chưa khai thác hết như: Thị trường bán vé và thu từ các dịch vụ tổ chức TDTT; thị trường bản quyền truyền hình thể thao. Ngoài ra, còn có thị trường quảng cáo tài trợ và thị trường dịch vụ (trong đó có cá cược thể thao).
Vì là ngành mới nên cơ hội việc làm cho sinh viên Ngành kinh tế thể thao rất lớn.
Theo số liệu của Vụ Đào tạo – Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, đến năm 2025, nhân lực toàn ngành Thể thao trên cả nước cần được bổ sung 3.658 người trong đó: Nhân lực được đào tạo ngành Quản lý thể thao là 563 người gồm: Tiến sĩ 4 người; Thạc sĩ 63 người; Cử nhân 486 người; Các ngành khác 10 người.
Đến năm 2030 nhân lực toàn ngành Thể thao trên cả nước cần được bổ sung 4.342 người trong đó: Nhân lực được đào tạo ngành Quản lý thể thao là 682 người gồm: Tiến sĩ 14 người; Thạc sĩ 89 người; Cử nhân 545 người; Các ngành khác 34 người.
Tố chất cần có để học ngành Kinh tế thể thao
- Có tư duy logic,
- Đam mê kinh doanh
- Năng động
Đặc biệt, nếu bạn là vận động viên hoặc đam mê hoạt động thể dục thể thao, đây là ngành rất thích hợp cho bạn.
Tổ hợp xét tuyển ngành Kinh tế thể thao
- Khối A00 (Toán, Lý, Hóa)
- Khối A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh)
- Khối D01/D03 (Văn, Toán, Tiếng Anh)/ (Văn, Toán, Tiếng Pháp)
- Khối D09 (Toán, Lịch sử, Tiếng Anh)
Mã ngành Kinh tế thể thao là: 7310113
Ngành kinh tế thể thao học những môn gì?
Một số môn học tiêu biểu:
- Kinh tế vĩ mô- vi mô
- Nguyên lý kế toán
- Nguyên lý marketing
- Pháp lý thể thao; Đạo đức thể thao
- Lịch sử và xã hội học thể thao
- Quản lý thể thao đại cương
- Quản trị nguồn nhân lực thể thao
- Kinh tế học thể thao
- Tài chính thể thao
- Quản lý kinh doanh thể thao
- Quản lý bán hàng trong nền công nghiệp thể thao
- Quản lý CLB thể thao
- Tiếp thị và tài trợ thể thao
- Hành vi người tiêu dùng trong thể thao
- Quản lý tổ chức sự kiện thể thao
- Hệ thống tổ chức và đặc điểm các môn thể thao
- Thể thao giải trí
- Truyền thông thể thao
- Du lịch thể thao
- Tâm lý thể thao
- Tài trợ thể thao
- …
Các trường đào tạo
Ngành kinh tế thể thao còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nên hiện nay chưa có nhiều trường đại học đào tạo ngành học này.
Ngành KTTT tại ĐH Hoa Sen (tuyển sinh năm 2021) là ngành đầu tiên và duy nhất được trường ĐH Hoa Sen mở và tuyển sinh đào tạo bậc cử nhân trong thời gian 3,5 năm. Nhà trường chú trọng 3 hướng ngành KTTT trong Chương trình đào tạo, bao gồm: Quản lý loại hình kinh doanh thể thao, quản lý chăm sóc sức khoẻ và quản trị truyền thông, Marketing thể thao.
Tương tự, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng có chuyên ngành Kinh doanh thể thao và tổ chức sự kiện trong ngành Quản lý thể thao. Tuy không chuyên sâu và tách biệt theo hướng kinh tế thể thao nhưng cũng đào tạo nhiều khía cạnh về kinh doanh, tổ chức thể thao.
Một số trường khác như ĐH Thể dục Thể thao TPHCM, ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, Đại học Đà Nẵng có ngành gần là ngành Quản lý thể dục thể thao.
Vị trí việc làm ngành Kinh tế thể thao
Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể công tác tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TDTT, trường học, trung tâm TDTT, câu lạc bộ TDTT…
Nhiều vị trí, cơ hội làm việc hấp dẫn trong các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội thể thao hay resort, khách sạn, sự kiện như:
- Giám đốc kinh doanh Thể thao;
- Chuyên viên kinh doanh và quản lý phòng Gym, CLB thể thao chuyên nghiệp;
- Chuyên viên quản lý khu thể thao ở khách sạn và Resort;
- Chuyên viên quản lý bán hàng hóa dụng cụ, trang thiết bị thể thao;
- Chuyên viên quản lý và kinh doanh công trình thể thao, CLB thể thao trường học;
- Chuyên viên đàm phán và nghiên cứu thị trường thể thao;
- Chuyên viên đàm phán tài trợ,
- Chuyên viên tổ chức sự kiện thể thao;
- Chuyên viên kinh doanh sự kiện, hội nghị, hội thảo thể thao;lễ hội – du lịch thể thao – du lịch giải trí,
- Người đại diện thể thao*
*Người đại diện thể thao: trong thời gian gần đây, với mức độ nổi tiếng của các vận động viên, huấn luyện viên trên các phương tiện truyền thông, người đại diện thể thao cũng chuyển mình với thời cuộc. Từ việc là trung gian chuyển nhượng giữa câu lạc bộ và vận động viên, người đại diện thể thao bắt đầu thể hiện vai trò nhiều hơn đến thân chủ của mình, từ việc quản lý hình ảnh, hỗ trợ pháp lý, thậm chí là kiêm luôn khâu chăm sóc y tế, trở thành người phát ngôn của vận động viên… Ngành kinh doanh đại diện thể thao hiện nay được cho đang bùng nổ nhờ vào sự gia tăng chóng mặt của giá trị bản quyền, dưới hình thức công ty hoặc cá nhân đại diện, thu được lợi nhuận cao nhờ phí đại diện, phí môi giới. Đơn cử như trong các cuộc đàm phán chuyển nhượng các cầu thủ như Messi, Ronaldo…các siêu đại diện này đã thu được nguồn thu không nhỏ.
Tài liệu tham khảo thêm về ngành kinh tế
Để có những góc nhìn thú vị nhưng cũng gần gũi về kinh tế, Tuhoc.com.vn gợi ý các bạn tìm đọc cuốn “Người trong muôn nghề: Ngành Kinh tế có gì?” – cuốn sách bao gồm những chia sẻ “thật và chất” của các tác giả – những người trực tiếp hoạt động trong đa dạng các vị trí liên quan đến khối Kinh tế.
“Người Trong Muôn Nghề: Ngành Kinh Tế Có Gì?” giúp bạn hiểu ngành Kinh tế không chỉ dừng ở những ngành nghề “truyền thống” như Kế toán, Kiểm toán, Tài chính ngân hàng, Sales, Marketing, Nhân sự, Xuất nhập khẩu,… mà còn thật nhiều những công việc thú vị khác: Tư vấn quản trị, Chuyên viên đầu tư, Thương mại điện tử, Nghiên cứu, Làm chính sách, Khởi nghiệp,…
Đây cũng là cuốn sách đầu tiên “giải ảo” các quan niệm như: Làm kinh tế, kinh doanh chẳng cần học những thứ lý thuyết mơ hồ trong trường hay Ra trường mà không làm đúng ngành, đúng nghề thì… chết. Bạn sẽ thấy: Các môn học đều có lý do để tồn tại; Ngành Kinh tế có thể phân loại được rõ ràng; Dân Kinh tế ai cũng từng ít nhiều… mông lung, ít nhiều làm trái ngành, trái nghề.
Bạn có thể đặt mua cuốn sách tại: Tiki
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.