Dưới đây là 15 cuốn sách nên đọc được gợi ý bởi dịch giả Đinh Bá Anh. Bài viết được đăng tải trên website Trạm Đọc, chúng tôi trân trọng chia sẻ lại đến bạn đọc.
Đôi lời từ Đinh Bá Anh (dịch giả)
Đọc sách đối với nhiều người là một việc nhàm chán, thậm chí là một cực hình. Phần đông người Việt Nam sau khi học xong phổ thông hoặc đại học, nhất là sau khi đã lập gia đình và có con cái, thường không bao giờ cầm đến một cuốn sách nào nữa. Đi tàu, đi máy bay, đi xe bus, thỉnh thoảng ta mới thấy những bạn trẻ đọc sách. Nói chung người lớn Việt Nam ít đọc sách và dĩ nhiên càng ít đến thư viện. Đây là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược so với những hình ảnh ta thường thấy ở các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thực ra, để trở thành người thành đạt, bạn không nhất thiết phải mê đọc sách. Mỗi người có một thế mạnh riêng, và nếu bạn biết phát huy thế mạnh của mình thì bạn sẽ thành công. Nhưng nhìn trên tổng thể, một xã hội mà các công dân của nó ít đọc sách thì xã hội ấy thực sự có vấn đề, bởi vì cho đến nay, đọc sách (kể cả sách điện tử) vẫn là cách để người ta thu nhận tri thức và cảm nhận cái đẹp một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn hẳn các hình thức nghe-nhìn.
Chính vì vậy, một xã hội ít đọc sách là một xã hội dân trí thấp. Tất nhiên, một xã hội dân trí thấp vẫn sinh ra ai đó trở thành thủ tướng hoặc triệu phú, nhưng nhìn chung, khi phải đối chọi với thế giới, xã hội ấy sẽ có sức cạnh tranh kém. Nó sẽ rất khó vươn lên thành một xã hội tri thức, nơi con người đạt tới trình độ tổ chức và công nghệ cao, mà chủ yếu nó vẫn sống dựa vào đất đai, tài nguyên và nhân công giá rẻ. Xét về mặt nhân văn, một xã hội ít đọc sách cũng là một xã hội thô lậu, kém tinh tế, rất khó sinh ra các nhà tư tưởng, nhà văn hoặc nghệ sĩ lớn.
Có người nói rằng, tất cả những điều đó đối với tôi không quan trọng. Tôi chỉ quan tâm tới bản thân, gia đình, lo làm sao để có bằng cấp, có công việc, còn xã hội thế nào tôi không quan tâm. Tôi cứ biết làm tốt việc của tôi cái đã. Đọc sách có giúp ích gì cho tôi không? Nếu không ích gì thì thà thôi đi còn hơn.
Tất nhiên, việc bạn quan tâm đến bản thân, gia đình, lo lắng về bằng cấp, công việc là những việc hoàn toàn chính đáng và đúng đắn. Bạn nên làm như vậy. Nhưng mặt khác, bạn không sống một mình hoặc chỉ sống trong gia đình. Ai cũng có bạn bè và các mối quan hệ xã hội. Ai cũng giao tiếp với người khác. Thực tế cho thấy, những người càng hiểu biết, rộng lượng, tinh tế thì càng dễ được nhiều người ủng hộ và dễ thành công trong xã hội. Ngược lại, những người dốt nát, hẹp hòi, thô lậu thường hay bị né tránh và dễ chuốc lấy thất bại. Thế nên chúng ta thấy, những người thành đạt thường rất coi trọng việc chọn trường và chọn sách cho con đọc, vì họ hiểu rằng sách có thể thay đổi con người.
Mặc dù sách quan trọng như vậy, nhưng không phải cứ đọc sách là có ích. Quả thực, có vô số cuốn sách nhảm nhí, thô thiển, không đọc còn hơn. Bởi vậy, vấn đề không chỉ là thích đọc sách, mà còn là làm thế nào để chọn được những cuốn sách hay để đọc. Đấy là một việc không dễ với nhiều bạn trẻ thiếu trải nghiệm. Tôi rất hiểu điều này vì chính mình cũng từng ở hoàn cảnh như vậy, và đến nay tôi vẫn rất biết ơn những bậc đàn anh hoặc những người bạn đã tặng sách hoặc giới thiệu cho tôi những cuốn sách nên đọc.
Được sự gợi ý của chị Lê Thị Minh Hồng, một người bạn cũ từ hồi chúng tôi còn du học ở Berlin, tôi rất vui được giới thiệu với các bạn trẻ 15 cuốn sách hay theo quan điểm và trải nghiệm cá nhân. Nhìn chung, những cuốn sách này có thể giúp bạn hai việc: nâng cao năng lực nhận thức và nâng cao khả năng cảm nhận, nghĩa là nó giúp cho lý trí bạn sắc bén hơn và tâm hồn bạn giàu có hơn. Khi lý trí của bạn đã sắc bén và tâm hồn bạn đã giàu có, bạn sẽ trở nên tự tin, hiểu biết, khoáng đạt và khiêm tốn. Bạn sẽ biết bạn là ai, bạn có thể làm gì, bạn nên làm gì và bạn có thể đặt ra những mục tiêu gì cho tương lai. Bạn sẽ thành người tự do trong hành động, đồng thời sống có trách nhiệm trong gia đình và xã hội.
Dĩ nhiên, tôi không hề có ý nói rằng, khi bạn đã đọc những cuốn sách này thì nhất định bạn sẽ thay đổi thành một người khác tốt hơn. Cuộc sống thật vô cùng đa dạng và người ta có thể chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó sách cũng chỉ là một nguồn (dù là một nguồn quan trọng). Nếu một trong những cuốn sách này khiến bạn thấy khó hiểu hoặc chán thì bạn cũng đừng vội nản, bạn hãy để sang một bên, có thể nhiều năm sau đọc lại bạn sẽ thấy thích. Nhưng nếu có một cuốn sách khiến bạn thấy thích thú, mang lại cho bạn cảm giác sảng khoái bởi tri thức hoặc vẻ đẹp của nó, thì bạn hãy lắng nghe và trân trọng cảm giác của mình. Nhưng bạn cũng đừng phạm sai lầm bằng cách vội vã cho rằng tất cả những điều bạn đọc được là chân lý. Bạn hãy học cách ghi chép và suy tư về cuốn sách, để tự rút ra cho mình những điều bạn cho là đúng.
Chúc các bạn có những buổi đọc sách hào hứng!
– Đinh Bá Anh –
Danh mục 15 cuốn sách:
Richard David Precht – Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu? (2007)
Trên thị trường sách Việt Nam hiện nay, khó có thể tìm được cuốn sách nào bàn về triết học dành cho bạn trẻ tốt hơn cuốn Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu? của triết gia Đức Richard David Precht. Cuốn sách này không bàn những vấn đề kinh viện, mà nó bàn ngay vào ba câu hỏi mà con người luôn phải đối diện trong cuộc sống: Tôi có thể biết gì? Tôi nên làm gì? và Tôi có quyền hy vọng gì?
Cuốn sách cũng rất hạn chế bàn những vấn đề chung chung, mà nó luôn bắt người ta phải đối diện với những vấn đề thực tế trong xã hội hiện nay: Có nên thực hành án tử hình không? Có nên nạo phá thai không? Có nên giết động vật không? Có nên cho phép nhân bản vô tính không? Có nên trợ tử không? Hạnh phúc là gì? Tại sao chúng ta yêu? Tự do là gì? Mục đích cuộc sống là gì?
Richard David Precht đưa độc giả đi qua hành trình mấy nghìn năm triết học để loại bỏ những tư tưởng sai lầm và chắt lọc những tư tưởng vẫn còn được coi là đúng đắn hoặc vẫn được tiếp tục thảo luận. Đây là cuốn cẩm nang quan trọng để các bạn trẻ hình dung ra quy mô các vấn đề trong xã hội hiện đại, để bạn trả lời cho câu hỏi: Bạn là ai? Bạn đang sống ở thời đại nào? Bạn nên làm gì?
Murakami Haruki – Rừng Na Uy
Rừng Na Uy là cuốn tiểu thuyết đã bán được 7 triệu bản ở Nhật Bản và có ảnh hưởng lớn tới nhiều thế hệ thanh niên Nhật từ hơn 20 năm nay. Cuốn sách được Nhà xuất bản Văn Học in lần đầu năm 1997 ở Việt Nam nhưng bị cắt xén nhiều đoạn “nhạy cảm”. Bản dịch của Trịnh Lữ do Nhã Nam in năm 2006 là bản dịch đầy đủ và đã có tiếng vang đáng kể ở Việt Nam. Trên các mạng xã hội hiện nay có hàng trăm topic tranh luận về cuốn sách này cho thấy sự quan tâm của giới trẻ Việt Nam tới tác phẩm.
Rừng Na Uy kể về cuộc sống của giới trẻ Nhật Bản những năm 1960, thời kì nước Nhật phát triển kinh tế mạnh mẽ. Watanabe Toru là một sinh viên đã trải qua hàng chục cuộc tình chóng vánh với nhiều cô gái, nhưng mối tình sâu nặng nhất của anh lại dành cho Naoko, bạn gái của người bạn thân. Những người trẻ tuổi khao khát đi tìm cảm giác sống và khẳng định bản thân, nhưng họ thường bị vấp ngã bởi những ngộ nhận do sự hời hợt, thiếu hiểu biết và ngụy biện. Cuộc sống của nhiều bạn trẻ thông minh và nhạy cảm đã kết thúc bằng cái chết.
Những bạn trẻ ở tuổi 20 nên đọc cuốn sách này để cảm nhận tâm trạng của giới trẻ Nhật Bản khi nước này đang ở một gian đoạn phát triển khá giống với Việt Nam hiện nay. Cũng như Người dưng của Camus, Rừng Na Uy của Murakami đặt các bạn trẻ đối diện với câu hỏi: Tôi phải sống như thế nào cho đúng?
Albert Einstein – Thế giới như tôi thấy (1931)
Einstein được nhiều tạp chí uy tín chọn là “con người vĩ đại nhất của thế kỉ 20” vì thuyết tương đối của ông đã thay đổi nhận thức của loài người về không gian, thời gian và bản chất của vũ trụ. Nhưng Einstein không chỉ là một nhà khoa học, ông còn là một người chồng, một người cha, một nhà hoạt động chính trị bền bỉ và một diễn giả tài hoa. Cuốn sách Thế giới như tôi thấy là tập hợp những bài viết và bài phát biểu của ông trong nhiều dịp khác nhau. Chúng bộc lộ nhiều khía cạnh trong con người vừa sâu sắc vừa giản dị của Einstein. Cuốn sách được viết bằng một giọng văn trong sáng, dễ hiểu, hài hước. Nó đề cập đến một loạt chủ đề quan trọng như: lý tưởng sống, quan niệm về tự do và công lý, quan niệm về niềm tin và quan niệm về cái đẹp từ góc nhìn cá nhân của tác giả.
Một số trích dẫn từ cuốn sách:
“Cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng thảng thốt hay kinh ngạc, kẻ đó có thể coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình.”
“Cái mà tôi cho là có giá trị đích thực trong các hoạt động của con người không phải là nhà nước, mà là cá thể sáng tạo và cá thể cảm nhận, là cá nhân: Chỉ cá nhân mới vượt lên, tạo dựng được những giá trị chân quý và cao cả, trong khi bầy đàn, xét như bầy đàn, vẫn mãi trì độn trong tư duy và trong cảm xúc.”
Albert Camus – Người dưng (1942)
Cuốn tiểu thuyết mỏng của Albert Camus đã được dịch ở Sài Gòn trước 1975 dưới nhan đề Người xa lạ, nhưng tôi giới thiệu với các bạn bản dịch của Dương Tường vì văn phong của nó gần gũi với độc giả hiện nay. Đây là một cuốn tiểu thuyết dễ đọc, nhưng nó rất đa nghĩa và không dễ hiểu. Nhưng ngay cả khi bạn không hiểu hết cuốn sách thì điều đó cũng không quan trọng. Điều quan trọng hơn là cuốn sách sẽ khiến bạn choáng váng. Song đấy là một trạng thái choáng váng tích cực, vì bạn sẽ phải tự dằn vặt, tự đặt ra những câu hỏi cho bản thân mình. Tác phẩm này miêu tả tâm thế của con người trong xã hội đô thị hiện đại, nơi mà các mối ràng buộc về gia đình và họ tộc ngày càng trở nên lỏng lẻo, một trạng thái xã hội rất gần với trạng thái xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Albert Camus là triết gia và nhà văn Pháp thiên tài, được trao giải Nobel văn chương năm 1957 vì ông đã “đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta“.
Người dưng là một tác phẩm lạ thường kể về một người đàn ông còn trẻ bị tống giam vì tội giết người và rồi sẽ bị kết án tử hình. Anh ta bị vướng vào tội ác một cách hết sức phi lý mà không hề ý thức được. Trong thời gian bị giam giữ, anh ta hồi tưởng lại các kinh nghiệm và đi đến trạng thái thức tỉnh và nổi loạn, nhưng tất cả đều đã quá muộn. Người dưng là một trong những tác phẩm cột trụ của văn học thế giới thế kỷ 20, vì nó đặt ra những câu hỏi nhức nhối: Tôi đang sống trong một thế giới như thế nào? Tôi phải ứng xử như thế nào cho đúng? Và tôi được quyền hy vọng gì ở tương lai?
Như đã nói, đây là một cuốn tiểu thuyết có thể khiến bạn choáng váng và hoang mang, nhưng bạn đừng sợ. Dù sao tác phẩm này cũng đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình trung học phổ thông ở Pháp, nghĩa là nó không đến nỗi “nguy hiểm”. Ngay cả quan niệm hiện sinh đặc trưng của Camus dưới đây cũng được các học sinh và sinh viên Pháp tranh luận nghiêm túc:
“Chỉ có một vấn đề triết lý thực sự nghiêm chỉnh, đó là tự tử. Xét xem đời đáng sống hay không đáng sống, là trả lời cho câu hỏi cơ bản của triết học.”
(Camus, Huyền thoại Sisyphus, Thụy Khuê dịch).
Nếu bạn quan tâm tới xã hội phương Tây hiện đại cũng như sự phát triển của tất cả các ngành khoa học xã hội, văn học và nghệ thuật phương Tây, bạn không thể không đọc tác phẩm này.
Ken Schoolland – Gullible du ký – Trường ca Odyssey về thị trường tự do (2008)
Cuốn sách có cái tên khá phức tạp này thực ra lại rất dễ đọc. Chủ đề chính của sách là kinh tế, nhưng rõ ràng đây không phải một cuốn sách giáo khoa khô cứng, mà là tập hợp những câu chuyện được kể cực kì sinh động. Nó đặt ra những câu hỏi rất căn bản của nền kinh tế như: Sở hữu nhà nước hay sở hữu tư nhân? Ai là người có quyền in tiền? Nhà nước có nên can thiệp vào thị trường hay không? Tại sao quốc gia này giàu còn quốc gia khác nghèo?
Mục đích của tác giả khi xuất bản cuốn sách này là ông muốn biến những vấn đề kinh tế khô khan trở nên hấp dẫn, khiến cho những học sinh trung học vẫn có thể đọc được. Gullible du kí kể câu chuyện cậu bé Gullible lạc lên một hòn đảo, nơi cậu gặp một cộng đồng dân cư kỳ lạ. Câu chuyện nhấn mạnh đến tính kỳ quái của các điều luật, sự kiểm soát, áp đặt lên đời sống của người dân và những hạn chế về mặt kinh tế từ các điều luật đó. Ta có thể dễ dàng nhận thấy các luật lệ này, trên thực tế, khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Cuốn sách này giúp các bạn trẻ biết cách đặt câu hỏi và suy tư về những vấn đề đang được tranh cãi gay gắt ở Việt Nam hiện nay như: Sở hữu đất đai tư nhân hay sở hữu đất đai toàn dân? Kinh tế tư nhân hay kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo? Kinh tế thị trường tự do hay kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa? Ngay cả khi bạn không hoạt động trong các lĩnh vực liên quan tới chính sách kinh tế thì cuốn sách vẫn có thể giúp bạn có quan điểm về những vấn đề này, để bạn có thể đánh giá những chính sách mà các nhà chính trị đưa ra.
Jared Diamond – Súng, vi trùng và thép, định mệnh của các xã hội loài người
Đây là một cuốn sách đặc biệt quan trọng và gây thảo luận sôi nổi khắp thế giới, mang lại danh tiếng cho Jared Diamond như là một trong những tư tưởng gia hàng đầu hiện nay. Cuốn sách không hề dễ đọc, nhưng việc đọc nó chắc chắn sẽ giúp bạn có được những nhận thức mới mẻ và độc đáo về các xã hội loài người.
Ở đây tôi chỉ xin lấy một ví dụ cho thấy học thuyết của Diamond có thể giúp bạn giải thích một câu chuyện mà người Việt Nam hầu như ai cũng từng nghe.
Câu chuyện đó như thế này: Người Việt dạy học sinh rằng Việt Nam tự hào là một nước “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”, còn người Nhật dạy học sinh rằng Nhật Bản là một nước nghèo tài nguyên, thường xuyên bị động đất. Kết quả là Việt Nam trong thế kỉ 21 vẫn là một trong những nước nghèo, còn Nhật Bản cách đây 100 năm đã trở thành một cường quốc giàu có.
Ý nghĩa của câu chuyện trên là gì? Là nó phê phán cách dạy sai trái của người Việt Nam và ca ngợi cách dạy đúng đắn của người Nhật Bản. Nhưng nó cũng truyền tải một thông điệp như thế này: Quốc gia có điều kiện tự nhiên kém hơn (Nhật Bản) lại phát triển hơn quốc gia có điều kiện tự nhiên tốt hơn (Việt Nam).
Tuy nhiên, dưới ánh sáng của học thuyết Diamond thì toàn bộ câu chuyện trên chỉ là một câu chuyện tào lao.
Diamond cho rằng, sở dĩ xã hội này phát triển hơn xã hội khác trước hết là do nó sở hữu một loạt những lợi thế về môi trường (địa lý, khí hậu). Nhật Bản phát triển sớm hơn Việt Nam vì nó sở hữu những điều kiện tự nhiên tốt hơn. Khí hậu ôn đới với 4 mùa rõ rệt của Nhật Bản, nơi có lượng mưa vừa đủ và độ ẩm không quá cao, cho phép người ta cấy trồng và lưu giữ sản vật. Độ ẩm thấp khiến cho các công trình xây dựng làm từ gạch, gỗ có thể trụ được lâu dài. Tri thức lưu giữ dưới dạng sách da, sách thẻ tre hoặc sách giấy cũng được bảo quản tốt hơn, do đó thế hệ sau có thể dễ dàng kế tục và nhân rộng tri thức của thế hệ trước.
Từ thế kỉ 6, ở Nhật Bản đã có những thư viện lớn cho giới quý tộc, nơi tập trung lưu giữ một lượng lớn tri thức của xã hội. Ngược lại, khí hậu nhiệt đới gió mùa ở miền Bắc và khí hậu nhiệt đới ở miền Nam Việt Nam với lượng mưa lớn và độ ẩm cao tuy có thuận lợi cho việc trồng cấy, nhưng lại rất bất lợi cho việc lưu giữ sản vật. Các công trình cổ xây bằng gạch, gỗ ở Việt Nam có tuổi thọ thấp. Tri thức lưu giữ dưới dạng sách chỉ tồn tại được trong một thời gian ngắn, khó bảo quản, khó nhân rộng.
Trong quá khứ, Việt Nam chỉ có những tủ sách nhỏ của các gia đình quyền quý chứ gần như không có thư viện lớn. Tri thức xã hội do đó bị phân tán, mất mát, khó được truyền lại và nhân rộng cho nhiều người. Nói một cách ngắn gọn thì khi tiếp xúc với phương Tây vào thế kỉ 19, Nhật Bản đã phát triển hơn Việt Nam đáng kể. Người Nhật Bản khi đó đã tự tin hơn người Việt Nam rất nhiều, vì họ nhận ra rằng, xã hội của họ đã ở một qui mô tổ chức cao, và họ hoàn toàn có thể đuổi kịp phương Tây nếu họ canh tân.
Tất nhiên học thuyết coi trọng thời tiết-khí hậu của Diamond không loại trừ nỗ lực của con người. Ai cũng biết rằng dù có những điều kiện môi trường thuận lợi, nhưng nếu một xã hội ở một giai đoạn nhất định thi hành những chính sách sai lầm thì xã hội đó vẫn tụt hậu như thường. Trường hợp Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên chính là một ví dụ sinh động.
Gần đây, sự vươn lên của một số quốc gia nhiệt đới-hải đảo như Singapore, Malaysia cho thấy rằng, với những cách thức tổ chức và điều kiện kỹ thuật hiện tại, con người hoàn toàn có thể vượt qua những bất lợi do thời tiết-khí hậu mang lại để xây dựng những xã hội phát triển không thua kém những xã hội phát triển ở các nước ôn đới (Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ). Độc giả Việt Nam nên suy tư về những vấn đề mà Diamond đặt ra để hiểu đúng các điều kiện tự nhiên bất lợi của Việt Nam cũng như Việt Nam cần làm gì để phát triển.
Gabriel Gacía Marques – Trăm năm cô đơn (1967)
Cuốn tiểu thuyết vĩ đại của nhà văn Colombia là cánh cửa đưa bạn vào thế giới tâm hồn châu Mỹ Latinh. Người Việt Nam thường có thái độ tôn sùng phương Tây hoặc các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), nhưng lại coi thường hoặc lạnh nhạt với các nền văn hóa khác như văn hóa Ả rập, châu Phi, Mỹ Latinh hoặc Đông Nam Á. Thái độ thiếu cởi mở này rõ ràng chỉ có hại cho việc tiếp nhận để làm phong phú thêm nền văn hóa của chính mình.
Châu Mỹ Latinh là vùng đất hòa trộn các yếu tố văn hóa châu Âu do người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mang tới với các yếu tố văn hóa bản địa. Nói đến châu Mỹ Latinh, ta không thể không nói tới những đội bóng hào hoa, những vũ điệu quyến rũ và một nền văn học huyền ảo làm say mê lòng người. Trăm năm cô đơn là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của dòng văn học này, mang lại giải Nobel cho Gabriel Cacía Marques và đưa tâm hồn Mỹ Latinh ảnh hưởng khắp thế giới. Ở châu Á và Việt Nam, không khó để nhận ra dấu vết của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong các tiểu thuyết của Murakami, Mạc Ngôn và Bảo Ninh.
Tôi xin trích khổ văn đầu tiên của tác phẩm để các bạn có cảm nhận ban đầu về văn phong đặc sắc của nhà văn này:
“Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình, đại tá Aurêlianô Buênđya đã nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, cái buổi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá. Thời ấy Macônđô là một làng gồm vài chục nóc nhà tranh vách đất dựng bên bờ con sông nước trong như pha lê, ào ào chảy qua những tảng đá nhẵn thín, trắng bong, to như những quả trứng thời tiền sử. Thế giới lúc ấy còn ở buổi hồng hoang, chưa có tên gọi các đồ vật và để gọi chúng cần phải dùng ngón tay chỉ đích vào từng cái một. Cứ vào tháng ba hàng năm, một gia đình digan rách rưới dựng một túp lều bạt ngay cạnh làng, rồi với tiếng kèn trống om xòm quảng cáo những phát minh mới. Ðầu tiên, họ mang tới đá nam châm. Một người digan lực lưỡng, hàm râu lởm chởm, bàn tay lông lá, tự giới thiệu mình tên là Menkyađêt, làm ngay một thí nghiệm kinh rợn trước công chúng về cái mà chính ông ta gọi là kỳ quan thứ tám của các thuật sĩ luyện đá giả kim uyên bác xứ Maxêđoan. Từ nhà này sang nhà khác ông ta kéo hai thỏi kim loại đã nhiễm từ, và thế gian kinh ngạc khi nhìn thấy sanh, chảo, vạc, kìm, bếp lò rơi đổ ngổn ngang, đồ gỗ kêu cọt kẹt bởi đinh, ốc vít đang như muốn tuột ra khỏi chúng, và hơn nữa, những vật bằng sắt bị mất từ lâu bỗng lại ló ra ở ngay nơi chủ nó từng mất công tìm kiếm…”
Milan Kundera – Đời nhẹ khôn kham (1984)
Milan Kundera có lẽ là nhà văn châu Âu có ảnh hưởng mạnh nhất hiện nay, xét trên phạm vi toàn cầu. Khó có nhà văn nào mổ xẻ văn hóa châu Âu và con người châu Âu hiện đại tinh tế hơn ông.
Đời nhẹ khôn kham là cuốn tiểu thuyết bàn về “sự nhẹ tênh của đời sống“. Tomas, nhân vật chính, là một bác sĩ phẫu thuật ở Praha. Anh chỉ yêu duy nhất Tereza và sống chung với cô, nhưng anh lại cho phép mình đồng thời quan hệ tình dục với nhiều người phụ nữ khác mà không hề cảm thấy cắn rứt. Anh tự tạo cho mình một triết lý về sự “nhẹ tênh” của đời sống, trong đó anh phân biệt rất rõ tình yêu và tình dục và cho rằng chúng hoàn toàn có thể tách rời nhau. Sau sự kiện “mùa xuân Praha” 1968, Tomas và Tereza chạy sang Thụy Sĩ. Tomas tiếp tục có các vụ ngoại tình và Tereza dần cảm thấy cuộc sống thật “nặng nhọc”. Cô chạy trốn khỏi Tomas để trở về Tiệp Khắc. Lúc này Tomas mới cảm thấy thiếu cô, nên anh cũng bỏ Thụy Sĩ để trở về Praha tìm cô. Trong bầu không khí chính trị nặng nề ở Tiệp Khắc hồi đó, Tomas bị mất việc làm. Anh phải lau cửa kính và cuối cùng là làm nghề nông để kiếm sống.
Cũng như ở các tiểu thuyết khác của Milan Kundera, các nhân vật trong Đời nhẹ khôn kham liên tục suy tư và nhận thức về đời sống khi họ vấp phải những vấn đề thường nhật như tình yêu, tình dục, tiền bạc, quan điểm đạo đức hoặc chính trị.
George Orwell – Chuyện ở nông trại (1945)
Hiện nay người ta vẫn chưa thể nói về George Orwell một cách thoải mái ở Việt Nam, vì tính chất “nhạy cảm chính trị” của nhà văn này. Chuyện ở nông trại đến nay vẫn là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất của Orwell được phép xuất bản ở Việt Nam. Nhưng dĩ nhiên, nói về Orwell thì không thể không nói đến chính trị, vì ông đích thực là một “nhà văn chính trị”, hiểu theo nghĩa đen của từ này.
Lâu nay người ta thường có ác cảm với “văn học chính trị” vì họ cho rằng văn học nên tách rời khỏi chính trị và nhà văn thì không nên can dự vào chính trị. Tuy nhiên chính trị lại là một trong những hoạt động sôi nổi và quan trọng nhất của loài người, nơi người ta bộc lộ những quan điểm và đam mê mãnh liệt, cho nên một khi văn học né tránh chính trị thì tức là nó cũng né tránh luôn cả đời sống. Trên thực tế, một nhà văn đích thực ngay cả khi không can dự vào các hoạt động chính trị thì ông ta vẫn không thể không suy tư về chính trị. George Orwell vừa là một nhà báo, vừa là một nhà hoạt động chính trị, vừa là nhà văn, và ông đã thực hiện những công việc này với niềm đam mê và kết quả xuất sắc.
Sinh năm 1903 ở Ấn Độ khi nước này còn nằm dưới sự cai trị của đế chế Anh, George Orwell đã có dịp trải nghiệm thực tế các xã hội thuộc địa từ rất sớm, nên ông đã sớm tỏ ra chán ghét chủ nghĩa đế quốc. Nhờ việc thường xuyên tiếp xúc với các tầng lớp dân nghèo ở Ấn Độ, Miến Điện, châu Âu lục địa và Anh, ông ý thức rõ về việc cần có một cuộc cách mạng xã hội để mang lại tự do và cơ hội bình đẳng cho những người ở tầng lớp dưới. Tháng 12 năm 1936, ông cùng vợ sang Catalonia, Tây Ban Nha để chiến đấu cho Đảng Công nhân Liên minh mác-xít (POUM) chống lại lực lượng phát-xít do Francisco Franco cầm đầu. Những trải nghiệm của Orwell ở Tây Ban Nha khiến cả đời ông tin tưởng vào chủ nghĩa dân chủ xã hội, nghĩa là chủ nghĩa xã hội kết hợp với tự do tranh luận và tự do bầu cử. Nhưng cũng trong thời gian này, vợ chồng ông đã phải chạy trốn sự thanh trừng theo kiểu Stalin trong phút chót. Chính kinh nghiệm này đã ám ảnh George Orwell, khiến ông viết nên hai kiệt tác: Chuyện ở nông trại (có bản dịch là Trại súc vật) và 1984, kể về bi kịch của cách mạng vô sản.
Chuyện ở nông trại kể về cuộc nổi loạn của đám gia súc chống lại ông chủ trại. Cuộc nổi loạn được đám lợn dẫn đầu dưới sự lãnh đạo của một con lợn chúa tên là Napoleon (Nã Phá Luân). Sau khi chiếm được nông trại, đám gia súc liền tiến hành một cuộc cách mạng xã hội bằng cách tuyên bố “mọi con vật đều bình đẳng”. Thế nhưng theo thời gian, khi nắm quyền lực trong tay, đám lợn dần trở nên hợm hĩnh và lộng quyền. Chúng kiểm soát tất cả các hoạt động trong nông trại và không cho những con vật khác được quyền lên tiếng. Rốt cuộc, chúng tạo ra một xã hội mà ở đó, thay vì “mọi con vật đều bình đẳng” thì lại luôn có “những con vật khác bình đẳng hơn”.
Từ thời cải cách mở cửa, Chuyện ở nông trại đã được dịch và xuất bản nhiều lần ở Trung Quốc, thậm chí người ta còn cho in những bản rút gọn hoặc chuyển thể truyện tranh cho trẻ em. Nhưng ở Việt Nam, phải tới năm 2013, độc giả mới được đọc một bản dịch của Georg Orwell dưới dạng sách xuất bản chính thức.
Bùi Văn Nam Sơn – Trò chuyện triết học (2012)
Bùi Văn Nam Sơn có thể được coi là triết gia đích thực và duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Ông sinh năm 1947 ở Quảng Nam, học triết học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1964-1968. Từ 1968, ông qua Đức du học khoa Triết tại đại học J.W.Goethe ở Frankfurt. Ông là học trò của hai triết gia lớn nhất còn sống của Đức hiện nay là Habermas và Otto Apel. Từ 10 năm trở lại đây, Bùi Văn Nam Sơn đã lần lượt dịch những tác phẩm kinh điển quan trọng nhất của triết học Đức sang tiếng Việt, như bộ ba cuốn Phê phán của Kant và các tác phẩm chính của Hegel. Ông là học giả quan trọng nhất đảm nhận việc hiệu đính và viết lời giới thiệu cho các bản dịch sách tinh hoa của Nhà xuất bản Tri Thức. Nhà văn Nguyên Ngọc nói về Bùi Văn Nam Sơn: “Một sự uyên bác thực sự cộng với một tài năng đặc biệt không dễ tìm ra; một lối viết triết học cho số đông công chúng thật tài hoa, duyên dáng”.
Trò chuyện triết học tập hợp 92 bài viết của ông đăng rải rác trên tạp chí Sài Gòn Tiếp Thị, bàn về các vấn đề của cuộc sống hôm nay dưới lăng kính triết học. Cuốn sách đã gây tiếng vang lớn khi ra mắt tháng 6/2012 tại Sài Gòn khi độc giả kéo đến đông nghịt để nghe tác giả diễn thuyết. Nhân sự kiện này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh nhận xét: “Với cuốn sách này, triết học đã đi vào công chúng, và chúng ta đã có một nhà nghiên cứu triết học xuống đường để làm việc đó xứng đáng. Triết học là khoa học bao trùm rộng lớn mọi vấn đề của vũ trụ, con người, là môn học đẻ ra các ngành khoa học. Triết học thật sự là chất xúc tác cho tư duy, là tiền đồ cho một xã hội tri thức. Nếu không có triết học, xã hội sẽ như con thuyền không bánh lái”.
Còn Nhà sử học Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: “Cách diễn đạt của ông rất gần với công chúng, không coi mình cao hơn công chúng, mình và công chúng như nhau. Chính sự tôn trọng ấy đã giúp tôi không thấy mình thấp hơn người đang truyền đạt kiến thức, và rất thoải mái khi đọc ông”. Đáp lại những chia sẻ đó, Bùi Văn Nam Sơn nói: “…Rõ ràng lâu nay mình đã lãng quên vai trò triết học: đó là phải đi vào cuộc sống. Triết học cắt đứt đối thoại thì không còn gì để suy nghĩ nữa. Chính cuộc sống làm cho triết học tươi xanh… Những hiện tượng văn hoá rất bình thường đều có chất lượng triết học. Phải có công cụ suy nghĩ và những triết gia biết cách chuyển tải, thể hiện những vấn đề bình thường nhất của con người như: Thế nào là cuộc đời đáng sống? Tình cảm là gì? Có tình cảm có lý trí không? Con người là gì? Nhân cách là gì?… Đó là những vấn đề hàng ngày, bất tận, như là bản thân cuộc đời… Đi ngược với tinh thần đó là lạc hậu, phản bội lại triết học.”
Nhìn chung Trò chuyện triết học là một cuốn sách sâu sắc, được viết bằng văn phong giản dị, trong sáng, dễ hiểu, và cũng là cuốn sách đầu tiên do một học giả Việt Nam viết thuộc thể loại này. Nó xứng đáng được thế hệ trẻ Việt Nam trân trọng, tìm đọc, và nếu có thể thì cùng tranh luận hoặc đối thoại.
Vũ Trọng Phụng – Số đỏ (1938)
Những tác phẩm văn học lớn thường có sức sống vượt thời gian, cho dù chúng gặp số phận long đong. Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là một tác phẩm như vậy. Xuất bản năm 1938, Số đỏ bị cấm trên toàn Miền Bắc từ 1954-1975 và trên cả nước tới năm 1986. Chỉ từ khi Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới, người ta mới nhìn lại Vũ Trọng Phụng và thừa nhận ông là một trong những nhà văn lớn của Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám, bên cạnh Nhất Linh, Nam Cao…
Các bạn trẻ Việt Nam ngày nay có lẽ ai cũng biết Số đỏ, vì Vũ Trọng Phụng đã được đưa vào giới thiệu trong chương trình ngữ văn phổ thông. Mặc dù vậy tôi vẫn khuyên các bạn nên đọc lại và đọc kỹ tác phẩm này. Nếu trong các tác phẩm của Nam Cao, con người ta dù bị rơi vào những hoàn cảnh khốn cùng như Chí Phèo, Thị Nở, anh giáo Thứ… thì họ vẫn luôn giữ được tính người; ở Nam Cao, ta luôn nhận ra các tuyến nhân vật tốt-xấu một cách rõ ràng, thì ở Vũ Trọng Phụng, các nhân vật đều sống một đời sống suy đồi không phanh. Số đỏ là một tác phẩm mà ở đó, chúng ta không thấy có nhân vật nào là chính diện hay phản diện, không có ai là người thực sự tốt hoặc thực sự xấu, mà nhìn chung tất cả đều bị quay cuồng trong guồng máy danh lợi. Số đỏ vẽ ra một bức tranh quái dị về một xã hội không còn điểm tựa đạo đức, tất cả chỉ còn được đo bằng tiền bạc hoặc danh tiếng. Một kẻ láu cá vặt, chuyên lượm banh và quảng cáo thuốc lậu lại được mời vào hội Khai trí và được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh. Một bà dâm đãng bậc nhất được trao danh hiệu “tiết hạnh khả phong”. Chạy suốt tác phẩm là giọng văn trào phúng với tiếng cười cay đắng.
Rõ ràng Số đỏ không phải tác phẩm văn học mà ở đó ta có thể học được những tấm gương về đạo đức, ý chí hay tình thương, nhưng nó mang lại cho ta sự hiểu biết và tiếng cười. Nó giúp ta nhận diện các vấn đề có thực và nhức nhối của xã hội cũng như con người, khiến ta phải suy nghĩ.
Nguyễn Ngọc Tư – Cánh đồng bất tận (2005)
Tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận đã biến Nguyễn Ngọc Tư từ một nhà văn tỉnh lẻ (Cà Mau) thành nhà văn nổi tiếng toàn quốc. Cánh đồng bất tận đã vượt ra được tính “vùng miền” để trở thành một tác phẩm văn học có sức lay động, khi nó đề cập đến thiện tính của con người trong những hoàn cảnh khốn cùng ở miền sông nước Nam Bộ. Cánh đồng bất tận đã bị Ban Tuyên giáo tỉnh Cà Mau đề nghị thu hồi vì “vẽ ra một bức tranh đen tối” về cuộc sống của người dân lục tỉnh, nhưng cũng may nó lại được Hội Nhà văn bảo vệ và trao giải thưởng.
Các bạn trẻ nên đọc Cánh đồng bất tận để vừa thưởng thức một tác phẩm văn học hay vừa cảm nhận được tâm hồn người dân vùng sông nước Nam Bộ, cái nôi nuôi dưỡng văn hóa Miền Nam và đô thị Sài Gòn.
Bảo Ninh – Nỗi buồn chiến tranh (1995)
Nếu bạn ra nước ngoài và có ai đó hỏi bạn về văn học Việt Nam, tôi khuyên bạn nên giới thiệu Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Cho dù từ năm 1988, sau cuộc chiến cuối cùng ở Trường Sa, Việt Nam về cơ bản đã không còn chiến tranh nữa, nhưng chiến tranh vẫn để lại dấu ấn sâu trong xã hội. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam kéo dài suốt 30 năm từ 1945 đến 1975 với sự tham gia của hai cường quốc Pháp và Mỹ là cuộc chiến tàn khốc nhất của thế kỉ. Sau năm 1975, Việt Nam tiếp tục là một chiến trường khi phải đối đầu với quân Khơme Đỏ phía tây nam và quân Trung Quốc phía bắc (1979). Ở Việt Nam hiện nay, những người sinh từ năm 1970 trở về trước đều ít nhiều còn giữ kí ức về chiến tranh và xã hội thời chiến. Bởi vậy, muốn hiểu những thế hệ trước, các bạn trẻ ngày nay không thể không đọc về chiến tranh.
Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh Việt Nam, gây tiếng vang lớn trên phạm vi quốc tế, được nhanh chóng dịch ra tiếng Anh và đã bán được trên 100.000 bản ở Mỹ, con số sách bán kỷ lục của một tác giả Việt Nam ở nước ngoài. Tác phẩm kể về một thế hệ thanh niên trong một cuộc chiến tàn khốc, hủy diệt, những con người để tuổi trẻ trôi đi trong bom đạn và những cơn mưa rừng, trong cô đơn và lãng quên, và trên hết là nỗi buồn. Ta không thấy trong Nỗi buồn chiến tranh tâm trạng “đường ra trận mùa này đẹp lắm” như ở các bài ca chống Mỹ, mà là một tâm trạng đau xót, mất mát, tiếc nuối của tuổi trẻ. Một tâm trạng chán ghét chiến tranh và khao khát hòa bình.
Mặc dù bị một số tướng lĩnh quân đội phản đối, cho rằng tác phẩm miêu tả không đúng tâm trạng của người lính chống Mỹ, nhưng Nỗi buồn chiến tranh vẫn giành được sự đồng cảm sâu rộng của những cựu chiến binh và độc giả Việt Nam. Xét về mặt văn chương, Nỗi buồn chiến tranh (còn có tên khác là Thân phận của tình yêu) cũng là một tác phẩm hấp dẫn và gây xúc động, một câu chuyện tình đẹp và đau đớn. Sau đây là một trích đoạn tác phẩm:
“Mùa khô ấy, nắng to gió lớn, rừng bị ướt đẫm xăng đặc, cuồn cuộn lửa luyện ngục. Các đại đội đã tan tác đang cố co cụm, lại bị đánh tan tác. Tất cả bị na-pan tróc khỏi công sự, hóa cuồng, không lính không quan gì nữa rùng rùng lao chạy trong lưới đạn dày đặc, chết dúi ngã dụi vào biển lửa. Trên đầu trực thăng rà rạp các ngọn cây và gần như thúc họng đại liên vào gáy từng người một mà bắn. Máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc, nhoe nhoét. Trên cái trảng hình thoi ở giữa truông, cái trảng mà nghe nói đến ngày nay cỏ cây vẫn chưa lại hồn để mọc lên nổi, thân thể giập vỡ, tanh bành, phùn phụt phì hơi nóng.
“Thà chết không hàng…Anh em, thà chết…” – tiểu đoàn trưởng gào to, như điên, mặt tái dại, hốt hoảng hoa súng ngắn lên, và ngay trước mắt Kiên anh ta tự đọp vào đầu, phọt óc ra khỏi tai, Kiên líu lưỡi, kêu Oá Oá trong họng. Bọn Mỹ xông tới, tiểu liên kẹp bên sườn.
Đạn dày đặc tủa tới như đàn ong lửa. Kiên nấc to, buông súng ôm lấy một bên hông và khuỵu ngã; thong thả lăn từng vòng, từng vòng xuống lòng suối cạn, máu nóng hổi rưới đẫm bờ dốc thoải.
Những ngày sau đó quạ bay rợp trời, và sau khi bọn Mỹ rút thì mưa mùa ập xuống, lụt rừng. Bãi chiến trường biến thành đầm lầy, mặt nước màu nâu thẫm nổi váng đỏ lòm. Trên mặt nước lềnh bềnh xác người sấp ngửa, xác muông thú cháy thui, trương sình trôi lẫn với cành lá và những thân cây to nhỏ bị mảnh pháo băm. Khi lũ tan, mọi vật trồi ra dưới nắng lầy nhầy bọc trong lớp bùn đặc ghê tanh như thịt thối, Kiên lết dọc suối, mồm và vết thương không ngừng nhỏ máu, thứ máu của xác chết, lạnh và nhớt. Rắn rết bò qua người anh. Thần chết sờ soạng...”
Barack Obama – Những giấc mơ từ cha tôi (2004) & Hy vọng táo bạo, Suy nghĩ về việc tìm lại giấc mơ Mỹ (2006)
Giờ đây nhiều người chỉ nhìn thấy ở Barack Obama vị Tổng thống đời thứ 44 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, con người quyền lực nhất hành tinh, mà ít để ý rằng ông đã từng là một người dùng ma túy, nhiều lúc gặp thất bại, chùn bước, thậm chí muốn bỏ cuộc. Hai cuốn sách Giấc mơ của cha tôi và Hy vọng táo bạo xuất bản trong các năm 2004 và 2006 là những tác phẩm hay nhất mà một chính khách đã từng viết ra. Chúng miêu tả những vấn đề nhức nhối của nước Mỹ như sự bất đồng, sự kì thị chủng tộc, khoảng cách giàu nghèo và nhất là sự mất niềm tin vào chính trị. Ở đây Barack Obama đã cho thấy, ông không chỉ là một diễn giả bậc thầy mà còn là một cây bút thượng thặng với bề dày kiến thức đông tây kim cổ và khả năng lý luận siêu phàm.
Điều thú vị là cả hai cuốn sách đều được Barack Obama viết khi ông mới chỉ là thượng nghị sĩ, vào các năm ông mới 43 và 45 tuổi, thời điểm mà chẳng mấy ai tin rằng rồi đây tác giả của nó sẽ trở thành tổng thống tương lai. Đọc lại hai cuốn sách này, các bạn có thể nhận thấy, Obama đã biết mình phải làm gì từ rất sớm. Hàng loạt ý tưởng lớn về những điều ông sẽ làm với nước Mỹ đã được ông trình bày trong hai cuốn sách này. Nó cho thấy, ngay cả ở một chính khách, người thường xuyên phải thỏa hiệp và thay đổi, thì tư tưởng vẫn có thể đi trước và quyết định hành động như thế nào.
Một điểm thú vị nữa của hai cuốn sách là Obama luôn biết dẫn dắt độc giả đi tới những vấn đề chung từ trải nghiệm và góc nhìn cá nhân. Đó là những trải nghiệm của ông từ khi học phổ thông, học đại học, cho tới khi đi làm, lập gia đình, có con và sống cuộc sống của người bình thường tới năm 35 tuổi khi ông quyết định dấn thân vào chính trị. Nhờ khả năng luôn biết đặt mình vào vị trí của một người dân bình thường chứ không phải một chính khách, ông đã nhận diện và mổ xẻ được những vấn đề liên quan đến số đông, đồng thời ông cũng học được cách nói giản dị về những vấn đề hóc búa để số đông hiểu được.
Đây là hai cuốn sách mà các bạn trẻ nên đọc để hiểu chân dung của một trong những vị chính khách có tầm vóc và có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay, không chỉ là ảnh hưởng về quyền lực mà còn cả về tư tưởng.