Bài viết ‘6 bước tối giản cách bạn tiêu thụ thông tin‘ được sưu tầm từ Series Thử rồi thích của Vietcetera.
“Trong một thế giới thừa thãi, điều khan hiếm duy nhất là sự chú ý của con người.” – Herbert Simon.
Câu nói này đã được phát biểu từ năm 1971. Thế nhưng đến tận 50 năm sau, ở thời đại công nghệ phát triển nhanh hơn tốc độ cập nhật của luật pháp, nó vẫn khiến người ta cảm thấy đồng cảm hơn bao giờ hết.
Nếu bạn đang cảm thấy rằng công nghệ đang “thao túng” sự chú ý của bản thân, thì kẻ có lỗi không hẳn là công nghệ. Mà khả năng là do cách bạn tiêu thụ thông tin đang trao quyền kiểm soát cho nó quá lớn.
Giống như cách những bức tường phân chia khu vực trong nhà, bạn vẫn có thể sống chan hoà với công nghệ bằng cách đặt ra những giới hạn phù hợp. Bên dưới các bước gợi ý để bạn tiến tới sự cân bằng đó.
Bước 1: Xác định “đối tượng” đang lấn át cuộc sống của bạn
Instagram, Twitter, YouTube, Netflix, Facebook, Messenger, Whatsapp… – Có nơi nào trong những chốn hấp dẫn này cuốn bạn vào vòng xoáy FOMO: Nốt 1 video nữa, nốt 5 phút nữa, xem thử nhỏ A dạo này sao rồi, còn anh B, chị C…?
Hoặc có thể là, bạn không đam mê việc kiểm tra các trang mạng xã hội và tin nhắn nhiều đến thế. Bạn vẫn ổn nếu không điện thoại, không wi-fi. Nhưng “vì công việc”, “vì cảm giác có lỗi khi không trả lời ngay”, nên cứ khoảng 5 phút bạn vẫn phải mở điện thoại một lần.
Tất cả chúng là dấu hiệu cảnh báo rằng, công nghệ đang đòi hỏi quá nhiều sự chú ý từ bạn, và bạn thì có vẻ quá “thân thiện”.
Nếu cảm nhận thấy sự thân thiện trong cách tiêu thụ thông tin này đang ảnh hưởng đến sức khoẻ bản thân, thì đây là lúc để bạn lập ra một danh sách các “đối tượng” cần kiểm soát. Và đừng quên cập nhật thường xuyên.
Bước 2: Hình dung thế giới giản đơn, nơi bạn có thể sống chan hoà với công nghệ
Nghĩa là ở thế giới đó, bạn không bị cuốn vào thông báo đến từ các ứng dụng điện thoại.
Bạn cảm thấy nhẹ nhàng khi không phải trả lời tin nhắn ngay, mà vẫn kết nối sâu hơn với những người mình yêu thương. Bạn tập trung hơn vào công việc. Năng động hơn ở các hoạt động thể chất. Không dành quá 12 tiếng mỗi ngày trên các thiết bị, nhưng vẫn có thể là một người sành công nghệ.
Phần còn lại của bức tranh phù thuộc vào trí tưởng tượng của bạn!
Bước 3: Vẽ đường ranh giới phù hợp
Để hành trình dễ dàng, hãy chọn ra một trong hai “lãnh địa” tiêu thụ thông tin phổ biến nhất để bắt đầu: điện thoại hoặc máy tính.
Với “đối tượng” xâm chiếm không gian của bạn quá sâu, hãy vẽ một “đường ranh giới” đậm, bằng cách xoá ứng dụng này ra khỏi điện thoại/hoặc máy tính. Hoặc giới hạn giờ sử dụng, với các “đối tượng” nhẹ tội hơn.
Tất cả tuân theo một nguyên tắc: Chúng khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của công việc và giải trí.
Một số gợi ý:
Với điện thoại
- Không sử dụng điện thoại trong xe hơi, trên bàn ăn, khi đang xếp hàng hoặc khi đang nói chuyện với người khác.
- Tạm xoá đi các ứng dụng truyền thông xã hội, tin tức nếu chúng gây cám dỗ quá lớn cho bạn. Thay vì kiểm tra trên điện thoại, bạn có thể xem chúng trên máy tính trong một khung giờ nhất định.
- Xác định thời gian cụ thể để trả lời tin nhắn. Ví dụ như vào sáng sớm và/hoặc chiều muộn.
- Riêng với các tin nhắn khẩn cấp, thì cần trả lời ngay. Điều đó có nghĩa là, bạn vẫn có thể bật thông báo để biết mình nhận được những tin nhắn nào, và sắp xếp thứ tự ưu tiên.
Với máy tính
- Trước khi bắt đầu một ngày mới, hãy dành vài phút để chọn ra 1-3 nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngày, và ghi chú lại trên màn hình chính (hoặc sổ tay, nếu bạn muốn).
- Thay vì mở hàng nghìn tab trong trình duyệt, hãy mở và thực hiện tác vụ trên 1, hoặc 2 tab trước khi bật thêm tab tiếp theo. Nếu bạn cần tra cứu nhiều, có thể đánh dấu trang lại để truy cập sau.
- Đặt lời nhắc, thông báo khi đến giờ nghỉ giải lao.
- Hạn chế nhắn tin, kiểm tra tin nhắn, email và duyệt web ngẫu nhiên, bằng cách xác định khung giờ cụ thể để làm điều đó.
Bước 4: Viết ra các giới hạn và chia sẻ nó với ai đó
Các nhà khoa học thần kinh đã cho thấy việc viết xuống các mục tiêu của bạn, và đặc biệt là chia sẻ nó cho người mà bạn có (nhiều chút) ngưỡng mộ, thì khả năng là bạn có thể thực hiện được nó sẽ cao hơn.
Không hẳn là vì nó thể hiện quyết tâm của bạn và sẽ khiến bạn muốn “giữ thể diện”. Mà còn vì hành động viết xuống sẽ truyền tín hiệu đến phần hồi hải mã (hippocampus) ở não trước, rằng đây là các thông tin quan trọng, cần ghi nhớ lâu hơn.
Vì vậy, hãy thử viết vào sổ tay của bạn “Tôi sẽ chỉ kiểm tra Facebook một lần một ngày, từ 5-6 giờ chiều”.
Tạo danh sách tất cả các giới hạn trong việc tiêu thụ thông tin của bạn và chia sẻ nó với ai đó, để cam kết thực hiện chúng.
Bước 5: Thực hành!
Hãy thử các giới hạn mới này trong một tuần, và xem thử bạn có thể cam kết với chúng đến đâu.
Vào cuối mỗi ngày, hồi tưởng lại bạn đã thực hiện chúng thế nào. Bạn có đi trong đúng đường giới hạn đã vạch ra chưa? Có điều gì đã cản đường bạn thực hiện điều đó?
Không có giáo viên nào đứng kèm bạn, nhưng bài kiểm tra này cần thực hiện nghiêm túc.
Bước 6: Điều chỉnh cho đến khi vừa ý
Bạn có cần thay đổi các giới hạn để làm cho chúng khả thi hơn không?
Hay bạn có dùng “chiêu” nào để có động lực bám lấy các cam kết của mình? Chẳng hạn như đặt lời nhắc, tạo trách nhiệm giải trình với một người nào đó.
Hãy điều chỉnh mỗi tuần, và đừng quên quan sát để cập nhật danh sách “đối tượng” cần kiểm soát, từ đó vẽ đường ranh giới cho phù hợp.
Xem thêm các bài viết khác trong chuyên mục Sống chất lượng của Tuhoc.com.vn để cùng cảm nhận và trải nghiệm cuộc sống sâu sắc hơn.