Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 33
- Giới tính: Nữ
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 9 năm (tốt nghiệp 2012, nhưng có những năm học ở Đài Loan thì không tham gia khám chữa bệnh)
- Trình độ học vấn & chuyên ngành:
- Bác sĩ đa khoa, được đào tạo thực hành nhi khoa trong Bệnh Viện Nhi Đồng 2)
- Thạc sĩ chương trình Y tế quốc tế (International Health) tại Đại Học Quốc Gia Dương Minh, Đài Loan.
- Hiện đang là nghiên cứu sinh năm thứ 2, chương trình Y tế Công cộng, Đại Học Quốc Gia Dương Minh, Đài Loan.
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có):
- International Postgraduate Pediatric Certificate (chứng chỉ quốc tế sau Đại Học về Nhi khoa) còn được biết đến như Diploma of Child Health (văn bằng về Sức khỏe Trẻ em) tại Úc (chương trình đào tạo từ xa 1 năm của Đại học Sydney).
- Các chương trình đào tạo liên tục trong thời gian thực hành bác sĩ tại khoa Thận – Nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2 – tại Việt nam, Singapore, Úc, Brazil (CME chẩn đoán và điều trị bệnh nhân suy thận, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, điều trị ghép thận nhi…)
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Menthy là Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Doanh Nghiệp Xã Hội, tổng số nhân viên chính thức/thường trực hiện tại của Menthy là 5 và số cộng tác viên là 7 bạn
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
- Đối với công việc bác sĩ Nhi tại phòng khám: Do tính chất phòng khám là khám các bệnh thông thường và hướng dẫn chuyển viện đối với những trường hợp nặng, tôi nhận thấy vai trò của mình hiện giờ giống như một bác sĩ gia đình. Trên thực tế, có những bệnh nhân/gia đình cũng chỉ quen điều trị một bác sĩ, nên khi đến phòng khám, họ sẽ đăng ký khám đúng bác sĩ mà đã quen khám và điều trị cho bệnh nhân đó. Đây là một mảng khá là khác biệt so với thời gian tôi công tác tại khoa Thận-Nội tiết bệnh viện Nhi Đồng 2 (nơi tập trung điều trị các bệnh lý chuyên biệt và cần thời gian điều trị kéo dài – có khi là suốt đời)
- Đối với công việc điều hành Menthy: Do Menthy còn trong giai đoạn sơ sinh (vừa chính thức thành lập ngày 8/3/2021), do đó trong giai đoạn này, tôi đang cùng các bạn xây dựng một hệ thống nền tảng cho các hoạt động tiếp theo của Menthy.
Cụ thể hơn, tôi cùng đội ngũ đã cùng nhau xác định sứ mệnh và các hoạt động chiến lược của Menthy trong năm tới. Còn hiện tại, tôi đang phụ trách xây dựng các quy trình về quản lý nhân sự, quy trình làm việc với các đối tác, quy trình bảo vệ bản quyền sản phẩm, quy trình quản ca và chuyển ca. Những quy trình này sẽ giúp Menthy vận hành đúng đắn và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy mình đang ở vị trí kết nối các thành viên ở các vai trò khác nhau trong Menthy, cố gắng tìm hiểu nhu cầu và giải quyết các vấn đề gặp phải của mỗi người để dần xây dựng Menthy như một nơi mọi người có thể cảm thấy thoải mái, tin tưởng, hết lòng và vui vẻ làm được những việc mình muốn làm.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Từ lúc còn nhỏ tôi đã có ước mơ làm bác sĩ như bao đứa nhỏ khác, có lẽ vì cảm thấy bác sĩ cứu được người và đem đến niềm vui cho nhiều người. Tôi nghĩ từ năm lớp 3 đã có mục tiêu phấn đấu để bước vào trường Y. Khi vào môi trường học tập ở trường Y, như bao nhiêu bạn sinh viên khác, tôi thích bất kỳ môn học nào mà mình được học tại trường (ví dụ như khi học ngoại khoa ở năm 3 thì muốn mình sẽ là bác sĩ ngoại sau này, khi học môn sản ở năm 4 thì lại muốn làm bác sĩ sản, rồi đến các môn khác như mắt, tai mũi họng và dĩ nhiên là bác sĩ nhi…). Tuy nhiên, khi học môn tâm thần vào năm 5, tôi lại có một suy nghĩ rất khác. Tôi không chỉ thấy mình muốn làm bác sĩ tâm thần, mà xen lẫn là cảm giác ngạc nhiên khi các điều trị về tâm thần lại đem đến kết quả ngoạn mục và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân nhiều đến như thế. Tôi đọc nhiều tài liệu hơn và mon men đi theo các anh chị bác sĩ trong khoa tâm thần nhiều hơn. Niềm yêu thích bộ môn này càng lúc càng nhiều, để rồi tôi đi đến quyết định làm Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa của mình với đề tài “Rối loạn trầm cảm và lo âu ở sinh viên Y năm thứ nhất và sinh viên Y năm thứ năm”.
Dù có niềm đam mê đó, nhưng khi ra trường lại gặp rất nhiều phản đối từ người nhà và người xung quanh. Vì vậy, tôi quyết định nộp đơn bệnh viện Nhi, ấp ủ ước mơ làm gì đó cho Tâm thần Nhi…
Tôi tìm hiểu những khóa học ở nước ngoài để đi học, hi vọng mình sẽ đủ kiến thức và trang bị để “làm một cái gì đó” cho hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người Việt Nam. Tôi được đàn anh giới thiệu một giáo sư bên Đài Loan chuyên về “sức khỏe tâm thần cho cộng đồng”, nên tiến hành nộp đơn xin học bổng, rồi xin nghỉ việc trong bệnh viện và sang Đài Loan học.
Trong thời gian ở Đài Loan, các vấn đề dần được mở gút. Ngoài học trên trường, tôi xin đi theo một cô “occupational therapist” (chuyên gia vật lý trị liệu) ở Đài Loan để học cách cô làm việc với các bạn nhỏ, được theo dõi chẩn đoán tự kỷ, ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý), hay rối loạn tâm thần vận động. Đề tài thạc sĩ của tôi do đó cũng đi theo hướng này. Tôi quay về Việt Nam, đến các trường tiểu học, để tìm phỏng vấn và quan sát cách thầy cô giáo, nhà trường nhận biết và hỗ trợ đối với các trẻ gặp khó khăn trong học tập. Kết thúc đề tài, tôi lại càng sôi sục muốn làm gì đó cho các thầy cô, cho các em nhỏ đang gặp khó khăn này. Tôi có làm một dự án khác, xây dựng chương trình tập huấn cho các thầy cô trong việc nhận biết và hỗ trợ các em có nhu cầu giáo dục đặc biệt, nhưng dự án thất bại và tôi học được nhiều bài học từ thất bại này.
Bước tiếp lên học tiến sĩ, cũng tiếp tục theo đuổi ước mơ dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tôi cùng các bạn xây dựng và triển khai chương trình tập huấn các kỹ năng chuyển hóa stress cho sinh viên Y năm nhất của khoa Y, Đại Học Y Dược TP.HCM. Và tôi nghĩ đây cũng là cơ duyên đưa đến sự ra đời của Menthy – doanh nghiệp xã hội chăm sóc sức khỏe tinh thần. Trong suốt quá trình diễn ra dự án, từ giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn chạy thử nghiệm đến giai đoạn chương trình chính thức, tôi cùng nhóm đã chứng kiến và đã cùng nhau nhận ra được mức độ ảnh hưởng và ích lợi mang lại của chương trình đối với nhóm sinh viên của mình và đối với cả nhà trường. Lòng tin ngày càng lớn và cam kết ngày càng rõ ràng đã thúc đẩy dần sự có mặt của Menthy. Menthy phấn đấu để trở thành nơi mà tôi và các bạn được chia sẻ, được thực hiện và lan tỏa các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cộng đồng. Menthy với sứ mệnh phát triển và kết nối để xây dựng một hệ thống chăm sóc và nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần của người Việt Nam – mục tiêu lớn mà tôi đã theo đuổi từ những ngày còn ngồi trên giảng đường Đại Học Y Dược
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Tôi thích sự linh động trong thời gian và những điều mới mẻ mà tôi đang học được trong cả 2 vai trò (bác sĩ và điều hành Menthy). Ngoài ra, cái quan trọng hơn là ý nghĩa của những công việc tôi đang làm:
Đối với công việc bác sĩ, tôi được thực hành để vẫn giữ được sự gắn bó với nghề và vẫn giữ được niềm vui khi mình cố gắng điều trị cho bệnh nhi và bé hết bệnh.
Đối với công việc điều hành trong Menthy, tôi học được quá nhiều thứ ở một vị trí hoàn toàn mới. Từ làm việc vì đam mê, giờ tôi có thêm trách nhiệm để giữ Menthy phát triển. Và may mắn khi tôi gặp được quá nhiều người tốt và nhiệt tình chia sẻ, chỉ dạy, giúp đỡ tôi và Menthy trong suốt chặng đường qua.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Không.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Đối với vai trò là một bác sĩ, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì mình cần đọc sách, cập nhật kiến thức và học hỏi không ngừng. Mình cần tự nhìn nhận bản thân, tự rút kinh nghiệm và tự tạo thói quen nhìn lại những thực hành của mình, đọc sách và hỏi các anh chị/thầy cô lớn ngay khi mình cảm thấy/nghĩ rằng mình làm sai/làm không đúng. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn người nhà chăm sóc trẻ bệnh rất cần thiết để giữ được an toàn cho bệnh nhi.
Đối với vai trò là điều hành Menthy, hiện tôi vẫn đang học hỏi từ rất nhiều người và cả đọc sách. Kỹ năng làm việc và tạo động lực cho đội nhóm, kỹ năng triển khai chiến lược, kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng quản lý tài chính… Tôi vẫn đang ở lớp vỡ lòng đối với vai trò này. Hi vọng sẽ có dịp kể nhiều hơn khi tôi biết nhiều hơn về lĩnh vực này.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Đối với vai trò bác sĩ, tôi nghĩ mọi người cũng không hiểu lầm gì nhiều, vì tính chất công việc khá rõ ràng.
Đối với vai trò điều hành của Menthy, tôi nghĩ mình hay giải thích với mọi người mô hình và phạm vi hoạt động của Menthy. Do tôi xuất thân trong cộng đồng bác sĩ nên khi nghe tôi mở doanh nghiệp về chăm sóc sức khỏe tinh thần, mọi người hay hỏi và muốn chuyển cho Menthy các bệnh nhân cần điều trị hay chẩn đoán bệnh lý tâm thần kinh, mà ít nghĩ đến mô hình giáo dục tâm lý.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Đối với công việc bác sĩ thì câu trả lời là có. Làm bác sĩ mới ra trường tuy lương không cao, nhưng vẫn đảm bảo có thể tự nuôi sống bản thân mình ngay khi mới ra trường.
Còn đối với công việc của Menthy thì câu trả lời là không. Tôi nghĩ ai cũng hiểu lý do.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Đối với công việc bác sĩ Nhi, cho đến thời điểm này tôi không cảm thấy hối hận và vẫn cảm thấy yêu thích công việc này.
Điều đầu tiên mà tôi nhận thấy đối với thực hành ngành Y tại Việt Nam (trong bối cảnh thiếu nhân lực, và hệ thống quy định còn không thống nhất và bất cập ở một số điểm), bản thân mình cần rất rõ vì sao mình muốn đi con đường này. Nếu không, mình rất dễ bỏ cuộc, rất dễ bị quá tải, rất dễ bị chán chường và kiệt sức với khối lượng công việc nhiều, nhịp độ làm việc cao, áp lực giữa sống và chết, và cả những nỗi đau/lo lắng/sợ hãi khi đối diện với bệnh nhân nặng hay tử vong. “Remember why we start – Hãy nhớ vì sao chúng ta bắt đầu” là lời khuyên thứ nhất tôi muốn gửi gắm đến các bạn muốn bước vào trường Y và muốn trở thành bác sĩ. Các bạn hãy tìm hiểu về ngành mà các bạn thích, cũng như tìm hiểu về môi trường mà các bạn sẽ làm việc trong tương lai. Các bạn có thể hẹn gặp các anh chị bác sĩ mà các bạn biết để hỏi thêm các anh chị.
Điều thứ hai mà tôi muốn nói đến là “Nếu không là một bác sĩ giỏi, thì không thể nói và bàn về Y Đức”. Là một người bác sĩ, mình giúp người được và mình cũng giết người được, vì mình có quá nhiều vũ khí trong tay mình. Do đó, đã xác định đi con đường này là mình phải có sự cam kết học hành đàng hoàng tử tế, cẩn thận, và luôn luôn cập nhật kiến thức mới. Phải vững vàng kiến thức và thực hành thật nhiều, để khi đứng trước bệnh nhân, mình biết được điều cần làm và điều không được phép làm!
Và cuối cùng, tôi muốn gửi đến các em một điều cuối cùng, nếu các em nghĩ học Y và làm bác sĩ để kiếm thật nhiều tiền thì tôi nghĩ có những ngành khác kiếm tiền sẽ nhanh hơn. Vì trước khi bạn kiếm tiền được khi học bác sĩ, bạn sẽ cần 6 năm học (quên mình) trong trường Y, 18 tháng thực hành để có chứng chỉ hành nghề, và ít nhất 3 năm tiếp tục làm lăn xả, để đủ khả năng và kinh nghiệm để kiếm tiền bằng thực lực của mình. Các bạn hãy kiên trì, chấp nhận làm nhiều hơn người khác, tôn trọng bệnh nhân và xem sức khỏe của bệnh nhân là mục đích tối hậu cho các hoạt động của mình, các bạn sẽ tự xây dựng nội lực cho mình đủ cho cả con đường sự nghiệp sau này.
Nếu các bạn nghe qua những điều tôi chia sẻ phía trên mà cảm thấy vẫn thích và vẫn muốn học bác sĩ, hay bạn vẫn muốn giữ ước mơ đó vì một lý do gì đó, tôi tin là bạn sẽ có thể làm được… Bởi lẽ phần thưởng lớn nhất khi là một bác sĩ, có lẽ, là niềm vui khi thấy bệnh nhân mình khỏe mạnh và xuất viện – niềm vui mà có lẽ khó có thể diễn tả được bằng lời.
Cùng xem thêm buổi trò chuyện với khách mời tại đây:
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.