Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 59
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 33 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học – chuyên khoa Nhi Sơ sinh
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Bác Sĩ Chuyên khoa cấp 2
- Số giờ làm hằng tuần: 48
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Bệnh viện Phụ Sản có trên 500 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
- Đối nội: Xây dựng kế hoạch hoạt động của khoa, bố trí nhân lực để thực hiện tốt kế hoạch, đào tạo nhân viên mới (thực hành chuyên môn và thái độ giao tiếp). Khám và chữa bệnh cho trẻ em. Trực chuyên môn (trực tiếp khám chữa bệnh trong phiên trực) và trực thường trú (cho các Bác sĩ cấp dưới ý kiến xử trí những ca bệnh khó).
- Đối ngoại: Kết hợp với các khoa trong Bệnh viện để phục vụ người bệnh thật tốt, cải tiến các dịch vụ khám chữa bệnh (Tăng thời gian tư vấn , rút ngắn thời gian chờ đợi, dặn dò theo dõi diễn biến bệnh và sử dụng thuốc, tuyên truyền giáo dục sức khỏe); tham gia công tác khám bệnh từ thiện cho trẻ em mồ côi hoặc ở vùng sâu vùng xa.
Nhân viên Y tế trong Bệnh viện giống như một đội bóng đá mà Bác sĩ Trưởng khoa có vai trò là đội trưởng, vừa phải là người đá bóng giỏi vừa có khả năng tập hợp dẫn dắt toàn đội thực hiện tốt các ý đồ chiến thuật. Mọi người sẽ bọc lót cho nhau trong từng công việc để giảm thiểu sai sót y khoa.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
- Tôi là một đứa trẻ hay bị bệnh từ lúc nhỏ nên cha mẹ phải thường xuyên đưa tôi đến Bệnh viện khám bệnh (không dưới 20 ngày/tháng). Thời bao cấp đi khám bệnh rất cực khổ (chờ đợi lâu, bị Bác sĩ hoặc Y tá la mắng vô cớ, không được tư vấn tận tình… ). Mẹ tôi ước ao có một người con sau này làm nghề Y để chữa bệnh cho cả nhà nên tôi thực hiện ước nguyện của mẹ mình.
- Sáu năm là sinh viên đi thực tập ở các Bệnh viện, tôi đặc biệt thương những em bé bị bệnh vì các bé mong manh lắm. Thế là tôi chọn chuyên ngành Nhi. Ra trường tôi được phân công làm ở Khoa Sơ sinh của một Bệnh viện Phụ Sản lớn trong TP.HCM. Làm Bác Sĩ Nhi đã vất vả thì làm Bác sĩ Nhi Sơ sinh lại vất vả bội phần vì các bé sơ sinh mới lọt lòng mẹ chưa quen với cuộc sống xung quanh nên đòi hỏi Bác sĩ phải luôn để mắt tới bé để xử trí kịp thời. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề này vì tôi rất yêu nó.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
7:00 – 8:00 | Giao ban khoa và Bệnh viện: thảo luận về những ca bệnh trong đêm trực và đề ra phương pháp điều trị. |
8:00 – 11:30 | Thăm bệnh nhân trong khoa để cho các Bác sĩ cấp dưới ý kiến điều trị.Khám bệnh và cho thuốc các bệnh nhân của mình phụ trách.
Hội chẩn các ca bệnh nặng và khó. |
11:30 – 13:00 | Nghỉ trưa hoặc trực theo lịch phân công |
13:00 – 16:30 | Khám bệnh và cho thuốc các bệnh nhân của mình phụ trách.Hội chẩn các ca bệnh nặng và khó.
Đào tạo nhân viên mới. |
16:30 – 17:00 | Trực đêm theo lịch phân công hoặc trực thường trú.Nếu không trực thì đọc tài liệu chuyên ngành và soạn giáo án giảng dạy. |
Ghi chú | Trực các dịp lễ tết theo lịch phân công |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Tiếng khóc chào đời của một bé sơ sinh sau những cơn đau banh da xé thịt của người mẹ và sự lo lắng tột cùng của những người thân làm vơi đi nỗi vất vả của ekip đỡ đẻ, tất cả đều vỡ òa hạnh phúc. Ngoài những trẻ sơ sinh khỏe mạnh có thể khóc to ngay sau khi chào đời thì có một số bé sơ sinh bị ngạt, bé sinh non hoặc bị bệnh nên rất yếu ớt. Những trẻ này thường phải nằm điều trị trong khoa Sơ sinh, vừa không được mẹ ôm ấp vỗ về vừa phải đeo trên người nhiều thiết bị y khoa và bị tiêm chích đau đớn mỗi ngày.
Nhớ thỉnh thoảng mình bị bệnh là cả nhà đã lo lắng cuống cuồng, thỉnh thoảng đi chích ngừa cũng đã sợ kim tiêm muốn trốn luôn, vậy mà những bé sơ sinh mong manh kia mới lọt lòng mẹ đã phải một mình chống chọi với tất cả. Gia đình bé tuyệt đối tin tưởng nên mới giao bé cho Bệnh viện chăm sóc thì mình không thể phụ lòng tin của họ được.
Mỗi bé sơ sinh được cha mẹ đón về trong ngày xuất viện là minh chứng cho việc làm hiệu quả của mình và tạo cho mình niềm đam mê với nghề xen chút tự hào với mọi người xung quanh vì mình sống có ích.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Mức lương chưa tương xứng với sức lao động. Để khắc phục thì phải chi tiêu tằn tiện, cố gắng tích lũy kiến thức để đủ năng lực mở phòng mạch tăng thêm thu nhập. Điều quan trọng là phải luôn suy nghĩ tích cực để đi tới: Học 6 năm vất vả và tốn kém tiền bạc của cha mẹ nên không thể phủi bỏ. Thời cha mẹ mình khó khăn gấp bội mà vẫn nuôi mình ăn học tử tế, xung quanh mình còn nhiều người thất nghiệp thì tại sao mình chê bai nghề giúp nuôi sống mình.
- Thời gian làm việc quá dài và căng thẳng. Nghề Y là gắn liền với trực gác thâu đêm, do đó cần ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn để tạo sức bền.
- Nhiều nguy cơ khi đối mặt với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đôi khi bị bệnh nhân hoặc người nhà họ gây khó dễ thì cũng bởi họ bị bệnh tật hành hạ nên không kiểm soát được lời nói và hành vi.
- Dù có một vài điều chưa thật sự như bản thân mong muốn nhưng nhìn chung là tôi luôn cảm thấy tự hào khi đã chọn nghề này vì tôi đã góp phần đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình trong đó có cả gia đình của mình.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Kiến thức sâu và rộng vì cơ thể con người là một khối thống nhất, trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Ví dụ: Một bệnh nhân bị sốt thì Bác sĩ phải hỏi bệnh và thăm khám để tìm nguyên nhân, có nhiều nguyên nhân gây ra sốt liên quan đến nhiều chuyên khoa mà nếu không có kiến thức tốt sẽ chẩn đoán sai và điều trị sai, giống như giặc ở phía Đông mà ta bắn phía Tây.
- Kỹ năng tốt: Thực hành nhiều và để ý học cách xử trí của các đồng nghiệp. Học cái hay để tiến bộ, nhìn cái sai để tránh mắc lỗi.
- Thái độ:
- Thương người bệnh, coi họ bệnh như người thân bị bệnh để hết lòng cứu chữa.
- Không thỏa mãn với thành tích đạt được vì Y học tiến bộ từng giờ, nên luôn luôn phải học để cập nhật kiến thức. Trung thực với công việc vì trẻ em không biết nói, nhưng kết quả điều trị sẽ nói lên tất cả.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- “Làm Bác sĩ giàu có, sang trọng và sung sướng”
Mọi người hiểu sai vì chỉ nhìn thấy Bác sĩ trong chiếc áo choàng trắng, điềm đạm và nhẹ nhàng.
Họ không chứng kiến những đêm trực thức trắng không kịp ăn, những kỳ nghỉ lễ tết không trọn vẹn, những nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm, không có thời gian đưa người thân đi khám bệnh, lương không đủ để tái tạo sức lao động, chưa kể còn bị thân nhân người bệnh bạo hành…
- “Năng lực điều trị của bác sĩ là điều duy nhất quan trọng”
Bác sĩ muốn điều trị thành công một ca bệnh cần có cả một ekip phối hợp nhịp nhàng. Nếu bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh mà Điều dưỡng không tiêm được thuốc cho người bệnh thì làm sao khỏi bệnh? Thực tế, bác sĩ cần có sự cảm thông rất lớn với người bệnh và người nhà bệnh nhân để cùng hợp tác tốt trong quá trình điều trị, đem lại lợi ích cho người bệnh, do đó Bác sĩ phải có khả năng giao tiếp tốt.
- “Bác sĩ chỉ cần học sau 6-7 năm đã đủ chữa được các loại bệnh.”
Kiến thức 6 năm chỉ là nền móng, muốn chữa được các loại bệnh cần thêm nhiều kiến thức nữa giống như xây nhà có nhiều tầng và nhiều căn phòng thì phải cần thêm nhiều vật liệu.
- “Bác sĩ ở các cơ sở nhà nước thì không giỏi bằng bác sĩ ở các cơ sở tư nhân.”
Vai trò của Bệnh viện tư nhân là điều trị những bệnh không quá khó để giảm quá tải cho Bệnh viện công, nên nếu có nhiều Bác sĩ giỏi thì khác nào mang súng đại bác để bắn con chim sẻ, gây lãng phí nhân lực.
- “Vài năm gần đây, một bộ phận bác sĩ mang nhiều điều tiếng xấu: chỉ nhận phong bì thì mới nhiệt tình giúp đỡ”
“Bàn tay có ngón dài, ngón ngắn”. Môi trường nào cũng có người tốt, người xấu. Thế nên chỉ cần chính mình phải sống tử tế và có y đức thì sẽ không bị tác động bởi những người tiêu cực.
Công việc này có giúp anh/chị tự nuôi mình khi mới ra trường không?
- Mức lương khởi điểm hiện nay của Bác sĩ đang giống nhau ở thang bảng trình độ đại học. Các bạn học ở các trường Đại học khác sống được thì chắc mình cũng sống được.
- Nếu bạn thực sự yêu nghề và có thái độ làm việc tốt (chịu cực, chịu bám theo các bậc anh chị để học nghề, tự trau dồi kiến thức chuyên môn và xã hội, tận tụy với người bệnh, tôn trọng đồng nghiệp ở mọi cấp) thì bạn sẽ có thu nhập thêm từ tiền thưởng và tiền làm phòng mạch.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Thầy thuốc là một nghề cao quý được xã hội tôn vinh.
Nếu chọn nghề Y là bạn phải chấp nhận hy sinh: thời gian, tuổi thanh xuân, sức khỏe.
- Bạn có thể tìm đọc sách “Thầy thuốc và Bệnh nhân” của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc bên cạnh việc học chính khóa ở trường.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.