The Prince (Quân vương) – Niccolò Machiavelli
Đây là bản đề cương kế hoạch nổi tiếng nhất thế giới về việc nắm bắt và giữ vững quyền lực. Thẳng thắn một cách đáng kinh ngạc, cho đến nay, Quân vương vẫn duy trì được sự thực tế và tính tiên đoán về những gì cần để trở thành một hoàng tử, một nhà vua, một tổng thống.
Trong Quân vương, những hình dung của ông không bị cản trở bởi giá trị đạo đức và luân lý thông thường; quân vương của ông là người và thú, cáo và sư tử. Ngày nay, kiệt tác nhỏ của thế ký 16 này đã trở thành bài đọc tất yếu cho mọi sinh viên về chính phủ, và là cuốn sách tối thượng về sức mạnh chính trị.
The Communist Manifesto (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản) – Karl Marx
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là một cuốn sách ngắn năm 1848 được viết bởi những nhà tư tưởng chính trị Mác-xít người Đức Karl Marx và Friedrich Engels. Từ đó nó đã được nhận định là một trong những bản thảo chính trị có ảnh hưởng nhất thế giới. Được ủy nhiệm bởi Đảng Cộng sản, nó đặt ra mục đích và chương trình của Đảng. Nó giới thiệu một tiếp cận có tính phân tích về đấu tranh giai cấp (lịch sử và hiện tại) và vấn đề của chủ nghĩa tư bản, thay vì một dự đoán về dạng thức tương lai của chủ nghĩa cộng sản.
Cuốn sách chứa đựng lý thuyết của Marx và Engels về bản chất của xã hội và chính trị, mà theo lời của họ, “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp.” Nó cũng giới thiệu sơ qua về ý niệm của họ về việc xã hội tư bản thời đó sẽ dần bị thay thế bởi chủ nghĩa xã hội, và dần dần là chủ nghĩa cộng sản.
The Republic (Cộng hòa) – Plato
Vào giai đoạn cuối của thời kỳ sáng tạo của Athens, thời kì trang bị cho nền văn minh phương Tây trí tuệ, nghệ thuật và chính trị, Plato đã viết Cộng hòa, là những lập luận của ông về tự nhiên và ý nghĩa của công lý, nhà nước lý tưởng và người cai trị.
Tất cả những tư tưởng Âu châu sau đó về chủ đề này mang những đặc điểm của nó, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, của những đối thoại Plato nổi tiếng nhất. Mặc dù với một số người, xã hội mà ông mô tả trông như một cộng đồng người lý tưởng, và với vài người là cơn ác mộng chuyên chế, trong phần mô tả của mình, Plato đã đặt ra những câu hỏi xác đáng về chính trị, nghệ thuật, giáo dục, và những chỉ dẫn chung của cuộc sống.
Democracy in America (Nền dân trị Mỹ) – Alexis de Tocqueville
Năm 1831, một quý tộc người Pháp tên là Alexis de Tocqueville đến Mỹ để đánh giá hệ thống hình phạt quốc gia – nhưng ông có mục đích cá nhân cao hơn. Coi hệ thống dân chủ độc đáo ở Mỹ là một mô hình khả dĩ cho Pháp hậu cách mạng, Tocqueville bắt đầu nghiên cứu nền văn hóa, bản sắc, và những thể chế của quốc gia đang phát triển này. “Tôi thú nhận rằng tại Mỹ tôi thấy nhiều hơn nước Mỹ,” ông nói; “Tôi đã tìm kiếm hình ảnh của bản thân nền dân chủ, với các khuynh hướng, đặc trưng, định kiến, và sự say mê, để có thể học được những gì chúng ta phải sợ hãi hay hi vọng từ tiến trình của nó.”
Công trình đầy hiệu quả của ông, cuốn sách kinh điển Nền dân trị Mỹ, đã được chứng minh là sâu sắc và đầy tính tiên đoán, và nó tiếp tục nhận được sự chú ý từ sử gia, học giả, và chính trị gia ngày nay.
Politics (Chính trị luận) – Aristotle
Trong Chính trị luận, Aristotle giải quyết những câu hỏi cốt lõi của khoa học chính trị. Xã hội nên được quản lý thế nào để đảm bảo hạnh phúc của cá nhân? Những loại hình chính phủ nào là tốt nhất và làm thế nào để chúng được duy trì? Bằng cách phân tích một loạt các hiến pháp của các thành bang – đầu sỏ chính trị, nền dân chủ và chính thể chuyên chế – ông tìm cách xác minh các điểm mạnh và điểm yếu của từng hệ thống để quyết định hệ thống nào có hiệu quả nhất, trong cả lý thuyết và thực tiễn.
Đây là một công trình hết sức quan trọng, trong đó có ảnh hưởng đến các nhà tư tưởng khác như Aquinas và Machiavelli. Chính trị luận vẫn là một bài bình xuất sắc về các vấn đề và mối quan tâm chính trị cơ bản, và cung cấp những hiểu biết thú vị về các hoạt động và thái độ của người Hy Lạp về thành bang.
The Social Contract (Khế ước xã hội) – Jean-Jacques Rousseau
“Con người sinh ra được tự do, nhưng ở đâu họ cũng bị xiềng xích.”
Đây là những lời mở đầu nổi tiếng của một tác phẩm đã không ngừng khuấy động lên những tranh luận mạnh mẽ kể từ khi công bố lần đầu vào 1762. Bác bỏ quan điểm cho rằng bất cứ ai cũng có quyền tự nhiên để thi hành quyền lực lên những người khác, Rousseau lập luận, hãy thay thế điều đó bằng một hiệp ước, hay Khế ước xã hội, mà nên tồn tại giữa tất cả các công dân của một quốc gia và đó sẽ là nguồn gốc của quyền lực tối cao.
Từ tiền đề cơ bản này, ông tiếp tục xem xét các vấn đề về tự do và pháp luật, tự do và công lý, đưa đến một cái nhìn về xã hội mà đối với một vài người là vạch ra một kế hoạch cho chế độ độc tài, đối với người khác lại là một tuyên bố về các nguyên tắc dân chủ.
On Liberty (Bàn về tự do) – John Stuart Mill
Bàn về tự do là một công trình triết học của triết gia Anh John Stuart Mill. Xuất bản năm 1859, tác phẩm ứng dụng hệ thống đạo đức của Mill về thuyết công lợi cho xã hội và nhà nước. Mill cố gắng thiết lập chuẩn mực cho mối quan hệ giữa nhà cầm quyền và quyền tự do. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền lợi cá nhân, cái mà ông nghĩ là điều kiện tiên quyết để đạt được hạnh phúc cao hơn – đạo đức tối cao của thuyết công lợi.
Xa hơn thế, Mill phê phán những sai lầm của các nỗ lực trước đây nhằm bảo vệ quyền lợi cá nhân, những ý niệm dân chủ kết cục trong sự chuyên chế của số đông. Giữa những chuẩn mực được thiết lập trong công trình này là 3 đặc quyền cơ bản của cá nhân, 3 phản biện chính đáng của ông với sự can thiệp của nhà nước, và 2 châm ngôn của ông đối với mối quan hệ của cá nhân với xã hội; những điều đó cùng nhau đã hình thành nên toàn bộ học thuyết trong tác phẩm của Mill.
Second Treatise of Government (Khảo luận thứ hai về chính quyền) – John Locke
Là một trong những triết gia Khai sáng sớm nhất của Anh, John Locke cố gắng mang lý luận và tư duy phản biện tới tranh luận về nguồn gốc của xã hội dân sự. Trong nỗ lực tái cấu trúc bản chất và mục đích của chính phủ, học thuyết khế ước xã hội đã được đề xuất. Khảo luận thứ hai về chính quyền đã nói rõ tranh luận chi tiết về việc xã hội dân sự đã phát triển như thế nào và bản chất nguồn gốc của nó.
Tranh luận của Locke về sự đồng thuận ngầm, phân chia quyền lực, và quyền của công dân nổi dậy chống lại chính phủ hà khắc, đã làm cho khảo luận thứ hai là một trong những tiểu luận có ảnh hưởng nhất trong lịch sử triết học chính trị.
The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order (Sự Va Chạm Của Các Nền Văn Minh) – Samuel P. Huntington
Sự Va Chạm Của Các Nền Văn Minh giải thích cách bùng nổ dân số ở các nước Hồi giáo và tăng trưởng kinh tế của Đông Á đang thay đổi chính trị toàn cầu như thế nào. Những phát triển này thách thức sự thống trị của phương Tây, thúc đẩy sự phản đối với lý tưởng mà phương Tây cho là “phổ quát”, và tăng cường xung đột giữa các nền văn minh về các vấn đề như phổ biến vũ khí hạt nhân, nhập cư, nhân quyền và dân chủ.
Sự gia tăng dân số Hồi giáo đã dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh nhỏ trên khắp Âu Á, và sự nổi lên của Trung Quốc có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn cầu của các nền văn minh. Huntington cung cấp một chiến lược đối với phương Tây để bảo tồn nền văn hóa độc đáo của nó và nhấn mạnh sự cần thiết cho mọi người ở khắp mọi nơi tìm hiểu để cùng tồn tại trong một thế giới đa cực, đa văn minh phức tạp.
Utopia (Địa Đàng Trần Gian) – Thomas More
Cuốn Địa Đàng Trần Gian của Thomas More là một trong những cuốn sách gây ảnh hưởng nhất của văn học tây phương. Địa Đàng Trần Gian mô tả một cộng đồng lý tưởng trên một hòn đảo, nơi đạt được sự hòa hợp xã hội hoàn hảo. Trên hòn đảo này, mọi tài sản đều thuộc về cộng đồng, bạo lực không tồn tại và mọi người đều có cơ hội để sống và làm việc trong môi trường của sự khoan dung tín ngưỡng. Nhiều phong trào xã hội trong lịch sử đã lấy cảm hứng từ tác phẩm của More. Dù dường như không thể đạt được, cuốn sách của Thomas More cho thấy một bức tranh về những gì có thể xảy ra.
The Law (Luật pháp) – Frédéric Bastiat
Trong Luật pháp, Frédéric Bastiat viết rằng mọi người đều có quyền được bảo vệ “con người, tự do, và tài sản của mình”. Nhà nước chỉ nên “thay thế các thế lực cá nhân bằng một thế lực chung” để bảo vệ quyền này. “Công lý” (bảo vệ sự sống, tự do, tài sản của một người) bị giới hạn, nhưng nếu quyền lực của chính phủ mở rộng hơn nữa, vào những nỗ lực từ thiện, quyền lực chính phủ trở nên vô hạn và có thể phát triển không ngừng.
Chủ nghĩa toàn trị là kết quả của việc “dựa trên ba giả thuyết: sức ì của nhân loại, sự toàn năng của luật pháp, và sự không thể sai lầm của các nhà lập pháp.” Công chúng sau đó bị thiết kế bởi các nhà lập pháp và phải khuất phục trước ý chí của các nhà lập pháp “như đất sét với người thợ gốm” vậy.
World Order (Trật tự thế giới) – Henry Kissinger
Dựa trên những nghiên cứu sâu sắc của Kissinger về lịch sử và kinh nghiệm của ông với vai trò cố vấn an ninh quốc gia và thư ký liên bang, trật tự thế giới dẫn dắt độc giả qua những giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử thế giới đương đại. Kissinger cung cấp một cái nhìn độc đáo về các cuộc đàm phán kín của chính quyền Nixon với Hà Nội về việc kết thúc Chiến tranh Việt Nam, cũng như các cuộc tranh luận căng thẳng giữa Ronald Reagan với thủ tướng Nga Gorbachev ở Reykjavík.
Ông cung cấp những cái nhìn thú vị về tương lai mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc và sự phát triển của Liên minh châu Âu, và ông nghiên cứu những bài học của cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Đưa độc giả qua các phân tích của ông về các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran cho tới phản ứng của phương Tây về mùa xuân Ả Rập và những căng thẳng giữa Nga và Ukraine, Trật tự thế giới là nguồn tin cậy về các phân tích lịch sử của Kissinger trong các sự kiện quyết định của thời đại chúng ta.
– Theo Đỗ Công/ Trạm Đọc –