Chủ nghĩa tối giản (Minimalism) là gì?
Khái niệm
Minimalism dịch theo tiếng anh có nghĩa là tối giản hay còn được gọi là chủ nghĩa tối giản. Minimalism được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên chúng đều chỉ chung một ý nghĩa đó là tối giản hoá tất cả các chi tiết đến mức tối đa nhưng vẫn thể hiện được ý nghĩa vốn có ban đầu của sự vật.
Tối giản ở đây được hiểu là bỏ những phần trang trí, những chi tiết rườm rà không cần thiết. Hay lược bỏ bớt đi những gam màu phức tạp, nhưng nó vẫn tạo ra được những đường nét hài hoà không khiến cho một tác phẩm hay các sản phẩm bị mất đi độ thẩm mỹ và ý nghĩa sâu sắc của nó.
Nguồn gốc của Minimalism
Thực ra thuật ngữ minimalism đã xuất hiện từ rất lâu, có thể vào khoảng cách đây 200 năm.
- 1800 – 1850: Minimalism không phải thể hiện qua các lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật mà chúng xuất phát trong đời sống hàng ngày. Vào thời điểm này, những nhà triết lý cho rằng: sự thấu hiểu và giác ngộ có thể đạt được thông qua sự đơn độc và giản dị. Lúc này chủ nghĩa Minimalism không được công bố hay nhắc đến rõ ràng, nhưng đây là nguồn gốc để thuật ngữ này phát triển mạnh vào thời gian sau.
- 1920 – 1930: Tại trường Bauhaus, các giáo viên và học sinh đã đề ra những giải pháp nhằm thay lại phương pháp chế tạo các sản phẩm trước đây được xem là kém hấp dẫn. Nhờ những phương pháp mới này mà nhiều mặt hàng có giá thành rẻ hơn đã được ra đời truyền được cảm ứng thiết kế đến với nhiều nơi hơn.
- 1960 – 1970: Phong cách Minimalism đã dần phát triển mạnh hơn và được nhóm nghệ sĩ trẻ ưa chuộng khi đang muốn đưa ra những giải pháp mới nhằm chống lại những quy tắc ngột ngạt của mỹ thuật. Nổi bật trong khoảng thời gian này không thể không nhắc đến Agnes Martin, nhà điêu khắc và nghệ sĩ Donald Judd, nghệ sĩ Frank Stella. Phong cách tối giản ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật như: Hội hoạ, kiến trúc và những lĩnh vực sáng tạo khác. Đến những năm 1970, Dieter được xem là người có ảnh hướng lớn nhất đến xu hướng minimalism bởi những thiết kế đơn giản nhưng lại rất thân thiện với người dùng.
- Ngày nay xu hướng minimalism đã trở thành xu hướng chủ đạo. Không chỉ là cuộc sống đơn giản và sự tối giản này còn len lõi và liên quan đến tất cả các vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là nghệ thuật và âm nhạc.
Chủ nghĩa tối giản xuất hiện và ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như: đồ họa, nhiếp ảnh, Thời trang, nội thất,… tuy nhiên trong khuân khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập và đi sâu hơn vào phân tích chủ nghĩa tối giản trong lối sống, đó cũng là chính chủ đề chính mà website tuhoc.com.vn hướng tới, tập trung để cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn mỗi ngày.
Chủ nghĩa tối giản trong lối sống (Minimalist Lifestyle)
Chủ nghĩa tối giản là chỉ sở hữu những gì làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống của bạn (cũng như những người bạn quan tâm) và loại bỏ phần còn lại. Đó là việc loại bỏ sự lộn xộn, sử dụng thời gian và năng lượng cho những thứ thực sự quan trọng. Mỗi người chỉ có một nguồn năng lượng, thời gian và không gian nhất định. Vì vậy phải tận dụng tối đa nó, có chủ ý về cách chúng ta đang sống mỗi ngày.
Hiểu đơn giản, chủ nghĩa tối giản trong lối sống là một công cụ để loại bỏ bản thân khỏi sự thừa thãi của cuộc sống, tập trung vào những gì quan trọng để có thể tìm thấy hạnh phúc, viên mãn và tự do.
Khi nhắc đến phong cách sống tối giản thì người ta đều sẽ nghĩ ngay đến đó là một trong những cách sống của người Nhật. Từ lâu, đối với người Nhật thường sẽ có những luật lệ không khoe khoang của cải và vật chất, hướng đến lối sống giản dị chỉ sử dụng khi thật cần thiết.
Ngoài ra vì những tác động trong điều kiện sống khắc nghiệt với nhiều biến động từ động đất đến bão lũ mà nguyên nhân nhiều nhất dẫn đến cái chết của họ đó chính là bị những đồ vật to lớn rơi vỡ. Do đó, người Nhật đã lựa chọn sự tối giản mọi thứ trong ngôi nhà của mình tránh đi những thứ to lớn cồng kềnh đồng thời cách sống cũng được tối giản theo. Dần dần sau này, phong cách tối giản đã trở thành lối sống và biểu tượng trên thế thới khi nhắc đến sự tối giản là ai cũng sẽ liên tưởng đến Nhật Bản.
Sự đơn giản hoá trong lối sống sẽ giúp chúng ta bỏ bớt đi được phiền muộn, luôn hướng đến sự tích cực và cảm nhận mọi việc một cách lạc quan hơn.
Minimalist Lifestyle được trích dẫn trong một quyển sách về lối sống tối giản của người Nhật như sau: “Sống tối giản là lối sống cắt giảm đồ dùng trong nhà đến mức tối đa, chỉ giữ lại những vật dụng cần thiết nhất. Lợi ích của lối sống này không đơn thuần chỉ là lợi ích bên ngoài như không gian thoáng đãng, dọn dẹp dễ dàng…mà nó còn mang lại lợi ích cho chính tâm hồn chúng ta“.
5 lợi ích của lối sống theo Chủ nghĩa tối giản
Có con mắt thẩm mỹ tinh tế hơn
Khi chuyển sang sống theo Chủ nghĩa tối giản, bạn nên mạnh tay bỏ đi phần lớn tủ quần áo của mình, chỉ giữ lại những món đồ mang lại niềm vui và ý nghĩa. Khi có ít lựa chọn, bạn buộc phải tập trung vào suy nghĩ làm sao để kết hợp các món đồ với nhau, làm sao cho đơn giản nhưng vẫn có phong cách.
Bạn sẽ trở nên quan tâm nhiều hơn đến chất liệu, kiểu dáng, và màu sắc của từng món đồ mình có. Nếu cần mua sắm quần áo mới, bạn cần tập trung nhiều hơn về chất lượng hơn số lượng, có thể trả giá cao cho một chiếc áo tốt, có thể kết hợp với hầu hết các món đã có, hơn là một cái áo rẻ hơn nhưng kén đồ mặc cùng.
Không còn mất thời gian quan tâm tới miễn phí, đại hạ giá, hoặc “phòng hờ”
Ở Mỹ, bạn thường nghe câu nói đùa: “Mấy bà phụ nữ gốc Á chỉ hay thích đồ miễn phí”. Có lẽ đúng thật! Trước đây, mỗi lần đi hội thảo, hội chợ, siêu thị, có thể bạn sẽ hay tích cóp những thứ linh tinh như áo phông quảng cáo, cốc chén, bình uống nước, túi xách… Tại sao?
Tại vì chẳng có lý do nào lại không cầm khi người ta dúi vào tay mình những thứ miễn phí, nhỉ? Không, không, và không! Trừ khi những thứ miễn phí có giá trị sử dụng cao và bạn chưa có món đồ đó ở nhà, bạn nên nói không với tất cả những quảng cáo và nói không cả với tiếng nói “xấu xa” trong mình: “cứ nhận đi, có mất gì đâu!” Mất đó! Bạn sẽ mất đi một chỗ trong nhà để chứa món đồ “miễn phí”, mất công sức tha lôi đồ về và tìm chỗ cất hợp lý, rồi lại mất thời gian dọn nhà và bỏ nó đi sau này.
Tôi không thể nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của việc nói không với những món đồ miễn phí này bởi vì nó có thể “sinh sôi” rất nhanh và làm cho cuộc sống trở nên stress hơn chúng ta nghĩ, nó cũng tương tự đối với các món đồ đại hạ giá, hoặc mua chỉ để “phòng hờ”.
Ngừng cho/tặng người khác những thứ họ không cần đến
Khi lưỡng lự về việc bỏ đi một món đồ còn ít nhiều giá trị sử dụng, ta thường nghĩ ngay đến việc chuyển món đồ đó đi cho người thân (ví dụ, “Ôi, món này bỏ đi phí quá, phải cho con em họ chắc nó sẽ thích lắm”) và vỗ về bản thân là mình đang làm ơn cho người khác và không hề phung phí. Nhưng vấn đề là người khác ấy có thực sự cần món đồ đó không? Hay để tối giản cuộc sống của mình mà ta góp phần làm rối lên cuộc sống của người khác?
Khi nói không với đồ miễn phí, bạn cũng cần nói không với việc đem đồ của mình cho/tặng người khác mà không thông qua họ một cách kỹ lưỡng.
Khi mua quà tặng mọi người nhân dịp lễ tết hoặc về chơi, hãy cố gắng chọn những món có thể sử dụng hết ngay (ví dụ, kem đánh răng, sữa tắm) hoặc đồ cụ thể những người mà bạn định tặng đang cần (ví dụ, sách chuyên ngành, thuốc).
Đối với mọi người có ý định tặng quà cho bạn, bạn cũng nên cố gắng gửi thông điệp này, mong được nhận những món có thể sử dụng hết hoặc đồ tôi thực sự cần.
Hiểu rằng hạnh phúc là ở ngay trong cuộc sống thường nhật
Một phần lý do tại sao chúng ta chịu bỏ ra nhiều thời gian và tiền bạc để mua sắm là bởi vì ta thường cảm thấy cuộc sống hàng ngày nhàm chán, cần phải làm gì đó cho vui lên. Với nhiều người, mua sắm, ăn nhà hàng, đi du lịch…, những thứ thường đi kèm với việc tiêu tiền, là niềm vui, thậm chí là niềm vui duy nhất.
Nhưng sự thật là, hạnh phúc luôn ở ngay trong cuộc sống tưởng như buồn tẻ ấy. Khi sống theo Chủ nghĩa tối giản, bạn sẽ không còn cảm giác muốn đi xa vào mỗi ngày nghỉ nữa, bắt đầu tiết kiệm tiền để dành cho những khoản tiêu có ý nghĩa hoặc những chuyến đi du lịch lớn hơn sau này.
Tập trung vào những điều có ý nghĩa tích cực
Đây là điều khó nhất để thay đổi nhưng cũng là điều có ảnh hưởng nhất. Có lẽ phần lớn những người Việt Nam chúng ta, đã và đang mất rất nhiều thời gian và tâm sức để lo xem người khác nghĩ gì về mình. Và để làm hài lòng tất cả mọi người, chúng ta sẵn sàng dành thời gian nghe than vãn hoặc nghe chuyện ngồi lê đôi mách từ những người ta không quan tâm và chắn chắn cũng không quan tâm mấy đến mình.
Trong khi đó, ta lại thường xuyên trì hoãn việc liên lạc với người thân và những người bạn luôn trân trọng mình. Rồi ai cũng nghĩ là ta bận. Mà đúng thật!
Ta bận đến mức 10 phút ngồi thiền để tâm hồn tốt đẹp hơn, suy nghĩ tích cực lên cũng không có, nhưng có thể dành ra hàng giờ đồng hồ để “tiếp thu” những điều hết sức tiêu cực từ người hoàn toàn chỉ sử dụng ta làm nơi xả stress. Bận đến mức phải vừa ăn cơm vừa viết bài, nhưng có thể bỏ ra hẳn một ngày nghỉ cuối tuần để viết hộ bài cho người khác, chỉ vì ngại không dám từ chối lời nhờ vả.
Nhưng khi sống theo Chủ nghĩa tối giản, chúng ta sẽ bắt đầu suy nghĩ kỹ hơn về những tư duy, con người, và sự việc nào thực sự đem lại ý nghĩa tích cực cho cuộc sống của chính chúng ta. Có thể tối giản đi cuộc sống sẽ làm ta bớt “hoàn hảo” đi trong mắt một số người nhưng quan trọng hơn, nó khiến ta trở nên hạnh phúc hơn.
Cách để có một lối sống tối giản
Bỏ bớt những đồ vật không sử dụng
Đây sẽ là thời điểm thích hợp để bạn vừa dọn dẹp lại không gian sống của mình cũng như lên danh sách những đồ vật bạn cảm thấy không cần thiết. Để có thể làm trống không gian sống thì trước hết bạn phải học cách từ bỏ hoặc có thể tặng lại cho những ai cần chúng. Hãy bắt đầu từ những tủ quần áo, bàn, ghế và khu vực nhà bếp,
Tất cả những đồ vật trong nhà nếu không cần thiết và không sử dụng trên ba tháng hãy buông bỏ chúng. Thực chất những món đồ đó bạn nghĩ cần thiết nhưng chúng thực sự không quan trọng như cách bạn nghĩ đâu. Chỉ khi bạn dám buông bỏ bớt đi thì không gian sống của bạn mới trở nên dễ “thở” hơn.
Sắp xếp hợp lý, để những đồ thường xuyên sử dụng tại nơi dễ lấy
Đây cũng là một cách thông minh giúp bạn đỡ phải thường xuyên dọn dẹp và cũng tiết kiệm thời gian khi không phải lục tung mà vẫn có thể dễ dàng tìm được vật dụng bạn muốn. Do đó bạn cần phải có một số mẹo để có thể sắp xếp sao cho thật gọn và tiện ích:
- Lựa chọn nội thất tối giản và tiện ích
- Đồng nhất màu sắc của các vật dụng trong nhà
- Nếu đồ nhiều có thể sử dụng các kệ lớn rộng âm tường
- Phân loại, sắp xếp quần áo theo số lần sử dụng
- Tận dụng mọi ngóc ngách
- Tạo thói quen cất đồ gọn gàng
Chi tiêu có kế hoạch
Trước khi chi tiêu cho một sản phẩm nào đó bạn hãy tự trả lời câu hỏi sau: Sử dụng trong bao lâu? Có sử dụng thường xuyên? Có nhiều công dụng khác không?
Hãy cân nhắc thật cẩn thận trước khi quyết định mua một sản phẩm nào và chi tiêu sao cho hợp lý.
Minimalism không có nghĩa là bạn phải sử dụng những món đồ càng tiết kiệm càng tốt. Không phải những đồ rẻ và đơn giản thì mới gọi là lối sống tối giản, cũng chính suy nghĩ này sẽ tạo ra những rắc rối lớn cho phong cách sống của bạn.
Việc mua đồ rẻ sẽ có thời hạn sử dụng ngắn càng khiến bạn tốn kém hơn. Nên sử dụng những đồ dùng có chất lượng tốt và không phải dành nhiều thời gian để sửa chữa. Trong phong cách tối giản, chú trọng vào chất lượng và tính tiện ích là việc đầu tiên trước khi nghĩ đến chi phí.
Duy trì như một thói quen
Hãy có cho mình những kế hoạch dọn dẹp nhà và làm mới không gian sống biến nó trở thành thói quen. Qua đó bạn sẽ cảm thấy sự thay đổi lớn trong cách sống của bạn. Một không gian sống lành mạnh và đơn giản hóa mọi thứ sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn.
Minimalism trong cả thiết kế và đời sống sẽ mang đến cho bạn một môi trường tuyệt vời, hướng đến sự thư giãn khi chú trọng vào không gian sống rộng rãi, một lối sống giản đơn thỏa mãn những thứ bạn đang có, buông bỏ những áp lực và biến nó trở thành động lực sống. Hy vọng qua bài viết này, phong cách tối giản sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho bạn trong lối sống cũng như trong các thiết kế trang trí.
7 hiểu lầm thường gặp về Chủ nghĩa tối giản
Cũng như mọi loại hình chủ nghĩa, học thuyết đi ngược lại với “cái chuẩn” của số đông khác, Chủ nghĩa tối giản đến cùng với rất nhiều câu hỏi, ngờ vực, chỉ trích, và lo sợ. Nỗi sợ phải thay đổi là rất thật, nhất là khi ta không có đầy đủ thông tin về Chủ nghĩa tối giản và khó đoán biết được lối sống mới này sẽ thay đổi cuộc sống của ta như thế nào trước khi bước vào trải nghiệm thực tế.
Để hiểu đúng về Chủ nghĩa tối giản, phần tiếp theo chúng tôi sẽ phản biện 7 hiểu lầm thường gặp (common misconceptions) về phong cách sống này.
Chủ nghĩa tối giản chỉ dành cho những người giàu có
Khi hiểu tối giản là bỏ đi những thứ dư thừa, nhiều người có thể nghĩ rằng đây là một “Chủ nghĩa nhà giàu” vì chỉ người có điều kiện mới có nhiều của cải, còn những người thiếu thốn, không có điều kiện mua sắm thì bản thân họ đã “tối giản” rồi.
Logic này nghe qua thì hợp lý nhưng hoàn toàn không có tính thực tiễn. Tôi từng gặp nhiều người giàu có sống trong căn nhà vô cùng rộng lớn nhưng rất ít đồ đạc. Ngược lại, tôi cũng gặp những người có thu nhập thấp, sống trong căn hộ nhỏ chật chội, nhưng lại ngập toàn đồ đạc không tên, dư thừa.
Đúng là người có giàu có thì sẽ có điều kiện sắm sửa nhiều hơn và có chỗ trống để chứa nhiều đồ hơn, dễ dẫn đến việc nghiện mua sắm những thứ xa xỉ, không cần thiết. Nhưng người nghèo lại dễ có tư duy gom góp, thu nhặt, tích trữ đồ đạc, giữ đồ để “phòng hờ” hơn. Người giàu dễ mua sắm thêm nhưng cũng dễ để đồ đạc ra đi. Người nghèo thường khó bỏ đi những món đồ cũ, trong khi thường xuyên đưa về những món đồ mới.
Bản thân tôi không phải người giàu có, với đồng lương (mà ở đây chỉ gọi là stipend) của một nghiên cứu sinh, mua sắm cá nhân của tôi chỉ dừng ở mức tối thiểu, vậy mà cũng từng có lúc tôi đến tột cùng căng thẳng và áp lực vì nhiều đồ đạc. Vì vậy, vấn đề của việc tích trữ đồ đạc không chỉ dành riêng cho bất kỳ tầng lớp xã hội nào.
Chủ nghĩa tối giản chỉ dành cho những người trẻ, chưa có gia đình
Đúng là những người trẻ tuổi, độc thân dễ thực hành Chủ nghĩa tối giản hơn vì họ có thể thay đổi lối sống nhanh hơn, quyết liệt lơn hơn so với những người đã có gia đình và con cái. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những người lớn tuổi, có gia đình không thể thực hiện cuộc sống tối giản.
Trên thực tế, hai bloggers gần như tiên phong về Chủ nghĩa tối giản trên thế giới, Leo Babauta và Joshua Becker đều đã ở độ tuổi trung niên. Joshua có có 2 con, còn Leo có tới 6 người con.
Theo cả hai người, Chủ nghĩa tối giản đã thay đổi cuộc sống của của họ và các thành viên trong gia đình theo chiều hướng tốt lên rất nhiều so với trước đây.
Đặc biệt là Leo, trước khi biết đến Chủ nghĩa tối giản, người bố của 6 đứa con này từng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, nhà cửa bừa bộn, nghiện thuốc lá nặng, thừa cân, và thường xuyên thiếu kiên nhẫn với vợ con. Có những lần túng tiền đến mức anh từng phải rút lõi con lợn tiết kiệm của các con để mua đồ ăn.
Từ khi chuyển sang lối sống tối giản, Leo dần cân bằng được cuộc sống, tập trung vào công việc, không chỉ giải quyết hết vấn đề tài chính, anh còn trở nên sâu sắc và tâm lý hơn với gia đình. Ngày nay, thông qua blog Zen Habits, Leo truyền cảm hứng cho hàng triệu bạn đọc trên thế giới sống theo Chủ nghĩa tối giản.
Điểm tuyệt vời nhất của Chủ nghĩa tối giản là bạn không cần thuyết phục hay ép buộc người thân thay đổi theo cách sống này, hãy cứ tập trung tối giản hoá phần của riêng bạn, “phép màu” sẽ tự khắc đến với những người xung quanh.
Tôi tin rằng bất kỳ ai, ở độ tuổi nào, và hoàn cảnh gia đình ra sao đều có thể tối giản hoá cuộc sống của mình, chỉ cần bạn tin rằng đây là điều làm cho cuộc sống của bạn và gia đình tốt hơn. Với những ai đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc về tài chính, tâm lý, và gia đình, biết đâu Chủ nghĩa tối giản lại là lối thoát mà các bạn tìm kiểm bấy lâu?
Chủ nghĩa tối giản chỉ hợp với “Tây”
Tôi từng nghe rất nhiều người nói rằng chỉ có sống ở “Tây” hay ở các nước phát triển mới thực hiện được lối sống tối giản vì người ngoại quốc vốn đã hiện đại, văn minh sẵn, và rằng “người Việt Nam mình” đã quá quen với việc gom góp, lưu cữu đồ đạc từ hàng thế hệ rồi. Những lúc như vậy, tôi chỉ muốn bắc cái loa phóng thanh to nhất, vặn volume cỡ lớn nhất, để hét lên rằng: “Chính vì vậy, Chủ nghĩa tối giản sinh ra là để cho Việt Nam!!!”
Rất nhiều gia đình Việt Nam sống cùng nhiều thế hệ, càng nhiều người sinh ra, nhà cửa càng chật thêm. Với nhu cầu ngày một lớn hơn, nếu đồ đạc không được bỏ đi thì chẳng mấy chốc gia đình nào cũng sẽ ngập chìm trong chính những món đồ vô giá trị mình tự tha lôi về nhà. Nguy hiểm hơn là ở chỗ, qua thời gian, ta dễ xem việc sống trong bừa bộn, thừa thãi, căng thẳng, ngột ngạt là hiển nhiên, từ đó không có động lực để thay đổi nữa.
Nhìn vào trải nghiệm của cá nhân mình, tôi chỉ thực sự nhận ra mình đã stress đến thế nào khi bỏ đi 80% đồ đạc và bắt đầu lối sống mới. Trước đó, tôi thường xuyên đổ lỗi cho lịch làm việc bận rộn, không có thời gian thư giãn, rồi nhà cửa chật chội, không có người giúp đỡ… mà không để ý rằng mình cần bắt đầu từ việc tối giản hoá đồ đạc dư thừa để dần cân bằng cuộc sống.
Chủ nghĩa tối giản cũng là điều mới mẻ với phương Tây, nơi rất nhiều người lớn lên với thói quen mua sắm vô độ (consumerism) và chịu sự kiểm soát, giật dây của các nhãn hàng với chiêu thức marketing hấp dẫn. Nhưng khoảng từ một vài năm nay, làn sóng anti-consumerism dần trở nên mạnh mẽ, rất nhiều người tìm lại được sự kiểm soát cuộc sống của mình từ khi ngừng mua sắm, bỏ đi những đồ đạc không dùng tới, và trân trọng hơn vào những gì mình sẵn có.
Bởi vậy, dù cho có ở đâu, tất cả những người theo Chủ nghĩa tối giản đều trải qua một quá trình tương đối đồng nhất để thanh lọc cuộc sống, tìm về những giá trị cơ bản nhất, cốt lõi nhất, và quan trọng nhất của cuộc sống.
Tối giản đồng nghĩa với nhàm chán
Nhiều người mới tìm hiểu về Chủ nghĩa tối giản dễ hiểu lầm rằng tối giản hoá có nghĩa là nhàm chán hoá cuộc sống. Logic này bắt đầu từ suy nghĩ nếu có nhiều đồ đạc đa dạng, cuộc sống của ta sẽ càng phong phú hơn, nay, nếu bỏ bớt đồ đạc, sống cuộc sống ắt sẽ bớt hẳn niểm vui? Ngày trước khi tôi có một tủ quần áo lớn tới 100-200 món, tôi vẫn luôn cảm thấy không có gì để mặc vào mỗi sáng.
Vì có quá nhiều lựa chọn, tôi thường chậc lưỡi mặc đi mặc lại những bộ quen thuộc, điều này khiến chính tôi cảm thấy nhàm chán với bản thân, và lại càng thôi thúc mua thêm đồ mới.
Từ khi sống theo Chủ nghĩa tối giản, tôi chỉ còn trên dưới 30 món quần/áo cho mỗi mùa, nhưng từ 30 món ấy tôi có thể tạo ra hàng trăm bộ khác nhau. Không chỉ dừng ở việc phối cái quần này với cái áo kia, tôi còn nhận ra việc thay đổi kiểu tóc, trang điểm, phụ kiện, giày dép…cũng khiến cách mình xuất hiện khác hẳn, đa dạng hơn rất nhiều.
Tối giản hoá cuộc sống không hề làm cuộc sống của tôi nhàm chán, mà còn đánh thức được tư duy sáng tạo, khả năng thẩm mỹ, và niềm vui khi được sửa soạn quần áo, nhà cửa của tôi.
Trong hơn một năm nghiên cứu, sống, và quan sát thay đổi của tôi và những người xung quanh từ Chủ nghĩa tối giản, tôi chưa từng thấy bất kỳ ai than phiền rằng Chủ nghĩa tối giản khiến cuộc sống của họ trở nên nhàm chán. Ngược lại, phần đông mọi người thường nói cuộc sống tối giản khiến họ cảm thấy “giàu có” hơn, vui hơn, và có thêm nhiều năng lượng làm những điều mình muốn.
Tối giản là lãng phí, “phải tội”
Trong cuốn The life-changing magic of tidying up, Marie Kondo có kể câu chuyện rằng cô từng giúp một nữ khách hàng trẻ bỏ bớt những đồ không còn mang lại niềm vui (spark joy), họ đã soạn ra 15 túi đồ lớn, đang gói lại và chuẩn bị bỏ đi.
Đúng lúc đó, mẹ của vị khách hàng bước vào phòng, khi thấy đồ bỏ đi trong túi, bà bắt đầu tiếc của, đặt câu hỏi tại sao con gái lại bỏ đồ đi, và kiên quyết lấy lại một số đồ, mặc dù cả mẹ và con gái chắc chắn đều không dùng đến nữa.
Từ đó, Marie Kondo nhấn mạnh, điều quan trọng nhất khi bỏ đồ đi là không để gia đình mình nhìn thấy. Tác giả giải thích rằng khi bố mẹ nhìn thấy con cái bỏ đi những đồ dùng cá nhân, họ dễ lo lắng rằng con sẽ thiếu thốn, sẽ khổ sở nếu thiếu đi đồ dùng đó. Bố mẹ cũng dễ trở nên nhạy cảm nếu thấy con cái bỏ đi những thứ mang tính kỷ niệm, đặc biệt liên quan đến bố mẹ, ông bà…
Vì vậy, nếu không muốn đối mặt với những câu hỏi về lãng phí, “phải tội”, khi tối giản hoá đồ đạc cá nhân của mình, bạn nên tránh để người thân nhìn thấy.
Nhưng sự thật, tối giản hoàn toàn không phải là lãng phí. Nếu bạn giữ một món đồ cả năm, thậm chí hàng năm không dùng đến, đó mới là lãng phí! Khi sống tối giản, số lượng đồ đạc giảm đi đồng nghĩa với việc bạn dễ tận dụng được toàn bộ đồ đạc với tất cả công năng sử dụng của nó, đó không chỉ tối giản mà còn tối ưu cuộc sống. Đối với tôi, từ khi chuyển sang lối sống tối giản, tôi nâng niu và tôn trọng đồ đạc của mình hơn.
Trước đây, tôi sẵn sàng bỏ một chiếc áo mới mặc một lần vào máy giặt, rồi tiếp tục cho vào máy sấy mà không quan tâm nó còn sạch hay không, có thích hợp giặt máy hay không, đến khi áo hỏng, áo sờn, tôi lại trách mắng chiếc áo và ngay lập tức mua đồ thay thế.
Bây giờ, tôi rất cẩn thận khi mua sắm, tôi sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua một chiếc áo tốt, tôi xem kỹ cách giặt đồ thích hợp trên mác, tôi không ngại giặt tay đồ, và tôi cũng là ủi, treo đồ cẩn thận hơn. Tối giản không những không lãng phí mà còn khiến tôi tiết kiệm rất nhiều tiền bằng việc cắt giảm các khoản mua sắm không tên.
Tối giản là keo kiệt, phá hoại nềm kinh tế
Ngược lại với ý kiến phía trên, nhiều người lại nói tối giản là keo kiệt, nếu ai cũng ngừng mua sắm thì chẳng mấy nền kinh tế sẽ đi xuống. Đây cũng là một trong những phản biện thường gặp về Chủ nghĩa tối giản dưới góc độ thương mại.
Như tôi đã viết, những người sống theo Chủ nghĩa tối giản vẫn mua sắm hàng ngày cho nhu cầu thiết yếu – những thứ cần mua. Đối với những mua sắm ngoài lề – những thứ muốn mua – họ vẫn mua nhưng chọn lọc hơn, quan tâm đến chất lượng hơn số lượng, thậm chí quan tâm công ty sản xuất có đạo đức hay không, có thử nghiệm trên động vật, có phá hoại môi trường hay không.
Nhưng điều này, theo tôi, không những không phá hoại nền kinh tế mà còn giúp thanh lọc thị trường, buộc các nhãn hàng tập trung vào chất lượng, và quan tâm đến những lợi ích của cộng đồng, thiên nhiên hơn là chỉ túi tiền cá nhân.
Chủ nghĩa tối giản chỉ cần áp dụng một lần duy nhất trong đời
Mặc dù bạn có thể đến với Chủ nghĩa tối giản nhanh nhất với việc thay đổi mạnh mẽ trong một lần duy nhất, nhưng tôi khuyên việc theo đuổi Chủ nghĩa tối giản nên là cả một quá trình. Sau 1 năm theo đuổi Chủ nghĩa tối giản, tôi nhận ra ngoài vật chất, có rất nhiều mảng trong cuộc sống mà tôi có thể tối giản hoá thêm. Và vì thế, tôi không ngừng học hỏi và tìm tòi cách tối giản hoá/tôi ưu hoá cuộc sống mới.
Ví dụ, trong bài viết gần đây về kỹ năng học tập, tôi có chia sẻ về cách ghi bài trên lớp trong một quyển sổ tay duy nhất, thay vì mỗi môn mỗi quyển, vừa ghi trên máy tính, vừa ghi tay như trước đây. Đây là cách thức tôi mới nghĩ ra khi quan sát việc học tập hàng ngày của mình bằng tư duy tối giản.
Ngay cũng như việc biên tập website này, khi viết nháp lần đầu tiên, tôi thường viết rất dài, khoảng từ 2500-3500 từ, sau đó tôi thường đọc lại để rút ngắn nhất có thể, làm sao vừa súc tích, vừa chất lượng trong khoảng 1500-2800 từ.
Thông thường tôi viết nháp một bài hết 3 tiếng, biên tập lần thứ nhất hết 1 tiếng, và biên tập lần cuối trước khi gửi đi 30 phút, tôi cố gắng để 3 lần viết/biên tập này trong 3 ngày khác nhau để có cái nhìn tươi mới hơn về bài viết.
Mặc dù tốn thêm thời gian, tôi vẫn muốn đầu tư vào công tác biên tập và học thêm cách viết ngắn gọn để cô đọng nguồn thông tin tôi đưa đến cho bạn đọc.
Sống theo Chủ nghĩa tối giản là cả một hành trình và có thể cuộc hành trình này sẽ không có hồi kết. Nhưng đó có lẽ đây lại là điểm thú vị nhất của phong cách sống này. Còn có gì vui hơn khi mỗi ngày chúng ta lại nhắc bản thân là mình còn nhiều điều cần học, rằng tri thức con người thật bao la, bát ngát, và rằng cuộc sống hiện tại của ta còn có thể tốt đẹp hơn nữa, mỗi ngày, và mỗi ngày…
Hạn chế và thách thức của Chủ nghĩa tối giản
Phải giặt đồ thường xuyên
Với việc có một số lượng ít quần áo, thường xuyên được quay vòng và mặc đi mặc lại nhiều lần trong thời gian ngắn, ai đang xây dựng tủ quần áo tối giản đều cần cân nhắc đến việc giặt đồ nhiều hơn mỗi tuần. Môi trường sống ở các thành phố lớn ở Việt Nam cũng bụi bặm và ô nhiễm hơn, khiến nhu cầu giặt giũ cũng nhiều hơn.
Để khắc phục hạn chế này, nếu có điều kiện về vật chất và không gian, mỗi gia đình hoặc các hộ gia đình sống chung/liền kề rất nên cân nhắc mua một cái máy sấy khô. Máy sây khô sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian phơi phóng, rút quần áo (đặc biệt ở những nhà đông người mà thiếu không gian phơi) và rất tiện dụng cho những ai đang có con nhỏ cần giặt giũ hàng ngày.
Chỉ có lưu ý là không nên quá lạm dụng máy giặt – máy sấy, ví dụ như vẫn nên giặt tay những món đồ không thể giặt máy hoặc cho đồ mỏng manh vào túi giặt máy chuyên dụng…
Nếu chưa có điều kiện sắm máy sấy khô, ta cũng có thể giảm thiểu tần suất giặt đồ bằng cách mặc một cái áo khoác nhẹ, tối màu, size lớn bên ngoài để ngăn bụi bặm, mưa bẩn khi đi ngoài đường. Ngoài ra, mỗi lần tắm rửa có thể tranh thủ giặt và phơi nhanh những món đồ nhỏ, nhẹ để tránh tình trạng đồ bẩn bị dồn ứ, dẫn đến thiếu quần áo mặc hàng ngày.
Không còn liều “doping” mua sắm
Một điều mà tôi rất phản đối nhưng không thể phủ nhận, đó là cảm giác hưng phấn ngay tức thì sau khi mua được một món đồ mới.
Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều chị em vạ vật, bờ phờ xếp hàng tới 2-3 giờ sáng trước các cửa hiệu thời trang dịp Black Friday. Một phút trước khi được vào mua, trông họ khổ sở tưởng như sắp gục đến nơi, nhưng một phút sau khi mua được hàng rồi thì thần thái họ khác hẳn hoàn toàn, vui vẻ cười nói, đi lại chạy nhảy hệt như vừa được tiêm một liều doping vậy.
Mặc dù cảm giác hưng phấn này có thể chỉ diễn ra trong vài phút, nó cũng là cái bẫy khiến mọi người không ngừng mua sắm, thậm chí coi mua sắm là liều thuốc tiên để giải toả tâm lý khi buồn chán. Với việc tối giản hoá cuộc sống và nói không với mua sắm vô độ, vô hình chung ta cũng mất đi liều “doping” này.
Tuy nhiên, mặt tích cực của hạn chế này là nó bắt con người phải tìm ra những giải pháp tốt hơn để giải toả tâm lý. Ví dụ như thay vì cứ có chuyện khúc mắc là lại rẽ ngay vào hàng quần áo hay đi ra siêu thị, chúng ta buộc phải ngồi lại ngẫm nghĩ một chút về nguyên nhân của sự việc, đối mặt với vấn đề của bản thân, và nói chuyện thẳng thắn với những người làm tổn thương mình.
Đối với tôi, việc từ bỏ liều “doping” mua sắm là một dấu hiệu của sự trưởng thành. Ngoài ra, vì các món đồ mình mua đều được cân nhắc kỹ, theo dõi lâu dài trên danh sách, cân đo giữa “muốn mua” và “cần mua”, cảm giác khi được sở hữu một món đồ mới còn thoả mãn hơn và kéo dài lâu hơn khi mua chộp giật, vội vàng như trước đây nhiều lần.
Khó để giải thích với những người khác lối sống
Bởi vì Chủ nghĩa tối giản là một khái niệm trừu tượng, là một phong cách sống mà chỉ có mỗi cá nhân mới có thể hiểu được qua trải nghiệm thực tế, rất khó để giải thích với người khác thế nào là Chủ nghĩa tối giản.
Sẽ không có người ông, bà, bố, mẹ nào thấy ổn khi con mình tự dưng bỏ đi hết đồ đạc mà tốn bao nhiêu công của có được, cũng không có người con nào hiểu được ngay khi bố mẹ tự nhiên bỏ đi hàng loạt các món đồ bao năm của gia đình. Và chúng ta cũng không có quyền để ép người khác thay đổi lối sống của họ.
Tối giản hay không tối giản đó là nhận thức và quyền lựa chọn của riêng của mỗi người, không có lý do gì để áp đặt lên người khác. Do vậy, đôi khi sống theo Chủ nghĩa tối giản cũng đồng nghĩa với việc đơn độc đi ngược lại thói quen của số đông. Bạn sẽ nhận ra rằng mình phải nói “không” nhiều hơn (với đồ miễn phí, đồ cũ người khác cho mình, các lời mời đi mua sắm…), trong khi đó lại rất khó để giải thích tại sao mình phải từ chối.
Làm sao để giải thích cho những người ở thế hệ trước, những người quen sống với nhiều đồ đạc, những người ít dọn dẹp… thế nào là Chủ nghĩa tối giản và cảm giác nhẹ nhõm, tự do, thanh thản khi có ít đồ như thế nào?
Cuộc sống có thể vẫn bị đồ đạc chi phối
Điểm trớ trêu của việc thay đổi phong cách sống (bất cứ phong cách nào) là con người rất dễ đi từ cực này sang cực kia. Nếu như Chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism) khiến mọi người sống nặng nề về mua sắm, tích trữ vật chất, khiến đồ đạc leo thang chi phối, bóp nghẹt cuộc sống của mình thì Chủ nghĩa tối giản lại khiến nhiều người trở nên “ám ảnh” với việc ngày nào cũng phải nghĩ ra bỏ đi một vài món đồ.
Họ còn có xu hướng không ngừng đếm đồ đạc của mình và so sánh bản thân với người khác xem ai “tối giản” hơn ai. Quay trở lại mục đích cốt lõi của Chủ nghĩa tối giản là giải phóng con người khỏi đồ đạc và những thứ không còn ý nghĩa để tập trung thời gian và năng lượng vào những điều tích cực hơn, việc suốt ngày quay quanh đồ đạc của mình, dù là để mua thêm hay để bỏ đi, cũng là không hiệu quả.
Khá nhiều người đã chia sẻ rằng bạn dần trở nên “ám ảnh” với việc bỏ đồ đạc và hỏi tôi cách vượt qua vấn đề tâm lý này. Cá nhân tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác như vậy nên cũng phải mất một thời gian phân tích, tìm hiểu tôi mới có thể phần nào giải đáp được vấn đề này.
Thứ nhất, tôi nhận thấy những người trải qua giai đoạn “ám ảnh” này thường mới sống theo Chủ nghĩa tối giản được một thời gian không lâu, mà khi vừa tiếp xúc với cái mới, ta thường dễ phấn khích và trở nên quá đà. Cái này có thể điều chỉnh dần dần qua thời gian và trải nghiệm.
Thứ hai, cá nhân tôi cảm thấy việc đếm đồ đạc là hơi thái quá, vì vậy bạn có thể cân nhắc ngừng việc này nếu cảm thấy bị “ám ảnh” với việc phải bỏ đồ đi hàng ngày.
Thứ ba, bạn có thể chuyển năng lượng của mình sang một việc khác, tôi rất khuyên bạn nào cảm thấy bị mất cân bằng có thể tập trung vào học tập, công việc, tập thể thao… liên tục trong một thời gian để tìm lại sự cân bằng tốt hơn.
Không biết sử dụng thời gian rảnh hiệu quả
Sau một thời gian áp dụng tư duy tối giản vào mọi mặt của cuộc sống, bạn sẽ bỗng chốc cảm thấy mình có thêm nhiều thời gian rảnh. Và điều này có thể sẽ rất “có vấn đề”.
Ví dụ như trước đây buổi sáng cuống cuồng nhảy ra nhảy vào nhà tắm, lặn ngụp trong đống quần áo chất như núi mà vẫn “không biết mặc cái gì”, rồi định trang điểm cũng không tìm đâu ra cây cọ chuẩn trong số hàng chục cây hỏng mà không vứt… mất đứt một tiếng rưỡi đồng hồ. Bây giờ tất cả các công đoạn trên chỉ mất chừng 15-30 phút vì thời gian tắm rửa đã đi vào nếp, mặc quần gì áo gì chỉ liếc qua là biết, trang điểm cũng nhanh hơn, các bước thao tác nhanh gọn, tối giản.
Vậy hơn một tiếng dôi dư ra nên làm gì? Đó chỉ là buổi sáng, nếu áp dụng tư duy tối giản vào công việc, tập trung cao độ để đạt hiệu quả cao nhất, bạn sẽ còn dôi dư ra thêm nhiều thời gian nữa. Đột xuất trở nên “nhàn” cũng sẽ khiến ta lúng túng. Từ đó dễ sa đà vào điện thoại, máy tính, mạng xã hội, chơi game online…dẫn đến tốn nhiều thời gian hơn và có thể càng ngày càng lười hơn nữa.
Đây là một điểm hạn chế của Chủ nghĩa tối giản mà tôi ước mình biết được sớm hơn vì bản thân tôi đã từng rất lúng túng để tận dụng thời gian trống của mình thuở ban đầu. Sau này, khi mọi thứ đã ổn định, tôi có xây dựng một hệ thống habits & routines để sống tích cực hơn và tối ưu hoá thời gian mình có.
Bạn đọc có thể tham khảo những bài viết về chủ đề Làm tốt Học hay này để có thêm ý tưởng sử dụng tốt nhất thời gian rảnh của mình. Nếu được quay lại, tôi sẽ lập kế hoạch trước cho khoảng thời gian rảnh sau khi tối giản hoá cuộc sống, tránh xa smartphone, dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và trò chuyện nhiều hơn với những người tôi yêu thương.
Kết
Nếu bạn đang cảm thấy choáng ngợp với ý tưởng, quá nhiều việc được xem trọng, lịch trình bị lên kế hoạch quá thời gian hoặc không gian thực của bạn chứa đầy những thứ không phù hợp thì chủ nghĩa tối giản sẽ là giải pháp giúp bạn giải quyết những vấn đề đó. Với không gian được dọn sạch và nền tảng của thói quen được xây dựng theo lối sống tối giản Minimalism, sẽ giúp bạn tìm ra dòng chảy sáng tạo của bản thân bạn và tạo ra tác động tích cực trong quá trình tự mình phát triển.
Chúng tôi tin rằng sống theo Chủ nghĩa tối giản hay không không quan trọng. Điều quan trọng là ta chọn cho mình một phong cách sống để phát triển bản thân cả về nhân cách và trí tuệ, để tìm được bản ngã của mình, để biết rằng mình đang sống chứ không chỉ đang tồn tại, và để ngày hôm nay sống tốt hơn ngày hôm qua.
Chúc các bạn áp dụng thành công!
Bài viết có tham khảo nội dung từ Blog The Present Writer