Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 30
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: hơn 6 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Trung cấp Thiết kế thời trang
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): không có
- Số giờ làm hằng tuần: 42 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): xưởng thủ công tại nhà, khoảng 3-5 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Đây là xưởng đồ da thủ công do mình xây dựng từ những ngày đầu bắt tay vào công việc nên hầu như những công việc trong xưởng mình đều đã phải làm từ những ngày đầu tiên. Sau này khi xưởng được mở rộng hơn và có thêm các bạn nhân viên thì các công việc của mình cũng thay đổi đi.
Có rất nhiều công việc khác nhau trong xưởng vì xưởng sẽ phải đảm bảo gần như đầy đủ tất cả các quy trình cần thiết để đưa ra một sản phẩm hoàn thiện, một số công việc cơ bản có thể kể tên như:
- Tìm kiếm và thu mua các nguyên vật liệu. Nguyên vật liệu chính như da thì có thể mua ở Hội An hay có thể đặt hàng trong nước, nhưng những nguyên liệu khác hay các phụ kiện thì đòi hỏi mình phải đặt hàng từ nước ngoài.
- Tìm kiếm và nghiên cứu các mẫu thiết kế (công việc này chẳng khác gì các bạn làm trong ngành thời trang đâu)
- Tìm kiếm khách hàng, chăm sóc khách hàng
- Trực tiếp gia công các sản phẩm
- Kiểm tra chất lượng
- Giao hàng
Những công việc cơ bản ở trên mình đều phải tự làm hết vào những ngày đầu mới mở xưởng. Sau này thì mình chỉ tập trung vào các khâu thiết kế, ra mẫu sản phẩm, giám sát gia công sản phẩm, kiểm tra chất lượng và chăm sóc khách hàng.
Với vai trò là một người chủ, điều đầu tiên là những công việc này có thể mang lại lợi ích kinh tế. Khi xưởng của mình phát triển hơn, mình đã có thể tạo thêm việc làm cho người lao động phổ thông. Nhìn xa xăm hơn thì mình còn đóng góp cho sự phát triển của các ngành nghề thủ công ở địa phương, cung cấp được những mặt hàng chất lượng cho thị trường thời trang, đồ dùng lưu niệm…
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Cuối năm 2011, sau khi trải qua một số công việc, mình quyết định theo đuổi sở thích thiết kế thời trang và phụ kiện thời trang. Do đó, mình muốn thử sức với nghề làm đồ da thủ công này. Mình đã tự quyết định mọi thứ và vẫn luôn tin tưởng vào quyết định của mình đến thời điểm hiện tại.
Sau khi tốt nghiệp, mình quyết định mở xưởng ngay và dần dần kêu gọi thêm một số người bạn cùng hợp tác sản xuất. Xét đến nay, mình chưa nghĩ đến việc chọn lại một ngành khác.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Sáng | Lên kế hoạch các công việc cần làm dựa vào các đơn hàng trước đó |
Xử lý phần thô các nguyên vật liệu và hướng dẫn cho các bạn nhân viên | |
Giám sát gia công sản phẩm | |
Kiểm tra chất lượng các sản phẩm đã hoàn thành | |
Chiều | Gặp gỡ và tìm kiếm khách hàng |
Trao đổi với đối tác | |
Tìm kiếm, lên ý tưởng thiết kế cho các sản phẩm mới hay theo các đơn hàng | |
Ghi chú: | Mình thường làm 5-6 ngày trong tuần và thường thay đổi tùy theo việc gặp gỡ khách hàng và số lượng các đơn hàng trong từng thời điểm. |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Mình rất thích thiết kế do đó khi mở xưởng mình có thể tự do thoải mái thiết kế theo ý muốn của bản thân để tạo ra những sản phẩm độc đáo. Đồng thời, những sản phẩm do mình tự thiết kế cũng là một cách rất riêng để thể hiện được ý tưởng, sự sáng tạo và phong cách thời trang của bản thân mình.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Trong quá trình làm việc, điều làm mình khó chịu nhất chính là những lúc thiết kế lỗi hay những sản phẩm đưa ra không thật sự tiện dụng. Mỗi sản phẩm đều có những chức năng riêng của nó và để là một sản phẩm tốt thì nó cần đáp ứng nhiều yếu tố hay các tiêu chí khác nhau. Do đó, mỗi lần làm một sản phẩm mới mình đều phải nghiên cứu tìm tòi rất nhiều thông tin trước khi thực hiện. Nhưng dù có kĩ càng đến đâu thì cũng có nhiều lúc thất bại chỉ vì một lỗi rất nhỏ.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Dù làm bất kì công việc gì mình đều có quan niệm là phải thật sự tập trung và hết mình với công việc thì mới có thể thành công được và không công việc nào mà không cần đến những kiến thức cơ bản cả.
Về kiến thức, có rất nhiều thứ mình cần phải học từ cơ bản đến nâng cao như: kiến thức về thời trang, kiến thức về toán học để phục vụ việc thiết kế nhanh… Nhìn vậy thôi chứ có nhiều kiến thức cần phải tìm hiểu lắm, đơn giản như làm một cái ví thì phải đọc, phải tìm trên mạng xu hướng thời trang hiện tại là như thế nào, màu nào là màu “trend” (xu hướng) của năm, rồi phải tìm hiểu kích thước bàn tay cơ bản của con người hay chiều dài của tờ tiền Đô la khác với tiền Việt Nam như thế nào nè, mình đâu thể bán cái ví cho khách nước ngoài mà họ không bỏ được tiền Đô la đúng không. Dù là làm về thời trang nhưng với vai trò là người chủ, người thiết kế sản phẩm thì mình cũng cần phải am hiểu một số yếu tố trong kinh doanh để có thể đưa ra được những sản phẩm bán ổn định. Không phải cứ nhắm mắt làm rồi mình tự thấy nó đẹp là sẽ bán được đâu.
Kỹ năng thì cũng cần nhiều đó, nhưng có thể cải thiện dần dần lúc làm, đặc biệt là phải kiên trì luyện tập.
Điều quan trọng nhất là thái độ, mình phải luôn có thái độ tích cực với công việc thì công việc mới phát triển được. Mình phải luôn cố gắng làm tốt công việc được giao, luôn mong muốn phát triển tay nghề, tích cực cập nhật công nghệ, kỹ thuật thì mới phát triển được.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Có rất nhiều trường hợp mọi người hay lầm tưởng về công việc này như:
Lầm tưởng | Thực tế |
Mang lại thu nhập khủng | Có những tháng không có đơn hàng nào cả, nên cũng chịu đói, hay những đơn hàng bị lỗi còn phải đền lại nữa. |
Nhàn rỗi | Việc nào nhàn rỗi thì chỉ mình với, chứ mình thấy việc này cứ phải cắm cuối làm hết công đoạn này đến công đoạn khác, đôi lúc có những sản phẩm phải thực hiện qua cả 100 bước khác nhau. |
Nhẹ nhàng | Ai thử may một cái nịt da là sẽ biết nó nhẹ nhàng hay không, lên cả cơ tay đấy chứ, đừng đùa. |
Có thể làm theo ý kiến cá nhân, tự ý quyết định sản phẩm | Không phải đâu nhé, nếu cứ tự ý làm như thế thì hầu như sản phẩm bán ra không được bao nhiêu người mua đâu. Rồi có những đơn hàng theo yêu cầu riêng thì mình cũng phải tư vấn và thực hiện theo ý kiến khách hàng. Thực tế là cơ sở sản xuất chỉ mang ý tưởng và thực hiện gia công sản phẩm thôi, ý kiến khách hàng chiếm hơn 80% quyết định sản phẩm. |
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Câu trả lời là có nếu bạn cố gắng làm tốt công việc của mình. Mọi công việc đều sẽ khó khăn giai đoạn ban đầu nhưng nếu cố gắng và có hướng đi đúng thì nó hoàn toàn có thể giúp bạn trang trải cuộc sống. À và nếu không có Covid nữa nhé!!!
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Đây là công việc yêu cầu người làm phải có đam mê, yêu thích công việc thiết kế, biết nhận định và định hướng công việc phải làm trong tương lai. Mình không khuyến khích bạn nào không đủ kiên nhẫn thực hiện từng sản phẩm và hoàn thiện tối đa sản phẩm một cách tốt nhất theo đuổi công việc này
Như mình đã giới thiệu ở trên, công việc này cũng chẳng khác các công việc về thời trang khác đâu. Có thể nó không được hoành tráng hay hào nhoáng nhưng nó vẫn luôn là một công việc đòi hỏi đầy đủ những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết. Đừng nghĩ đến việc chỉ cần học vẹt các bước làm trên Youtube rồi “copy” các mẫu trên Pinterest là các bạn có thể bắt đầu với công việc này. Nếu có suy nghĩ như vậy thì các bạn chỉ mãi bán được những món hàng đơn giản và chẳng có uy tín hay chất lượng lắm, như thế thì mãi cũng chẳng phát triển được.
Nếu có ý định theo nghề này thì hãy tìm hiểu, học tập đàng hoàng về ngành thời trang, và học hỏi thêm các kiến thức cần thiết. Phải luôn duy trì cho mình tinh thần cầu tiến và cập nhật xu hướng, các bạn có thể bắt đầu đơn giản bằng việc đọc các tạp chí thời trang và theo dõi hay bình luận về các xu hướng mới của các hãng nổi tiếng như tạp chí Vogue… (mình đã từng may một chiếc móc khóa hình con ngựa nổi tiếng của Vogue và được khách hàng cực kì ưa chuộng đấy). Mặc dù là chế tác thủ công nhưng nếu chỉ khéo tay thôi là chưa đủ, mà bạn cần có những kiến thức khác nữa như toán học cũng quan trọng lắm, rồi những kiến thức về việc xây dựng sản phẩm, phát triển sản phẩm. Và để có thể tự mình vận hành một xưởng thủ công thì các bạn cũng cần có những kiến thức cơ bản về kinh doanh nữa nhé, nhưng cái này có thể học từ từ khi bạn đã vững tay nghề.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.