Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 35
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 8
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cử nhân Quản lý Dự án & Thiết bị, Đại học Quốc gia Singapore
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có):
- Professional Certified Coach, International Coach Federation
- MBTI Certified Administrator
- DiSC Certified trainer
- Số giờ làm hằng tuần: 20 – 30 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty với 10 nhân viên, được thành lập từ 2012
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Mình đang đảm nhận 2 vai trò: Lãnh đạo và Chuyên gia khai vấn (coach). Mục này xin phép chỉ nói về công việc khai vấn (coaching).
Khác với tư vấn hoặc cố vấn (cho lời khuyên đến khách hàng), khai vấn là quá trình đồng hành đặt câu hỏi để khách hàng nhìn rõ vấn đề, từ đó được kích thích tư duy sáng tạo, nghĩ ra giải pháp cho riêng mình để đạt được mong muốn trong công việc và cuộc sống cá nhân.
Lãnh đạo cấp cao khi được khai vấn sẽ thông suốt về nội tại, bày trên bàn những suy nghĩ, ý tưởng, cảm xúc, dự định trong đầu, từ đó ra quyết định sáng suốt.
Người đi làm khi được khai vấn sẽ rõ ràng về những gì mình đang có, được gỡ rối và lên kế hoạch hành động đi tới mong muốn.
Sinh viên khi được khai vấn sẽ có cơ hội được lắng nghe, nhìn lại, ra quyết định cho bước đi tiếp theo về lĩnh vực mình mong muốn.
Phụ huynh khi được khai vấn sẽ hiểu được mong muốn kỳ vọng của chính mình, từ đó nhìn lại cách đối xử với con, tạo ra mối quan hệ gia đình hòa hợp.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Ngày xưa khi còn là sinh viên (19 tuổi), mình gặp tình trạng hoang mang về sự nghiệp. Mình muốn được hỗ trợ tìm ra hướng đi hoặc lựa chọn phù hợp. Mình thích ngôn ngữ, viết lách và con người nhưng lại đi theo ngành học về Quản lý dự án, số liệu và kỹ thuật. Trường gửi mình tới bác sĩ tâm lý nên mình thấy mình không phù hợp với ngành học.
Sau này mình phát hiện trên đời có một ngành gọi là coaching (khai vấn), giúp người nhìn lại câu chuyện của chính mình, từ đó lựa chọn theo mong muốn và mục tiêu. Mình quyết định đeo đuổi nghề này để những bạn trẻ sau này không gặp tình trạng mình đã gặp. Sau quá trình hành nghề từ 2012, mình đã khai vấn thêm cho các đối tượng “đỡ trẻ hơn” và thấy rõ tác động của khai vấn cho những đối tượng đó. Nếu khai vấn cho phụ huynh thì giúp được cả 1 gia đình. Khai vấn cho lãnh đạo cấp cao thì giúp được cả 1 công ty. Nên mình quyết định đào tạo đội ngũ chuyên gia khai vấn (coaches) để hỗ trợ được đủ mọi lứa tuổi và hoàn cảnh sống.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
05:30 – 09:00 | Dậy, tập yoga, đưa con đi học, về ăn sáng với cả nhà, chơi với con, học đàn piano, rất hạnh phúc và thoải mái |
9:00 – 10:00 | Họp công ty hoặc tự lên kế hoạch cho mình |
10:00 – 12:00 | Khai vấn 2 phiên với 2 khách hàng |
13:30 – 14:30 | Lên kế hoạch đào tạo khai vấn hoặc chỉnh sửa nội dung, nói chuyện với khách hàng đang tìm hiểu khai vấn |
14:30 – 15:30 | Nghiên cứu tìm hiểu thêm về tin tức khai vấn/ dịch sách |
15:30 – 16:00: | Lên kế hoạch cho hôm sau |
16:00 trở đi | Thời gian cho gia đình và học hỏi cá nhân (rước con, ăn tối với nhà, chơi với con, đọc sách, đi học môn mình thích – như hiện tại đang học Montessori để nuôi dạy con hiệu quả hơn..) |
Có những ngày mình đi đào tạo nguyên ngày hoặc 1 buổi như sáng từ 09:00 – 12:00, chiều từ 13:30 – 17:00 thì thời gian buổi tối mình vẫn bảo đảm được cho bản thân và gia đình. Có những lúc cần đi ra nước ngoài hoặc tỉnh khác để đào tạo thì lịch trình của mình cũng tương tự |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Các công việc khác thì ngừng lại ở 8 tiếng đi làm. Công việc của mình là 24/24, đòi hỏi mình chăm sóc chất lượng cuộc sống của mình: gia đình, tình yêu, sự nghiệp, tài chính, sức khỏe, mối quan hệ, phát triển bản thân, tâm linh… có như vậy mình mới thoải mái là chính mình, tự tin khi ngồi khai vấn cho đủ loại thành phần từ trẻ đến lớn tuổi, từ sinh viên đến lãnh đạo cấp cao. Lúc này những năng lực khai vấn mới được thể hiện tốt: hiện diện, lắng nghe sâu (nghe được điều người khác nói và không nói), đặt câu hỏi có tác dụng trao quyền hữu ích để khách hàng độc lập sáng tạo.
Điều thứ hai mình thích là công việc giúp cho khách hàng độc lập sáng tạo, không phụ thuộc vào chuyên gia khai vấn mà chịu khó lắng nghe bản thân để có câu trả lời tốt nhất cho chính mình.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Nỗ lực chăm sóc đời mình để làm người khai vấn tốt cũng có lúc mệt mỏi.
Những khi mình bắt được mình đang phán xét người khác trong đầu (ví dụ thấy ai đó đang hành nghề chung trên thị trường mà bản thân họ chưa chăm sóc chất lượng cuộc sống tốt), vẫn có đôi lúc mình muốn để mặc tâm trạng của mình, không giải quyết với chính mình.
Tuy nhiên sau khi nhìn nhận lại cảm xúc của mình, mình quay lại yêu cầu cơ bản là để khai vấn tốt thì người khai vấn cần đủ bao dung, yêu thương tất cả mọi người. Nên mình coi như những mệt mỏi, phán xét, bỏ mặc ấy là một phần của hành trình phát triển nội tâm, và mình cần tiếp tục hành trình này để duy trì công việc mình yêu thích.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Đầu tiên là việc ưu tiên chăm sóc chất lượng cuộc sống của mình. Nghĩa là ngừng nghĩ về những điều làm mình mất năng lượng (VD: người khác nghĩ gì về mình, phán xét ra sao), không thích gì thì giải quyết điều đó (VD thấy đi lại xa quá thì phải giải quyết, nếu vấn đề là tiền thì đi kiếm tiền, nếu đi kiếm tiền khó học hành thì tìm cách phân bổ thời gian hoặc tìm việc phù hợp với mình, thấy mình và ba mẹ còn xa cách thì từng bước giải quyết, mình còn trục trặc học hành thì chú tâm lại..), chăm sóc mình về thể chất và tinh thần (thức 5g30 hoặc 6g, ngủ lúc 10g, ăn uống đầy đủ, bớt đọc tin xấu, bổ sung kiến thức mình muốn phát triển, nói lời yêu thương với người xung quanh..)
- Tiếp theo là việc rèn luyện những năng lực cốt lõi theo tiêu chuẩn ICF (ICF Core Competencies – https://coachfederation.org/core-competencies). Để rèn luyện được như vậy bạn cần qua 1 chương trình đào tạo tiêu chuẩn ICF ít nhất 60 giờ để đủ điều kiện đầu tiên nộp chứng chỉ.
- Ngành này không có thăng tiến, chỉ có kinh nghiệm và thâm niên. Làm nhiều và nhìn lại (reflection) nhiều thì khả năng tự học của bạn tăng lên, chất lượng khai vấn của bạn cũng cải thiện và thu nhập từ đó cũng tăng. Bản thân mình có được 750 giờ khai vấn đầu tiên trong 2 năm nên tới năm thứ 3 hành nghề là đã có thể lấy chứng chỉ ICF Professional Certified Coach. Danh dự thành người Việt Nam đầu tiên có chứng chỉ PCC.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Hiểu lầm 1: Khai vấn giống tư vấn, là cho lời khuyên – đơn giản là mọi người chưa quen với khai vấn. Khi sếp nói là “coaching” cho nhân viên thì ý sếp là “mentoring” (cố vấn, cho lời khuyên, chỉ dẫn dìu dắt) nhiều hơn là khai vấn.
- Hiểu lầm 2: Khai vấn chỉ là nghề, làm xong rồi thôi, cuộc sống của mình sao cũng được. Trong khi khai vấn là nghề thuộc một phong cách sống, chăm sóc đời mình tốt thì mới khai vấn chất lượng nhất được.
- Hiểu lầm 3: Khai vấn chỉ dành cho ai có vấn đề trong cuộc sống. Thực tế khai vấn sẽ hỗ trợ được ai có mong muốn, nếu mọi thứ đã tốt và muốn tốt hơn hoặc muốn duy trì phong độ thì vẫn có thể sử dụng khai vấn (from good to great – từ tốt đến vĩ đại). Hầu hết những người thành công (và hạnh phúc) trên thế giới đều có chuyên gia khai vấn (coach) riêng.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Với mức độ nhận biết của thị trường về ngành thì có thể là chưa. Tuy nhiên nếu chuẩn bị từ những năm đầu tiên đại học/cao đẳng bằng cách chăm sóc chất lượng cuộc sống sớm, đến khi gần ra trường bạn học chứng chỉ khai vấn 60 giờ theo tiêu chuẩn ICF thì sau đó bạn có thể có những lựa chọn sau:
- Làm chuyên gia khai vấn toàn thời gian riêng: có khách hàng riêng, thu nhập riêng, tự hành nghề vì đã có chứng chỉ.
- Làm chuyên gia khai vấn toàn thời gian (full time internal coach) nội bộ 1 công ty: phòng Nhân sự các công ty chú trọng đến phát triển con người sẽ có tuyển vị trí này. Người đang hành nghề này có lương cao nhất thị trường Việt Nam đang là $7,000/tháng. Chị chỉ mới tiếp xúc với khai vấn 1,5 năm. Trước đó chị có kinh nghiệm làm Nhân sự 11 năm. Những bạn đang làm coach toàn thời gian hoặc trong phòng đào tạo và phát triển nhân sự tại các công ty khác hiện đang có mức lương từ 7 – 30 triệu/tháng.
- Làm chuyên gia khai vấn bán thời gian (part time coach) bên cạnh 1 nghề chính của mình, nếu thấy đi đường này thoải mái hơn.
- Làm người khai vấn theo yêu cầu người hâm mộ (private coach), là có 1 nghề full time, chỉ dùng kỹ năng khai vấn để hỗ trợ bạn bè đồng nghiệp khi cần. Như vậy thì thu nhập từ khai vấn sẽ không có cao hoặc không đáng kể.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.