Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 45
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 08 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh)
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, Chứng chỉ Nghiệp vụ giảng dạy đại học, Chứng chỉ Chuyên viên hướng nghiệp
- Số giờ làm hằng tuần: 50 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): trường Cao đẳng, Đại học
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Với vai trò là Giảng viên:
- Soạn bài giảng
- Triển khai bài giảng trên lớp
- Thiết kế và triển khai các bài kiểm tra, đánh giá kết quả học tập
- Tham gia thiết kế chương trình đào tạo
- Tham gia xây dựng tài liệu học tập dành cho sinh viên
- Nghiên cứu khoa học
- Chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập cho sinh viên
- Tham gia tuyển sinh
Công việc giảng dạy giúp người học có được những kiến thức, kỹ năng nền tảng của nghề để có thể tham gia thị trường lao động và phát triển bản thân. Đào tạo và giảng dạy luôn đóng vai trò quan trọng trong bất cứ xã hội nào.
Với vai trò là Hiệu trưởng:
- Đảm bảo hiệu quả hoạt động của trường: trường học tư nhân vận hành như một công ty, có doanh thu và lợi nhuận, không nhận hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Do đó, người Hiệu trưởng đóng vai trò như một giám đốc công ty, phải đảm bảo tuyển sinh để có nguồn thu, chăm sóc sinh viên tốt để duy trì doanh thu và lan tỏa để có sức hút tuyển sinh mới. Bên cạnh đó, Hiệu trưởng phải quản lý các khoa, phòng đào tạo, đảm bảo triển khai công tác đào tạo và quản lý đào tạo theo các chuẩn mực đề ra. Công tác hậu cần như tài chính, tuyển dụng, khen thưởng, phúc lợi,… cũng phải đảm bảo để tập thể giảng viên và nhân viên yên tâm gắn bó lâu dài.
- Định hướng và duy trì sự phát triển của trường theo mục tiêu của chủ đầu tư: mỗi tổ chức muốn tồn tại phải có dấu ấn riêng với khách hàng, trường học tư nhân cũng thế. Hướng đi riêng của mỗi trường dựa vào định hướng của nhà đầu tư. Hiệu trưởng là người tham mưu và triển khai thực hiện các chiến lược dài hạn và các sách lược trong ngắn hạn.
- Xây dựng quan hệ với đối tác là doanh nghiệp tuyển dụng, doanh nghiệp tham gia đào tạo, các trường đại học để sinh viên có thể chuyển tiếp trong và ngoài nước.
- Xây dựng quan hệ với cơ quan quản lý Nhà nước như Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
- Phát triển cơ sở đào tạo tại các địa bàn khác.
- Phát triển sản phẩm đào tạo mới.
Với vai trò là Giám đốc chương trình đào tạo quốc tế:
- Làm việc với các đối tác quốc tế để hiểu các yêu cầu của chương trình đào tạo và các vấn đề liên quan
- Lựa chọn, xây dựng, điều chỉnh khung chương trình đào tạo
- Tiến hành các thủ tục pháp lý với cơ quan Nhà nước về liên kết đào tạo nước ngoài
- Tuyển dụng và đào tạo giảng viên
- Tuyển sinh
- Triển khai các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ sinh viên
- Đảm bảo chất lượng chương trình bằng các biện pháp đánh giá khác nhau
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
- Gia đình có ba mẹ và một số cô chú làm trong ngành giáo dục nên đã có ấn tượng từ nhỏ về nghề này. Năm 18 tuổi, tôi thi đậu Đại học Sư Phạm, Đại học Tài chính Kế toán, Đại học Kinh tế và định học Đại học Sư Phạm nhưng gia đình khuyên nên học kinh tế để cuộc sống giàu có hơn. Niềm vui khi làm việc tại các công ty không nhiều, thấy nhàm chán và không tạo được sự sáng tạo. Tôi bắt đầu đào tạo cho nhân viên khi thấy họ có nhu cầu, dạy tiếng Anh cho đồng nghiệp khi thấy các bạn có mong muốn học hỏi. Sau thời gian học và làm việc tại các công ty, năm 2012 tôi chuyển sang giảng dạy đại học khi nhận được lời mời. Khi chuyển sang giảng dạy, tôi cảm thấy phấn khích khi chia sẻ kiến thức hay kinh nghiệm cho sinh viên và được sự quan tâm của sinh viên. Quan tâm đến nhu cầu và những khó khăn của sinh viên để tìm cách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng mình khiến tôi cảm thấy hạnh phúc khi giúp được bạn nào đó.
- Việc chọn ngành học khi 18 tuổi hoàn toàn do ba mẹ hướng dẫn. Thực sự lúc đó mình nói thích ngành sư phạm nhưng không hề có thông tin gì mà chỉ biết là sẽ đi dạy như mẹ hay các thầy cô mình đã biết. Thỉnh thoảng, các anh chị sinh viên cao đẳng, sư phạm về thực tập, các anh chị rất thân thiện và vui nên ấn tượng. Việc quyết định khi chuyển sang nghề giảng dạy và quản lý giáo dục là do cá nhân tôi tự chọn.
- Mình nghĩ việc đến với nghề giảng dạy có lẽ như một cái duyên. Bạn mình kể lại rằng những năm học Đại học Kinh tế, có lần trên xe bus từ Sài Gòn về quê, mình có nói với bạn ấy là mình muốn sau này là một giảng viên (nhưng mình thì không hề nhớ).
- Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ đi con đường học tập về kinh tế, đi làm và sau đó giảng dạy. Việc giảng dạy kinh tế và các ngành nghề khác cần kinh nghiệm làm việc thực tiễn để giúp người học học tốt hơn.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
5g30 – 7g00 | Thực hành thiền, thể dục ngoài trời, vệ sinh cá nhân, ăn sáng |
7g00-12g00 | Dạy hoặc làm việc văn phòng hoặc gặp đối tác bên ngoài |
12g00-13g00 | Ăn trưa và nghỉ ngơi |
13g00-18g00 | Dạy hoặc làm việc văn phòng hoặc gặp đối tác bên ngoài |
18g00-19g00 | Thể dục, ăn chiều |
18g00-21g00 | Học thêm tại các lớp hoặc soạn bài, nghiên cứu tài liệu |
21g00-23g00 | Đọc sách, chơi nhạc, thư giãn.Ngủ từ 23g00 |
Ghi chú | Tôi thường làm việc từ thứ 2 đến thứ 7. Thời gian sẽ thay đổi theo mùa tuyển sinh: đi công tác tỉnh, hỗ trợ tuyển sinh mùa cao điểm, tiếp các đoàn kiểm định, thanh tra. |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Thích sự vui tươi khi gặp sinh viên
- Thích sự háo hức đón nhận kiến thức mới của sinh viên
- Thích sự kích thích học và làm mới bản thân, sáng tạo qua từng bài giảng
- Thích nhìn thấy sự trưởng thành của sinh viên
- Thích vì mình được các em yêu quý
- Thích vì cảm thấy những trải nghiệm của mình có giá trị
- Thích vì được mọi người tôn trọng
- Thích vì được làm những gì mình mong muốn, mang lại sự tiến bộ cho sinh viên, cho người trẻ Việt Nam
- Thích vì thấy được điểm mạnh của mình
- Thích vì thấy hành trình này dẫn đến những điều tốt đẹp cho bản thân: cơ hội học tập, cơ hội gặp bạn bè cùng chí hướng, cơ hội khám phá bản thân, cơ hội chữa lành,…
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Không thích khi phải dành nhiều quan tâm đến vấn đề kiếm tiền, tạo thu nhập cho doanh nghiệp (việc này người quản lý bắt buộc phải quan tâm)
- Không thích đồng nghiệp thiếu sự sáng tạo, thiếu tinh thần học hỏi vì sinh viên
- Không thích khi các trường thiếu đào tạo cho giảng viên, phần lớn tự đào tạo nên kỹ năng không đồng đều
- Không thích mức thu nhập của giảng viên vì cảm thấy chưa thỏa đáng so với yêu cầu trách nhiệm cao
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Kiến thức nền tảng của nghề bắt buộc phải có, ví dụ dạy về kế toán phải học và làm kế toán
- Kỹ năng nhận thức bản thân mạnh yếu thế nào, kỹ năng trình bày, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp với yêu thương, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng học tập suốt đời, kỹ năng kiểm soát stress,…
- Thái độ: cầu tiến, cởi mở, đón nhận cái mới, tôn trọng sự khác biệt, quan tâm và hỗ trợ người khác, thân thiện, hòa nhã, quyết đoán,…
Giảng dạy không phải là công việc dễ dàng và nhàn hạ như nhiều người tưởng vì những gì người giảng viên nói/dạy sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của người học. Do đó, để có thể tồn tại và phát triển với nghề này thì:
- Cần cập nhật kiến thức, kỹ năng liên quan lĩnh vực mình giảng dạy: dạy quản trị nhân sự thì cần cập nhật các xu hướng, thông tin,… về mảng này từ thực tế. Không thể chỉ đọc sách và truyền đạt lại
- Giữ được đạo đức nghề giáo, tâm trong sáng, sự quan tâm đúng mực đến học trò. Không vì tiền, vì tư lợi mà lợi dụng học trò để trục lợi hay hành hạ người học vì bất đồng với người quản lý.
- Cập nhật kiến thức về công nghệ, về tâm lý lứa tuổi, hướng nghiệp để có thể xây dựng mối quan hệ tốt với người học trên cơ sở yêu thương và thấu hiểu.
- Thời nay, giáo dục được xem như dịch vụ và người giảng viên là người phải bán được dịch vụ này. Do đó, người giảng viên phải thay đổi cách hành xử, không thể kẻ cả, quát tháo mà phải là người bạn, người thầy, người anh/chị đi trước trong nghề để có thể đồng hành, dẫn dắt học trò.
- Thông thường giảng viên làm việc ở các cơ sở giáo dục tư nhân có thể thăng tiến lên các vị trí quản lý như phụ trách bộ môn, phụ trách ngành, phó khoa, trưởng khoa, phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, hiệu trưởng.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Mọi người hay cho rằng công việc giảng dạy rất nhẹ nhàng, ít áp lực. Quan điểm này không đúng trong hiện tại vì yêu cầu của nghề này ngày càng khắt khe, đánh giá từ nhiều đối tượng, ngoài công việc trên lớp giảng viên còn phải làm nhiều việc khác liên quan đào tạo, nghiên cứu. Việc giảng dạy ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của người học, do đó áp lực về tính tích cực trong từng lời nói của người thầy là rất lớn.
- Người làm quản lý giáo dục phải nhân văn, phải nghiêm túc theo chuẩn mực này nọ. Hiện tại, người làm quản lý giáo dục phải đóng nhiều vai: nhà giáo, nhà kinh doanh nên hành vi và cách cư xử phải tùy thuộc vào nhiều hoàn cảnh khác nhau chứ không thể long lanh, chuẩn mực như cách đây vài chục năm hay như phim ảnh.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
- Công việc giảng dạy có thể mang lại thu nhập cơ bản nhưng sống khá chật vật cho sinh viên mới ra trường.
- Kể cả người đã đi làm và chuyển sang giảng dạy thì thu nhập có thể sẽ thấp hơn so với đi làm tại doanh nghiệp.
- Để có thu nhập tốt, giảng viên thường phải dạy nhiều nơi, tận dụng quỹ thời gian của bản thân.
- Công việc quản lý giáo dục không áp dụng cho sinh viên mới ra trường.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Để có thể theo đuổi nghề giảng dạy thì tình yêu thương học trò là yếu tố quan trọng bên cạnh kiến thức nghề, kỹ năng truyền đạt và kinh nghiệm làm việc thực tế. Khi chọn nghề này, tài chính không phải là yếu tố quyết định, mà hoài bão giúp đỡ học trò mới là động lực giúp giảng viên vượt qua các khó khăn, áp lực.
- Giảng dạy không phải là công việc dễ dàng và nhàn hạ như nhiều người tưởng vì những gì người giảng viên nói/dạy sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của người học. Do đó để đi theo nghề này thì quan trọng là xác định được mối quan tâm cho đời mình: giúp đỡ người khác thông qua giáo dục. Rồi từ đó qua từng ngày làm việc phải luôn nhắc mình giữ được đạo đức nghề giáo, giữ được tâm trong sáng, luôn xây dựng được sự quan tâm đúng mực đến học trò.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.