Bài viết được tổng hợp từ Blog The present Writer của chị Chi Nguyễn (Youtuber, Podcaster, Tiến sĩ giáo dục tại Mỹ, người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ) và từ Hướng nghiệp Sông An của cô Phoenix Ho.
Bạn là ai? Như thế nào là “chính mình”?
“…Hãy mãi là chính mình nhé!” Có lẽ đây là câu mà hầu hết các bạn trẻ đã từng nghe đến khi còn là học sinh. Thành thực mà nói, ở thời điểm đó, vào độ tuổi 15-17, chúng ta khó có thể biết và hiểu mình là ai, tính cách của mình, như thế nào “là chính mình” hay sống đúng với chính mình.
Theo thời gian, mỗi khi qua một cột mốc nào đó của trưởng thành như vào đại học, đi làm, gặp thành công/thất bại, biến cố lớn trong cuộc sống… chúng ta lại tự hỏi liệu mình đã hiểu mình là ai chưa và đã sống đúng với chính mình chưa.
Và rồi nhận ra rằng, con người ai sinh ra ai cũng có những nét tính cách riêng đã được hình thành từ khi còn trong bụng mẹ, nhưng cách chúng ta được giáo dục, môi trường chúng ta lớn lên, trải nghiệm của ta trong cuộc sống… mới nhào nặn ra tính cách hoàn chỉnh ngày hôm nay.
Có những người khi lớn lên, tính cách của họ thay đổi rất nhiều – thành một người khác hẳn so với bản thân khi còn nhỏ; nhưng có rất nhiều người, những thay đổi này chỉ làm cho họ tiến gần hơn với bản chất vốn có mà thôi. Vì vậy, tính cách là một thứ gì đó rất khó để đánh giá và định hình, đặc biệt khi ta còn trẻ.
Tại sao ta cần hiểu và sống đúng với chính mình? Trước hết, có rất nhiều lợi ích của việc hiểu rõ tính cách của bản thân, biết ưu và khuyết điểm của mình, và nắm rõ ai là những người mình có thể hòa hợp trong công việc, cuộc sống, tình cảm. Nếu không hiểu rõ được chính mình, việc đưa ra những quyết định quan trọng sau này, nhất là những quyết định gây mâu thuẫn hay ảnh hưởng đến người khác, sẽ thực sự khó khăn. Hiểu được chính mình cũng sẽ giúp cuộc sống “dễ thở” hơn cho bản thân và người khác.
Ví dụ, bạn là người hướng nội hay hướng ngoại? – biết được điều này sẽ giúp điều chỉnh được thời gian riêng tư và thời gian chia sẻ với người khác, cân đối được năng lượng của mình, thậm chí xác định được môi trường sống và làm việc hợp lý nhất.
Hạn chế của bạn là gì? Có những điều gì mà thông thường người khác làm được nhưng bạn không thể làm được? biết được điều này sẽ giúp bạn tránh được những rắc rối không đáng có trong tương lai khi bị đặt vào những tình huống khó.
Bạn cảm thấy mình hợp nhất khi ở bên những người có nét tính cách như thế nào? Những ai bạn không thể hòa hợp được? – hiểu được sự tương thích nhất định với các mối quan hệ sẽ giúp bạn chọn được đối tượng hẹn hò, kết hôn, làm bạn, làm đồng nghiệp… dễ dàng hơn, tránh đi những mâu thuẫn trong mối quan hệ ngay từ trong tính cách mà không thể hòa giải được.
Hiểu bản thân mình dễ hay khó?
Khi đụng đến “lĩnh vực” này, nhiều người tin vào tử vi các loại tuổi (loại có Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ…) có người thì dùng các loại tính cách theo chòm sao Horoscope, rồi đến nhóm lẩm nhẩm xem tính cách này là loại nhóm máu nào (!).
Tất nhiên, những loại “test” kiểu như thế này có phần đúng (vì thế nó mới phổ biến đến như thế) nhưng nó không đúng hoàn toàn vì thời điểm chúng ta ra đời hay nhóm máu chúng ta có chỉ là một phần rất nhỏ tạo nên tính cách của ta mà thôi.Nếu coi đây là những yếu tố “thiên định” thì không lẽ ai sinh ra cùng một năm, một tháng, một ngày, cùng nhóm máu cũng sẽ có tính cách giống hệt nhau?
Ta phải cân nhắc thêm cả những yếu tố “nhân định” – những gì trong quyền kiểm soát và thay đổi của cá nhân mỗi con người nữa. Đó là lý do tại sao ta cần trải qua THỜI GIAN và TRẢI NGHIỆM để tìm hiểu chính mình. Nhưng vì tính cách con người có thể thay đổi theo hoàn cảnh và nhân sinh quan, ta có thể thường xuyên “kiểm tra” bản thân xem tính cách của mình hiện tại như thế nào, đã có thay đổi gì hay chưa.
Bởi vậy, chúng tôi muốn giới thiệu tới bạn đọc 7 bài “test” dựa vào khoa học và nghiên cứu về tính cách và hành vi con người để xác định tính cách. Có rất nhiều phương pháp khác tựa như thế này, nhưng để bắt đầu, tôi nghĩ, đây là 7 tests khá thú vị.
7 bài trắc nghiệm tính cách nên thử
1. 16 Personalities
Đây là một bài test tính cách hoàn toàn miễn phí và được khá nhiều cơ quan, tổ chức sử dụng để định hình cá tính nhân viên cho những vị trí phù hợp (https://www.16personalities.com/). Bài test khá kỹ lưỡng, để hoàn thành cần khoảng 15 phút để thực hiện, nội dung câu hỏi xoay quanh cách hành xử và thói quen của bạn trong những trường hợp cụ thể để đánh giá bạn là loại nào trong 16 tính cách nổi bật nhất.
Ngoài ra, bài test còn cho những chỉ số cụ thể (ví dụ, bao nhiêu % tính cách bạn là hướng nội, bao nhiêu % là hướng ngoại). Bài test bằng tiếng Anh nhưng nội dung đơn giản đủ để bạn sử dụng Google Dịch (nếu cần) để thực hiện dễ dàng. Bài test dựa trên tổng hợp của rất nhiều lý thuyết và ứng dụng của Tâm Lý Học Tính Cách (Personality Psychology) rất thú vị nếu bạn muốn tìm hiểu sâu thêm.
Link bài test: Tại đây
2. The Big Five (Năm tính cách lớn)
Đây không hẳn là một bài test nhưng là bảng phân loại tính cách đã có từ khá lâu trong giới học thuật và được sử dụng rộng rãi, dựa trên 5 nét tính cách lớn của con người, mô tả “The Big Five” dưới dây dựa trên cuốn sách ‘The Defining Decade” của Meg Jay.
Năm nét tính cách lớn mô tả trong mô hình này là:
- Cởi mở (Opennness) nếu bạn thích trải nghiệm mới, tò mò, không ngại mạo hiểm thì hệ số của bạn ở mảng này sẽ cao (high), còn ngược lại sẽ là thấp (low);
- Tận tâm (Conscientious) nếu bạn là người có kỷ luật, sắp xếp tốt, có trách nhiệm thì hệ số này sẽ cao, nếu bạn dễ dãi, không có nhiều luật lệ thì sẽ là thấp;
- Hướng ngoại (Extraversion) nếu bạn thích ra ngoài, hoạt động, nhiệt tình thì chỉ số cao, thích thời gian riêng, yên ắng, độc lập thì chỉ số sẽ thấp;
- Dễ chịu (Agreeableness) nếu bạn dễ tính, hòa đồng, tốt bụng thì chỉ số này cao, còn nếu hay nghi ngờ, ít thỏa hiệp thì chỉ số này sẽ thấp;
- Tâm lý bất ổn (Neuroticism) nếu hay lo lắng, tiêu cực, nhạy cảm thì chỉ số này cao còn nếu tâm lý ổn định, không chịu nhiều tác động thì chỉ số này sẽ thấp.
Tuhoc.com.vn đã có bài viết tiếng Việt rất chi tiết về mô hình này, bạn có thể đọc thêm ở đây.
Về cơ bản, bảng phân loại này sẽ giúp cho bạn hiểu rõ nét tính cách lớn của mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng để xác định nét tính cách của người yêu, bạn đời, hay bạn bè, đồng nghiệp thân thiết để xem tính cách nào hòa hợp và tính cách nào trái dấu với nhau.
Tất nhiên, nếu có nhiều nét tính cách chung thì cuộc sống sẽ đỡ mâu thuẫn hơn nhưng những nét tính cách trái dấu cũng có thể bổ sung tốt cho nhau. Bởi vậy, đây là một bài test rất hay để suy nghĩ kỹ hơn về quan hệ giữa người với người trong nền tảng tính cách đã có sẵn.
Link bài test: Tại đây
3. Công cụ sở thích nghề nghiệp theo Holland
Công cụ trắc nghiệm “Sở thích nghề nghiệp theo Holland” giúp người sử dụng bắt đầu tìm hiểu về đặc tính nghề nghiệp của mình qua sở thích tự nhiên. Nhờ kiến thức này mà người sử dụng sẽ từ từ nối được vào sự hiểu biết thế giới nghề nghiệp để ra quyết định nghề nghiệp phù hợp nhất cho bản thân tại từng thời điểm.
Link bài test: Tại đây
Tham khảo chi tiết hơn về Lý thuyết mật mã Holland tại đây
4. Thang đo bền chí
Trong nghiên cứu của mình, tác giả Angela Duckworth đưa ra hai yếu tố dự báo thành công: sự bền chí (grit) và tự kiểm soát (self-control). Bền chí là khuynh hướng duy trì mối quan tâm và nỗ lực hướng tới các mục tiêu hết sức lâu dài. Bên cạnh đó, tự kiểm soát là khi cá nhân ý thức kiểm soát khao khát thỏa mãn những nhu cầu tức thời.
Link bài test: Tại đây
5. Bảng hỏi nhận dạng trí thông thông minh đa diện (MIPQ)
Bảng hỏi nhận dạng trí thông minh đa diện (MIPQ) của tác giả Tirri & Komulainen, dựa trên lý thuyết cùng tên của tác giả Howard Gardner. MIPQ giúp người học thêm suy tư về bản thân và cũng giúp giáo viên thấu hiểu các nguồn lực nơi học viên của mình. Phiên bản trắc nghiệm này bao gồm các lĩnh vực trí thông minh sau: (1) Ngôn ngữ, (2) Logic – toán học, (3) Âm nhạc, (4) Không gian, (5) Cơ thể, (6) Tương quan, (7) Nội tâm và (8) Thiên nhiên.
Link bài test: Tại đây
6. Công cụ đánh giá lối tư duy (Mindset)
Công cụ này giúp mỗi chúng ta hiểu thêm về lối tư duy (tạm dịch từ “mindset”) của mình thiên về cố định hay phát triển và ảnh hưởng của lối tư duy đến hành trình phát triển nghề nghiệp trọn đời ra sao.
Link bài test: Tại đây
7. Công cụ tìm hiểu tính cách theo lý thuyết MBTI
MBTI là công cụ được dựa trên nền tảng lý thuyết của nhà tâm lý học Carl Jung. Hai người phụ nữ sáng tạo nên MBTI, Isabel Briggs Myers, và mẹ cô, Katharine Briggs, mong ước nhiều người biết đến và sử dụng công cụ này để sự mâu thuẫn giữa người và người ngày một ít đi.
Link bài test: Tại đây
Câu chuyện Hiểu mình và Hướng nghiệp
Tầm quan trọng của việc thấu hiểu bản thân với chọn nghề nghiệp đúng đắn
Hiểu rõ bản thân không những giúp chúng ta kiểm soát những cảm xúc tiêu cực mà còn giúp chúng ta nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Khi hiểu rõ bản thân thì chúng ta mới có kế hoạch nghề nghiệp đúng đắn.
Để được thành công, hạnh phúc trong cuộc đời thì việc đầu tiên và vô cùng quan trọng đó là phải thấu hiểu bản thân. Thấu hiểu chính bản thân mình là cả một quá trình nỗ lực liên tục chứ không hề đơn giản. Khả năng nhận thức và khả năng lắng nghe hỗ trợ rất nhiều trong việc thấu hiểu bản thân.
Hàng năm có hàng ngàn tân sinh viên nhập học ngành học mình không mong muốn, hoặc không biết sau này mình sẽ ra làm nghề gì. Cũng số lượng đó, 70% tân cử nhân ra trường làm trái ngành nghề hoặc thất nghiệp một thời gian dài vì không tìm được công việc phù hợp cho mình.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là các bạn sinh viên thường không hiểu bản thân mình có gì và mình muốn gì ở cuộc đời này. Khi được hỏi, rất nhiều người không xác định được dự định của bản thân trong vòng 2-5 năm tới, và hoặc có ước mơ chung chung như “muốn có việc làm lương cao, ổn định, gia đình hạnh phúc”. Nhưng làm thế nào để đạt được ước mơ đó, rất ít người trả lời được.
Như vậy, thấu hiểu bản thân và lập kế hoạch nghề nghiệp đúng đắn rất quan trọng.
Nhận diện cách thức làm việc của bản thân
Điều ngạc nhiên là hầu như không ai biết cách thức họ làm việc. Thực tế, hầu hết chúng ta thậm chí còn không biết rằng những người khác nhau thì cách họ thực thi công việc cũng khác nhau. Quá nhiều người làm việc theo cách không phải của họ và điều đó hầu như chắc chắn không mang lại kết quả cao. “Tôi thực hiện bằng cách nào?” có lẽ còn quan trọng hơn cả câu hỏi “điểm mạnh của tôi là gì?”
Thứ nhất, tôi thực hiện bằng cách nào? Cũng giống như những điểm mạnh của một cá nhân, cách thức mà một cá nhân thực hiện cũng là độc nhất vô nhị. Đó là vấn đề cá tính. Liệu rằng cá tính có được do tự nhiên hay do nuôi dạy, thì ta đều có thể chắc chắn rằng cá tính cũng đã được hình thành rất lâu trước khi chúng ta bắt đầu làm việc.
Và cách thức cá nhân hành động cũng giống như việc cá nhân có khả năng hay không có khả năng làm gì đã được xác định từ trước. Cách thức một người hành động có thể thay đổi đôi chút nhưng cách thức đó không có khả năng thay đổi hoàn toàn một cách dễ dàng. Giống như việc con người đạt được thành công khi họ làm cái mà họ có thể làm tốt, họ cũng sẽ thành công khi làm việc theo cách mà họ có thể hành động tốt nhất. Một vài đặc điểm tính cách thông thường sẽ quyết định cách thức một người hành động.
Thứ hai, để biết cách một người hành động là tìm hiểu cách họ học tập. Rất nhiều học giả hàng đầu – Winston Churchill là một ví dụ điển hình về việc học hành kém cỏi ở trường. Những người như vậy thường có ký ức trường học là nơi tra tấn. Tuy nhiên, rất ít người đồng trang lứa với họ suy nghĩ như vậy. Họ có thể không thích trường học lắm.
Nhưng điều tồi tệ nhất mà họ phải chịu đựng là sự buồn chán. Điều này được giải thích theo một quy luật những học giả này không học bằng cách lắng nghe và đọc. Họ học bằng cách viết. Bởi vì trường học không cho phép họ học theo cách này nên họ bị điểm kém.
Người ta tổ chức trường học khắp mọi nơi trên một giả thiết là chỉ có một cách duy nhất để học và đó là cách chung cho tất cả mọi nguời. Việc bị bắt học theo cách mà trường học dạy là địa ngục cho những sinh viên học theo cách khác cách mà họ được dạy.
Trên thực tế, có rất nhiều cách học khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh. Có những người giống như Churchill học bằng cách viết ra. Một số người học bằng những ký tự phong phú. Một vài người học bằng cách hành động, một số khác lại học bằng cách tự lắng nghe bản thân mình nói.
Trong tất cả các mảng của vấn đề tự học, việc hiểu cách thức học tập của bản thân là việc dễ tìm ra nhất. Khi hỏi mọi người “Anh, chị học như thế nào?” hầu hết họ đều trả lời được. Nhưng khi hỏi “Anh, chị có thực hành dựa trên cách học của mình không?” thì rất hiếm người trả lời có. Mặc dù việc thực hành dựa trên cách học là yếu tố quan trọng để đạt thành công, hay ngược lại, đi trái lại với cách học của mình, mọi người sẽ thường thất bại.
Thứ ba, tôi là người học theo phương pháp đọc hay nghe? Và tôi học theo phương pháp nào? Đó là những câu hỏi đầu tiên được đặt ra cho bản thân. Nhưng các câu hỏi này không phải là những câu hỏi duy nhất. Để quản lý bản thân một cách hiệu quả, bản thân cũng phải tự hỏi, tôi làm việc tốt với những người thế nào, hay tôi thích làm việc đơn độc? Và nếu tự nhận thấy mình làm việc tốt với người khác, câu hỏi tiếp theo cần đặt ra là, mình làm tốt điều đó trong những mối quan hệ như thế nào?
Một vài người làm tốt nhất khi họ làm trợ lý cho người khác. Tướng George Patton, anh hùng quân đội của nước Mỹ những năm chiến tranh thế giới thứ II, là một ví dụ điển hình. Patton là chỉ huy quân đội cao nhất của Mỹ. Tuy nhiên, khi ông được giao nhiệm vụ là một chỉ huy độc lập, Tướng George Marshall, đại tư lệnh – và có lẽ là người có tài nhìn người nhất trong lịch sử nước My – đã nhận định “Patton là trợ lý tốt nhất mà lực lượng quân đội Mỹ từng đào tạo, nhưng ông ta sẽ là vị chỉ huy kém cỏi nhất”.
Một vài người làm việc hiệu quả nhất khi hoạt động theo nhóm. Một số khác lại làm tốt nhất khi làm việc một mình. Một số người ngoại lệ lại có tài chỉ huy hay dẫn dụ người khác, số khác thì không phù hợp với việc chỉ huy.
Một câu hỏi quan trọng khác là tôi sẽ hành động tốt nhất trong tư cách là người ra quyết định hay một nhà tư vấn? Một số cá nhân xuất sắc có thể làm tốt vai trò của một “quân sư” nhưng không thể chịu được áp lực và gánh nặng trong vai trò của một người ra quyết định. Ngược lại, đa số người khác lại cần một nhà tư vấn để hối thúc họ phải suy nghĩ, sau đó họ có thể đưa ra quyết định và hành động nhanh chóng một cách tự tin và dũng cảm.
Đó cũng là một lý do tại sao những người đứng vị trí thứ hai trong một tổ chức thường thất bại khi được đề bạt lên vị trí đứng đầu. Vị trí đứng đầu cần một người biết ra quyết định. Những người có thể ra quyết định mạnh mẽ thường cần một người họ tin cậy đứng vào vị trí thứ hai để tư vấn cho họ – và ở vị trí này, người thứ hai toả sáng. Nhưng trong vị trí của người đứng đầu, họ lại thất bại. Anh ta biết lựa chọn nào thì đúng nhưng lại không thể chịu được những trách nhiệm khi phải thực hiện lựa chọn đó.
Một số câu hỏi quan trọng khác gồm, tôi có hành động tốt khi phải chịu nhiều áp lực hay tôi có cần một môi trường hoạt động đã được thiết kế sẵn và có khả năng dự đoán được? Tôi thực thi nhiệm vụ tốt nhất trong một tổ chức quy mô lớn hay nhỏ? Số người làm việc tốt trong tất cả các loại môi trường rất hiếm hoi. Nhiều người đã từng thành công lẫy lừng trong các tổ chức lớn nhưng lại thất bại thảm hại khi họ chuyển sang những tổ chức nhỏ hơn. Điều ngược lại cũng đúng.
Đừng cố gắng thay đổi bản thân mình – vì thường không thành công. Nhưng hãy chú tâm vào cải thiện cách mà mình có thể hành động. Đừng cố nhận những công việc mà chúng ta không thể thực hiện hoặc sẽ làm rất dở trong những lĩnh vực đó.
Định vị bản thân
Quản lý bản thân có nghĩa là học cách phát triển chính bản thân chúng ta, trong đó việc xác định được “tôi là ai” vô cùng quan trọng.
Những giá trị của tôi là gì?
Để quản lý bản thân, cuối cùng chúng ta sẽ phải thắc mắc, những giá trị của tôi là gì? Đây hoàn toàn không phải là một câu hỏi về đạo đức. Xét trên khía cạnh đạo đức, quy tắc là chung cho tất cả mọi người và câu hỏi được trả lời một cách dễ dàng. Đạo đức đòi hỏi chúng ta hãy tự hỏi bản thân mình, muốn mình như thế nào? Cái gì là chuẩn mực đạo đức trong một tổ chức này thì cũng đúng cho các tổ chức khác. Nhưng đạo đức chỉ là một phần của hệ thống giá trị.
Một người có thể gặp bế tắc hoặc không thể hành động khi làm việc trong một tổ chức có hệ giá trị không thể chấp nhận hoặc không tương thích với hệ giá trị của riêng anh ta.
Những giá trị của cá nhân phải phù hợp với giá trị của tổ chức để cá nhân đó có thể làm việc hữu ích trong tổ chức. Những hệ giá trị đó không cần phải trùng khít lên nhau, nhưng nên đủ tương đồng để cùng tồn tại nếu không cá nhân sẽ lâm vào bế tắc và cũng chẳng làm được thành tựu gì.
Những điểm mạnh của một cá nhân và cách thức cá nhân đó hành động hiếm khi xung đột với nhau; chúng bổ sung cho nhau. Nhưng đôi khi có sự xung đột giữa hệ giá trị của cá nhân và những điểm mạnh của anh ta. Những việc mà một người làm tốt, thậm chí làm xuất sắc và rất thành công có thể lại không tương thích với hệ giá trị của anh ta.
Trong trường hợp đó, công việc đó có vẻ như chẳng đáng để anh ta cống hiến cả đời (hay ít nhất là phần lớn cuộc đời).
Tôi thuộc về nơi nào?
Rất ít người biết ngay từ đầu nơi mà họ thuộc về. Những nhà toán học, nhạc sĩ, đầu bếp thường xuyên là nhà toán học, nhạc sĩ hay đầu bếp từ khi họ bốn hay năm tuổi. Những nhà vật lý thường quyết định nghề nghiệp tương lai khi họ là thiếu niên, thậm chí còn sớm hơn.
Nhưng hầu hết mọi người, đặc biệt là những người có khả năng thiên phú, không thực sự biết họ thuộc về nơi nào cho đến khi họ đã đi qua cái tuổi 25. Tuy nhiên, ở cái tuổi đó, họ nên biết câu trả lời của mình cho ba câu hỏi: Những mặt mạnh của tôi là gì? Tôi hành động theo cách thức nào? Và hệ giá trị của tôi là gì? Và sau đó họ có thể quyết định và nên quyết định vị trí của họ.
Cũng tương tự như vậy, con người nên biết cách tự quyết định họ không thuộc về nơi nào. Khi một cá nhân nhận ra anh ta không thể hoàn thành tốt trong một tổ chức lớn thì anh ta cũng nên học cách từ chối vị trí đó. Một người hiểu rằng anh ta không phải là người có thể chịu trách nhiệm với các quyết định thì anh ta cũng nên học cách từ chối được bổ nhiệm vào vị trí của người đưa ra các quyết định.
Việc biết câu trả lời cho những câu hỏi trên giúp một cá nhân có thể đồng ý với một cơ hội, một lời đề nghị hoặc một bổ nhiệm, là việc quan trọng không kém, vâng, tôi sẽ làm việc đó. Nhưng tôi sẽ làm việc đó theo cách của mình. Đó là cách mà công việc sẽ được thiết kế. Đó là cách các mối quan hệ được thiết lập. Đó là những kết quả mà ông nên kỳ vọng ở tôi trong giai đoạn này, bởi vì đó là con người tôi.
Một sự nghiệp thành công không được lên kế hoạch trước. Mà sự nghiệp đó thành công khi con người ta biết chuẩn bị cho những cơ hội bởi vì họ biết sức mạnh, phương pháp làm việc và hệ giá trị của mình. Việc nhận thức ra nơi anh, chị thuộc về có thể sẽ biến một con người bình thường – chăm chỉ làm việc và có năng lực trung bình – trở thành một người thành công xuất sắc.
Tôi nên đóng góp cái gì?
Xuyên suốt lịch sử, phần lớn con người chẳng bao giờ hỏi “Tôi nên đóng góp cái gì?”
Cho đến tận ngày nay, hầu hết mọi người đều cho rằng việc mình là trợ lý và làm những gì mình được phân công là điều hiển nhiên. Thậm chí đến những năm 1950 và 1960, những công nhân trí thức mới vẫn phụ thuộc vào bộ phận nhân sự lên kế hoạch cho công việc của họ.
Cuối những năm 60, không ai muốn bị sai bảo phải làm gì nữa. Những con người mới bắt đầu đặt ra câu hỏi, tôi muốn làm gì? Và câu trả lời họ tìm thấy cho phương thức để cống hiến là “làm việc của chính mình”. Nhưng giải pháp này cũng sai lầm như chính những chúng ta đã từng sai lầm. Rất ít người tin rằng làm việc của chính mình sẽ đóng góp cho doanh nghiệp đạt được thành công.
Nhưng chúng ta vẫn chưa có kết quả cho cách trả lời cũ là chấp nhận làm những gì được phân công. Chúng ta phải học cách hỏi những câu hỏi chưa ai hỏi trước đó: “Tôi nên cống hiến cái gì?”. Để trả lời câu hỏi này, họ nên chú tâm vào ba yếu tố cơ bản: “Tình huống này yêu cầu những gì?”, “Với những sở trường, cách thức làm việc và những giá trị của tôi, tôi có thể đóng góp cho cái gì nhiều nhất và tôi cần làm gì?”. Cuối cùng, “Tôi cần đạt những kết quả thế nào để có sự khác biệt?”.
Vì thế, câu hỏi trong tất cả các trường hợp nên là, nơi nào và làm như thế nào để tôi có thể đạt kết quả, làm nên sự khác biệt trong vòng một năm rưỡi? Câu trả lời nên cân bằng một vài yếu tố.
Đầu tiên, mục tiêu đạt được nên khó khăn để thực hiện – theo cách nói thời thượng bây giờ, các mục tiêu này cần được đặt ra ở mức cao hơn một chút. Nhưng chúng cũng cần có tính khả thi. Hướng vào những mục tiêu mà không thể hoàn thành – hoặc trong những trường hợp hầu như không tưởng – thì không phải là hoài bão mà chỉ là một sự ngu ngốc.
Thứ hai, các mục tiêu cần đạt tới nên có ý nghĩa nào đó. Các mục tiêu này làm nên sự khác biệt.
Cuối cùng, kết quả nên nhìn thấy được và nếu có thể thì nên đo lường được. Từ những mong muốn trên, ta có một chuỗi các hành động: “Tôi phải làm gì, tôi nên bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào và những mục tiêu và hạn chót để hoàn thành mục tiêu là khi nào?”.
Hướng nghiệp sớm để không ước “Nếu được chọn lại…”
Câu chuyện chọn sai ngành, làm sai nghề không chỉ là câu chuyện của riêng ai, mà là của khoảng 60% sinh viên hiện nay. Đặc biệt, đến 75% sinh viên thiếu hiểu biết về ngành, nghề đã lựa chọn. Chỉ có 50% sinh viên tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Những con số thật sự đáng buồn.
(Số liệu được trích từ bài phát biểu của ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, năm 2019)
Nếu được chọn lại, có lẽ các bạn trẻ sẽ mong muốn được theo đuổi một ngành nghề phù hợp với điểm mạnh của bản thân, chứ không phải theo lời khuyên của những người xung quanh. Tiêu chí “ra trường dễ kiếm việc” bỗng chốc lại trở thành “tốn thời gian, tiền bạc để bắt đầu lại”.
Ở thời điểm bước vào thế giới nghề nghiệp, thay vì sẽ tự hào mà nói rằng “Tôi sẽ cố gắng”, nhiều bạn lại tiếc nuối bày tỏ “Nếu được chọn lại”. Sự “chọn lại” đó có thể phải đánh đổi bằng rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc, thậm chí là gia tăng mâu thuẫn trong gia đình.
Dành tặng thêm cho bạn 10 lời khuyên từ Tiến sĩ Giáo dục Chi Nguyễn, bài viết được tham khảo từ blog The Present Writer:
10 lời khuyên cho các bạn trẻ đang đứng trước ngã ba cuộc đời – Chi Nguyễn
Tôi muốn gửi đến các bạn trẻ đang đứng trước “ngã ba cuộc đời” 10 lời khuyên mà tôi ước ai đó chỉ cho mình khi còn ở độ tuổi 18-20 với nhiều lo âu, trăn trở về tương lai.
1-Dành thời gian suy nghĩ và định hướng cho tương lai của mình.
Nói theo ngôn ngữ coding, các bạn trẻ hoàn toàn có thể tự “lập trình” cho tương lai của mình nếu có dữ kiện đầy đủ. Dữ kiện này có được nhờ tìm kiếm bên ngoài và đào sâu bên trong tâm hồn của mình, lắng nghe và suy nghĩ xem mình thực sự muốn gì cho tương lai.
Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy sử dụng mô hình (framework) định hướng đơn giản gồm 3 vòng tròn giao nhau: (1) Việc mình muốn làm (thường cũng là việc mình có năng lực làm tốt nhất), (2) Việc xã hội cần và (3) Việc đem lại thu nhập. Ráp các dữ kiện bạn tìm được vào mô hình này, bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về ngành nghề, trường học, hướng đi… phù hợp nhất.
2-Khám phá để đưa ra quyết định.
Rất nhiều bạn trẻ bị “kẹt” lại ở khâu quyết định: “Nên chọn trường A hay trường B?”, “Làm ngành C hay ngành D?”, “Mình có thực sự yêu thích công việc X không?”… Nhưng thực sự, cách tốt nhất để đưa ra quyết định là “thực địa”—bạn phải tận tay khám phá, thử nghiệm thì mới biết được đâu là thứ phù hợp với mình.
Nếu đang băn khoăn giữa hai trường đại học/ngành học, tại sao không đến tận nơi tham quan, ngồi học thử vài buổi, nói chuyện với chính những sinh viên đang học xem thực tế là như thế nào? Nếu đang băn khoăn không biết có nên bỏ công việc hiện tại để đi làm việc sở thích, tại sao không làm việc sở thích sau giờ làm và trong ngày cuối tuần để xem mình có thực sự muốn biến thú vui thành công việc chính hay không? Đừng chỉ chắp tay sau lưng, đi tới đi lui với những lựa chọn, hãy thử nghiệm và khám phá để tìm ra câu trả lời cho mình.
3. Luôn bắt đầu với câu hỏi “Tại sao?”
Rất nhiều bạn trẻ khi gặp khúc mắc thì thường chỉ lao đi kiếm tìm giải pháp—tức là câu trả lời cho câu hỏi: “Làm sao?” (ví dụ, phải làm gì để đạt được mục tiêu ABC, các bước để thực hành XYZ)—rồi vội vã làm ngay lập tức.
Nhưng lại quên đi mất rằng, để có thể thực hiện được bất kỳ phương pháp nào hiệu quả và lâu dài, trước hết ta cần phải có câu trả lời rõ ràng, mạnh mẽ cho câu hỏi: “Tại sao?” và thường xuyên quay đi, trở lại với câu hỏi này. Có được một lý do mạnh mẽ (strong Why) sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần khi mất động lực và tìm được hướng đi sát nhất với mục tiêu ban đầu của mình.
4. Hành động! Hành động! Hành động!
Tuổi trẻ là thời điểm tuyệt vời nhất trong đời để tự do lăn xả, khám phá bản thân, tìm kiếm cơ hội, ném mình vào những hoàn cảnh khác nhau để học hỏi. Hãy tận dụng lợi thế này, đừng biến mình thành những “ông/bà cụ non” cả ngày thở than thời thế-thế thời mà bản thân không nhúc nhích làm bất kỳ điều gì để thay đổi cuộc đời của chính mình.
5. Điều duy nhất ta có thể làm và kiểm soát được là: Cố gắng hết mình.
Con đường dẫn tới thành công luôn có nhiều khúc quanh, ngã rẽ, nhiều yếu tố bên ngoài chi phối kết quả cuối cùng. Bởi vậy, điều duy nhất ta có thể dựa vào là chính mình. Hãy tập trung làm hết sức mình và để cuộc sống quyết định phần còn lại. Một khi đã làm hết mình, ta sẽ không có gì để nuối tiếc.
6. Học cách đối diện với thất bại.
Thất bại là một phần tất yếu của cuộc sống. Đôi khi, dù đã làm hết mình nhưng kết quả trả về lại không được như ta mong muốn. Bởi vậy, học cách đối diện với thất bại, nhìn nó với một con mắt khách quan và rút ra được bài học hữu chính là tư duy của người thành công. Nghe thêm trên podcast “Khi đối diện với thất bại”:
7. Tập nhìn nỗi buồn với tâm thế của tương lai.
Khi còn trẻ ta thường nghĩ rằng chuyện xảy ra với mình là to tát lắm, mãi mãi không thể quên được, không thể vượt qua được. Nhưng dần lớn lên, trải nghiệm nhiều hơn, ta nhìn lại và nhận ra chuyện ngày xưa chỉ như một dấu chấm nhỏ trên bức tranh cuộc đời, không có gì đáng phải vật vã, đau khổ, lo âu vì nó đến thế. Vì thế, nếu có thể tập nhìn nỗi buồn hiện tại bằng tâm thế của tương lai (tưởng tượng mình sẽ như thế nào 3 năm, 5 năm nữa), ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, bình tâm hơn. Nghe podcast “Thu nhỏ lại quá khứ”:
8. Hiểu rằng tìm việc là cả một cuộc hành trình.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ai cũng hy vọng mình ra trường và tìm ngay được công việc trong mơ (dream job)—một vị trí mà mình sẽ thích ngay từ đầu, gắn bó lâu dài và không phải chuyển đổi, tìm việc thêm nữa.
Nhưng sự thực, đối với đa phần mọi người, con đường dẫn đến công việc trong mơ có rất nhiều “đường ngang, ngõ tắt”; đôi khi, bạn cần làm những việc mình chưa thực sự thích để học hỏi, chuẩn bị bản thân và làm bàn đạp tìm đến công việc mình thực sự muốn làm. Bởi vậy, nếu bạn gặp khó khăn, đừng bỏ cuộc, bạn không thất bại—bạn chỉ đang đi cuộc hành trình của mình thôi.
9. “Ăn mừng” với những thành công nhỏ. Với những người trẻ cầu tiến, việc có nhiều đam mê, hoài bão giúp ta nỗ lực hơn cho tương lai. Tuy nhiên, nếu không dừng lại một nhịp để “ăn mừng” (celebrate) những thành công nhỏ (small wins) của mình, ta sẽ không trân trọng những cột mốc mình đã đi qua và ý thức hơn về hành trình của mình.
Bản thân tôi vốn là người ít khi chia sẻ thành công và đặt áp lực cao cho mình. Chính điều này khiến cho thành công thường mang đến cho tôi cảm giác “trống rỗng” thay vì vui vẻ, hân hoan. Những năm gần đây, tôi cố gắng thay đổi điều này bằng cách chia sẻ nhiều hơn thành công của mình một cách khiêm tốn và chân thành tới những người đã góp phần tạo nên thành quả đó.
10. Trân trọng giá trị của bản thân: Ai trong chúng ta cũng cần rèn dũa hàng ngày để hoàn thiện mình hơn, để trở thành “phiên bản tốt nhất của chính mình” — nhưng trước hết, mình phải là chính mình trước. Chỉ khi nắm được bản thân mình là ai, học được cách phát huy điểm mạnh từ chính những điểm yếu của mình, ta mới có thể phát triển bản thân và tạo ra những thay đổi bền vững, tự tin, mạnh mẽ nhất.
Lời kết
Điều đơn giản mà chúng tôi xin nhắc lại để bạn nhớ rằng, hiểu mình luôn là một hành trình dài, những suy nghĩ và quyết định ở thời điểm hiện tại sẽ khác đi rất nhiều trong tương lai, bởi cuộc sống là luôn biến đổi không ngừng, mỗi chúng ta cũng vậy.
Và điều quan trọng mà chúng ta nên nhớ là luôn cố gắng hiểu rõ bản thân ở bất cứ thời điểm nào. Chỉ cần một người luôn hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết được điều gì là quan trọng nhất với bản thân, hiểu rõ những ảnh hưởng xung quanh tác động lên mình, thì sẽ luôn tự tin, vững vàng trong cuộc sống. Khi đứng trước những khó khăn, biến cố thì người đó vẫn luôn mạnh mẽ và sáng suốt để ra quyết định, dù kết quả có tốt hay xấu, thành công hay thất bại thì vẫn sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Hãy cho mình quyền là tác giả cho cuốn sách cuộc đời mình, đừng sống như chiếc lá lênh đênh tới đâu hay tới đó, mà hãy viết để cho sau này khi về già nhìn lại, mỗi trang sách đều khiến ta cảm thấy tự hào và hành diện.
“Be the best version of yourself”
(Hãy là phiên bản tốt nhất của chính mình)
Chúc các bạn thành công và hạnh phúc!