Bài viết được sưu tầm từ Blog The Present Writer của chị Chi Nguyễn – Tiến sĩ giáo dục tại Mỹ.
Ai cũng biết mục đích quan trọng nhất của việc đọc sách là rút ra được những bài học giá trị, tinh hoa từ những cuốn sách. Vì thế, ta mới có những quy trình như đọc chủ động bằng việc ghi chép, gạch chân trong quá trình đọc và đọc ứng dụng bằng cách tóm tắt, ghi lại ít nhất 3 bài học mình có được từ cuốn sách…
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Làm sao có thể hệ thống hóa những bài học này để mỗi lần gặp băn khoăn nào đó, ta không phải đọc lại toàn bộ cuốn sách, tìm lại từng chỗ ghi chú? Và quan trọng hơn, làm sao ta có thể kết nối những bài học khác nhau từ nhiều cuốn sách để đưa ra ứng dụng đa chiều nhất vào thực tế của mình?
Khoảng 2 tháng gần đây, mình thử nghiệm một phương pháp ghi chú khi đọc sách sử dụng notecard (thẻ ghi chú). Thực sự, phương pháp này đã làm thay đổi cuộc đời mình, khiến cho mình nhớ và ứng dụng kiến thức từ sách tốt hơn trước rất nhiều.
Bài viết kèm theo video này sẽ giúp bạn hiểu và ứng dụng phương pháp đọc với notecard này:
1- NGUỒN GỐC
Trước hết, mình muốn nói lời cảm ơn tới người đã cho mình phương pháp ghi chú bằng note card này. Đó là Ryan Holiday, một tác giả tài năng người Mỹ với nhiều cuốn sách best-seller về chủ đề Marketing và Chủ nghĩa Khắc kỷ. Ryan Holiday cũng nói rằng anh ấy học được phương pháp này từ mentor (người hướng dẫn) của mình là cây bút nổi tiếng Robert Greene. Và Robert Green có thể cũng đã học phương pháp này từ người khác…
So sánh với phương pháp gốc được miêu tả trong bài blog của Ryan Holiday, mình đã thay đổi một số chi tiết để giản lược, tối ưu hóa phương pháp này cho phù hợp nhu cầu sử dụng của riêng mình (một người làm nghiên cứu, sáng tạo nội dung, tác giả sách). Vì vậy, trong quá trình học và thử nghiệm phương pháp này, bạn hoàn toàn có thể thay đổi để tăng tính ứng dụng cao hơn theo yêu cầu của riêng mình.
Phương pháp đọc sách dưới đây được phát triển từ góc nhìn cá nhân của mình, không mang tính công thức gò bó hay áp đặt.
2-PHƯƠNG PHÁP
BƯỚC 1: ĐỌC SÁCH CHỦ ĐỘNG
Khi đọc sách, mình cầm theo một chiếc bút để vừa đọc vừa gạch chân những đoạn quan trọng và viết ra bên lề suy nghĩ, cảm xúc, cảm nhận riêng của mình. Việc làm này kích thích não bộ “tương tác” với sách và tìm ra bài học ứng dụng cho mình.
Bên cạnh đó, mình cũng hay đọc với giấy dán đánh dấu sách (xem video phút thứ 4:20). Với những đoạn tâm đắc muốn đọc lại sau này, mình thường dán giấy đánh dấu ở mặt ngang trang sách. Với những đoạn có bài tập thực hành hay nội dung cần ứng dụng ngay, mình sẽ dán giấy đánh dấu đầu trang sách. Với cách làm này, mình sẽ biết đâu là điều cần làm ngay, và đâu là điều có thể “nhâm nhi” đọc lại sau này.
Nếu bạn không muốn dán giấy nhớ thì cũng có thể gập mép sách lại.
Sau khi đọc xong mỗi chương sách, mình sẽ tóm tắt 3 điều thú vị học được bằng việc viết tóm tắt ở đầu hoặc cuối chương sách. Với những cuốn sách đã có sẵn tóm tắt sách ở cuối chương thì mình sẽ xem lại tóm tắt đó và viết thêm ý riêng của mình.
Mình đã đọc theo quy trình này khoảng 10 năm. Nếu bạn ghé thăm tủ sách nhà mình, mọi cuốn sách từng “qua tay” mình đều có những dấu hiệu ghi chú như vậy.
BƯỚC 2: GHI LẠI “TINH HOA” TRÊN THẺ GHI CHÚ
Sau khi đọc hết một chương hoặc vài chương sách, mình sẽ xem lại những đoạn gạch chân, đánh dấu và chọn xem đâu là những thứ mình thực sự tâm đắc để ghi lại trong bộ thẻ ghi chú của mình (xem video từ phút 5:37).
Mình không ghi thẻ song song với quá trình đọc vì việc này có thể làm gián đoạn sự tập trung khi đọc và mình cần một khoảng thời gian xem lại để thấy đâu mới thực sự là những điều tâm đắc nhất— đâu là “tinh hoa” nhất của cuốn sách để cho vào thẻ của mình. (Ryan Holiday còn ngừng hẳn vài ngày tới vài tuần sau khi đọc hết một cuốn sách để xem lại cả cuốn rồi mới cho vào thẻ)
- Đầu tiên, mình ghi vào mép trái thẻ một từ nói lên nội dung chính.
- Sau đó mình ghi vào mép phải tên sách viết tắt cùng số trang có thông tin này.
- Nội dung dưới mình ghi nhanh lại ý tưởng của sách, câu trích hay trong sách… Nếu có thể, ghi mũi tên rút ra bài học ứng dụng cho riêng mình.
- Nếu cần ghi tới mặt sau của thẻ thì mình sẽ đánh dấu mũi tên vòng ra sau (cùng chữ “next”) để nói cho mình biết là thẻ này có hai mặt.
Đôi khi trong quá trình đọc sách, mình liên tưởng nghĩ ra điều gì đó không thực sự được tác giả viết trong sách nhưng liên quan đến vấn đề mình quan tâm thì mình cũng sẽ ghi lại dòng suy nghĩ đó vào thẻ với những tiêu đề cá nhân như “me” cho mình, “content” để làm nội dung, hay “idea” là ý tưởng để xem lại sau này.
Quá trình ghi chú này giúp kiến thức “ăn sâu” vào não hơn nhiều, tăng khả năng ghi nhớ và kích thích ứng dụng cao.
BƯỚC 3: SẮP XẾP THẺ GHI CHÚ
Mình có một chiếc hộp nhỏ riêng để sắp xếp thẻ (xem video từ phút 6:30)
- Mình sắp xếp thẻ theo thứ tự bảng chữ cái A-Z. Mình dùng bảng chữ cái tiếng Anh vì mình hay đọc sách tiếng Anh nhưng bạn cũng có thể dùng bảng chữ cái tiếng Việt hay ngôn ngữ nào bạn muốn.
- Một số đề tài mình có: “leadership” (L), “marketing” (M), “quote” (Q).. được xếp tương ứng theo thứ tự bảng chữ cái
- Ngoài ra, mình cũng có một phần những thẻ màu tương ứng với những công việc mình đang làm như: Nghiên cứu (Research), Viết sách (Book), Khóa học (Course), Sản phẩm (Product)… để lưu lại những ý tưởng mình có trong lúc đọc sách liên quan trực tiếp tới những mảng này.
BƯỚC 4: ỨNG DỤNG KIẾN THỨC
Hệ thống chỉ hiệu quả khi người dùng ứng dụng nó. Đối với hệ thống này, bạn có thể thỉnh thoảng mở hộp ra, đọc thẻ để học lại kiến thức theo chu trình học cách quãng (spaced repetition); hoặc khi cần thông tin về một đề tài nhất định, bạn có thể mở ra xem đúng chủ đề đó.
Ví dụ, gần đây mình đang xây dựng Khóa học về lãnh đạo cho học viên chương trình Tiến sĩ và mình lấy được khá nhiều ý tưởng hay ở trong các note về lãnh đạo có trong bộ thẻ của mình.
Như vậy, tùy vào công việc, mục tiêu, và mong muốn cá nhân, bạn có thể cụ thể hóa những cách ứng dụng kiến thức trong thẻ vào hoàn cảnh riêng của mình.
Đây là toàn bộ quy trình mình thực hiện đọc, ghi chép theo phương pháp notecard, và ứng dụng vào công việc, cuộc sống. Như đã nói ở ban đầu, mặc dù mới dùng phương pháp này được hai tháng nhưng mình cảm thấy nó đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời mình, khiến mọi kiến thức mình học được sinh động hơn, tương tác tốt hơn và nhớ lâu hơn. Mình hy vọng thông tin này cũng giúp được cho bạn—nếu không “thay đổi cuộc đời” thì cũng ít nhất thêm được một phương pháp đọc sách mới vào hệ thống tri thức của mình.
Bài viết nằm trong danh mục Làm tốt Học hay – Nơi chia sẻ những kỹ năng, phương pháp giúp bạn tự học tốt hơn. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm về các chủ đề nâng cao chất lượng cuộc sống tại mục Sống chất lượng.