Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Glint Việt Nam và Hướng nghiệp Sông An.
CEO là giám đốc điều hành, người có vai trò quan trọng trong việc định hướng và dẫn dắt công ty. Đây là định nghĩa khá quen thuộc khi nhắc đến vị trí này. Tuy nhiên, CEO đối với nhiều người vẫn là một chức danh khá mơ hồ. Thực chất CEO là gì? Công việc của CEO là gì?
Những thắc mắc trên sẽ được giải thích cụ thể trong bài viết này. Hãy khám phá “nghề” CEO ở một góc độ gần hơn nào.
Giới thiệu về công việc Giám đốc điều hành (CEO)
CEO là viết tắt của Chief Executive Officer, có nghĩa là Giám đốc điều hành. CEO là nhân sự cao nhất thuộc cấp C-level trong một tổ chức, doanh nghiệp. Giám đốc điều hành có trách nhiệm trong sự thành công chung của một công ty, là người đưa ra các quyết định quan trọng cuối cùng.
CEO có vai trò lên kế hoạch và định hướng chiến lược, hướng đi của doanh nghiệp. Họ có trách nhiệm giám sát tổng thể các hoạt động và nhân sự của công ty.
Trong nhiều trường hợp, CEO cũng chính là bộ mặt của doanh nghiệp. Nghiên cứu chỉ ra rằng 45% hiệu suất của công ty chịu ảnh hưởng bởi CEO.
Vai trò quan trọng của CEO là gì?
CEO có vai trò duy trì công ty hoạt động có lợi nhuận, đảm bảo mục tiêu chiến lược, tầm nhìn và sứ mệnh của công ty.
CEO có thể là người sở hữu công ty hoặc không. Trong nhiều trường hợp, CEO được bầu chọn bởi hội đồng quản trị.
Mặc dù giám đốc điều hành của mỗi công ty có thể khác nhau, tựu chung CEO sẽ có những vai trò cụ thể sau:
- Quản lý và giám sát toàn bộ hoạt động của một doanh nghiệp
- Lập kế hoạch chiến lược phát triển công ty
- Mở rộng công ty
- Thúc đẩy lợi nhuận cho công ty
- Quản lý cấu trúc tổ chức của công ty
Công việc của CEO là gì?
CEO giữ vài trò vô cùng quan trọng trong doanh nghiệp. Một bản mô tả công việc CEO có thể bao gồm các gạch đầu dòng sau:
- Phát triển các chiến lược và kế hoạch kinh doanh hiệu quả phù hợp với mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của công ty
- Điều hành và triển khai các kế hoạch đã được phê duyệt thông qua hội đồng quản trị
- Đề xuất ý kiến nhằm cải thiện các vấn đề mà công ty đang gặp phải
- Giám sát toàn bộ hoạt động kinh doanh, đảm bảo kết quả đề ra và phù hợp với chiến lược và sứ mệnh của công ty
- Đưa ra các quyết định đầu tư sáng suốt để thúc đẩy hoạt động kinh doanh và tăng lợi nhuận
- Thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư của công ty
- Đại diện công ty đàm phán và ký kết các hợp đồng thương mại
- Phân tích các tình huống xấu và đưa ra các giải pháp đúng đắn đảm bảo sự vận hành và phát triển của công ty
- Dẫn dắt và thúc đẩy đội ngũ nhân sự nhằm đóng góp và cống hiến, đem lại giá trị cho công ty
- Tổ chức, thành lập, và điều hành bộ máy quản lý của công ty. Đánh giá và định hướng hoạt động của các phòng ban sao cho phù hợp và hiệu quả
- Xem xét các báo tài chính và phi tài chính để đưa ra các giải pháp cải thiện
- Xây dựng mối quan hệ bền vững với các đối tác và cổ đông, là đầu mối giao tiếp với họ
Yêu cầu và kỹ năng đối với một CEO là gì?
Cũng giống với bất cứ bản mô tả công việc nào. Muốn trở thành CEO, bạn cũng cần phải có những tiêu chí sau:
- Tốt nghiệp Thạc Sĩ trở lên ngành Quản trị kinh doanh hoặc các chuyên ngành liên quan
- Có kinh nghiệm là CEO hoặc nắm giữ các chức vụ quản lý liên quan
- Có kinh nghiệm tạo ra các chiến lược sinh lời và hiện thực hoá tầm nhìn doanh nghiệp
- Am hiểu sâu sắc về tài chính doanh nghiệp và các nguyên tắc quản lý hiệu suất
- Có kinh nghiệm với các mảng khác nhau trong kinh doanh như Marketing, Tài chính, Quan hệ công chúng, Quản lý, Nhân sự, v.v.
- Có hiểu biết về thị trường và khách hàng
- Có tư duy của một nhà kinh doanh với kỹ năng tổ chức và lãnh đạo xuất sắc
- Kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề
- Kỹ năng giao tiếp và nói chuyện trước đám đông
Mức lương của CEO chắc sẽ rất “khủng”?
Lương của CEO đương nhiên sẽ cao hơn rất nhiều sao với những vị trí thuộc cấp dưới. Tuy nhiên, không có một con số chung nào, vì nó tuỳ thuộc vào quy mô công ty và lĩnh vực.
Theo báo cáo tài chính của Navigos Group tiết lộ có 3 ngành nghề mà lương CEO có thể nói là “khủng” nhất hiện nay. Mức lương cao nhất có thể lên tới 40,000 USD/tháng.
Cụ thể, 3 ngành nghề đó là:
- Ngân hàng – Dịch vụ tài chính: Mức lương của CEO có từ 15 năm kinh nghiệm là 15,000 – 35,0000 USD/tháng ở miền Nam, và miền Bắc tối đa là 40,000 USD/tháng.
- Bảo hiểm nhân thọ: Mức lương của CEO với hơn 15 năm kinh nghiệm tại các công ty bảo hiểm nhân thọ dao động từ 7,000 – 40,000 USD/tháng.
- Bất động sản: CEO với trên 15 năm kinh nghiệm của các công ty bất động sản có mức lương từ 8,000 – 40,000 USD/tháng ở miền Bắc và cao nhất là 30,000 USD/tháng ở khu vực miền Nam.
Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng trò chuyện vớ khách mời với 7 năm kinh nghiệm ở vị trí công việc CEO để có cái nhìn thực tế hơn nhé!
Phỏng vấn khách mời về công việc Giám đốc điều hành, Quản lý Công ty Logistics (Chuỗi cung ứng)
Thông tin khách mời
- Tuổi: 50
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 27 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học, ngành Ngoại ngữ
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Quản lý logistics cho dự án, Đại lý hải quan (nhưng không bắt buộc đối với tất cả các vị trí trong công ty logistics)
- Số giờ làm hằng tuần: chính thức là 44 giờ (thực tế nhiều hơn)
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): công ty cổ phần, hơn 250 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
A – Mở ra những dịch vụ mới và triển khai thực hiện, bao gồm:
1/ Định nghĩa phạm vi dịch vụ mới đó là gì, các luật/ quy định liên quan phải tuân thủ, các giấy phép con cần thiết phải có.
2/ Xác định đối tượng khách hàng tiềm năng của dịch vụ đó và quy mô thị trường – tính toán kế hoạch kinh doanh (thu nhập và chi phí liên quan, điểm hòa vốn, vận hành bao lâu thì bắt đầu có lãi, lãi dự kiến hàng năm sau khi vận hành tốt).
3/ Tổ chức thực hiện: xin các giấy phép liên quan, tổ chức bộ máy vận hành: các vị trí & mô tả công việc, quy trình làm việc, tổ chức hệ thống vệ tinh các đối tác & nhà thầu chính, đề ra chính sách bán hàng (giá bán, giới hạn công nợ, chính sách giảm giá/ chiết khấu…), tìm kiếm khách hàng và bán hàng, vận hành, hậu mãi.
4/ Chuyển giao: đích thân tôi vận hành cho đến khi mọi thứ trơn tru vào guồng máy, tôi sẽ tuyển chọn và đào tạo người quản lý cho dịch vụ đó và chuyển giao cho người quản lý vận hành, còn mình lui về giám sát và sẽ đi mở cái mới.
B – Giám sát hoạt động của ban giám đốc công ty, góp ý, điều chỉnh, chỉ đạo để đảm bảo hoạt động đó đúng hướng phát triển của công ty, bao gồm:
1/ Bộ máy tổ chức: các vị trí phải được giao đúng người, đúng năng lực, bồi dưỡng đào tạo kiến thức về chuyên môn và quản lý để bộ máy quản lý làm tốt việc của họ.
2/ Quy trình làm việc đã tối ưu chưa, góp ý ban giám đốc các điều chỉnh cần thiết.
3/ Việc đào tạo nhân viên và xây dựng các giá trị của công ty để nhân viên tự hào về công ty và gắn kết tương lai nghề nghiệp với công ty. Giá trị của công ty là “An toàn, Chính trực, Đam mê khách hàng, Công bằng, Đa dạng đội ngũ”. Đào tạo nhân viên để bám sát giá trị công ty và học hỏi để sẵn sàng đón nhận thách thức và vươn lên vị trí cao hơn.
C – Xây dựng quan hệ tốt ở cấp lãnh đạo với các khách hàng, đối tác, các cơ quan quản lý.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Tôi tốt nghiệp ngành ngoại ngữ vào đúng thời điểm đất nước bắt đầu mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào. Các công ty có làm việc liên quan đến nước ngoài rất cần đội ngũ giỏi ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) để làm việc với người nước ngoài. Lúc đó, thật sự tiếng Anh quan trọng hơn cả trình độ chuyên môn như ngoại thương hoặc kế toán hoặc nghiệp vụ logistics (chuỗi cung ứng). Tôi chỉ tình cờ nộp đơn ứng tuyển vào một công ty đang cần tuyển người giỏi tiếng Anh và chỉ biết đó là công ty Logistics sau khi đã trúng tuyển, nên thật sự tôi không chủ động chọn ngành này.
Quan điểm của tôi về nghề nghiệp rất đơn giản: nghề nào thì cũng là (1) nhìn ra nhu cầu của thị trường; (2) tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu đó ở mức giá thành thị trường sẵn sàng chi trả; (3) bán sản phẩm đó và thu lợi nhuận; (4) giải quyết các vấn đề hậu mãi. Công việc nào cũng có niềm vui và khó khăn, thách thức. Công việc sẽ cho mình thu nhập lương thiện để nuôi sống bản thân và gia đình, tạo cơ hội cho mình phát triển bản thân, nên tôi luôn yêu công việc của mình chứ không bận tâm tới việc đi tìm xem mình thật sự yêu nghề nào. Nếu bây giờ tôi không phải làm logistics mà đang làm trong lĩnh vực xuất bản, du lịch, luật, ngân hàng, y tế, giáo dục hay gì khác, thì chắc chắn tôi sẽ yêu công việc đó và nỗ lực học hỏi để giỏi trong lĩnh vực tôi đang làm.
Với các bạn trẻ đang cần hướng nghiệp, tôi vẫn chia sẻ theo quan điểm này. Ngay cả ăn là điều mà ai cũng thích, đứng đầu trong tứ khoái, nhưng nếu tôi cho bạn ăn liên tục suốt 8 tiếng đồng hồ giống như giờ bạn làm việc, thì bạn có ăn nổi không? Cho nên câu nói “hãy chọn làm công việc bạn thật sự yêu thích, và rồi bạn không phải làm việc ngày nào” thì thật sự là không có công việc nào như vậy cả. Chỉ cần chọn một công việc phù hợp với khả năng, yêu nó trước tiên vì nó nuôi mình, nỗ lực làm giỏi việc đó, vượt qua các khó khăn thách thức của nó, rồi khi giỏi và được ghi nhận khả năng trong lĩnh vực đó, bạn sẽ yêu nó hơn nữa.
Nếu cần phải trả lời câu hỏi: “nếu được lựa chọn lại, tôi có chọn làm logistics nữa không?” thì chắc chắn là có. Nhưng nếu “bị” chỉ định làm một ngành khác mà không phải là logistics, thì tôi khẳng định tôi vẫn sẽ yêu ngành đó, giống hệt như đang yêu ngành logistics này.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
08:00 – 9:00 | Xem xét các vấn đề phát sinh trong đêm, xử lý bước đầu theo thứ tự mức độ khẩn cấp |
9:00 – 12:00 | Làm việc với đối tác, khách hàng châu Úc, châu Á, gặp gỡ khách hàng theo lịch hẹn |
12:00 – 13:30 | Mời khách hàng ăn trưa hoặc đi ăn với đồng nghiệp, qua đó nắm bắt thêm tình hình công việc hoặc tâm tư của đồng nghiệp và có giải pháp xử lý vấn đề |
13:30 – 17:30 | – Làm việc, trao đổi email với khách hàng, đối tác châu Âu, Mỹ– Suy nghĩ, hoạch định các công việc/ dịch vụ mới
– Trao đổi, ra các quyết định cho nội bộ thi hành |
17:30 – 19:00 | – Trả lời các email có mức độ quan trọng thấp hơn– Lên các gạch đầu dòng cho hôm sau |
Ghi chú: | Tôi làm việc 5,5 ngày/ tuần. |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Đối với tôi, logistics thật sự là một công việc rất thú vị. Tôi phải tìm giải pháp cho nhiều vấn đề khác nhau (làm sao để nhận nguyên liệu mà tôi đang cần thật nhanh, làm sao để giao thiết bị công nghiệp rất lớn cho chiếc tàu ngoài khơi đang chờ, làm sao để dán nhãn một món hàng bán qua thương mại điện tử cho phù hợp và dễ dàng giao cho người mua, làm sao để giao lô hàng quần áo bảo hộ y tế nhanh nhất đến nơi có dịch covid,…); làm việc với nhiều ngành nghề khác nhau từ nhà máy sản xuất các thiết bị nặng vài trăm tấn như nhà máy điện, nhà máy đóng tàu, đến người sản xuất và bán cái khẩu trang bé xíu trên mạng, làm việc với các quốc gia, các dân tộc với những đặc điểm tính cách rất khác biệt trên khắp thế giới, hiểu họ, hợp tác với họ, trở thành bạn bè của họ.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Tôi thường phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh mà tôi đã nhìn thấy trước và có giải pháp ngăn chặn nó xảy ra, nhưng người ta không làm theo khuyến cáo của tôi và để cho nó xảy ra.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Trước tiên là phải yêu cái nghề mà mình đã chọn hoặc mình tình cờ “hạ cánh nơi anh” đó. Đừng bao giờ ngay từ khó khăn, va vấp đầu tiên bạn đã nghĩ là “chắc tôi không hợp nghề này”. Vì như tôi đã nói, bạn cũng không thể ăn hoài suốt 8 tiếng, thì khi có trục trặc bạn cảm thấy xuống tinh thần hoặc buồn hoặc có chút nản chí, điều đó rất bình thường, nhưng quyết tâm tiến bộ, học hỏi để khắc phục và giỏi hơn mới làm nên con người có giá trị.
Trung thực và chính trực là lời khuyên thứ 2 của tôi. Đừng tìm cách qua mặt sếp bằng cách trốn việc đi chơi, cũng đừng có suy nghĩ “lương thấp thì ta tìm cách kiếm lậu”. Bạn cứ làm việc hết mình và chính trực, nếu sếp bạn không nhìn ra giá trị này của bạn, sẽ có sếp tương lai nhìn ra.
Tiếng Anh, vi tính chắc chắn không thể thiếu, ngoài ra nếu biết thêm tiếng Hoa, Nhật, Hàn, bạn sẽ dễ dàng có chỗ đứng ở những nơi ít bị cạnh tranh hơn.
Một đầu óc cởi mở sẵn sàng học hỏi, luôn biết quan tâm đến quyền lợi của người khác, tinh thần dám chịu trách nhiệm, nói được làm được.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Một số hiểu sai tôi thường thấy là “các công ty này hay giúp gian thương nhập lậu hàng kém chất lượng, trốn thuế, mua chuộc hải quan…”
Thực tế, để làm được việc với những khách hàng lớn, đàng hoàng, các dự án trọng điểm, công ty cần hết sức tuân thủ các quy định về đạo đức kinh doanh và pháp luật. Chỉ một số ít đơn vị nhỏ, không quan tâm xây dựng uy tín lâu dài mới làm sai như vậy, nhưng luôn có các cơ quan hữu quan như công an, thuế, hải quan… giám sát và điều chỉnh.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Em muốn nuôi mình ở mức nào? Thực tế, công ty tôi có những bạn lương ở bậc thấp nhất nhưng vẫn sống đủ, và có những bạn lương cao hơn nhưng hay bị hết tiền.
Thu nhập một em mới ra trường cho phép em ấy trả tiền thuê nhà (ở ghép với vài bạn), ăn uống, xăng xe, học thêm, mua sách đọc, du lịch trong nước 1-2 lần/năm, và tích lũy một ít. Tuy nhiên, sẽ không đủ cho em trà sữa 40.000-50.000/ly trong 7 ngày, mua sắm online thường xuyên để có tủ đồ mặc 01 tháng không trùng, du lịch resort 4-5* hay nước ngoài. Muốn có những thứ đó em cần phấn đấu hơn.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Hãy cho người sếp tương lai của em thấy thuê em có lợi gấp 10 lần những gì sếp bỏ ra đầu tư cho em (bao gồm trả lương, đào tạo…).
- Nếu có bất mãn cỡ nào, đừng bao giờ nói xấu về công ty mà mình đang làm việc. Nhà tuyển dụng tương lai sẽ không muốn tuyển những người đang nói xấu công ty mình làm.
- Rất nhiều việc em phải tự mình học, đừng chờ đợi sếp phải đích thân “dạy”.
- Kinh nghiệm chỉ có thể có được qua dấn thân vào công việc, và đừng để những dấn thân của mình trôi qua mà không học được kinh nghiệm nào.
- Hãy tập thể thao thường xuyên, nó sẽ giúp nâng cao khả năng chịu áp lực và suy nghĩ sáng suốt trong những hoàn cảnh khó khăn.
- Hãy chăm đọc sách văn học, sách kiến thức. Nhiều khi câu trả lời cho vấn đề vướng mắc của mình nằm trong những cuốn sách.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.