Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin khách mời
- Tuổi: 32
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 6,5 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Thạc sĩ Luật và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Pháp
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): không có
- Số giờ làm hằng tuần: 45 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): tập đoàn quốc tế (mấy chục nghìn nhân viên)
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc Giám đốc Phát triển Đầu tư hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Tôi làm Giám đốc Phát triển Đầu tư của một công ty bán lẻ và phụ trách 5 mảng chính:
- Expansion: tìm dự án để mở cửa hàng mới, mua công ty đã có cửa hàng.
- Design: thiết kế cửa hàng mới, thiết kế lại cửa hàng cũ được cải tạo.
- Construction and maintenance: xây dựng cửa hàng mới, bảo trì sửa chữa và cải tạo cửa hàng cũ.
- Leasing: tìm khách thuê cho những vị trí phụ bên cạnh cửa hàng và quản lý các hợp đồng ký với họ.
- Property management: quản lý hợp đồng thuê dự án, quản lý quan hệ với chủ dự án và chính quyền địa phương.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
- Tôi là một người vốn thích học hỏi về nhiều môn và nhiều lĩnh vực khác nhau, rồi phối hợp những kiến thức và kinh nghiệm đã rút ra để phân tích và xử lý một vấn đề.
- Do vậy, tôi đã chọn học hai thạc sĩ và tìm những công việc cho mình cơ hội tiếp xúc với nhiều lĩnh vực, sử dụng nhiều kiến thức và kỹ năng khác nhau. Tôi đã hướng về luật và quản trị kinh doanh, vì lúc đó tôi thấy hai môn này có vẻ rất cụ thể, dễ tìm việc làm và kiếm tiền.
- Sau khi tốt nghiệp, tôi đã bắt đầu làm luật sư và nhà kiểm toán để sử dụng những kiến thức tôi từng học về luật, kế toán, tài chính, chiến lược doanh nghiệp. Hai công việc đó cũng cho mình cơ hội khám phá nhiều lĩnh vực khác nhau như bán lẻ, xây dựng, quảng cáo, du lịch, vv.
- Sau đó, nhờ một alumni (cựu sinh viên) của trường, tôi đã có cơ hội làm trong ngành M&A (Merger and Acquisition – Sáp nhập và mua lại) và đầu tư bất động sản, cũng là cơ hội để sử dụng kiến thức về luật, kế toán, tài chính, mà cũng học sâu hơn về ngành xây dựng và bán lẻ.
- Cách đây 4,5 năm, tôi được một tập đoàn Pháp tại Việt Nam mời làm Giám đốc Phát triển. Lúc đó tôi rất tò mò về châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng nên tôi đã quyết định đi. Rồi sau đó tôi đã có cơ hội làm Giám đốc Phát triển của một tập đoàn quốc tế khác tại Việt Nam, là công việc tôi đang làm bây giờ.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
08:30 – 09:30 | – Chào nhóm của tôi– Uống cà phê, đọc tin tức về lĩnh vực của tôi
– Đọc email và chuẩn bị công việc trong ngày |
09:30 – 12:00 | Tôi thu thập thông tin của nhóm mình về một dự án, làm báo cáo và phân tích tài chính, rồi trình cho ban lãnh đạo hoặc CEO để họ duyệt dự án |
12:00 – 13:30 | Tôi ra ngoài ăn trưa với một đối tác để trao đổi về thị trường, hỏi thăm về dự án mới |
13:30 – 14:30 | – Uống cà phê– Trả lời những email quan trọng |
14:30 – 15:30 | Tôi họp với một nhà thầu để trao đổi về dự án xây dựng mới và đàm phán các điều khoản của hợp đồng xây dựng |
15:30 – 17:30 | Tôi đọc, xem xét và ký những tài liệu, hợp đồng được nhóm trình ký |
17:30 – 18:30 | Tôi nghiên cứu về mô hình cửa hàng mới, suy nghĩ nên thiết kế như thế nào, mang dịch vụ gì cho khách hàng |
Ghi chú: | Tôi làm 5 ngày/tuần, từ thứ 2 đến thứ 6. Thường tôi cố gắng bắt đầu làm việc lúc 8:30 và xong công việc lúc 18:30. Thỉnh thoảng, buổi trưa hoặc buổi tối sau giờ làm, tôi phải đi tiếp khách và gặp đối tác. |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Công việc này cho tôi cơ hội tiếp xúc với nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính (phân tích dự án), luật (soạn hợp đồng), xây dựng và kỹ thuật, thiết kế nội thất, vv. Công việc rất phong phú và cho tôi học nhiều mỗi ngày.
- Công việc này cũng yêu cầu nhiều kỹ năng mềm khác nhau: phân tích, soạn thảo, đàm phán, thương lượng, giao tiếp, tổng hợp thông tin, quản lý con người, chăm sóc khách hàng, vv. Như vậy công việc hằng ngày của tôi rất đa dạng.
- Nhờ công việc này, tôi cũng có thể gặp và làm việc với nhiều người trong nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau.
- Tôi cũng có cơ hội đi du lịch nhiều và khám phá đất nước Việt Nam.
- Thường làm nghề này sẽ được nhận lương và thưởng cao hơn bình thường.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Công việc này mang nhiều áp lực từ cấp trên, nhóm tôi và các đối tác bên ngoài, làm cho tôi cảm thấy khá mệt sau ngày làm việc.
- Nhiều lúc tôi phải đối phó với những tình huống rất căng thẳng, như lúc có mâu thuẫn với đối tác hoặc bên thứ ba, vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng, hoặc vướng mắc với chính quyền địa phương.
- Vì cần tiếp xúc với nhiều lĩnh vực và sử dụng nhiều kỹ năng khác nhau nên mình khó làm chuyên gia về một lĩnh vực nào đó, mình luôn luôn làm một người chỉ biết “chung chung”.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Nên rất tò mò và cởi mở, vì cần làm về nhiều lĩnh vực, sử dụng nhiều kỹ năng, gặp nhiều người khác nhau.
- Nên sáng tạo và có tầm nhìn xa để nắm được tình hình chung, tạo đường hướng phát triển cho công ty.
- Nên biết làm việc rất tỉ mỉ và nghiêm túc vì sẽ hay va chạm những công việc nhạy cảm như đàm phán và soạn hợp đồng, thiết kế xây dựng, giấy phép dự án, vv.
- Nên biết chịu áp lực và sự căng thẳng để luôn vượt quá khó khăn và giúp công ty phát triển.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Nhiều người nghĩ công việc này chủ yếu là xây dựng quan hệ với đối tác bên ngoài và chính quyền địa phương để tìm dự án mới, nhưng thật ra mình cũng phải làm nhiều việc khác nữa để có thể triển khai và hoàn thành một dự án.
- Nhiều người chưa hiểu rõ sự căng thẳng và áp lực của công việc này, như lúc phải đóng cửa một cửa hàng đang bị thua lỗ nặng mà nuôi nhiều nhân viên, hay xử lý những mâu thuẫn cay đắng với đối tác, hoặc làm việc với cơ quan chính quyền địa phương, xử lý những vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng ảnh hưởng đến hoạt động cửa hàng, vv.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Công việc này chưa thể làm ngay sau khi ra trường, nên tích lũy mấy năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và bất động sản thì mới làm được. Tuy nhiên, nhiều con đường có thể dẫn đến công việc thú vị này, như expansion manager (trưởng phòng phát triển), leasing manager (quản lý cho thuê), investment analyst (phân tích đầu tư), vv.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Các bạn luôn cần cởi mở, sẵn sàng học hỏi kỹ năng cứng/mềm mới, luôn sẵn sàng cập nhật và mở rộng những quan điểm và góc nhìn của mình.
Theo tôi, sau khi ra trường và làm công việc đầu tiên hoặc công việc thứ hai, các bạn nên tập trung vào một số yếu tố theo thứ tự sau:
- Kỹ năng mới có thể học trong công việc: lúc đầu, các bạn nên tập trung tìm các công việc/công ty có thể đào tạo cho các bạn và cho các bạn học nhiều kỹ năng cứng và mềm
- Network: sau kỹ năng, các bạn cũng nên cố gắng tìm những công việc và công ty cho các bạn gặp và hợp tác với nhiều người đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, để các bạn có thể học điều mới, khám phá lĩnh vực mới, họ suy nghĩ khác, tạo ra cơ hội làm việc/ hợp tác trong tương lai
- Lương và phúc lợi: chỉ trở nên quan trọng kể từ công việc thứ ba của các bạn thôi; công việc đầu tiên và thứ hai thì nên tập trung vào hai điểm trên, còn kể từ công việc thứ ba thì nên cố gắng đàm phán lương cao nhất có thể, tuy nhiên các bạn nên cố gắng phát triển trong một công ty/tập đoàn và hạn chế nhảy sang một công ty mới trừ khi đàm phán lương cao hơn 30% hoặc không đổi lương nhưng tạo ra nhiều cơ hội cho các bạn.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.