Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 28
- Giới tính: Nữ
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 3 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Thạc sĩ Chính trị học & Tâm lý học / Cử nhân Tài chính
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): CFA (Chartered Financial Analyst) Level 3
- Số giờ làm hằng tuần: 50-65 giờ/tuần
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): công ty đa quốc gia
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Trước khi giải thích trách nhiệm, mình xin giới thiệu ngắn về ngành tư vấn quản trị – vì đây là một ngành khá ‘lạ’ ở Việt Nam. Về cơ bản, làm tư vấn quản trị là viết giải pháp cho một vấn đề phát sinh cho một tổ chức / doanh nghiệp. Trong quá trình vận hành, sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh trong khâu vận hành, tài chính, tiếp thị, bán hàng, hoặc có thể một chính phủ muốn thay đổi chính sách y tế, giáo dục v.v. Ở các tổ chức có quy mô lớn, họ thường không tự mình viết giải pháp / chiến lược phát triển, mà sẽ thuê các công ty tư vấn hỗ trợ. Đây là lúc các chuyên viên tư vấn xuất hiện để hỗ trợ các công ty.
- Các trách nhiệm của một quản lý dự án:
- Quản lý một nhóm tư vấn viên từ 3-5 người để cùng hỗ trợ khách hàng đạt được hiệu quả vận hành tối ưu.
- Hỗ trợ đồng nghiệp theo nhóm cũng như từng cá nhân, đảm bảo sự phát triển của nhóm.
- Làm việc trực tiếp tại công ty khách hàng trong thời gian thực hiện dự án, kiểm soát đầu vào và đầu ra của sản phẩm (chiến lược mình viết có hiệu quả không? có đem lại thay đổi tích cực không? công ty mình và công ty khách hàng có cần thay đổi điều gì không?)
- Tham gia việc phân tích, thiết kế, ứng dụng chiến lược cho công ty khách hàng.
- Thiết kế các giải pháp riêng biệt, phù hợp với hoàn cảnh của khách hàng.
- Tương tác với khách hàng thường xuyên để đảm bảo giải pháp / chiến lược của mình đem lại kết quả tích cực và giúp khách hàng phát triển bền vững.
- Quy trình: (1) Thu thập thông tin về khách hàng, thị trường; (2) Phân tích thông tin; (3) Công thức hoá giải pháp và thử nghiệm các mô hình giải pháp (trên lý thuyết); (4) Đưa ra giải pháp bằng ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu và thuyết trình cho khách hàng
- Giá trị đem lại cho công ty và các bên liên quan:
- Với bản thân: phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và đưa ra các mô hình giải pháp một cách khoa học, phù hợp với từng đối tượng khách hàng riêng.
- Với đồng nghiệp: hỗ trợ các đồng nghiệp phát triển và tối ưu hoá các kỹ năng đang có.
- Với khách hàng: hỗ trợ doanh nghiệp / tổ chức của khách hàng vận hành hiệu quả hơn với chi phí hợp lý, tránh lãng phí nguồn lực.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
(1) Lý do chọn nghề:
Trước khi ra trường, mình có khá nhiều băn khoăn về lựa chọn nghề nghiệp, vì đặc điểm tính cách hoàn cảnh của mình. Vì vậy, việc đầu tiên mình làm là đặt câu hỏi, mình là ai, nhu cầu của mình là gì.
- Nhu cầu của mình (mình cần và muốn gì)
- Ổn định tài chính và có khả năng chu cấp cho các sở thích cá nhân.
- Cần thay đổi môi trường sống
- Cần học thêm từ thực tế. Mình có nhu cầu hiểu thêm về sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, đặc biệt về ảnh hưởng của kỹ thuật di truyền (gene-engineering) đến các chính sách kinh tế và xã hội nên mình muốn làm các dự án liên quan để cập nhập sự phát triển của các ngành trên.
- Trả lời câu hỏi, mình là ai: mình tự đặt câu hỏi về tính cách, điểm mạnh, điểm yếu, sở thích, sở ghét của mình.
Liệt kê xong, mình bắt đầu tìm những công việc mình có thể làm tương ứng với khả năng và nhu cầu của mình. MC (Management Consultant – Tư vấn chiến lược quản trị) là ngành đảm bảo được những điểm trên một cách toàn diện nhất.
Sau đó, mình tiếp tục tìm hiểu thêm về điểm trừ khi làm ngành này. Liệt kê hết ra giấy, mình phát hiện ra một điểm mâu thuẫn, đó là mình muốn làm MC để phát triển bản thân một cách toàn diện (tri thức, kỹ năng, tính cách, v.v.) nhưng với thời gian làm việc cao hơn trung bình (50-65h/tuần chưa kể thời gian đi lại), mình tự hỏi, liệu mình có còn thời gian để review, suy ngẫm về những thứ mình học và quan sát được không? Cuối cùng, sau một hồi so sánh và đấu tranh với các mâu thuẫn, mình vẫn quyết định xin vào làm.
(2) Những quyết định của mình đều rất độc lập, không phụ thuộc vào người thân và bạn bè. Mình chỉ nghe theo nhu cầu của mình, bất kể nhu cầu đó có thực sự ổn hay không.
(3) Đây không phải là công việc đầu tiên của mình. Công việc đầu tiên của mình là phân tích tài chính, vào năm mình mới tốt nghiệp cử nhân là 20 tuổi. Sau một thời gian, mình quyết định đi học thêm vài năm vì lý do đơn giản thôi: ngán đi làm, muốn được chơi nhiều hơn! Lý do quan trọng không kém: mình muốn học thêm để hiểu bản thân hơn, để biết mình thực sự muốn làm gì và có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn. Hồi mới tốt nghiệp cấp 3, mình chọn tài chính vì không biết mình thực sự thích gì nên đã đi theo gợi ý của gia đình, nên giờ mình muốn được tự mình chọn lại. Thời điểm mình chọn nghề MC là trước khi tốt nghiệp Thạc Sĩ và đã có kinh nghiệm đi thực tập thêm ở 3 vị trí: nhân sự cho 1 công ty công nghệ, trợ lý nghiên cứu cho một viện nghiên cứu chính sách và trợ lý cho một giám đốc quỹ đầu tư.
(4) Nếu được chọn lại, mình vẫn sẽ đi theo con đường đang đi. Hiện tại mình đã nghỉ việc vì mình không còn đủ sức thoả hiệp với các mặt trái trong công việc (mặt trái ở đây là những mặt không phù hợp với con người mình – mình không sử dụng nó chỉ với ý tiêu cực), nhưng chính những mặt trái đó lại giúp mình thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực, và học được nhiều bài học lớn (dù phải trả nhiều cái giá khá ‘đau thương’).
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Tuỳ vào đặc thù công việc và dự án, mình không thể đảm bảo các công việc thường được làm theo đúng trình tự thời gian và tuỳ vào giai đoạn của dự án, các công việc của mình sẽ rất khác. Vì vậy, bạn có thể tham khảo lại câu hỏi số 2 để biết chi tiết những công việc mình cần làm trong khung thời gian 1 dự án (8-16 tuần).
Trong 1 tuần, mình làm việc từ thứ 2-thứ 6, khoảng 50-65h/tuần, có thể chưa bao gồm thời gian di chuyển. Đôi khi mình vẫn sắp xếp thời gian làm thêm tại nhà vào cuối tuần để chạy kịp deadline.
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Đồng nghiệp: các đồng nghiệp trong công ty hỗ trợ nhau rất vô tư, đặc biệt là các sếp, rất kiên nhẫn và không ngại ngần hướng dẫn cho những người mới vào làm hoặc làm ở các vị trí thấp hơn.
- Công ty cũng có rất nhiều chính sách giúp nhân viên phát triển bản thân và có những chiến dịch, sự kiện hỗ trợ những nhóm yếu thế hơn trong xã hội. Ví dụ, công ty có một mạng lưới công khai, kết nối các nhân viên thuộc nhóm LGBTQ+ (Cộng đồng đồng tính nam/nữ, song tính, chuyển giới) với mục tiêu phát triển môi trường làm việc bình đẳng giới.
- Xây dựng mạng lưới quan hệ rộng trên nhiều lĩnh vực, có lợi cho con đường phát triển sự nghiệp trong tương lai.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Lưu ý: Đây là những điểm mình rút ra khi làm ở công ty của mình, không đại diện cho cả nhóm ngành nhé!
- Áp lực cạnh tranh khốc liệt.
- Một số công cụ và phương pháp sử dụng trong mảng công nghệ chưa đi kịp so với tốc độ phát triển chung trên toàn cầu.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Các kỹ năng mềm cần có: Tương tự như các công việc khác, bộ kỹ năng mềm luôn đồng hành cùng mình trong quá trình xin việc là:
- Kỹ năng tổng hợp, phân tích thông tin
- Kỹ năng giao tiếp: có khả năng giao tiếp với nhân viên (cả đồng nghiệp lẫn công ty khách hàng) thuộc mọi ban ngành, chức vụ
- Kỹ năng giải quyết vấn đề
- Kỹ năng lãnh đạo
Kiến thức nên có:
- Các mô hình quản trị / vận hành tổ chức, doanh nghiệp
- Toán
- Kiến thức về tài chính doanh nghiệp
- Kiến thức về ngành / lĩnh vực mình muốn theo đuổi (dược, năng lượng, du lịch, bán lẻ, thương mại điện tử, v.v.)
- Khả năng sử dụng máy tính: excel (rất quan trọng nhé), powerpoint và một số phần mềm phân tích chuyên dụng nếu cần.
- Ngoại ngữ: tiếng Anh ở trình độ C1 là bắt buộc, ngoài ra bạn nên biết thêm ít nhất 1 ngoại ngữ nữa.
Thái độ cần có:
- Sẵn sàng chấp nhận rủi ro
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Có lần đi ăn tối, một bạn (không quen) ngồi cùng bàn hỏi mình làm gì, khi thấy trả lời là mình làm consultant, bạn ấy nói, nghề của mình chắc chỉ cần ‘chém gió’ tốt là làm được, làm mình dở khóc dở cười. Dù đúng là khi gặp khách hàng để thuyết phục họ làm theo chiến lược của bọn mình thì cũng cần chút gió để làm bầu không khí họp hành bớt căng thẳng, nhưng mình có thể hiểu tại sao người bạn kia lại nói vậy, vì:
- Lạm phát chức danh. Theo Laura Smith-Proulx, người điều phối của LinkedIn, thực tế thì ⅓ trong số 1,44 triệu kết quả profile làm nghề consultant trên linkedin thực ra không làm gì cả mà họ chỉ thích tự phong như vậy thôi. Hoặc, gần đây, mình thấy rất nhiều người dù làm ở vị trí không liên quan cũng thích dùng từ Consultant. Ví dụ, mình từng gặp 1 bạn tự xưng là ‘Business consultant’ (nghe oai chưa) nhưng thực ra bạn đang làm ở vị trí bán hàng cho một công ty nhỏ.
- Mức độ phổ biến gây hiểu lầm về cơ hội nghề nghiệp: Việt Nam chưa có nhiều công ty tư vấn chuyên nghiệp về chiến lược quản trị / chiến lược trên nhiều lĩnh vực mà chỉ chủ yếu là tư vấn trong mảng tài chính. Trong thực tế, mình có rất nhiều đồng nghiệp có xuất phát điểm khác nhau như bác sĩ, kỹ sư, v.v. Một đồng nghiệp của mình từng là phi công nữa đó! (Đương nhiên là trước khi vào làm bạn đã tự trang bị thêm cho mình tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh – MBA chứ không chỉ đem kiến thức lái máy bay để đi tư vấn được. Bây giờ bạn đã thành chuyên gia tư vấn trong mảng giao thông vận tải hàng không cho rất nhiều chính phủ.)
- Làm MC kiếm được rất nhiều tiền: Mình không phủ nhận mức lương trung bình, đãi ngộ và hoa hồng của ngành MC so với mặt bằng chung là cao, nhưng tuỳ dự án, tuỳ vào vị trí địa lý của văn phòng sở tại mà mức lương/thưởng, và thậm chí là thời gian thăng chức trung bình sẽ rất khác nhau.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Có. Lương và đãi ngộ trong nghề tư vấn thường tương đối cao.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
(1) Trước khi nói mình thích / muốn làm nghề gì, hãy tìm hiểu kỹ / nghiên cứu về nó trước đã:
Trước khi khẳng định niềm yêu thích với 1 nghề, ít nhất, mình nên tìm hiểu trước:
- Ngành / nghề đó thực sự là gì? Mình phải làm các công việc gì khi làm nghề đó?
- Để làm nghề đó thì mình có các lựa chọn học tập nào? Yêu cầu đầu vào / đầu ra là gì? Khóa học đó gồm những môn nào? Học ở đâu thì tốt và phù hợp?
- Nếu có thể, tìm những người từng học / làm trong ngành đó để hỏi và trò chuyện. Nhưng để làm bước này, bạn vẫn phải tìm hiểu trước để tránh đặt ra những câu hỏi google cũng trả lời được, tốn thời gian cho cả hai bên.
- Nếu sau này hết thích nghề đó thì mình nên làm gì?
(2) Nếu mình muốn thay đổi và chuyển sang thích một ngành nghề hoặc một hướng đi khác thì không nên nghĩ đây là chuyện tiêu cực, vì sau 1 thời gian con người mình cũng sẽ thay đổi. Việc cần làm là phân tích sự không thích đó bắt nguồn từ đâu để tìm ra giải pháp phù hợp.
(3) Khi suy nghĩ về bản thân, bạn nên viết những điều đó ra giấy (hoặc đánh máy) và lưu lại: Bạn là ai? Bạn có điểm mạnh/yếu gì? Bạn thích gì? ghét gì? Cảm xúc của bạn hiện tại với công việc là gì? Thường thì khi gặp những vấn đề này thì sẽ có giải pháp gì, giải pháp đó có hợp với bạn không? Việc viết xuống rất quan trọng, vì với những người chưa quen thuộc với việc phản tỉnh (self – reflection), đây là cách giúp bạn nhìn bản thân đầy đủ và toàn diện hơn.
Đây là việc mình nên làm thường xuyên (sau mỗi 6 tháng), hoặc ít nhất là trước khi mình có 1 quyết định lớn, hoặc sau một giai đoạn mình vừa thử một cái gì đó mới. Vì không có ai nhìn hay đánh giá, nên hãy thành thật với bản thân. Từng có giai đoạn, mình chuyển từ ‘Rất thích tiếp xúc với người mới’ sang ‘Ghét loài người’ vì công việc quá căng thẳng và đòi hỏi sự tương tác liên tục. Nhìn lại quá trình phát triển của bản thân theo thời gian, bạn sẽ dễ tìm điểm cân bằng hơn.
(4) Tìm mentor. Mentor có thể hỗ trợ cả về con đường học thuật lẫn sự nghiệp tương lai. Mentor nên đi theo mình nhiều năm, đồng hành cùng mình trên con đường phát triển.
- Bạn có thể tìm lời khuyên từ gia đình, nhưng không nên nhờ cha mẹ / bạn bè thân làm mentor. Lý do:
- Yếu tố cảm xúc trong mối quan hệ sẽ ảnh hưởng đến việc hướng dẫn bạn.
- Tiếp xúc với những người có thế giới quan và môi trường sinh hoạt không quen thuộc sẽ giúp mình có thêm một cái nhìn khác.
- Mỗi người có thể có 1-2 mentor. Trong trường hợp của mình, mình có 2 mentor, một trong số đó đã đồng hành cùng mình được 11 năm.
- Mentor có thể tìm ở đâu: đàn anh/đàn chị đại học, sếp cũ, giáo viên của bạn v.v. Phổ biến nhất là tìm sếp của bạn làm mentor. Như công ty mình thì mỗi nhân viên sẽ được 1 vị sếp nhận mentor riêng theo quy định công ty.
(5) Đọc hoặc nghe nhiều: chúng ta luôn nghe về nhu cầu phát triển kỹ năng giao tiếp và viết tốt, nên các em hãy thử hình dung: cũng như hoạt động hít vào – thở ra của con người, thì kỹ năng đọc – nghe cũng như hít vào – tiếp nhận, sau khi có một lượng kiến thức lớn, mình mới có thể có nguồn tư liệu để nói và viết. Nếu việc tiếp nhận thông tin từ con đường ‘đọc’ và nhìn của bạn không tốt, bạn có thể chuyển sang kênh nghe. Youtube / Podcast trên Spotify là một kho tàng đầy đủ các chủ đề từ khoa học, kinh tế đến xã hội hay giải trí, và cách truyền đạt cũng rất đa dạng.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.