Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 48
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 25 năm làm việc, 16 năm làm CEO
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học Hàng Hải và học bổng Fulbright chương trình đào tạo Chính sách công
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): certified Executive Coach từ International Coach Academy (ICA)
- Số giờ làm hằng tuần: toàn thời gian cho đến 2019 (khoảng 40 tiếng/tuần), hiện tại đang tạm nghỉ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): 130 nhân viên, công ty nghiên cứu thị trường
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Để đảm bảo những trách nhiệm trên có thể đạt được bền vững, việc xây dựng 1 môi trường làm việc lành mạnh là cực kỳ quan trọng. Theo tôi, môi trường lành mạnh đảm bảo mọi người không sợ thử cái mới và làm sai, không ngại thừa nhận điểm yếu và sai phạm của mình và luôn luôn hợp tác vì mục đích chung của tập thể chứ không phải vì mục đích riêng của bộ phận hay cá nhân. Chỉ khi nào từng cá nhân trong 1 tập thể đều được khuyến khích để vượt qua nỗi sợ của mình, thì lúc đó sẽ có những phát triển vượt bậc về học hỏi, sáng tạo và hợp tác được.
Việc xây dựng 1 môi trường lành mạnh không phân biệt đối xử và luôn phải bắt đầu từ những vị trí cao nhất, giống xây nhà thì phải đảm bảo phần móng vững chắc nhất, và phải luôn tìm cách gia cố. Khi phần móng vững chắc thì việc xây thêm (nhân viên) nhẹ nhàng hơn rất nhiều
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Tôi chọn ngành nghiên cứu thị trường cũng tình cờ, lúc đang học Đại học thì có đi làm thêm phỏng vấn thu thập thông tin, lúc đó ngành này còn rất mới, khi ra trường thì 1 công ty Nghiên cứu thị trường đa quốc gia mình hợp tác có tuyển dụng và mình xin vào, cũng không hề xin việc nhiều nơi và cũng không ai ảnh hưởng đến lựa chọn của mình. Trong quá trình làm việc thì mình kinh qua gần như tất cả vị trí từ thấp nhất ở vận hành (operation) sau đó vì có biết tiếng Anh nên được chuyển sang nghiên cứu (research) và từ đó gắn bó đến nay. Trong quá trình làm thuê thì chẳng bao giờ nghĩ đến việc xin việc khác, đơn giản có lẽ là ngành mình đang làm vẫn luôn có thách thức mới.
Bước ngoặt lớn nhất để bước vào kinh doanh và làm CEO là lúc mình bị công ty đuổi việc vì nghi ngờ mình không đàng hoàng, và đây là bước ngoặt đưa mình đến việc tự làm cho chính mình vì lúc đó sợ đi xin việc không ai nhận!!! Và từ đó mình điều hành công ty riêng từ chỗ có 2 người, sau đó phát triển thành 60 nhân viên và được 1 tập đoàn lớn thứ 3 thế giới sát nhập và mình điều hành doanh nghiệp phát triển đến lúc có 130 nhân viên.
Dĩ nhiên câu chuyện thì đơn giản nhưng quá trình đi qua thì nhiều phức tạp và biến cố, tuy nhiên, đó là một con đường tuyệt vời và chưa bao giờ trong đầu mảy may suy nghĩ lại về quyết định của mình và không hề hối hận về bất cứ điều gì. Điều quan trọng trên con đường sự nghiệp của mình có lẽ chính là học cách nhìn nhận mọi việc luôn gồm 2 mặt, có những lúc mình cảm thấy thoải mái và có những lúc không. Và quan trọng nhất là học cách không hối hận, chúng ta có thể rút ra bài học và cam kết thay đổi, tuy nhiên cảm giác hối hận là 1 cảm giác không nên đeo bám mình.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Điều quan trọng ở đây là công việc CEO giống như bước cuối cùng của hệ thống phòng thủ, ở vị trí này, việc của mình là đảm bảo mọi việc vận hành trơn tru mà không cần có mình, do đó CEO thường khó khăn và bận rộn khi bắt đầu xây dựng bộ máy, khi kinh doanh khó khăn, khi có khủng hoảng, đó là lúc CEO phải làm việc cật lực nhất. Ngược lại khi tình hình kinh doanh bận rộn, giống chiếc xe đang chạy có trớn thì mình làm việc rất nhẹ nhàng, chỉ cần điều chỉnh tay lái, lưu ý đến các bộ phận của xe có vận hành trơn tru hay không, lâu lâu đổ xăng, nhớt hoặc thay thiết bị.
Do đó 1 ngày làm việc của CEO cũng khó nói là tiêu biểu nhưng tóm lại rất tự do. Tự do vì mình muốn làm gì thì làm miễn là mình chịu trách nhiệm cuối cùng.
Thông thường đầu buổi sáng dành cho mình (cafe 1 mình, suy nghĩ về những vấn đề quan trọng…) và dành thời gian làm những việc mình cần làm. Sau khi đến văn phòng thì gần như là không làm gì cho mình được mà phải gặp người này người kia rất nhiều. Tôi cũng không có khả năng làm việc dài giờ nên thường về sớm và do đó việc quan trọng làm phải tập trung theo tôn chỉ SIMPLICITY. Chỉ làm những việc thực sự cần thiết.
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Nhìn thấy toàn cảnh và nhìn thấy sự phát triển (và hậu quả) sau khi mình có những quyết định quan trọng.
- Giúp hiểu và cảm kích con người, đặc biệt là chứng kiến những cá nhân phát triển.
- Tự chủ: quyết định, dám (phải) đối mặt với nỗi sợ của mình và qua đó phát triển tột bực, qua đó nhìn thấy mặt đẹp của xã hội và con người giống như sau khi leo được qua đồi thì mọi việc nhìn đẹp hơn rất nhiều.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Không có gì vì không có gì là hoàn hảo, có những thứ tốt vào tình huống này nhưng sẽ là cực kỳ tệ trong tình huống khác và chúng ta phải học cách chấp nhận sự việc một cách toàn diện như vậy, cũng giống 1 con người.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Với ngành nghiên cứu thị trường thì những kỹ năng phân tích (toán, thống kê), hiểu về con người (tâm lý, xã hội học) là cần thiết.
- Quan trọng hơn hết là thái độ vì kỹ năng và kiến thức thì có thể đọc và luôn sẵn có. Theo tôi thì những thái độ sau quan trọng cho bất cứ ngành nghề và vị trí nào.
- Accountability: mọi việc xảy ra dù như thế nào thì luôn có phần trách nhiệm của mình. Hãy nhận lấy trách nhiệm trong mọi tình huống
- Khiêm tốn: tập cách tập trung vào chất lượng công việc thay vì tập trung vào chứng tỏ mình giỏi (ví dụ trong 1 cuộc họp, chúng ta hay ngại hỏi vì sợ hỏi câu hỏi ngớ ngẩn, đó là vì chúng ta quá tập trung vào việc làm sao mình nhìn thông thái và giỏi)
- Đừng bao giờ so sánh: so sánh với bất cứ ai là 1 sự không công bằng và không cần thiết cho mình và người đó. Không so sánh giúp mình tập trung trí lực vào những gì mình cần thay vì tập trung vào những cuộc ganh đua không có ý nghĩa
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Làm CEO là lương cao, làm khỏe…. Việc này chỉ đúng 1 mặt, và phần lớn mọi người chỉ nhìn và đòi phần quyền lợi và quên mất phần trách nhiệm của công việc này, phần trách nhiệm thường thì khó khăn hơn rất nhiều, nó bao gồm chịu trách nhiệm cuối cùng cho dù mình không làm sai, phải ra những quyết định rất khó khăn (cho nhân viên nghỉ việc…), xây dựng và thực thi chiến lược….
- Việc mình hiểu quyền lợi & trách nhiệm của bất cứ công việc nào cực kỳ quan trọng, để trả lời câu hỏi là mình có thực sự cần vị trí này hay không. Đôi khi do mình chỉ nhìn quyền lợi nên mình nghĩ là mình muốn nhưng khi đối diện với trách nhiệm, mình không cáng đáng nổi thì đây là một điều đáng tiếc.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Rất khó trả lời câu hỏi này vì tôi cũng không biết bạn cần gì để sống được!!! Tuy nhiên, có lẽ chúng ta cũng cần bỏ yếu tố thu nhập xuống thấp 1 chút lúc bắt đầu bất cứ công việc gì và tập trung làm cho tốt nhất việc của mình. Một khi mình có giá trị thì thu nhập sẽ tự tìm đến mình sẽ tự nuôi sống mình thoải mái.
Một điều nữa là cũng không nên “trả giá” lương bổng, cái này giống đi chợ mua rau quá. Giá trị của mình thể hiện qua đóng góp chứ không phải bằng cấp, do đó trước khi mình có đóng góp thì rất khó đòi hỏi. Còn khi mình đã có giá trị rồi mà công ty vẫn không nhận ra thì cũng đừng quá lo, cứ tập trung đóng góp thật tốt đi, sẽ có công ty khác nhận ra giá trị của mình thôi.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Lúc bắt đầu, hãy tìm làm việc cho người sếp tận tâm, không phải là người nuông chiều và nói những điều hay về mình, mà là người chỉ cho mình định hướng, không ngại nói thẳng điểm yếu của mình và đẩy mình phát triển
- Học cách không so sánh và tập trung vào cái gì mình cần
- Chấp nhận bản thân: biết điểm mạnh và điểm yếu của mình và tập thoải mái với nó. Điều này cho ta tự tin
- Kiên định
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.