Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản – Khách mời: Minh Phúc
- Tuổi: 30
- Giới tính: Nam
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 8 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Certified Facilitator, Career Coaching
- Số giờ làm hằng tuần: 44 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty Việt Nam, 220 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Tạo trải nghiệm học tập cho đội ngũ nhân viên của công ty bằng các công việc:
- Đào tạo nội dung gì?:
- Tìm hiểu nhu cầu đào tạo của công ty bằng cách xác định khoảng lệch (gaps) về kỹ năng giữa mong muốn với thực tế thông qua các góc nhìn đa dạng: mục tiêu của công ty, mục tiêu của phòng ban, kỳ vọng của người quản lý và mục tiêu của cá nhân người đi làm.
- Phương pháp thực hiện: thông qua các bảng khảo sát, buổi trao đổi – phỏng vấn với quản lý các bộ phận và nhân viên, quan sát các vấn đề thực tế khi công việc được thực hiện.
- Thực hiện như thế nào?:
- Thiết kế và xây dựng các hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng và năng lực cho đội ngũ nhân viên để thu hẹp các khoảng lệch.
- Trực tiếp đứng lớp nội bộ để truyền tải hoạt động đào tạo, phát triển hoặc phối hợp với các đối tác bên ngoài (các trung tâm đào tạo, các giảng viên có kinh nghiệm với chủ đề).
- Quản lý, tổ chức và sắp xếp các hoạt động đào tạo, phát triển được diễn ra theo kế hoạch (về nội dung, công tác hậu cần, truyền thông trong công ty).
- Làm sao biết đào tạo có hiệu quả?:
- Đánh giá hiệu quả của các hoạt động đào tạo, phát triển thông qua các mẫu biểu đánh giá, thực hiện đo lường kết quả ngay tại nơi làm việc
- Lập kế hoạch áp dụng, duy trì những hiểu biết, thói quen tại nơi làm việc.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
- Năm chuyển cấp (từ lớp 9 lên lớp 10): Mình bắt đầu có ý thức về sự kết nối với người khác kể từ khi tham gia Câu lạc bộ kỹ năng dã ngoại Suối Trắng của Quận 3. Mình khám phá ra bản thân học hỏi hiệu quả nhất là thông qua kênh hình ảnh và sự vận động. Sau một thời gian, mình được giao nhiệm vụ dạy kỹ năng dã ngoại cho các thành viên mới (morse, semaphore, dựng lều trại, nút dây, mật thư, xác định phương hướng bằng sao trời…) và nhận vai trò Phó chủ nhiệm của CLB.
- Học Đại học: Mình chọn học ngành Quan hệ quốc tế và bắt đầu đi làm thêm từ cuối năm 1. Công việc lúc đó là hỗ trợ trong các khóa học ngắn hạn về phát triển tư duy dành cho người trẻ và người đi làm của công ty đào tạo TGM. Công việc của mình gồm: chuẩn bị hậu cần (phòng ốc, âm thanh, ánh sáng, dụng cụ học tập…) và hỗ trợ học viên. Mình gắn bó với công việc này suốt 4 năm Đại học. Trong quá trình làm việc, mình phụ trách đào tạo kiến thức và cách làm cho những bạn gia nhập sau.
- Qua công việc này, mình nhận ra một bài học lớn: cách học của mình không nhất thiết là “khuôn vàng thước ngọc” với người khác và ngược lại. Bên cạnh đó, mình được tiếp xúc với các anh chị trong mảng đào tạo, bước đầu hiểu về những khái niệm: “đào tạo” (training), “khai vấn” (coaching), “dìu dắt/hướng dẫn” (mentoring)… Đồng thời, mình được rèn luyện những kỹ năng như: làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, tác phong làm việc…, nhất là kỹ năng lắng nghe thông qua việc đón nhận những câu chuyện, tính cách khác biệt với mình.
- Nhờ những chất liệu thực tế này, mình dần yêu thích việc hỗ trợ, hướng dẫn người khác học hỏi. Mình đã đặt mục tiêu trở thành một chuyên viên phát triển nhân sự kể từ thời điểm này.
- Công việc đầu tiên: Bén duyên từ công việc bán thời gian thời Đại học, mình bắt đầu làm việc toàn thời gian tại TGM, một là trực tiếp tổ chức các chương trình đào tạo của công ty, hai là quản lý đội ngũ hỗ trợ chương trình. Công việc này giúp mình mài bén thêm kỹ năng về tổ chức sự kiện, lãnh đạo nhóm và truyền thông nội bộ. Ngoài ra, mình vẫn dành thời gian nhất định cho việc tự học, tham gia các khóa học bên ngoài và điều hành dự án phi lợi nhuận. Từ đó, mình biết đến một chương trình phát triển năng lực lãnh đạo và may mắn nhận được học bổng của chương trình này. Mình đã dành trọn 1 năm cho việc học, đồng thời vẫn hỗ trợ các dự án cho công ty.
- Công việc thứ hai: Hoàn thành xong chương trình học, mình mong muốn hiểu rõ hơn mảng Đào tạo cho doanh nghiệp. Và mình bắt đầu làm việc tại PACE. Tại đây, mình phụ trách công việc nhân sự chung (tuyển dụng, hoạt động nội bộ…), hỗ trợ tổ chức một số khóa đào tạo, tham gia dịch thuật chuyên môn và đứng lớp giảng dạy một số dự án.
- Tại đây, mình đã có cơ hội gặp gỡ các anh chị và các bạn có tâm huyết và chuyên môn cao trong lĩnh vực đào tạo. Đó là những người thầy, những người cộng sự làm việc hăng say, quyết liệt và hoài bão. Công việc này đã giúp mình nhận rõ và cho mình những hiểu biết sinh động về đào tạo doanh nghiệp, đồng thời những kỹ năng làm việc của mình có cơ hội được mài giũa và phát huy.
- Công việc hiện tại: Sau 4 năm gắn bó, mình quyết định rời PACE để tìm kiếm môi trường doanh nghiệp thực tế để trực tiếp làm công việc đào tạo phát triển. Nơi làm việc hiện tại của mình là tại ADP, một công ty thuộc ngành thiết kế nội thất văn phòng. Công việc của mình là xây dựng hoạt động đào tạo cho nhóm quản lý của công ty. Đây là một lĩnh vực mới mẻ và khá thử thách.
- Xuyên suốt những giây phút chiêm nghiệm trên hành trình nghề nghiệp, mình thấy rằng ai cũng có những phẩm chất, tiềm năng tốt đẹp bên trong và thật uổng phí nếu tiềm năng vẫn mãi “tiềm ẩn”. Mình tâm đắc với châm ngôn của Mẹ Teresa: “Không phải ai cũng có thể làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta đều có thể làm những điều nhỏ với một tình yêu lớn.” Mình có niềm tin rằng một bạn dù không có nhiều tài năng, được xem là “bình thường” nhưng với một phương pháp học tập phù hợp tại nơi làm việc, bạn ấy vẫn tạo ra được rất nhiều giá trị thực cho công ty.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
08:00 – 9:00 | Đọc những bài viết, video về chuyên môn trên Internet |
9:00 – 9:30 | Theo dõi những ưu tiên trong một ngày làm việc |
9:30 – 11:00 | Tham gia họp nhóm hoặc liên hệ với các đối tác đào tạo |
11:00 – 12:00 | Họp riêng 1:1 với cấp trên/Ban điều hành |
12:00 – 13:00 | Ăn trưa & Nghỉ trưa |
13:00 – 14:30 | Chuẩn bị, thiết kế các nội dung đào tạo |
14:30 – 16:00 | Trao đổi với các phòng ban để cập nhật, chuẩn bị cho hoạt động đào tạo |
16:00 – 17:00 | Tìm hiểu mở rộng về các đối tác đào tạo |
17:00 – 17:30 | Đóng gói công việc trong một ngàyKiểm tra các công việc ưu tiên ngày hôm sau và lịch đào tạo sắp diễn ra |
Sau 17:30 | Ăn tối, nghỉ ngơiĐọc tài liệu, sách liên quan |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Công việc đào tạo phát triển cho mình cơ hội kết nối con người, cụ thể là nhân sự trong công ty. Họ là những người mong muốn được trở nên tốt hơn, phát triển bản thân và đóng góp nhiều giá trị cho công ty. Trong vai trò này, mình là người đồng hành trên hành trình học tập và phát triển của từng cá nhân và phòng ban.
Công việc này còn mang đến cho mình nguồn cảm hứng lẫn sự thách thức về tính đa dạng của người học. “Làm sao để bắt nhịp và cùng hòa điệu với người học?, Làm sao để người học không cảm thấy lạc lõng trong công việc? Làm sao để người học chủ động hơn trong việc phát triển bản thân?” – Với mình đó là những câu hỏi thú vị mà công việc này mang lại.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Những điều mình không thích thường là những điều mình chưa biết cách để làm hoặc chưa làm đủ tốt.
Vậy nên, những điều không thích là cơ hội để mình hiểu hơn về bản thân, cải thiện chúng và chọn lọc ra thế mạnh riêng có.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Người làm đào tạo là người học đủ nhiều, đủ sâu, nghĩa là:
- Biết trau dồi năng lực tự học
- Biết cách đào sâu kiến thức như một chuyên gia
- Biết đóng gói kiến thức, trải nghiệm để người khác dễ dàng tiếp nhận
Người làm đào tạo cần có thái độ chủ động, nghĩa là:
- Chủ động tiếp cận và hiểu về nhu cầu của người học, văn hoá của tổ chức, ngành nghề hoạt động của công ty
- Chủ động đón đầu, cập nhật kiến thức mới, cách làm mới ở Việt Nam và thế giới
- Dám thử sai và đối diện với những rủi ro khi áp dụng trong thực tế
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Trong công ty có phòng đào tạo à?
Tuỳ theo quy mô công ty, định hướng, chiến lược mà công ty đó có phòng đào tạo hoạt động như các phòng ban khác hay không. Nếu chức năng đào tạo không tồn tại thành một phòng ban cụ thể, nó vẫn được biểu hiện dưới dạng các hoạt động nội bộ như: đào tạo hội nhập cho nhân viên mới, đào tạo nâng cao kỹ năng, tổ chức cho nhân viên đi học các khóa học ngắn hạn bên ngoài…
Em tốt nghiệp Đại học thì vào công ty em có cần phải học thêm nữa không?
Việc học hỏi và nâng cấp kỹ năng là vô cùng quan trọng trong một thị trường nhiều thay đổi như hiện tại. Vậy nên cho dù bạn mới tốt nghiệp hay là người đi làm lâu năm, bạn đều có nhu cầu được đào tạo bổ sung hoặc đào tạo nâng cao. Người quản lý của bạn cũng luôn kỳ vọng nhân viên có thái độ học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng để làm tốt công việc. Sự phát triển là tất yếu nên bạn đừng… ngán nha!
Em học Sư phạm thì có thể làm được công việc này không?
Một số bạn yêu thích giảng dạy dễ hình dung đào tạo doanh nghiệp giống như đào tạo Đại học hay đào tạo kỹ năng. Bên cạnh yếu tố “dạy – học”, các hoạt động đào tạo trong doanh nghiệp sẽ đòi hỏi tính năng động, sáng tạo và thực tế hơn rất nhiều.
Nếu bạn có kinh nghiệm về sư phạm, bạn hãy sử dụng chúng thật hiệu quả. Còn nếu bạn chưa có trải nghiệm sư phạm, cũng không sao vì bạn hoàn toàn có thể bắt nhịp nhanh với công việc này. Một số anh chị trong ngành đào tạo mà mình có cơ hội làm việc chung cũng đến từ nhiều ngành nghề đa dạng, từ kinh tế, kỹ thuật, thậm chí là y dược. Bạn đừng ngại tìm hiểu và theo đuổi nếu cảm thấy phù hợp nhé!
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Bất kỳ công việc nào nếu được định hướng và chuẩn bị từ sớm hoàn toàn có thể mang lại cho bạn nguồn thu nhập tốt.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Thứ nhất, người làm đào tạo cần đầu tư phát triển năng lực tự đào tạo, tự học. Vì công việc “phát triển con người” giống như một người pha chế (bartender). Người pha chế làm ra một món nước ngon lành khi họ luôn tìm tòi các công thức, nguyên liệu đa dạng và cách biến tấu chúng. Cách tốt nhất để “pha chế” ra những trải nghiệm học hỏi phù hợp là bạn cần có kinh nghiệm khám phá nhiều phương pháp, cách đào tạo đa dạng. Vì vậy, bạn đừng ngại tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động có yếu tố học hỏi, như các khóa học kỹ năng, chương trình dành cho cộng đồng và kết nối với những bạn ở các ngành nghề khác nhau.
Thứ hai, đào tạo cho doanh nghiệp phải đi từ các vấn đề nổi bật trong thực tế. Vì vậy, bạn cần học cách giao tiếp, lắng nghe, quan sát những vấn đề xung quanh bạn và tập đưa ra giải pháp cho các vấn đề đó.
Cuối cùng, đôi khi bạn sẽ khó nhìn thấy, sờ nắm được kết quả công việc đào tạo trong ngắn hạn. Đó là lúc bạn cần kiên nhẫn và có sự cam kết đến cùng với lựa chọn của mình.
Cùng xem video buổi trò chuyện tại đây:
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.