Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 34
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 12 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cử nhân
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): SHRM, BSP, SIY Certified Teacher
- Số giờ làm hằng tuần: 40 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty đa quốc gia, 200 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Cung cấp “sự sẵn sàng về nguồn lực lao động” cho công ty. Sự sẵn sàng này bao gồm:
- Sẵn sàng về nền tảng pháp luật: thông qua các việc liên quan đến pháp luật lao động, tuân thủ an toàn lao động, tuân chủ các chính sách chống hối lộ, tham nhũng
- Sẵn sàng về chính sách, quy trình làm việc: giúp mọi người rõ ràng về công việc cần làm, phối hợp ra sao, được đánh giá và khen thưởng thế nào, thăng tiến thế nào…
- Sẵn sàng về số lượng con người cần để thực hiện công việc: cần bao nhiêu người, tuyển dụng thế nào, quảng bá hình ảnh công ty thế nào, thu hút ứng viên thế nào, nhận hồ sơ và phỏng vấn thế nào
- Sẵn sàng về khả năng thực hiện công việc hiện tại và tương lai: đào tạo phát triển thế nào, tổ chức việc học hỏi trong tổ chức ra sao
- Sẵn sàng về môi trường làm việc vui vẻ, giúp nhân viên phát triển khả năng của mình: cách mọi người tương tác trong công ty thế nào, dựa trên chuẩn gì, những chuẩn đó được xây dựng và truyền thông thế nào cho mọi người hiểu và tuân theo
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
- Mình học Ngoại Thương vì được tuyển thẳng từ năm 11, do đạt giải quốc gia môn tiếng Anh. Năm đó, mình cũng đậu Á Khoa bên Xây Dựng của Bách Khoa. Nhưng từ đầu xác định thi Bách Khoa là để thử sức thôi, xem coi trong 1 năm mà chuyển từ chuyên ban D sang chuyên ban A thì có học nổi không, kết quả không chỉ học nổi mà còn học giỏi, thi được 27/30 điểm cho 3 môn. Sau đó chọn học Ngoại Thương vì nghe nói học xong ra có việc làm ổn định, làm với nước ngoài để cơ hội đi nước ngoài cũng nhiều 🙂 Từ nhỏ mình đã tự định hướng cho bản thân rồi, ba mẹ cũng tôn trọng quyết định của mình chứ không can thiệp. Mà trước khi quyết định thì cũng may là được nhiều thầy cô thương nên có được thông tin các anh chị cựu học sinh đang học ở Ngoại Thương và đã ra trường… để mình gọi điện thoại tham khảo ý kiến. Từ đó, mình an tâm hơn khi ra quyết định.
- Trong quá trình học đại học, dù không phải áp lực đi làm vì khó khăn tài chính do ba mẹ vẫn có thể chu cấp tạm đủ, nhưng từ năm 1 đại học mình đã đi làm để cho bản thân được năng động hơn. Bước vào Ngoại Thương, nhìn quanh thấy các bạn đều giỏi và nói tiếng Anh hay, mình thì dân ở tỉnh, dù có giải quốc gia nhưng vẫn giỏi Đọc Viết hơn là Nghe Nói. Thế là mình chọn việc “bán tour cho khách nước ngoài” ở phố Tây ba lô Bùi Viện để rèn tiếng Anh. Sau đó mình làm tour guide cho các tour ngắn ngày về miền Tây. Nhờ đó mình mạnh dạn giao tiếp bằng tiếng Anh và ngày càng tự tin.
- Năm 2 mình có tham gia 1 chương trình giao lưu văn hóa với 1 đoàn sinh viên Mỹ, trong 3 tháng, tại TP.HCM và Bến Tre. Mình được chuyển vào sống trong khu ký túc xá của các bạn Mỹ ở TP.HCM và Bến Tre và nhờ đó được sống và cảm văn hóa Mỹ cũng như rèn luyện tiếng Anh thêm nữa. Mỗi tháng còn có lương 30 USD.
- Tổng cộng 4 năm đại học, mình tham gia rất nhiều hội nhóm trong và ngoài trường, làm tổng cộng 14 công việc khác nhau và tự chủ toàn bộ chi phí cho bản thân không cần nhờ ba mẹ.
- Năm 3 đại học mình bắt đầu dịch sách và có hơn 20 quyển đã dịch và xuất bản tính đến bây giờ.
- Năm 4 đại học thì mình bắt đầu đi phiên dịch và viết báo cho Nhịp Cầu Đầu Tư và Doanh Nhân Sài Gòn. Có những số mình có đến 5 bài được đăng. Chỉ riêng tiền nhuận bút đã bằng tiền lương của 1 công việc full time ở công ty đa quốc gia khi đó.
- Việc dịch và viết báo giúp mình học lại … TIẾNG VIỆT. Học về giao tiếp bằng hình thức viết lách. Học về tư duy trình bày văn bản. Học rất nhiều về xu hướng mới trong kinh doanh không chỉ ở Việt Nam mà còn ở thế giới.
- Ngoài ra, trong quá trình làm việc sau này, mình còn tự học dịch cabin và đã tích lũy hơn 100 giờ dịch cabin chính thức cho các hội thảo quốc tế về chủ đề năng lực lãnh đạo, nhân sự toàn cầu, quản trị chiến lược
- Sau khi tốt nghiệp, mình làm nghề kinh doanh như mặc định thông thường của dân Ngoại Thương, và công ty đầu tiên mình làm là tiền thân của Willis Towers Watson Vietnam ngày nay. Tại đây, mình được hình thành 1 chuẩn quốc tế về cách làm nhân sự và đào tạo.
- Sau đó, theo tiếng gọi của đồng tiền, mình về làm nghề “dầu khí” để tận hưởng rất nhiều phúc lợi và sự xa hoa vật chất. Một năm mình có thể nhận hơn 20 tháng lương là bình thường, chưa kể những công việc làm thêm như phiên dịch và viết báo… khiến cho mình có thu nhập rất cao và đủ tích lũy để nhanh chóng mua được nhà ở Sài Gòn đắt đỏ.
- Trong thời gian này, mình được may mắn học thiền và nhờ những hệ thống câu hỏi và bài tập giúp mình “quay về bên trong” rất nhiều, mình dần có những điều “ngộ ra” về con đường mà bản thân muốn theo đuổi. Đó là nghề nhân sự, giúp phát triển con người, hay nói cách khác là giúp con người “giác ngộ” những điều tốt đẹp, nhưng trước là bản thân phải “giác ngộ” cái đã.
- Thế là bỏ dầu khí sau khoảng 3 năm gắn bó, về cùng các bạn trong lớp thiền khởi nghiệp, nhưng bỏ cuộc sau gần 1 năm vì chưa biết cách làm. Nhưng vẫn nung nấu không thôi ước mơ này.
- Sau đó làm freelancer về dịch thuật cho các hãng tư vấn lớn để học hỏi.
- Sau gần 1 năm làm freelancer, rốt cuộc có cơ duyên để làm “phát triển con người” trong vai trò điều phối dự án IPL của PACE và sau là làm ban chuyên môn của PACE. 5 năm tại PACE, mình được học rất nhiều giải pháp phát triển con người của quốc tế và cũng được thi thố, công nhận là chuyên gia về Nhân sự, Quản trị Chiến lược, và Phát triển năng lực lãnh đạo của các tổ chức uy tín như SHRM, Balanced Scorecard Institute, FranklinCovey.
- Cũng trong thời gian tại PACE, mình tự học và mày mò để sau này trở thành giảng viên toàn cầu của chương trình Search Inside Yourself.
- Nhờ những nền tảng học được từ thiền mà mình dễ dàng tiêu hóa và hệ thống hóa các khóa học này để vừa không bị ngộ chữ, vừa biến nó thành những cách tiếp cận rất riêng của bản thân.
- Sau thời gian ở PACE, mình nhận thấy nếu chỉ dừng ở biết kiến thức và “talk talk” thôi thì không đủ, mà phải có thực hành. Do đó, mình chuyển vào làm HR nội bộ trong doanh nghiệp từ 2016 đến nay, cũng được 5 năm.
- Trong 5 năm tại công ty hiện tại, mình tự học nghề nhân sự từ đầu, kể cả những việc về pháp luật lao động, lương thưởng chế độ… rồi từ từ quản lý toàn bộ các mảng nhân sự của công ty trên cả nước, và có giai đoạn ngắn khoảng 1 năm phụ trách mảng Đào tạo Phát triển cho 12 nước trong tập đoàn ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
- Nếu được chọn lại, mình nghĩ không cần phải chọn lại, vì đơn giản là cơ hội nào đến với mình thì cứ làm tốt nhất có thể, hãy quên bản thân để cống hiến thì ông trời sẽ “đãi” bạn.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Thời gian làm việc chính thức là thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, 8h30-17h30.Nhưng thời gian làm việc thật ra là từ 5h sáng đến 9h tối vì tính cả những thời gian tự học, tự tìm tòi nhằm phát triển công việc | |
5h | Thức dậy, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, thể dục, thiền |
6h | Nghiên cứu các xu hướng mới mà bản thân quan tâm: wellbeing (hạnh phúc, khỏe mạnh), future of work… |
7h30 | Ra khỏi nhà, ăn sáng, đi làm |
8h30 | Đến chỗ làm, xem danh sách email, công việc, lịch họp… lập danh sách các công việc ưu tiên trong ngày |
9h-11h | Ưu tiên làm những việc khó và quan trọng trước |
11h-12h | Cập nhật với nhóm/ phòng ban |
12h-13h30 | Ăn trưa với đồng nghiệp và thiền tại văn phòng |
13h30-15h | Ưu tiên cho các cuộc họp |
15h-17h | Ưu tiên làm những việc quan trọng |
17h-18h | Xem lại 1 ngày làm việc, ưu tiên nghiên cứu học hỏi các vấn đề liên quan công việc |
18h-21h | Thời gian dành cho bữa cơm gia đình, thời gian chơi với con |
Sau 21h | Thời gian đọc, học hỏi thêm, thiền. Sau đó đi ngủ. |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Công việc đối nhân xử thế giúp phát triển khả năng giải quyết vấn đề của bản thân, cũng như giúp người xung quanh phát triển nhận thức.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Chuyện gì cũng là thử thách, nên không có chuyện không thích mà chỉ là chưa tìm ra cách giải quyết thôi.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Công thức T – L – B – I
- T = Technical knowledge: làm HR phải giỏi chuyên môn nhân sự trước đã
- L = Leadership: khả năng lãnh đạo bản thân, tự tìm tòi học hỏi, tự định hướng
- B = hiểu về Business của những bên làm chung với mình, nếu là sales thì vấn đề của họ là gì, nếu là sản xuất thì vấn đề là gì, nếu là kế toán thì vấn đề là gì…
- I = Interpersonal skills, biết giải pháp rồi thì phải có khả năng hợp tác với người khác để thực thi giải pháp
Nhìn chung, “tự thân, tự lập, tự cường” và “hợp tác” là mấu chốt.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Làm nhân sự = thích làm việc với con người → không đủ. Phải giỏi làm với số, phải giỏi nghĩ chiến lược, phải giỏi nhìn xa trông rộng nữa
- Làm nhân sự = hiền lành, hòa nhã → sai, nhân sự đôi khi rất cứng, đầu lạnh, tim nóng, để làm chỗ dựa cho rất nhiều bên và hài hòa nhu cầu của rất nhiều bên
- Làm nhân sự = phát lương → sai, việc làm lương chỉ chiếm chưa đến 10% khối lượng công việc, 90% còn lại là tạo một môi trường mà sẵn sàng để nguồn nhân lực phát triển, để tổ chức có sẵn nguồn nhân tài cho chiến lược kinh doanh của mình.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Dư sức. Nếu từ những năm sinh viên em đã có những kinh nghiệm “gián tiếp” về nhân sự thông qua các kỳ thực tập, công việc làm đội nhóm câu lạc bộ, các cuộc thi… thì em hoàn toàn có thể làm nhân sự ở các công ty lớn.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Nhân sự là nghề “phát triển con người”, cho nên không ai làm nhân sự thành công mà không phát triển bản thân mình trước. Mà để phát triển bản thân mình, không thể thành công nếu không biết tự học.
Xem thêm buổi trò chuyện tại đây:
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.