Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 45
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 21 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại Học, chuyên ngành điện tử
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Kỹ sư điện tử
- Số giờ làm hằng tuần: trên 60 giờ/tuần.
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty nước ngoài (của Mỹ) tại VN, quy mô trên 1000 nhân viên.
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Trách nhiệm chính của tôi là:
- Quản lý bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) với hơn 80 kỹ sư và kỹ thuật viên được triển khai trong bảy nhóm: Thiết kế phần cứng, Thiết kế chip, Thiết kế phần dẻo, Phần mềm (phần mềm ứng dụng, ứng dụng cho thiết bị di động, Web), Máy học/Trí tuệ nhân tạo, Cơ khí và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
- Tìm hiểu xem công nghệ mới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh và áp dụng công nghệ để tạo ra thế mạnh cho công ty.
- Nghiên cứu các dự án mới và mang công nghệ mới đến cho công ty.
- Phân tích hệ thống và kiến trúc cho các sản phẩm mới.
- Chỉ đạo và điều phối các hoạt động kỹ thuật liên quan đến phát triển, mua hàng, lắp đặt và sản xuất sản phẩm.
- Phân tích dữ liệu và chuẩn bị các báo cáo kỹ thuật để nhân viên kỹ thuật thiết kế và ban quản lý sử dụng.
- Tuyển dụng và quản lý nhân tài.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: làm việc trong một công ty của Mỹ, họ ít nói gì nhiều về văn hóa của doanh nghiệp mà chỉ chú trọng đến hiệu quả công việc và làm thế nào để khách hàng hài lòng. Trong lĩnh vực liên quan đến nghiên cứu và phát triển (R&D), nhân viên luôn phải hiểu rằng làm việc không theo thời gian (hết giờ là về) mà phải hoàn thành công việc được giao theo đúng tiến độ hoặc đúng cam kết với khách hàng.
Một số nguyên tắc khi làm việc:
- Làm việc phải có kế hoạch cụ thể (việc giao cho ai, khi nào thì hoàn thành).
- Cập nhật tiến độ hàng ngày.
- Phải làm việc theo quy trình (quy trình thiết kế, quy trình kiểm tra, quy trình sửa lỗi…)
- Thông tin liên lạc cần thông suốt với nhau (kể cả chuyện không tốt) để mọi người cùng hiểu một vấn đề như nhau và cùng tìm cách giải quyết nếu có trở ngại.
- Khi có một yêu cầu, cần phải phản hồi lại trong thời gian nhanh nhất có thể.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Từ khi còn nhỏ, đã thích về danh xưng “kỹ sư điện tử”, có lẽ do đây là một ngành mới, hiện đại, phi truyền thống. Khi học cấp 3, tôi quyết tâm theo ngành này cho dù hiểu biết về ngành nghề này còn khá mơ hồ và không biết ứng dụng thực tế như thế nào. Bản thân tôi tự quyết định và cũng may mắn là được gia đình ủng hộ.
Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc cho một công ty về viễn thông triển khai hệ thống thông tin liên lạc tại các giàn khoan ở Vũng Tàu. Cảm thấy công việc này không phù hợp, sau đó tôi xin vào các công ty nước ngoài chuyên về thiết kế sản phẩm điện tử và làm công việc này cho đến ngày hôm nay,
Nếu được chọn lại, tôi vẫn tiếp tục nghề này vì cảm thấy công việc phù hợp với tính cách. Công việc đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy và nghiên cứu, không phải giao tiếp nhiều với nhiều người, không phải trực tiếp chiều chuộng khách hàng, hoặc phải quan hệ với cơ quan công quyền.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
6:00 – 6:30 | Rời nhà đi làm. |
6:30 – 7:00 | Đọc email của khách hàng để nắm tình hình và trả lời (nếu cần thiết) |
7:00 – 8:00 | Đọc các báo cáo về tình hình dự án. Xem kế hoạch và tiến độ của các dự án. |
8:00 – 11:00 | Giải quyết các khó khăn vướng mắc trong dự án. |
11:00 – 11:30 | Họp với CEO, họp với khách hàng |
12:30 – 4:30 | Đọc tài liệu, nghiên cứu. |
4:30 – 5:30 | Làm báo cáo |
Ghi chú: | Làm 5 ngày/tuần. Tùy theo công việc có thể làm hoặc không làm ngày thứ 7. Thời gian làm việc thay đổi nếu:
|
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Vì ngành điện tử là ngành có sự thay đổi nhanh nhất hiện nay (ví dụ: mỗi tuần đều có thể có một loại điện thoại mới ra đời, mỗi giờ mỗi phút đều có những phát minh sáng chế, hãng này cạnh tranh hãng kia, công nghệ luôn thay đổi…) và rất cạnh tranh (có thể thấy sự ganh đua giữa các hãng như Apple/Samsung/Huawei về điện thoại di động, giữa Nokia/Huawei/Ericsson về mạng di động, Intel/ARM/AMD về vi xử lý…). Do đó, công việc luôn luôn biến đổi và không có sự nhàm chán; đòi hỏi mình phải vận dụng đầu óc trí não mỗi ngày.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
- Thời gian bó buộc vì đang làm dự án không thể nghỉ ngang. Dành nhiều thời gian cho công việc khi dự án bị trễ hẹn..
- Áp lực rất nhiều khi công việc không có đường ra (thường khi bắt đầu dự án), hoặc khi máy móc bị sự cố nơi khách hàng cần phải khắc phục sửa chữa trong một thời gian rất ngắn.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Bằng cấp cần phải có: tốt nghiệp các ngành về điện tử, máy tính, cơ điện tử, vật lý, viễn thông… là có thể theo nghề này.
- Giỏi về toán, vật lý, logic sẽ giúp nhân viên tiến xa.
- Cần xác định mình phù hợp với nhánh nào trong mảng thiết kế điện tử (xem mục 8) rồi từ đó chuyên tâm rèn luyện và không ngừng học hỏi. Hầu hết tài liệu đều có sẵn và miễn phí trên Internet.
- Cần dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và thực hành.
- Dám đương đầu với cái mới.
- Khi bắt đầu với nghề thiết kế điện tử, đừng ham chọn một công ty lớn vì cơ hội cho người mới ở công ty lớn sẽ ít hơn ở công ty nhỏ. Trong lúc làm việc, nên chọn cấp trên có tầm nhìn hơn là chọn công ty có tiếng. Cấp trên có tầm nhìn mà nhân viên có năng lực chắc chắn sẽ tiến xa.
- Tuy làm việc tại Việt Nam nhưng suy nghĩ phải mang tính toàn cầu.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Điện tử là một ngành rất rộng. Riêng về thiết kế có các công việc: Hardware design, Firmware design, Logic Design, Chip Design, Cơ Điện Tử. Do đó cần phải xác định mình thích và phù hợp với công việc nào thì đi về hướng đó.
- Đa phần mọi người đều nghĩ ở Việt Nam chỉ có lắp ráp, sửa chữa, lắp đặt… điều này chỉ đúng từ những năm 2000 trở về trước. Còn hiện nay rất nhiều công ty trong và ngoài nước đều có nhu cầu về thiết kế rất sôi động. Ví dụ: trong nước có Viettel, FPT, VSmart, BKAV. Công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có Greystone, Renesas, AMCC, ATVN, Samsung… cũng chuyên về thiết kế.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Lương bắt đầu của một kỹ sư điện tử theo ngành thiết kế vào khoảng 10 đến 12 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, bạn đủ trang trải cho bản thân và hỗ trợ một phần cho gia đình.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Muốn theo nghề thiết kế các sản phẩm điện tử, cần phải có sự đam mê và quyết tâm rất lớn. Đa phần vì thiếu kiên trì, ngại khó nên rất ít người theo được đến cùng.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.