Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 44
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: trên 15 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: đại học Australian Institute of Music, chuyên ngành kỹ thuật âm thanh.
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): hệ thống âm thanh ADAMSON, truyền dẫn hệ thống DANTE, sử dụng phần mềm SMAART
- Số giờ làm hằng tuần: tùy theo dự án và thời gian hoàn thành
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): 20 kỹ thuật viên, 5 nhân sự điều hành, Joint Stock Group (công ty cổ phần)
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Hiện tại là kỹ thuật viên âm thanh hậu kỳ (Post Audio staff). Mix (kết hợp) các nguồn âm thanh sao cho người xem lôi cuốn theo câu chuyện đang diễn ra trên màn hình. Để có được một sản phẩm chiếu ở rạp, TV, online media (truyền thông trực tuyến) … thông thường các nguồn âm thanh gồm có: âm thanh được thu ở ngoài hiện trường khi quay (Location recording), âm thanh lồng tiếng lại trong studio (Automated Dialogue Replacement); âm thanh tiếng động trong studio (Foley); âm thanh không gian (Ambience); hiệu ứng âm thanh (Sound effects) và âm nhạc. Các nguồn âm thanh cần được cân bằng với mục đích là nâng cao nội dung/thông điệp muốn truyền đạt của đạo diễn/giám đốc âm nhạc/nhà sản xuất.
Công việc ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm và văn hoá làm việc của công ty. Ngoài vấn đề kỹ thuật, tổ hình ảnh và âm thanh cần phối hợp chặt chẽ để cho ra được sản phẩm đúng theo ý muốn truyền tải của đạo diễn trong thời gian do bên sản xuất đưa ra.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Trước khi chuyên về ngành âm thanh, tôi là một nhạc công. Nhưng đam mê về kỹ thuật thu âm và canh chỉnh âm thanh là đã có từ bé. Nên đến khi có đủ điều kiện thì quyết định đăng ký để được đào tạo chuyên ngành. Sau khi tốt nghiệp, tôi được mở ra rất nhiều lựa chọn để đi theo chuyên ngành. Bắt đầu là Kỹ thuật viên trong phòng thu (Studio Audio Engineer); sau đó chuyển sang Kỹ thuật viên cho phát sóng trực tiếp (Live Broadcast Audio Engineer), và thời gian gần đây thì tôi đang muốn tìm hiểu và phát triển bên lĩnh vực âm thanh hậu kỳ (Post Audio/Sound Design). Song song đó, tôi có được cơ hội để làm rất nhiều dự án liên quan tới âm thanh như Concert Show (buổi hòa nhạc), Orchestral Recording (thu âm dàn nhạc giao hưởng), Project Audio Supervisor (giám sát dự án âm thanh).
Nếu được chọn lại, mình sẽ thi vào đại học và bắt đầu theo chuyên ngành kỹ thuật âm thanh sớm hơn. Còn nhiều nhánh về âm thanh thích hợp cho giới trẻ và ít ràng buộc trong cuộc sống hơn mà tôi muốn trải nghiệm, ví dụ như thu âm thiên nhiên (Wild Life Recording), âm thanh tiền kỳ (Location Recording), Chuyên viên hệ thống âm thanh (System Engineer).
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
08:00 – … | Lên dự đoán và theo dõi tiến độ công việc, những gì cần phải giải quyết trong ngày. Nếu như chất lượng 80% nhưng đúng thời gian thì sẽ tốt hơn là 90% chất lượng nhưng trễ deadline. |
Sau mỗi 1 giờ trong phòng làm việc, cần có 15 phút để thính giác được quân bình lại. | |
Như hầu hết các công việc giải trí khác, đôi khi không có gì làm vài tháng, nhưng có thể làm 12 giờ một ngày trong vài tháng liên tục cho tới khi hoàn thành dự án. |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Lúc nào cũng có thử thách mới để tìm tòi, học hỏi và sáng tạo. Công việc không chỉ dừng lại ở mức độ làm đúng kỹ thuật, nhưng nếu muốn thành một kỹ sư âm thanh giỏi, nó đòi hỏi rất nhiều sáng tạo và nhạy bén trong công việc. Tuy không phải là người tạo ra nội dung, nhưng kỹ sư giỏi phải biết sử dụng kỹ thuật và sáng tạo để truyền tải nội dung một cách hợp lý nhất theo ý tác giả. Đó cũng là lý do các đạo diễn hay nhà sản xuất thường có ekip riêng. Nó là sự tin tưởng về chất lượng sản phẩm và tiến độ công việc.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Làm việc với những đội sản xuất ít kinh nghiệm và ít chuyên môn với những đòi hỏi chất lượng và thời gian không hợp lý.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Cần nắm vững kiến thức cơ bản về âm thanh vật lý, điện (analogue audio) cũng như kỹ thuật số (digital audio) để có thể phân tích và tìm phương án khắc phục tối ưu. Điều này không những giúp bạn phát triển bản thân mà quan trọng hơn là sự tin tưởng của đối tác. Cũng như các ngành kỹ thuật khác, có rất nhiều thông tin trên mạng Internet để học hỏi nên ngoại ngữ (tiếng Anh) cũng là một yếu tố quan trọng giúp bạn tiến nhanh hơn. Là một phần của dự án, nên kỹ thuật viên âm thanh cần có khả năng giao tiếp (communication skill) với các bộ phận khác.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Rất nhiều người khi nghe “kỹ thuật viên âm thanh” là nghĩ tới loa HIFI trong phòng khách hay hệ thống KARAOKE. Đơn giản vì đó là nơi người nghe cảm nhận được sản phẩm của mình làm ra, còn quá trình hay cách làm ra sản phẩm đó, thì hầu hết mọi người hiểu rất trừu tượng.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Cũng như các ngành kỹ thuật khác, cần thời gian để chứng minh khả năng. Nhưng nếu căn bản âm thanh vững, bạn sẽ có nhiều cơ hội và phát triển nhanh hơn các bạn khác và chắc chắn sẽ tự nuôi được bản thân.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Ngành âm thanh thì rất rộng và nhiều nhánh. Nên nó cũng cho ta nhiều lựa chọn để thay đổi tùy theo hoàn cảnh và cách sống theo từng giai đoạn trong cuộc sống. Như tôi, thích du lịch và trải nghiệm, chỉ cần mất vài tháng để làm quen và kết nối với thành phố mới, sau đó mình có thể tự nuôi sống mình bằng nghề. Nhìn chung thì âm thanh được chia làm hai ngạch lớn: một là tạo ra sản phẩm, ví dụ như album nhạc, âm thanh phim, chương trình sân khấu, tivi…; hai là đưa các sản phẩm đó tới người nghe một cách tốt nhất, như lắp ráp hệ thống loa cho rạp phim, khu thương mại, resorts, hệ thống hi-end, rạp hát tại gia, phòng karaoke … Ngoài ra, chuyên môn về âm học như cách âm, tiêu âm, bồi âm cũng cần để cố vấn trong nhiều thiết kế ngành kiến trúc và xây dựng, giảm độ ồn, không gian yên lặng, cách âm phòng thu…
Hai yếu tố quan trọng giúp tôi có thể phát triển nhanh là vững âm thanh cơ bản và ngoại ngữ. Mỗi công việc về âm thanh đều khác nhau nên nếu căn bản không tốt, bạn sẽ phải bắt đầu từ đầu với mức lương thấp hơn. Ngoài vấn đề cần ngoại ngữ để cập nhật thông tin và nâng cấp tay nghề, ngoại ngữ tốt giúp bạn giao lưu với các đồng nghiệp nước ngoài. Nhiều lễ hội âm nhạc yêu cầu nhóm âm thanh phải trao đổi được bằng tiếng Anh. Tôi hay làm thông dịch viên cho nhiều chương trình tập huấn của một số công ty âm thanh nước ngoài mỗi khi giới thiệu sản phẩm hay hướng dẫn kỹ thuật mới. Họ cần người biết từ ngữ và vững khái niệm chuyên môn để thông dịch.
Ở TP. Hồ Chí Minh theo tôi biết thì có hai nơi dạy và cấp chứng chỉ căn bản về âm thanh khá tốt, trường dạy nhạc M.P.U (Q.3) và Vietnam Prosound Academy (Q.10). M.P.U thì chuyên sâu hơn về phòng thu và sản xuất âm nhạc, còn Vietnam Prosound Academy thì mạnh về phần âm thanh biểu diễn (Liveshow) và lắp đặt (Installation). Hiện giờ, sách về âm thanh được phiên dịch ra tiếng Việt khá ít. Nếu được, bạn có thể bắt đầu bằng cuốn Audio Engineering 101: A Beginner’s Guide to Music Production, by Tim Dittmar.
Xem thêm về buổi trò chuyện với khách mời tại đây:
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.