Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 56
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 30 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Tốt nghiệp nghề tại trường Đại học Bách Khoa, chuyên ngành điện máy ô tô
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): không có. Thợ điện có chuyên môn riêng và thợ máy có chuyên môn riêng nhưng tôi có thể đạt được chuyên môn của cả 2.
- Số giờ làm hằng tuần: giờ làm việc tự do
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): làm việc tại ga-ra tư nhân và đơn vị sửa chữa ô tô nhà nước
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Trách nhiệm chính: Đạt được chất lượng hiệu quả. Ví dụ, khi sửa chữa xe ô tô, tôi tìm ra những chỗ hỏng của xe và khắc phục chúng, quan trọng là vị trí chỗ hỏng của chiếc xe đó sẽ không phải thay đổi hoặc sửa chữa ít nhất 1 năm sau khi tôi đã sửa nó.
Giá trị đối với khách hàng: Thay vì khách hàng phải bỏ ra 1 số tiền để mua mới cho bộ phận bị hư của chiếc xe, nhưng nếu tôi sửa chữa chúng thì khách hàng có thể tiết kiệm 1 khoảng tiền và có thể dùng bộ phận đã sửa ấy chạy thêm vài năm nữa.
Giá trị cho công ty: Đem lại sự uy tín và chất lượng cho công ty, vì tôi đã phục chế được các bộ phận bị hư của xe.
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Tôi đam mê và yêu thích ô tô. Từ đó, tôi bắt đầu nghề thợ sửa điện máy ô tô. Vì tôi nhận thấy có năng khiếu với điện máy, thích tìm tòi và sáng tạo, chế tạo những gì liên quan đến các thiết bị điện máy. Khi chế tạo và máy hoạt động tốt, tôi cảm thấy mãn nguyện với việc đó. Có thể thấy tôi rất có năng lực ở nhóm kỹ thuật của Holland.
22 tuổi, tôi bắt đầu chọn nghề điện máy ô tô để đi học nghề. Vì sao tôi chọn thời điểm năm 22 tuổi mà không phải năm 18 tuổi khi tốt nghiệp THPT là vì khi tốt nghiệp THPT tôi vừa làm rẫy, làm ruộng và vừa đi học lái tàu đường sông tại trường Trung học dạy lái tàu đường sông (tôi không nhớ rõ tên trường), nhưng kinh tế không cho phép nên tôi đã quyết định nghỉ học. Tôi vừa học vừa làm thuê và trở thành thợ đúc đồng đúc nhôm tại một nơi tư nhân. Sau đó, gặp cơ duyên anh trai tôi quen với chủ hãng sửa xe, nên giới thiệu tôi đến đó để học và làm việc. Mặc dù công việc chạy vặt nhiều nhưng tôi được va chạm với thực tế công việc sửa xe ô tô. Lúc đấy, tôi nhận ra mình muốn được học nhiều hơn về chuyên ngành này, nhưng ở đó họ không chỉ cho tôi nên tôi quyết định đi học nghề thợ sửa điện máy ô tô. Tại thời điểm đó, tôi đã có 1 chút tiền nhờ vào làm việc tại chỗ sửa xe tư nhân ấy, nên tôi vừa làm và vừa học nghề thợ sửa điện máy ô tô vào ban đêm ở trường.
Gia đình có truyền thống gói bánh tét và cũng là công việc chính để tạo ra thu nhập cho gia đình. Mặc dù, tôi không cảm thấy thích công việc này nhưng tôi vẫn luôn hỗ trợ ba mẹ.
Sau khi tốt nghiệp, tôi làm thuê cho chỗ tôi vừa học vừa làm, chính thức trở thành thợ và có lương chính thức. Ba năm sau tôi hùn vốn với 1 người bạn và tự mở tiệm làm riêng. Trong suốt 3 năm trước khi mở tiệm là tôi làm thuê, tôi thấy mình không thích làm thuê và muốn độc lập, tự chủ, không phụ thuộc, nên tôi quyết định mở tiệm riêng.
Nếu được chọn lại, tôi vẫn học và làm nghề này, nhưng nghề chính của tôi sẽ là kinh doanh về điện máy ô tô. Vì công việc kinh doanh có nhiều tiền hơn thợ sửa xe.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Công việc có thời gian tự do, linh động nhưng luôn bắt đầu từ 07:00 và kết thúc tùy vào khối lượng công việc ngày hôm đó, thời gian trễ nhất là 21:00. Hôm nào có khách thì sẽ nhận sửa, hôm nào không có thì tôi đến các chỗ ga-ra quen biết (chỗ tôi từng làm), vì họ gọi tôi đến sửa xe khách hàng cho họ. Tôi không có ngày nghỉ, vì luôn tìm kiếm công việc để làm.
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Tôi thích nền văn minh của ngành ô tô, vì nó luôn cho ra những sản phẩm mới và thay đổi cải tiến hơn.
Ví dụ: Hồi trước xe ô tô chỉ có chạy bằng xăng và dầu nhưng hiện nay đã có 1 số xe chạy bằng điện và tôi là thợ điện sửa xe ô tô nên tôi cảm thấy mình vẫn có giá trị trong ngành nghề này.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Khó trong việc tìm kiếm những phụ tùng của xe. Ở những nước phát triển, họ có những phương tiện và cộng đồng để tìm ra nơi bán, nhưng ở Việt Nam để tìm ra những bộ phận khá hiếm của xe thì phải nhờ vào sự quen biết với đồng nghiệp.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Kiến thức: có kiến thức chuyên môn, luôn trau dồi và tìm tòi, sáng tạo từ những cải tiến của các nước.
Kỹ năng: nhạy bén về nghe để phân biệt tiếng động cơ, quan sát nhanh và đánh giá tổng quát một sự vật/sự việc để biết được nguyên nhân ở đâu. Để làm được điều này, bạn phải vững về mặt lý thuyết chuyên môn.
Thái độ: làm việc hết mình.
Nên trau dồi: sự thích ứng với môi trường, va chạm nhiều với thực tế về mặt thực hành, tự học để bổ sung thêm kiến thức từ những nước phát triển về mặt sửa chữa ô tô.
Điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Vì nghề này là nghề mang tính chất đặc thù nên không có hiểu lầm gì.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Nghề thợ sửa xe đòi hỏi chuyên môn và kỹ thuật cao ở thời điểm đó. Nó có tầm nhìn mở rộng giúp phát triển bản thân và kinh tế ở lĩnh vực này.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Ngoài sự đam mê và yêu thích nghề, bạn cần phải có năng khiếu ở lĩnh vực này và cả chuyên môn lý thuyết, có sự sáng tạo và cập nhật xu hướng. Nghề sửa điện máy ô tô sẽ bị hạn chế giao tiếp vì chủ yếu là dùng tư duy logic và hành động.
Nếu bạn là nữ, hãy cân nhắc xem nữ có phù hợp với nghề sửa điện máy hay không?
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.