Thư viện “Người thật – Việc thật” là tập hợp các buổi trao đổi thực tế, những câu chuyện nghề được chia sẻ từ những khách mời đang làm về chính công việc đó. Thư viện được thu thập và sắp xếp theo các nhóm ngành nghề trên Bản đồ thế giới nghề nghiệp để các bạn có thể tham khảo được dễ dàng hơn.
Bài viết có tham khảo nội dung từ Hướng nghiệp Sông An.
Thông tin căn bản
- Tuổi: 28
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 5
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cử nhân Đại học Bách Khoa – Chuyên ngành Kỹ sư
- Số giờ làm hằng tuần: 40
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty đa quốc gia – 70 nhân viên ở Việt Nam, hàng nghìn ở khắp thế giới
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
- Phân tích ảnh hưởng của các thông số ở thực tế sản xuất đến chất lượng sản phẩm, và từ chất lượng sản phẩm để hệ thống lớn hơn sử dụng sản phẩm đó
- Tối ưu hóa thông số sản xuất để đảm bảo yêu cầu đưa ra từ kỹ sư thiết kế
- Tìm kiếm các dự án mới có thể ứng dụng những phân tích trên vào thực tế
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Sau khi tốt nghiệp, mình có thực tập và sau đó nhận được lời mời làm việc chính thức tại phòng phát triển sản phẩm của một công ty Nhật ở Hà Nội, nhưng vì quyết định chuyển nơi sinh sống nên mình đã từ chối.
Sau khi hiểu bản thân là người yêu thích cơ khí, có thiên hướng nghiên cứu, mình tìm cơ hội và nộp hồ sơ làm việc tại phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm của công ty hiện tại.
Với công việc hiện giờ, các mảng công việc kỹ thuật, nghiên cứu, tìm kiếm các dự án mới, tìm kiếm các đối tác mới đều rất phù hợp với khả năng tự nhiên và hướng phát triển của mình. Mình bắt đầu khi phòng mới được thành lập nên có rất nhiều cơ hội xây dựng từ đầu. Đó cũng là một lý do mình khá gắn bó với công việc hiện tại. Thêm đó, mình được quản lý thời gian làm việc, có thời gian để tìm hiểu các mảng khác mình yêu thích.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
8:00 – 9:00 | Đọc tin tức về thị trường xe hơi, xu hướng xe điện, trí thông minh nhân tạo – AI (artificial intelligence)… |
9:00-11:00 | Xây dựng dự án nền tảng (platform project), dự án này khá lớn và tổng quan, có thể ứng dụng trong nhiều quy trình sản xuất |
12:00-14:00 | Ứng dụng các kết quả từ dự án nền tảng vào 1 số dự án đang chạy |
14:00-15:00 | Tìm kiếm, phân tích sơ các dự án mới có thể ứng dụng dự án nền tảng |
15:00-16:30 | Tìm hiểu về AI, phân tích dữ liệu (data analysis) và tìm cách ứng dụng vào công việc/ dự án hiện tại |
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Nghiên cứu: mình có điểm mạnh về nghiên cứu sâu, tìm hiểu rõ về 1 vấn đề cụ thể và đây là điểm mấu chốt trong công việc hiện tại.
Giao tiếp với nhiều người thuộc các bộ phận khác nhau (chủ yếu là về mặt kỹ thuật): đem những nghiên cứu, tìm hiểu của mình ứng dụng vào các dự án khác nhau thực sự rất thú vị.
Theo những thông tin mình có được, khá nhiều ngành, đặc biệt là ngành ô tô đang chịu sức ép thay đổi rất lớn do ảnh hưởng của AI, ô nhiễm môi trường, vấn đề kết nối, hay nền công nghiệp 4.0. Cơ hội tham gia vào bước chuyển mình này khiến mình cảm thấy hào hứng và có động lực.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Làm việc ở một công ty lớn, tất nhiên có rất nhiều điểm tích cực, tuy nhiên sẽ rất chậm để có sự thay đổi. Dự án nền tảng mà mình trình bày ở trên đã mất nửa năm nay để có những kết quả đầu tiên với rất nhiều quy trình, thủ tục.
Đôi khi ở những công ty lớn, bạn không cần phải làm việc hết công suất, không cần xuất sắc vẫn có thể tồn tại. Điều đó dẫn đến việc nhiều khi hiệu quả làm việc trong nhóm không cao, hoặc bạn sẽ bị mất động lực phát triển.
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Kiến thức ngành rất quan trọng, cho nên lời khuyên đầu tiên là các bạn phải có định hướng nghề nghiệp phù hợp, không ở ngành “chống chỉ định”. Ví dụ như mình mạnh về kỹ thuật nghiên cứu mà lại chọn Marketing hay thương mại thì sẽ khá khó khăn.
- Các kỹ năng mà theo mình là cơ bản trong giai đoạn này: tiếng Anh và tin học. Khi đã có hai thứ cơ bản đó, cộng thêm thái độ học hỏi nữa thì các bạn có thể học bất kỳ kỹ năng nào cần thiết.
- Điều cuối cùng là bạn nên có sự hiểu biết về vị trí, khả năng của mình và người khác. Khi làm việc bạn cần khá nhiều bộ kỹ năng mà nhiều khả năng bạn chưa có hết được tất cả số đó. Do đó, bạn cần biết điểm mạnh của mình, điểm còn thiếu sót, ai là người có thể dạy bạn.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Mỗi ngành nghề ở mỗi loại tổ chức khác nhau sẽ khác nhau rất nhiều, không nên hiểu công việc phiến diện, thay vào đó nên có một cái nhìn tổng thể hơn, thấy cả được và mất.
Ví dụ, ở một công ty lớn, hiểu lầm thường có là công việc rập khuôn, ít có sáng tạo, ít có thay đổi, vì tất cả đã nằm trong quy trình hết rồi. Điều đó có thể đôi khi diễn ra. Nhưng mặt khác, chỉ những công ty lớn mới có thể đủ nguồn lực hỗ trợ những dự án nghiên cứu dài để có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.
Một hiểu lầm khác là trong ngành nghiên cứu, sản xuất hay cơ khí thì kỹ năng mềm (giao tiếp, thuyết trình…) là không quan trọng. Điều này hoàn toàn sai, bạn cần rất nhiều kỹ năng để có thể phát triển trong công việc. Ở vị trí hiện tại của mình, giao tiếp là một mảng lớn trong công việc.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Mình xin được trả lời ngắn là có.
Lương khởi điểm của mình khi mới ra trường là 15 triệu kèm thêm một số phúc lợi về bảo hiểm và thưởng hàng năm. Những công ty lớn thường có kế hoạch khá dài hạn, nên họ muốn giữ người càng ổn định càng tốt, nên họ sẽ cố gắng giữ lương ở mức khá, có xem xét lại lương thưởng hàng năm, đặt mục tiêu định hướng công việc cho năm tới…
Đặc biệt với thị trường ngành ô tô (automotive), thị trường châu Âu đã bão hòa, thị trường Trung Quốc rất lớn, nên những công ty lớn có xu hướng chuyển việc về châu Á khá nhiều, Việt Nam nằm trong số đó. Chưa kể Việt Nam cũng có một ngôi sao mới nổi mà rất nhiều người đang nói tới. Nếu các bạn thích ngành này và thích một công việc lương cao với áp lực rất cao, đây là một lựa chọn bạn có thể cân nhắc.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Trong ngành kỹ thuật thiên về nghiên cứu, mình nghĩ các em luôn cần chút tò mò, thích tìm hiểu một vấn đề theo nhiều khía cạnh khác nhau và không ngừng học hỏi để có cái nhìn tổng thể.
Tự học là một điều không thể thiếu. edX.org, coursera.org là 2 trang rất nổi tiếng về các khóa học online, các bạn có thể tìm thấy các khóa học thuộc bất kỳ ngành nào, do các trường đại học danh tiếng biên soạn.
Về tin tức, mình quan tâm nhiều đến xe điện nhiều và mình thường đọc tin trên CleanTechnica (https://cleantechnica.com/), Electrek (https://electrek.co/); ArsTechnica (https://arstechnica.com/) thì chung hơn về công nghệ. Ngoài ra Vietnam Investment Review (https://www.vir.com.vn/) hay Báo Đầu Tư (https://baodautu.vn/) cũng khá hay để cập nhật kinh tế, đầu tư tại Việt Nam. Bản thân mình không phải người hay đọc tin tức nên các bạn có thể tham khảo các nguồn khác, miễn là phù hợp với các bạn.
Mình không đọc sách nhiều lắm mà thích nghe podcast hơn, đặc biệt trong lúc trên đường đi làm. Hai kênh yêu thích của mình là: “Millennial Investing by The Investors Podcast” và “AI in Industry with Daniel Faggelia”. Mình hay nhặt nhạnh được khá nhiều thứ hay ho ở đó.
Bài viết nằm trong chuyên mục Định hướng – Nơi giúp các bạn trẻ Tự tin định hướng nghề nghiệp, vững vàng xây dựng sự nghiệp.